Năm nay trời rét đậm. Bầu trời cứ xám xịt, mưa phùn lắc rắc bay, gió bấc tràn về làm vạn vật tê tái. Sắp Tết rồi mà không khí ảm đạm quá. Nước nông giang đã về cho mọi người tháo nước đổ ải. Rét tê tái nhưng trên cánh đồng vẫn nhộn nhịp. Trên từng thửa ruộng, một người một trâu bì bõm bừa đất. Trâu được quấn quanh mình tấm áo đan bằng toóc (rạ) nếp. Người thì khoác áo tơi, đội nón cời. Tiếng vắt, rì vang lên trong cái lạnh cắt da, cắt thịt. Bên cạnh là thửa ruộng gieo mạ. Những tấm liếp được che chắn gió lùa. Các mẹ, các chị và lũ trẻ nhỏ xúm xít ngồi “chiếc má” (nhổ mạ). Trên bờ, từng đống trấu được đốt lên cho xua tan bớt cái giá rét. Những thân người run lập cập, những bàn tay tím đỏ cứng ngắc.

Ảnh minh họa, nguồn: binhdien.com

   Năm nay xã Yên Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) của nó thí điểm một số nhà gieo mạ sân. Nhà nó cũng chở bùn về, trộn với phân chuồng hoai mục rồi đổ ra góc sân làm thành luống gieo mạ. Những thân mạ này có vẻ khỏe mạnh hơn mạ gieo ở ruộng. Tới lúc cấy, chỉ việc lấy xẻng xúc cả tảng mạ, đặt lên xe cải tiến chở ra ruộng và tách từng miếng mạ nhỏ đặt xuống ruộng. Như vậy, thân mạ sẽ có sức chống chọi với giá rét hơn theo lối gieo cấy truyền thống. Có nhà đã xuống đồng đi cấy. Những gánh phân chuồng hoai mục được vãi ra khắp ruộng. Từng đon mạ được ném xuống. Sục bàn chân xuống bùn mà rùng mình. Cái lạnh buốt tận tim gan. Dù vậy, ai cũng hối hả, vội vàng cho xong việc để còn đón Tết.

   Hôm nay, hợp tác xã gạn ao bắt cá. Nước ao đã được tháo ra từ mấy hôm rồi nên giờ chỉ còn xăm xắp mặt bùn. Mấy thanh niên trai tráng được phân công quây lưới, kéo cá. Đằm mình dưới lớp bùn giá lạnh, tay kéo mẻ lưới trĩu nặng, hàm răng trắng lấp lóa trên khuôn mặt lấm lem bùn. Những chú cá quẫy lung tung tìm đường thoát ra khỏi lưới. Từng mẻ cá được kéo lên, đổ thành đống trên bờ rồi mau chóng được phân loại, chia cho từng hộ theo danh sách. Tiếng ỉ ôi, mè nheo và cả cãi nhau ỏm tỏi. Trẻ con xúm xít trên bờ xem kéo lưới. Các mẹ, các chị sau khi nhận phần của nhà mình thì vội vã về nhà chế biến luôn cho tươi.

   Trời rét quá nên có mấy con trâu già, yếu không thọ được. Hợp tác xã quyết định mổ, chia thịt cho xã viên. Đúng là ồn ào như đám mổ trâu, mổ bò. Người lớn oang oang bình luận, trẻ nhỏ luồn dưới chân người lớn để vào xem chia thịt, đến cả lũ chó trong làng cũng le ve bên ngoài để rình cướp thịt vụn. Ai cũng hồ hởi khi nghĩ đến bữa ăn tươi sau bao ngày kham khổ. Bà nội nó cho từng tảng thịt trâu đã ướp gia giảm vào cái nồi bẩy, giục nó đi hái ít lá bưởi cho vào và chặt tàu lá chuối bịt miệng nồi nữa. Nồi thịt được vùi trấu, bung qua đêm. Một mùi thơm ngào ngạt, điếc mũi làm ai cũng phải tứa nước miếng.

   Chợ Lường nằm bên bờ sông Lam. Sản vật miền ngược như lá dong, chè xanh, chổi dành dành, măng, miến, mộc nhĩ, đu đủ, chuối… chất đầy một góc chợ. Cá, tôm… miền biển cũng ngược dòng về tràn lan… Nó len lỏi đi chợ. Sà vào chọn mua trăm lá dong cùng mấy ống giang, chọn mua ít hoa quả để bày mâm ngũ quả. Ghé hàng hoa giấy mua ít cành về thay cho bình hoa năm trước đã bạc màu, vào hàng quần áo mua cho em tấm áo mới… Vậy mà cũng hết sạch tiền thúng gạo nó đưa đi bán. Chắc mai lại phải bán thêm thúng gạo nữa mới đủ sắm Tết. Người mua, kẻ bán nhộn nhịp. Nhìn nét mặt ai cũng hồ hởi.

