Họ sinh ra từ cỏ nhưng họ lại nghĩ mình là dòng dõi của mặt trời, lặng lẽ sống cô độc trong màn đêm tăm tối nhưng họ cứ ngỡ xung quanh là bình minh, họ hồn nhiên chìm đắm trong hoang tưởng của chính mình.

Một lần nọ, vào lúc chập choạng, một người lạ từ phương xa đến, trên mình khoác tấm áo choàng cũ nát.

Họ hỏi:

– Anh tìm ai, anh cần gì, anh đến từ đâu?

Người lạ đáp:

– Tôi từ bên kia ngọn đồi, tôi muốn gặp những kẻ sống trong suốt như loài sứa chẳng nghĩ suy, chẳng muộn phiền.

– Ồ, nếu vậy anh tìm đúng nơi rồi đó.

Người lạ ở lại và được đối đãi như thượng khách. Người lạ tìm mọi cách tuyên truyền cho họ về miền đất của sự văn minh và nơi đó con người luôn làm chủ chính mình. Nhưng càng nói lại càng như muối bỏ biển.

Sau một thời gian ở lại miền đất của hạnh phúc ảo người lạ không còn nhận ra mình là ai, rồi một ngày gã phát điên.

Gã vứt bỏ tấm áo cũ kỹ, móc bộ não của mình ném vào bóng tối. Gã thấy mình bay như chim. Tâm hồn phát sáng như dạ quang. Gã thấy mình là mặt trời.

Rồi gã chết trong một đêm đầy mưa gió vì kiệt sức sau những ngày tháng đuổi theo giấc mơ phù phiếm. Hồn gã hóa thành hạt bụi men theo gió bay về miền đất cũ…

Nhưng nơi đó giờ đây cũng chỉ còn là đống tro tàn.

Lão nói xong im lặng. Tôi châm điếu thuốc thứ hai mươi, rít một hơi, nhả làn khói vào không gian u uẩn, chậm rãi hỏi:

– Câu chuyện của lão chỉ có thế thôi ư?

– “Rất tẻ nhạt và vô nghĩa đúng không?” Lão thở dài, âm thanh nghèn nghẹn trong cổ.

Bên ngoài đêm thăm thẳm. Đường phố giờ này hẳn rất vắng vẻ.

Tôi nhìn theo làn khói thuốc nhờ nhờ. Ngọn đèn cũ kỹ, căn gác tồi tàn, tiếng thạch sùng dứt lưỡi tê tái. Lão vẫn ngồi im lặng chờ đợi câu trả lời của tôi.

Nhưng tôi biết nói gì với lão bây giờ.

Lão chết. Tôi nhận được tin vừa vui vừa buồn.

Cuối cùng lão cũng được giải thoát khỏi cõi thế nhân đầy khổ đau. Tôi mất một người bạn và chốn để tìm đến sau những giờ phút vật lộn với cơm áo gạo tiền.

Mưa triền miên mấy ngày. Có lúc tưởng như thành phố đang chìm trong cơn đại hồng thủy.

Tựa vào cửa sổ tầng sáu, tôi dõi mắt tìm lão Nô-ê và chiếc thuyền cứu sinh của lão.

Chúa ở đâu?

Minh họa: Hải Thọ

Bao thuốc thứ ba đã hết.

Đêm chưa tàn.

Khu chung cư đang ồn ào khủng khiếp. Mọi người đang xúm đen xúm đỏ bàn tán. Đây đã là vụ tự tử thứ bảy trong tuần. Lần này là một gã trai mới lớn. Áp lực thi trượt tốt nghiệp khiến hắn không thể chịu đựng.

Bố mẹ hắn khóc như mưa vì ân hận. Khóc thì được gì? Gã trai kia có sống lại được không?

Tôi dụi tàn thuốc vào chiếc đĩa sứ mẻ, đưa tay đẩy lại gọng kính nơi sống mũi, chúi mắt vào trang sách đang đọc dở.

Ánh điện nhòe nhoẹt. Hương cà phê quyện trong gió. Những chiếc ghế câm lặng.

Khi tôi bước vào.

– Một ly đen.

– Vâng, vẫn không đường như cũ chứ ông anh?

– Dĩ nhiên.

Cậu bồi bàn đặt ly cà phê xuống trước mặt tôi. Môi không quên nở nụ cười thân thiện.

