Tôi là một con chó già may mắn.

Bà chủ bắt tôi về nhà bà trong một ngày mưa. Tôi đang rúc giữa các anh chị em thật ấm áp, rít lấy rít để dòng sữa ngọt của mẹ tôi thì bị những móng tay sơn đỏ chót của bà ấy bấu lấy, nhấc lên. Mắt tôi còn lèm nhèm chưa mở hết, chỉ thấy bàn tay nần nẫn trắng nhởn, lấp lánh đầy nhẫn kim cương vạch vòi từng tí trên cơ thể tôi. Lạnh! Tôi muốn gào lên để ông chủ của mẹ cứu tôi, trả tôi về bụng mẹ ấm áp, nhưng ông ta cứ bô bô về nguồn gốc của tôi. Nào là cha tôi thuần chủng dòng cao cấp nhất được bay từ châu Âu tới đây bằng cách đặc biệt như thế nào. Nào là mẹ tôi thuần chủng tương tự từ Bắc Kinh, trải qua mấy đời thanh lọc để có nhan sắc hiếm hoi ra sao. Nào là các lứa anh chị tôi đã xuất đi những đâu, nhan sắc họ được chuộng ra sao và sức khỏe thích nghi với con người tốt tới đâu. Tôi lạnh, đau và phẫn nộ đến mức, lần đầu tiên tôi lấy hết sức gào rống lên. Giá như tôi có thể nói tiếng con người, chắc lúc ấy họ đã nghe những tiếng chửi đầu tiên của tôi. Nhưng kì lạ thật. Họ cùng phá lên cười. Họ tán thưởng tôi vừa kêu rất to, rất khoẻ dù chỉ là những tiếng ăng ẳng uất ức. Bà chủ tôi lúc ấy mới chịu đặt tôi vào cái giỏ len sực mùi nước hoa Pháp phát buồn nôn. Bà khen tôi khỏe hơn hẳn đám anh tôi, chắc họ cũng mới bị bà nhấc lên như vậy. Những cái nhẫn của bà cà trên lớp da mới lưa thưa lông tơ khiến tôi vừa đau vừa nhột thật khó chịu. Cuối cùng, khi tôi run rẩy và gần kiệt sức thì bà ấy cũng chấp nhận mua tôi với cái giá ông chủ của mẹ đưa ra. Sau này tôi mới biết, tôi trị giá bằng lương cả năm của một nhân viên dưới quyền chồng bà.

    Làm chó, nhất là sống kiếp chó cảnh thì phải biết thích nghi thật nhanh với hoàn cảnh. Ấy là tôi đúc kết ra thế sau quãng đời thiếu nhi đầy vất vả của mình. Bài học đầu tiên tôi nhận ra là đừng ngu dại để mình quá đói. Tôi bị dứt sữa mẹ đột ngột mà không chịu bú bình, cứ nằm nghiêng trên cái giỏ thơm mùi Chanel giống trên người bà chủ mà i ỉ khóc lóc đòi mẹ. Bà chủ dỗ tôi hai lần, bảo tôi bú ngoan mau lớn bà ấy mới cưng nhưng tôi không chịu ngậm cái núm ti cao su ấy. Bực bội, bà chủ quăng bình sữa của tôi vào tường đánh bép, quát cô bếp dỗ tôi bú. Bà còn bảo, cô ấy mà không cho tôi bú được, tôi chết đói thì sẽ cắt lương cô. Cô bếp nhặt cái bình nứt lên, lau vào vạt áo rồi ôm tôi vào lòng, mắt cô nhìn tôi ướt y như mắt mẹ tôi lúc sủa chia tay vậy. Mùi cô bếp thơm quá, người cô ấm quá nên tôi quên cả giận hờn, tôi bú lấy bú để hết veo bình sữa rồi ặt ra ngủ trong lòng cô. Quá đói nên tôi đã sai lầm nhận đồ ăn từ tay cô bếp mà mất điểm với bà chủ. Sai lầm này kéo theo nhiều phiền toái mà sau này khi khôn ra, tôi phải sửa chữa đến mệt.