   Công việc đồng áng đã tạm ổn. Còn đôi nhà đang dồn nhân lực để cấy cho xong trước Tết. Chiều về, người chẻ lạt, rửa lá dong, ngâm đỗ nếp; người quét dọn, trang trí nhà cửa. Bố và em trai của nó đi chặt tre về làm cây nêu. Một thân tre hóp thẳng đứng, vẫn để lá xanh trên ngọn và được buộc thêm những mảnh vải ngũ sắc, treo thêm cái chuông gió, cuối cùng treo lá quốc kỳ lên. Cây nêu được dựng trước cổng, khi có gió, tiếng chuông kêu lanh canh rất vui tai, lá cờ cùng những tua vải bay phần phật.

   Năm nay nhà nó đụng lợn với nhà bác Thụ, bác Nhị. Con lợn hơn năm chục cân của nhà bác Thụ. Bà nó nhẩm tính chế biến các món ngày Tết. Tối đến, cả làng thình thịch tiếng giã bột để làm bánh. Gạo nếp được ngâm kỹ, vớt ra để ráo. Chị em nó cho vào cối giẫm giã, rây. Lụi cụi mãi khuya mới xong mẻ bột. Cái này để bà làm bánh ngào, bánh ngũ sắc và bánh chầm pù. Còn phải rang nổ và bột nếp để làm bánh tổ ong nữa.

Cả gia đình cùng nhau gói và nấu bánh Tết. Ảnh nguồn: nguoi-viet.com

   Ngày Hai chín Tết, cả nhà xúm xít vào gói bánh chưng. Người lau lá, tước lá. Bố ngồi gói bánh. Con em út cứ xán vào đòi bố gói cho cái bánh cóc. Những chiếc bánh vuông chằn chặn hiện ra, xếp ba hàng trước mặt bố. Còn một ít nếp, bố gói thành hai cái bánh cóc cho hai đứa nhỏ. Sáng mai, hai đứa sẽ được đeo hai cái bánh trước ngực chạy đi khoe khắp làng cho xem. Bên bếp lửa hồng, ông và bố thay phiên nhau canh lửa cho đều kẻo bánh bị hấy. Mẹ đặt bên cạnh một nồi nước lá mùi già rồi tự tay tắm tất niên cho từng đứa con. Một mùi thơm thoang thoảng để đi xa ai cũng nhớ về.

Buổi chiều trời đã tạnh mưa, nhưng vẫn âm u lắm. Quanh làng đã đì đẹt tiếng pháo tép. Không khí Tết đã tràn ngập khắp nơi. Nhà nào chưa cấy xong cũng để đó ra Giêng cấy tiếp. Thanh niên trai tráng rủ nhau vào nghĩa trang dọn dẹp mộ phần, thắp hương mời gia tiên về nhà ăn Tết.

   Trưa Ba mươi, đại gia đình quây quần bên mâm cỗ tất niên. Tiếng pháo tép đì đẹt khắp làng, trẻ nhỏ tưng bừng chạy khắp xóm. Tối Ba mươi, tiếng trống dồn dập nơi nhà thờ họ giục con cháu mau tới bái tổ. Bác trưởng họ trịnh trọng đọc bài diễn văn. Con cháu trong họ được dịp gặp gỡ, hàn huyên sau một năm vất vả mưu sinh. Trời rét nhưng cảm thấy ấm lòng khi được hòa mình trong tình thân ái.