Tám rưỡi tối. Khách chỉ có hai bàn, mỗi bàn một người. Ngoài trời vẫn rỉ rải mưa.

Gã ngồi gần tôi. Môi gã bập bập, không gian ngập tràn mùi khói thuốc lá, đốm lửa lập lòe. Mắt gã dường như chỉ nhìn đúng một hướng.

Gã đang nhìn gì?

Cà phê ở quán này là ngon nhất thành phố đấy!

Lão mỉm cười bảo tôi.

– Thật hả?

– Thật chứ, tôi đã thử tất cả các quán trong thành phố chật chội này rồi, tôi đảm bảo với cậu điều đó.

Tôi nâng ly cà phê nhấp thử, hương thơm xộc ngay lên mũi, quả nhiên lão nói đúng.

Tôi nhúng đầu lọc vào ly cà phê, rẩy nhẹ, bật lửa châm.

– Coi bộ cậu cũng sành điệu đấy, mùi cà phê hòa quyện mùi khói thuốc thơm phết nhỉ?

Giọng lão vẫn đều đều, chậm rãi.

– “Vâng”, tôi khẽ đáp.

Giờ thì lão đã đi xa. Mùi cà phê đêm nay bỗng nhạt nhẽo vô cùng.

Đêm nay lạnh nhỉ?

Gã khách lầm lì lẩm bẩm, đôi mắt hắn vẫn nhìn vào cõi mơ hồ. Không biết hắn đang nói với ai câu đó.

– Ừ, lạnh thật.

Tôi cũng không biết mình đang đáp lời hắn hay đang nói với chính bản thân tôi.

Đến bây giờ tôi mới để ý cánh cửa quán không đóng, gió đêm đang từng đợt luồn vào, tôi kéo lại cổ áo. Ly cà phê thứ hai đã chảy xong, nguội tanh.

Gã khách lầm lì búng mẩu đầu lọc xuống hồ nước. Mặt nước khẽ run lên. Con cá vàng nhoài mình khỏi đám rêu nhân tạo đớp những mụn tàn thuốc còn sót lại. Mùi vị của tàn thuốc coi bộ không ngon như mồi nó ăn hàng ngày, con cá khẽ uốn mình khó chịu, lượn nhanh vào sau hòn non bộ.

Gã khách quay sang nhìn tôi. Ánh điện mờ, tôi không nhìn rõ ánh mắt của hắn, hắn quay đi ném một câu: “Thời tiết chết tiệt thật, cuộc đời này cũng chết tiệt nốt”.

Lại như vô thức, tôi nói: “Ừ, tất cả đều chết tiệt!”

Gã khách cười, tiếng cười gió, thoáng qua rồi nhanh chóng bị màn đêm vây bủa.

Tiếng ngòi bút đay nghiến trên mặt giấy. Gã khách lầm lì đang chăm chú viết một cái gì đó.

Tôi ngả lưng xuống thành ghế.

Bên ngoài vẫn rây rứt mưa.

Quán có thêm một bàn. Vẫn là bàn đơn.

Vị khách là một cô gái. Đẹp. Và cũng còn rất trẻ. Cô ta gọi một ly cocktail tình nhân. Bàn tay trắng và gọn khe khẽ gõ lên mặt bàn.

Gió vẫn từng đợt theo cửa thổi vào.

Tiếng còi xe cứu thương vang lên ồn ã như muốn phá vỡ sự tĩnh lặng của đêm đông.

Tôi đưa tay với ly cà phê, nhấp nhẹ, cà phê lạnh tanh và nhạt nhẽo. Ca khúc “Một cõi đi về” của Trịnh qua giọng ca sầu não của Khánh Ly càng khiến cho không khí mùa đông trong quán ngập tràn cảm giác u uẩn.

Cậu bồi bàn đưa tay che miệng ngáp liên hồi. Ánh đèn đường vàng ệch dưới màn mưa càng thêm ủ rũ. Tôi gõ gõ mấy ngón tay lên mặt bàn theo tiết tấu buồn buồn của bài hát. Cô gái gọi thêm một ly cocktail, uống cạn. Tôi kín đáo đưa mắt liếc cô ta, và trong tích tắc, tôi ngỡ như mình bị nhốt luôn trong đôi mắt rười rượi ấy.

Cô gái không hề hay biết tôi đang nhìn lén vì mải mê ngắm những hạt mưa đều đều xuyên qua ánh đèn đường.