Minh họa: Phan Tất Lành.

    Bài học thứ hai là quá no. Vì tôi làm nư với bà chủ nên nhịn đói lâu, khi cô bếp cho bú tôi đã không kìm chế được bản thân mà bú đến mức căng đẫy, giãn cả da bụng. Hậu quả của việc sau hai bữa nốc loại sữa lạ có vị nồng nồng của loài móng guốc nào đó, tôi bị tiêu chảy nặng đến nỗi bà chủ phải đưa tôi đến cái lão bác sĩ thú y khét lẹt mùi thuốc lá. Lão ấy đặt cái ống nghe lạnh ngắt vào tôi, lúc đó đang nằm lả vì kiệt sức, phán với bà chủ rằng tôi bị đủ thể loại bệnh của loài chó quý. Bà chủ quay lưng về là lão bác sĩ quay qua cô y tá, vuốt má cô rồi phá lên cười khoái chí. Lão bảo tôi là tài lộc buổi sáng của lão. Nhờ mình tôi mà bằng lão khám cho lũ chó lèng mèng cả tuần. Cô y tá chích cho tôi một mũi đau điếng mông, rồi cho tôi uống một thìa si rô ngọt khé và xoa bụng tôi. Cô thì thầm:

– Ngủ ngoan đi bé cưng. Chúc mừng em đến với thế giới loài người. Mong là em thông minh tương đồng với nhan sắc của em để sống được một đời chó quý tộc nhé. Bà chủ em đã thay tới sáu đời chó chết trẻ rồi đó. Ở đây chôn cả. Tiên sư lũ khốn!

    Chắc cô chửi sáu con chó của bà chủ từng chết ở đây. Bụng tôi ọt ọt rồi hết đau, chắc nhờ chất si rô làm ấm bừng cả người. Sau giấc ngủ đầy thoải mái trong không gian của chó, tôi được cô y tá đút cho ăn hai cữ sữa chó mà cô vắt từ một cô chó Nhật mới nhập viện. Hôm sau thì bà chủ đến đón tôi về, trả thêm mớ tiền mua mấy hộp sữa chó mà lão bác sĩ bảo bà rằng đó mới là sữa dành cho tôi. Trận đi ỉa đó đã dạy tôi bài học lớn về no đói và sự nguy hiểm thế nào khi cô đơn sống giữa loài người. Từ hôm đó, tôi ăn ngay bất kể thứ gì bà chủ cho, dù rồi sau đó lén nhổ ra và rúc vào chân cô bếp khi cảm thấy đói.

    Trong nhà, ông chủ tôi là người lãnh đạo cao nhất, giống như đầu đàn của bọn tôi vậy. Ông có rất nhiều thủ hạ bên cạnh. Mọi lời ông nói đều là mệnh lệnh mà những ai bên cạnh đều phải tuân theo. Hàng ngày có người lái chiếc xe đen kịt, bóng láng đến đón ông đi làm, tối lại đưa ông về. Thậm chí khi ông ở nhà, rất nhiều người đến trình ông giấy tờ để ông kí tên vào rồi họ ra về rất hể hả. Hầu như ai đến tìm ông cũng mang theo quà, có khi là thùng hàng to bên trong chứa đủ thứ có mùi lạ mà tôi chẳng phân biệt được, nhưng đa phần là họ đưa ông cái bao giấy nhỏ nhỏ, nặng nặng, nồng nặc hơi tay nhiều người và mùi hăng hăng của tiền.

