24.4 C
Vinh
Thứ tư, 16 Tháng mười, 2024

Tên cây, tên hoa và sự sáng tạo của nhà văn

Chuẩn bị ra một cuốn sách mới, nhà văn quân đội Nguyễn Phú gửi cho tôi ảnh bìa sách, cùng danh sách văn nghệ sĩ đoạt giải ở một tỉnh nọ. Tôi nhìn dấu mực đỏ khoanh tròn trên bản danh sách tác phẩm kia, và thấy ngay tên tác phẩm đoạt giải của nữ nhà văn trẻ tỉnh đó. Cái tên một loài hoa trong tác phẩm của nữ nhà văn kia giống tên loài hoa trong tác phẩm của Nguyễn Phú, (được anh đặt tên truyện, và được chọn làm tên sách). Phú bảo: “Rồi, mình đặt tên trước, nhưng lại in sách sau, có bị coi là “đạo” không”?

Thật tình, loài hoa đó thì có thật, nhưng cái tên của nó thì… không có thật. Nói cách khác là tên hoa do nhà văn bịa ra. Mà ở đây là Nguyễn Phú bịa ra, từ năm 2007.

Ở đây, ta gặp vấn đề:

1. Trong tự nhiên: cùng một loại cây, hoa nào đó, nhưng mỗi nơi nó có một cái tên khác nhau, trừ một số loài rất phổ biến, ví dụ: hoa hồng. Hoa hồng thì hầu như ở đâu nó cũng được gọi là hoa hồng, nhưng còn một số loài hoa khác, ví như hoa gạo, thì nó có ít nhất hai tên khác mà tôi được biết. Ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, hoa gạo là cái tên chung chỉ loài hoa màu đỏ, cánh dày, cây thân gỗ, cao, và cây gạo luôn được cho là loài cây “có ma” (thần cây đa, ma cây gạo); còn ở Tây Nguyên, nó có tên là pơ lang. Các loài cây, hoa thuốc Nam là ví dụ điển hình nhất cho việc nó quá nhiều tên, đến nỗi, vì cái tên quá bác học của chúng, mà người ta còn không hề biết đó chính là loài cây dân dã, mộc mạc ngay trong vườn nhà mình. Chẳng hạn cây rau má tía còn có tên dương đề thảo, hồng bối diệp, tiết gà, nhất điểm hồng, hoa mặt trời, rau chua lè, tam tróc, cây rau má lá rau muống cuống rau răm…

2. Trong sáng tạo văn chương, cây cối hoa lá khi đi vào tác phẩm văn chương được đặt tên khác đi rất nhiều, rất phổ biến. Ví như một loài hoa dân dã ngoài lề đường, tên là hoa phân hôi, thì vào văn chương, nó có tên là xuyến chi. Hoa, lá, cây trong văn chương được đặt tên thường mang chủ ý của người viết, nó được gửi gắm thông điệp riêng, đặc biệt là được xây dựng thành hình tượng, biểu tượng cho tác phẩm. Đôi khi, một nhà văn cố ý đặt tên khác cho một loài cây quen thuộc, đơn giản vì cái tên vốn có của nó dễ gây nhàm chán, không đặc sắc, không gây được chú ý.

Thế nên, việc các nhà văn “đẻ” tên cho cây, gửi gắm vào đó biểu tượng rất nhiều. Ví dụ gần nhất là trong tác phẩm của nhà văn trẻ Phan Đức Lộc có loài hoa “lềnh si”. Nếu tìm kiếm cụm từ “hoa lềnh si”, kết quả sẽ chủ yếu ra các tác phẩm của Phan Đức Lộc. Đơn giản thôi, đó là loài hoa do Phan văn sĩ “đẻ” ra. Ấy thế mà, gần đây, trong cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ, có một tác phẩm viết về vùng cao cũng gọi tên hoa lềnh si. Và nếu tác giả có dụng công tìm hiểu, thì sẽ biết đó là loài hoa do một nhà văn khác sáng tạo, và việc sáng tạo một loài hoa đã… có sẵn trong tác phẩm của người khác là việc các nhà văn không nên làm. Chẳng khác gì ở thời đại 4.0 mà ta lại hì hục tìm cách phát minh ra… máy ảnh.

Với loài hoa mang cái tên sáng tạo của mình, Nguyễn Phú cũng cho nó ra đời trong một trường hợp tương tự. Theo lời Nguyễn Phú, năm 2007, anh gửi truyện ngắn đến tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà văn Đỗ Tiến Thụy gợi ý nên đặt cho loài hoa thông dụng đó một cái tên khác, có tính “địa phương”, độc đáo hơn. Vì không gian văn hóa trong truyện ngắn là không gian văn hóa của người Mông vùng cao, nên Nguyễn Phú đã phải tham khảo rất nhiều từ ngữ chỉ tên loài hoa theo tiếng Mông, cuối cùng, anh đã chọn được một cái tên ưng ý, và cái tên loài hoa đó đi vào tác phẩm văn chương của Nguyễn Phú, là hoa pằng nảng (hoa gạo). Cuốn sách của anh có tên là “Hoa pằng nảng rơi rơi”, NXB Văn học ấn hành năm  2024. Loài hoa thì vẫn là loài hoa ai cũng biết, nhưng cái tên mới của nó thì được Nguyễn Phú khai sinh. Không ngờ là sau này có nhiều nhà văn, đặc biệt là những cây bút trẻ khi viết về vùng cao Tây Bắc, cũng lấy cái tên hoa đó của Nguyễn Phú đưa vào tác phẩm văn chương của họ, như thể nó là một loài hoa sinh ra đã có tên như thế. Thậm chí, họ có khi còn không biết pằng nảng thực chất là loài hoa gì.

Tôi hỏi Nguyễn Phú: Rồi sao? Mình có đủ bằng chứng để chứng minh cái tên loài hoa đó là do mình đặt, nhưng mà rồi chuyện này sẽ… không vui.

Nguyễn Phú bảo chẳng có kiện cáo về bản quyền này nọ gì đâu. Nhưng thấy nó buồn cười, vì các bạn cứ đưa cái hình tượng hoa pằng nảng fake đi thi và… giành giải.

Dĩ nhiên, sáng tạo thì không có biên giới, nếu liệt kê những địa danh, tên người (bút danh chẳng hạn), tên loài vật… mà đòi bản quyền thì rất… mênh mông, càng nói càng khó, nhưng ở đây, cũng là mất công sáng tạo, người viết nên sáng tạo cái gì đó của riêng mình, như tên cây, tên đá, tên ngọn núi, dòng sông, thậm chí là tên vùng đất, miễn sao nó mang tính biểu tượng cho tác phẩm và nó… chẳng vi phạm bản quyền.

Yên Châu

VIDEO