   Ở quê có tục lệ gánh mâm cỗ đến nhà bác trưởng chi. Nhà bác ở tận trong rú, đi qua đoạn đường cái, rồi tới cánh đồng mênh mông, qua cây cầu bắc ngang sông đào, tới một làng nhỏ rồi mới đến nhà bác. Hôm qua trời đã tạnh mưa mà sáng nay lại lắc rắc. Bà cháu lụi cụi từ sáng sớm để chuẩn bị mâm cỗ. Tính bà cầu kỳ lắm. Mâm cỗ cứ phải đủ sáu bát, tám đĩa và xếp chồng hai lớp. Nào canh măng mọc, miến. Nào bát thịt đông, đĩa cá kho mật. Nào bánh ngũ sắc, bánh tổ ong. Rồi đĩa giò thủ, giò lụa… Vì vậy, dù dậy sớm nhưng hơn mười giờ nó mới gánh cỗ đi được. Cỗ được san đều ra hai mâm cho vào thúng, đậy lồng bàn. Nó nhẹ nhàng gánh đi. Dọc đường, gặp nhiều người cũng gánh cỗ ngược xuôi. Người trong rú gánh cỗ ra ngoài xã, người ngoài xã gánh cỗ vô trong. Tiếng chào hỏi râm ran cả làng quê. Trời đã hửng nắng nhưng đường còn trơn lắm. Con đường đất đỏ vồng sống trâu trơn như đổ mỡ. Nó bấm chặt ngón chân, dò dẫm từng bước. Bỗng oạch một cái, thôi rồi! Nó dỗ mông xuống đất, mâm cỗ loảng xoảng. Hoảng hồn, nó vội vã giở lồng bàn ra xem. Phải quay về nhà để sắp mâm khác. May là chỉ phải bổ sung một số món thôi. Lần này, nó cố gắng cẩn thận hơn. Vào tới nơi cũng vừa tới giờ mời các cụ về xơi cơm.

   Buổi chiều, đường làng nhộn nhịp người đi chúc Tết. Tiếng pháo vẫn râm ran. Trẻ con xúng xính trong bộ quần áo mới, tay cầm bao lì xì đỏ chót. Người già bỏm bẻm nhai trầu. Lớp nam thanh, nữ tú kéo nhau từng đoàn vào từng nhà chúc Tết. Trên bàn nhà ai cũng bày một đĩa bánh tổ ong và một đĩa trầu têm cánh phượng. Nước chè chát rót ra vàng sánh. Ai cũng lo đi chúc Tết vòng quanh hết lượt để ngày mai còn đi hội.

Chơi đánh đu ngày Tết. Ảnh nguồn: backan.gov.vn

   Giữa thửa ruộng chờ trồng màu, người ta đã dựng lên một cây đu tiên. Sáu thân tre to cao vút được buộc chéo lại và trên đỉnh được nối với nhau bằng một thân tre nằm ngang. Gióng đu được làm bằng hai thân tre đực. Tất cả được liên kết với nhau rất chắc chắn. Từng đôi nam nữ rủ nhau lên đánh đu. Một người đứng dưới lấy đà đẩy cho đu bay, khi đu đã lên tới tầm cao vừa phải thì hai người chơi đu tự nhún, đẩy nhịp nhàng. Vòng người đứng xem chỉ trỏ, hò reo không ngớt. Ở một góc ruộng khác đang diễn ra hội cờ người. Những cô bé, cậu bé được gắn một lá cờ trên lưng tượng trưng cho một quân cờ. Hai cờ thủ mặc quần áo sặc sỡ, cầm cờ đi tới đi lui giữa đám quân cờ của mình. Gặp nước cờ nào ưng ý liền phất cờ, miệng hô di chuyển quân đi theo hướng đã định. Tiếng trống thúc liên hồi, rộn rã. Một dãy bàn ghế được bày ra cho các cụ cao cờ ngồi bình luận. Mỗi khi một nước cờ hay xuất trận, tiếng ồ lên vang dội. Trẻ em thì thích chơi bập bênh quay. Một thân tre được giữ thăng bằng trên một trụ cao gần một mét. Hai đầu cây tre được đóng thanh gỗ làm tay vịn. Hai trẻ ngồi hai đầu bập bênh, chân nhún nhảy nhịp nhàng xoay vòng. Nhiều trẻ chơi quá cho nên đất dưới chân tạo thành một hình tròn. Không kém phần hấp dẫn là trò đi cầu kiều. Một cây tre được buộc lủng lẳng một đầu cao hơn mặt đất khoảng một mét, đầu kia nằm dưới đất. Người chơi đi chân đất, giữ thăng bằng đi trên cầu. Khi tới cuối cầu thì cầm gậy đập cho vỡ cái niêu đất treo đằng trước. Trò chơi tưởng dễ nhưng không hề dễ tý nào. Cầu cứ đung đưa làm bao người ngã nhào, đem lại những tràng cười sảng khoái.

Rời lễ hội trong niềm vui phơi phới. Mắt môi ai cũng lúng liếng nụ cười. Mưa Xuân bay bay vờn trên mái tóc. Sắc Xuân bừng sáng trên khuôn mặt mọi người. Chào năm mới với bao niềm hứng khởi. Ngày mai hết Tết, một số nhà lại kéo nhau ra đồng cấy nốt. Những người con đi xa lập nghiệp lại chuẩn bị lên đường đi làm, hẹn đến Tết lại về sum họp gia đình.

Hoàng Thị Tuấn Hương

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 20, phát hành tháng 1/2022)