    Phòng làm việc tại nhà của ông nằm giữa phòng khách và phòng ăn. Ông thường ngồi trong chiếc ghế bọc da to đùng sau bàn, mặt lạnh lùng, kẻ cả, nghiêm nghị, đôi khi khó chịu quát nạt khách đến nữa. Và đặc biệt, ông chẳng bao giờ tỏ ra nhận thấy bì thư tiền cả. Đa số khách hay kẹp cái bì tiền đó giữa xấp tài liệu, hay giữa một món đồ biếu và cũng làm như không hề có chuyện đó vậy. Khách quay lưng về là thế nào ông cũng thò tay mở ngay bì thư, đếm rất nhanh số tiền nằm bên trong rồi mở cái ngăn kéo đầu tiên lấy ra một trong số những sợi dây khen khét mùi cao su bó chặt cọc tiền nặng trịch lại. Ông sẽ mở cái két sắt giấu sau khung hình viền vàng sau lưng ra, bỏ vào đó. Khung hình ấy là một ông già luôn cười, mặt hồng hào và có chòm râu rất đẹp. Mỗi lần ông chủ đẩy khung hình sang bên, bức ảnh rung rung giống người trong đó đang cười và nheo nheo mắt. Trong cái két đó, từng chồng tiền đủ màu sắc được ông phân loại ngay ngắn cứ mỗi ngày một dày lên. Đến khi nào nó hết chỗ chứa, ông lại lôi cái va li da bò cũ dưới gầm bàn ra, chất vào rồi tự ông mang ra cái xe Zace đầy bụi trong ga ra, nổ máy ùng ùng lái đi. Khi về, ông lại mang cái va li vào phòng, mở két và xếp vào đó những thỏi kim loại màu vàng bọc trong lớp nhựa trong suốt. Khi tôi đến ở nhà ông, cái két của ông đã có hơn nửa là những vỉ kim loại đó.

    Lần đầu thấy tôi thô lố mắt nhìn, ông chủ giật mình rồi hình như đang vui, ông xách đầu tôi lại bên chiếc két, bảo tôi:

– Mày ngửi đi. Đây là bí mật giữa tao và mày thôi nhé. Giao cho mày giữ nhé. Đồ bảo hiểm của ông đấy, bà mày còn chẳng biết có bao nhiêu đâu… khà khà…

    Đó là bài học thứ ba của tôi. Im lặng quan sát và tỏ ra ngoan ngoãn, tôi sẽ được chia sẻ bí mật của loài người.

    Mẹ của ông chủ nằm một mình trong phòng riêng phía hông nhà có cửa thông ra vườn và cửa chính thông với nhà bếp. Bà ấy nằm trên cái giường inox sáng loáng, trên người luôn mặc áo dài, bên dưới thì không mặc gì, chỉ phủ cái chăn mỏng. Dưới giường chỗ mông bà, người ta khoét lỗ để bà đái ỉa sẽ rơi xuống cái xô cũng bằng inox sáng loáng. Căn phòng trống trơn, chỉ mình bà nằm đó nhìn lên trần nhà hoặc quay nghiêng đầu nhìn ra vườn qua cửa sổ. Thực ra bà chỉ có thể nhìn được lưng chừng mỗi cây sala thôi. Trên cái cành chĩa ngang thân cây sala, cả chùm hoa bông đỏ viền vàng chìa xuống thật đẹp. Có một cái tổ chim nằm phía trên chùm hoa ấy, bọn chim mỗi sáng bay lên, đáp xuống nhộn phết. Mỗi khi nhìn bọn chim bay nhảy, bà ấy toàn im lặng mếu. Chắc bà ấy khó chịu vì toàn thân bất động dán xuống mặt inox suốt ngày này qua ngày khác nên bà hay rên rỉ. Hôm nào cô bếp nhớ ra thì sẽ vào kéo rèm che cửa sổ cho bà đỡ bị nắng chiếu lúc gần trưa, hôm nào cô bận quá mà quên thì bà nhắm mắt lại cho đỡ chói rồi lầm bầm chửi. Chắc do cô bếp quên bà thường xuyên nên da bà rám nắng.

    Mỗi ngày cô bếp sẽ vào thăm chừng bà hai lần. Lần đầu tiên là sau khi cô dọn rửa đám đĩa bát cả gia đình ông bà chủ ăn sáng xong. Cô mang bao tay cao su, đẩy cái bàn inox giống như người ta đẩy thức ăn ở nhà hàng. Trên cái bàn đó ngoài tô cháo nhỏ là bữa sáng của bà cụ thì lỉnh kỉnh toàn xà phòng, khăn và mấy cái thứ khác. Cô để cái bàn cạnh giường, nhấc vòi nước treo trên tường rồi lật tấm chăn che chân bà cụ, tháo tã rồi vừa xối nước, vừa đổ xà phòng chà rửa. Được một lúc thì cô phải dừng, cúi xuống lôi cái xô đã đầy bốc mùi khó ngửi xách ra vườn, đổ xuống cái hố bên cạnh hàng rào. Vừa đi cô vừa lẩm bẩm chửi đổng, làm cái phòng cho người liệt giường mà không thông cái ống thoát thải, hành hạ cô xách đổ còn nhục hơn thời hố xí thùng. Cô quay lại, đút cái xô vào vị trí cũ rồi tiếp tục xối nước, chà rửa, rồi lật nghiêng bà cụ, xối nước, chà rửa. Cô lặp đi lặp lại xối, chà như vậy cho tới khi cái xô thứ ba được đổ xuống hố thì bà cụ mới được thoa phấn khắp người rồi mặc một cái áo dài khác. Cả quãng thời gian làm những việc ấy, cô chỉ luôn âm ư hát theo bài nhạc cô gắn tai nghe từ điện thoại.

    Sau đó, cô bếp xịt xịt cái bình kêu xì xì nhiều lần, căn phòng chuyển mùi gây gây sang mùi thơm khác của loài người. Lúc này cô ấy mới tháo hai tai nghe, cởi cái khẩu trang có lót miếng bông đầy mùi dầu cù là khỏi mũi rồi bưng tô cháo, đút cho bà cụ ăn. Tất cả những gì bà cụ chửi rủa, kêu la trong lúc cô tắm rửa cho bà chỉ mỗi mình tôi nghe mà chẳng hiểu bà chửi ai. Những từ lạ tai như con quỷ cái, đồ nhà quê, quân lừa đảo, con lăng loàn… thì ông bà chủ chẳng bao giờ nói nên tôi chẳng hiểu. Chắc đó là ngôn ngữ của người già.

    Lần thứ hai cô bếp vào thăm bà cụ là sau bữa trưa. Cô dùng khăn giấy lau chùi bà cụ rồi lại đi đổ xô phân lẫn nước tiểu. Bữa trưa của bà là tô cơm chan canh lớn. Vừa đút cho bà cụ ăn, cô bếp vừa nói át tiếng chửi ngắt quãng của bà cụ bằng những câu:

– Bà ơi, người Tràng An thì nền nã lắm. Bà xuất thân danh giá thì bà nói lời thanh lịch, bà chấp dân quê bọn con làm gì. Bà ráng ăn nhiều, dù cơm canh thừa nhưng mà ngon, mà sạch. Bà may mắn là có con chăm bà, chứ để người khác là bà đi theo ông rồi đấy nhé. Bà ngứa hả? Nóng hả? Cơ mà bà chủ bảo rằng, phải mặc cho bà luân phiên hết tủ áo dài của bà, tới hơn hai trăm cái bà nhỉ. Tiếc là giờ không mặc được quần bà nhỉ. Mà bà giờ cũng chẳng đi đâu cho ai xem áo được. Nhưng dù bà có bệnh liệt giường thì bà vẫn phải sang, phải đẹp bà nhá! Bà là mệnh phụ phu nhân quyền quý mà…

    Tô cơm nhanh chóng hết sạch trong những lời rủ rỉ của cô bếp. Hôm nào đi ra cô ấy cũng lẩm bẩm:

– Bà ấy ăn nhiều thế thì tối có bị bỏ đói cũng chẳng sao.

    Phần ăn tối cho bà cụ sẽ do bà chủ tôi lo. Căn giờ ông chủ về, bà chủ sẽ bới một bát cơm đầy vào cái bát kiểu, gắp thức ăn ra mỗi đĩa mỗi thứ một chút rồi đặt lên xe đẩy vào. Cứ khi ông chủ vừa ngồi vào bàn là trong phòng bà cụ cất lên tiếng chửi chói tai. Lần này bà cụ chửi to và rõ ràng, đích danh bà chủ tôi. Tên bà chủ được gắn thêm đồ nhà quê, con ác phụ, con lăng loàn, con lưu manh ăn cắp… Tiếng bà chủ nhẹ nhàng dỗ: “Mẹ ăn đi ạ… con xin lỗi mẹ… con trai mẹ thương con thì chúng con lấy nhau chứ con có làm gì đâu… con thương mẹ lắm…” vẳng ra khiến ông chủ lần nào cũng bực bội quăng đũa, bước vào phòng bà cụ la lớn:

– Mẹ vừa phải thôi! Mẹ chửi bao nhiêu năm nay chưa đủ à? Mẹ chưa mệt nhưng con mệt lắm rồi mẹ hiểu không? Mình ra ngay, để đó chú Kiên cho bà ăn.

    Bà chủ tôi đi ra ngay rồi đóng chặt cửa phòng bà cụ lại. Lớp cách âm dày ngăn mọi âm thanh trong ấy khiến phòng ăn yên bình. Thường thì chú Kiên đến ngay khi cô bếp về sẽ hút hết điếu thuốc lá ngoài vườn rồi đi vào phòng bà cụ bằng lối vườn, và lặng lẽ đút cho bà cụ ăn bữa tối không một tiếng động. Chú Kiên là vệ sĩ mà ông chủ rất tin tưởng, lo chuyện bảo vệ ngôi nhà vào ban đêm cho ông chủ. Tôi cá rằng, ngoài tôi ra thì chẳng ai trong nhà biết và quan tâm chú Kiên cho bà cụ ăn như thế nào. Việc này cũng bí mật y như việc két vàng giữa tôi và ông chủ. Nhưng bí mật ấy tình cờ tôi biết chứ không hề được chia sẻ.

     Bí mật này nằm trong túi quần chú Kiên. Con dao bấm được chú ấy lôi ra làm động tác cứa ngang cổ làm bà cụ lặng ngắt và ăn rất nhanh.

    Cậu chủ luôn được quan tâm nhất trong bữa ăn tối. Ông chủ dặn cậu phải chịu khó học, phải giống như ông trước đây, lấy sự học làm đầu để tiến thân bằng tri thức và lý tưởng. Ông nói về lãnh đạo và nghệ thuật lãnh đạo. Sau đó thì về những lợi ích của việc lãnh đạo đối với quốc gia, với gia đình và bản thân. Ban đầu thì cậu vừa ăn vừa nói: “Vâng, thưa bố! Con biết rồi, thưa bố!”. Đến giữa bữa, khi bà chủ góp phần thuyết giáo thì cậu chỉ “Vâng, vâng ạ” rồi đến cuối bữa thì chỉ còn gật đầu. Bao giờ cậu cũng là người ăn nhanh nhất, đứng lên đầu tiên và cúi đầu thưa: “Con xin phép lên phòng học bài ạ!”. Ông chủ mặt hồng hào sau vài chén rượu sâm mà bà chủ rót ra cái chung bạch ngọc, cười rất mãn nguyện vì thái độ ngoan ngoãn của cậu chủ.

    Cậu chủ tôi là diễn viên tài năng đấy. Trong phòng cậu trở thành người khác hẳn. Cậu văng tục luôn mồm khi chát với bạn, chơi game điên cuồng đến gần sáng. Và tôi còn biết, cậu từng đi cắn thuốc thay vì đi học nhóm như cậu bảo với bà chủ.

    Cô chủ tôi mới lớp chín cũng không kém anh là mấy. Nhiều lần cô nói vóng to với bà chủ rằng cô đang làm bài, nhưng điện thoại cô đang mở màn hình chát với cậu trai xưng hô với cô là vợ – chồng. Có khi, cô còn banh cả ngực áo trước điện thoại rồi cười khanh khách.

    Nhà ông bà chủ rộng thênh thang. Mình tôi trong cái nhà chó màu hồng nồng nặc mùi nước hoa khiến tôi vừa sợ vừa khó ngủ, nên tôi hay lang thang kiếm cách khám phá từng người bọn họ. Có đêm ông chủ đi công tác, bà chủ quấn chặt áo ngủ thơm phức đi băng qua bếp, rón rén qua phòng bà cụ nằm rồi mở cửa ra vườn xuống phòng chú Kiên. Hơn nửa đêm, bà chủ rón rén bước trên đầu mũi chân trở về phòng. Người bà lúc ấy nồng nặc mùi của chú Kiên và mùi mồ hôi, mùi thứ gì đó gây gây gần giống mùi của ông chủ.

    Ông chủ tôi còn dính nhiều mùi hơn. Mỗi lần ông đi tiếp khách về, người ông cũng đầy mùi của những người đàn bà khác. Có hôm tôi nhận ra có tới sáu bảy loại nước hoa, son phấn khác nhau trộn với mùi rượu trên người ông. Nhưng bình thường, hàng ngày người ông ngoài mùi bà chủ còn có mùi của một người khác. Đấy chính là mùi cô thực tập sinh mới được nhận vào làm thư kí cho ông chủ. Mùi của cô ấy mạnh lắm, còn mạnh hơn mùi bà chủ lúc vừa dậy cùng ông chủ buổi sáng cơ. Ban đầu khi còn bé, chưa hiểu chuyện, tôi cứ nghĩ là những người thân của con người thì hay có mùi trộn lẫn nhau giống bầy đàn của anh chị em tôi. Nhưng khi lớn khôn lên, tôi bắt đầu biết dần về các mối quan hệ phức tạp của họ. Và tôi tự rủa thầm cái khả năng đánh hơi của loài chó có hại với tôi nhiều hơn có lợi.

    Số là, lần đầu tiên cô ấy đến nhà lấy tập tài liệu ông chủ để quên, tôi đã rối rít ngoắc đuôi mừng rỡ. Cô ấy xinh quá, môi cứ đỏ hồng dù không bôi son, da cô lại thơm và mịn. Bà chủ tôi hơi sững lại rồi lạnh mặt hỏi cô ấy vài câu. Tối ấy, sau khi về phòng ông bà chủ tôi cãi nhau to. Tôi nằm phục ở cửa áp tai xuống thảm, nghe thấy bà chủ nói tới cô thứ kí trước đây của ông chủ đã từng được con Phốc mừng y như tôi mừng cô gái sáng nay. Ông chủ gào ầm lên rằng bà chủ tôi ghen vớ vẩn, rồi ông dọa đập chết tôi giống như từng đập con Phốc khiến tôi sợ rụng rời. Hai ngày sau tôi vẫn không dám chui ra khỏi cái nhà màu hồng sặc sụa nước hoa của mình và tránh ông chủ cả tuần.

    Vậy là bài học thứ tư tôi rút ra chính là giữ mình không được thân thiện với người lạ. Nhất là những người có mùi trên cơ thể ông bà chủ tôi.

    Bà chủ rất tự hào về tôi bởi càng lớn, tôi càng đẹp. Mặt tôi đáng yêu với đôi mắt to tròn, cái mũi hồng hồng và bộ lông rực rỡ trắng ngả loang dần sang hồng cà rốt. Sắc lông và khuôn mặt tôi thuộc hàng cực phẩm nên bất kể bà nào đem khoe chó cưng trong các buổi cà phê tám chuyện của bà chủ đều dần tự rút lui. Họ tự hào với ba thứ rất ngộ, đầu tiên là kim cương, rồi đến túi xách và sau là chó cưng. Các cô cậu chủ ít được nhắc tới hơn tụi tôi, thậm chí còn xếp sau cả bọn tôi ấy chứ. Kim cương và túi thì bà chủ tôi chẳng thua kém ai trong số họ. Bà chủ có lần lẩm bẩm, có tiền và có dám đua kim cương không là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Bà chưa chắc là người nhiều tiền nhất trong đám quý bà đó nhưng độ chịu chơi thì bà số một. Bà chơi để ông được sang, mà cũng là để thêm tiền đổ vào nhà bà. Tôi chẳng hiểu mấy điều ấy là gì nhưng đúng là ai gặp ông bà đều nhìn vào món đồ bà trưng trên người rồi tự nhiên họ trở nên cung kính ông bà chủ tôi hơn.

    Nhờ những lần đi cùng bà, tôi rút ra bài học thứ năm, đó là phải biết giá trị bản thân mà giành vị trí. Ví dụ cỡ bà chủ tôi sẽ chỉ chơi với người giàu hơn bà để bà được hưởng lợi, còn tôi phải tận dụng nhan sắc mình để đem lại lợi ích cho mình. Tôi không thèm chơi với mấy con chó nhí nhố, gặp đâu là sà vào hít ngửi rồi gạ gẫm. Tôi chỉ ngồi trong lòng bà chủ, để những bàn tay lấp lánh đầy kim cương vuốt ve và nhận lời khen tặng. Có giá, bà chủ sẽ càng cưng tôi hơn và sự an toàn của tôi được đảm bảo hơn.

    Rồi biến cố đến khiến tôi nhận ra, tất cả những bài học tôi thu lượm được từ khi sống ở đây đều không còn giá trị nếu không nhờ may mắn.

    Đêm ấy, linh tính của loài chó nổi lên khiến tôi bồn chồn. Tôi nằm ép tai xuống sàn, nghe những tiếng động từ từ mất hẳn trong ngôi nhà rộng mênh mông. Ông chủ tôi bữa đó đã đi vắng được hai hôm, bà chủ đang tắm sau khi trở về từ phòng chú Kiên, cô chủ tôi chắc đã ngủ nên không còn tiếng cười như pha lê vỡ và đèn đã tắt. Cậu chủ tôi đang dẫn xe máy vào ga ra dưới hầm. Tôi biết cậu đi đua xe về vì chiều nay cậu hẹn lũ bạn chờ cậu ở chân cầu Ánh Sao nhưng lại bảo bà chủ là đi học nhóm. Tôi có kinh nghiệm mỗi lần cậu nói dối là thế nào đêm cậu cũng về muộn và nhà xe sẽ bốc mùi khét lẹt từ lốp chiếc Exciter của cậu. Tiếng kẹt cửa thật khẽ ngoài vườn vọng đến tai tôi rõ mồn một. Tiếng chân rón rén từ phòng bà cụ tiến dần về phòng làm việc của ông chủ. Ánh sáng lóe lên ở phòng làm việc của ông chủ cùng tiếng bước chân của cậu chủ đang lên cầu thang lối từ hầm xe thẳng lên phòng khách…

    Tôi tự nhủ, tôi chỉ là con chó cảnh nhỏ, tôi không phải là chó săn biết cắn xé dù nửa dòng máu trong tôi là của người cha thuần chủng có đôi tai rũ và lông đỏ xoăn tít. Những bước phi khiến cơ thể lao vút như tên của cha tôi đã bị cái nết thông minh và tiểu thư Bắc Kinh điềm đạm của mẹ tôi dung hòa rồi. Tôi sợ cái sàn nhà gỗ thơm thứ nước lau nhà nhập khẩu cùng miếng giẻ chuyên dụng làm cho trơn bóng, mỗi bước phải cẩn thận này. Tôi phải mặc kệ chuyện mình đã quen hơi chú Kiên nhiều đêm lén vào phòng làm việc của ông chủ để lại đầy mùi tay chú lên cái két sắt…

    Nhưng mà cậu chủ đang gặp nguy hiểm. Linh tính tôi chắc chắn điều đó. Mỗi lần lên cầu thang trổ giữa sàn nhà từ hầm xe, cậu luôn ghé qua chỗ tôi ngủ, xoa đầu tôi vài cái rồi có khi đổ ít nước vào cái bát của tôi. Chắc cậu biết tôi cũng cô đơn giống cậu và cũng khát nước lúc nửa đêm như cậu. Nói gì thì nói, dù cậu có tỏ ra thờ ơ chả bao giờ cưng nựng tôi như bà chủ và cô chủ, nhưng cậu lại chu đáo và hiểu tôi hơn họ. Và nhất là, cậu không khi nào dè chừng hay đá tôi đau điếng như chú Kiên.

   Tôi còn bối rối chưa biết làm thế nào ở tình huống đó thì sự lo sợ của tôi đã xảy ra. Cậu chủ dừng phắt lại khi nhìn thấy ánh đèn pin chiếu lên tường phòng làm việc của ông chủ. Và mọi sự tiếp theo đúng là cơn ác mộng. Tôi lao theo cậu vào phòng và cố gào lên đánh thức mọi người trong nhà. Trong giây phút hỗn loạn, sợ hãi và bừng bừng bản năng chiến đấu trỗi dậy, tôi nhảy hết sức lên cánh tay đang vung con dao bấm của chú Kiên trước khi nó chạm vào ngực cậu chủ. Tiếng bà chủ tôi la thất thanh, tiếng cô chủ tôi hốt hoảng gọi cậu chủ, tiếng chuông báo động kêu ầm ĩ… Tôi thấy vị của máu thật ngọt và tanh trong họng mình. Hàm tôi nghiến chặt lấy cẳng tay chú Kiên giống lúc tôi tập cắn khúc xương đồ chơi trong cái nhà chó màu hồng. Hai chân sau của tôi lơ lửng quơ mãi mà không bám được vào đâu trong khi hai chân trước tôi cố sức quặp chặt cánh tay hắn để đỡ cho cái hàm đẹp đẽ của tôi còn cắn chặt. Trong cơn hỗn chiến, tôi nghe thấy cậu chủ tôi gọi tên tôi, tiếng thét điên cuồng của cậu cùng tiếng cái mũ bảo hiểm đập đánh cốp vào đầu tên trộm…

    Rồi tôi thấy bụng mình đau nhói. Mắt tôi hoa lên nhưng máu nóng trong người tôi vẫn đang hừng hực. Bóng tên trộm vừa phi ra lối bếp. Tôi lao theo và cắn ngập răng vào bắp chân hắn khi hắn nhảy lên gờ tường phía sau cây Sala. Tôi thấy trời đất quay cuồng, và hàm tôi mỏi nhừ, rồi người tôi bay lơ lửng giữa không trung trước khi tôi rơi tõm vào cái hố nước hàng ngày cô bếp vẫn đổ cứt của bà cụ.

    Lúc tôi tỉnh dậy thì tôi đã là một anh hùng. Ông chủ, bà chủ, cậu chủ, cô chủ và cô bếp thay phiên vây quanh tôi, tỏ sự yêu thương với tôi vô bờ bến. Tôi đã ăn một dao của tên Kiên mà không chết, ngược lại tôi còn cứu cậu chủ một mạng. Ông chủ vừa ôm tôi vừa thì thầm, nhờ tôi mà gần ngàn lượng vàng của ông còn nguyên, đúng là tôi có giá ngàn vàng. Tôi biết, từ nay đối với họ, tôi là biểu tượng của sự may mắn.

    Vâng, tôi cũng thấy tôi là một con chó may mắn. Đúng như cái tên bà chủ đặt cho tôi lúc mới mua về, Lucky. Thi thoảng, bà chủ vẫn bế tôi đến chỗ lão bác sĩ khét mùi thuốc lá, lấy mớ thuốc bổ tốn tiền mà đa phần là kẹo về cho tôi nhâm nhi. Lý do là từ khi tôi ngã xuống hố phân, thứ mùi phân của loài người không ngờ lại hấp dẫn tôi đến vậy. Khi vết thương trên bụng được chữa khỏi, nhiều lần không kìm chế được tôi đã lén đến phòng bà cụ và rình ăn vụng chút ít. Với tôi, phân có mùi vị hấp dẫn y như bí mật của loài người. Thói ăn bẩn của tôi giờ không sợ bị trừng phạt nhờ lão bác sỹ đã phán rằng, đó chính là hội chứng stress của chó do áp lực và bị thương nghiêm trọng.

    Vâng, tôi rất may mắn. Và tôi sẽ được sống trọn vẹn cuộc đời của một con chó may mắn.

Thu Hà