Những lúc buồn hay cần có một nơi chôn nén những suy tư về cuộc đời tôi lại tìm đến quán cà phê này. Gần đây, những lúc tôi đến, gã chủ quán lại bỏ đi đâu mất, hình như gã cố trốn tránh tôi vì sợ bị tra hỏi về bức tranh trên tường – bức tranh mà trong một cơn say gã đã buột miệng nói với tôi là vẽ về cha gã.

Có tiếng thở dài thật khẽ, tôi quay lại nhìn, cô gái đang kê cằm lên tay, thì ra nãy giờ cô ta cũng đang quan sát như tôi.

Tôi lại nâng ly cà phê lên nhấp một ngụm nhỏ, mùi thơm đã hoàn toàn bay biến.

Tiếng ngòi bút đay nghiến trên mặt giấy đã ngừng. Gã khách lầm lì vo tròn tờ giấy ném xuống hồ nước. Mặt hồ lại khẽ giật mình. Con cá vàng chắc đã ngủ say. Tờ giấy ngấm nước dần chìm xuống, nằm bẹp trên đám rêu nhân tạo.

Gã khách lầm lì gọi bồi bàn thanh toán rồi lặng lẽ bước ra khỏi quán, con xe 81 nổ máy lao vào bóng tối.

Tôi cầm tờ giấy ướt nhẹp trên tay. Đèn led điện thoại chầm chậm dò theo từng dòng chữ nhòe nhoẹt.

Thì ra gã cũng là một nhà văn. Gã đang phác thảo đề cương cho một cuốn tiểu thuyết mới.

Một lão già lập dị, bị người đời đạp ra khỏi lề cuộc sống.

Gác xép chật hẹp và ngập mùi hôi hám. Tơ nhện giăng đầy, cứt gián và phân chuột vương vãi. Một chiếc ghế mây cũ mốc và một chiếc gối cáu bẩn. Một chiếc giường ọp ẹp và một chiếc chăn chiên sờn nát. Tiếng ti vi rè rè như thằng cha hen suyễn.

Mỗi ngày cứ thế trôi qua. Mệt mỏi và buồn chán.

Gần tối, lão uể oải rời khỏi chiếc ghế.

Nơi hành lang nhỏ chất đầy đủ thứ phế thải. Lão trồng một cây cảnh trong chiếc chậu làm bằng xi măng đã sứt mẻ. Cái cây và chiếc chậu lão đều nhặt ngoài đống rác gần nghĩa địa thành phố.

Lặng lẽ, lão châm nước cho cây. Tiếng đất khô kêu lên tựa như tiếng nấc nhẹ.

Bóng tối triền miên. Dâng đầy tròng mắt.

Lão dường như không thèm nhìn cái cây. Tay nghiêng bình nước một cách vô thức.

Cửa đóng. Lão lại ngồi xuống chiếc ghế cũ kỹ. Tiếng ti vi vẫn rè rè như kẻ hen suyễn. Căn phòng tăm tối tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.

Mùa Thu.

Những chiếc lá vàng chao ngang mặt phố phường. Lối đi nào cũng ám mùi tàn tạ.

Cây cảnh nhỏ nơi hành lang đã lớn hơn một chút.

Chiều nay hoàng hôn đẫm máu. Lão đứng im lặng bên hàng rào thép. Phía dưới vang lên đủ thứ âm thanh hỗn tạp.

Một kẻ nào đó vừa bị đâm chết. Tiếng bà mẹ gào khóc con trai đầy bi thảm. Tiếng một mụ đàn bà buôn chuyện. Tiếng một thằng bé bán báo thốt lên vẻ sợ hãi… Tiếng công an dẹp đám đông để khám nghiệm hiện trường.

Lão khẽ thở dài. Bàn tay lão vẫn vô thức tưới nước cho cây.

Đêm tĩnh mịch. Ánh đèn đường vàng vọt hắt qua hàng rào thép chiếu lên hành lang.

Một ấm trà nhỏ đang lầm lũi bốc khói. Chiếc chén mẻ mồm nằm im lìm trên mặt bàn lỗ chỗ vết mục. Lão ngồi tựa vào bức tường lem luốc. Gió thu thút thít.

– Mày tin bố mày giết mày không con đĩ?

– Tao thách mày đấy!

Bốp!

– Ối làng nước ơi, nó giết tôi! Tôi kiếm từng đồng về nuôi nó để bây giờ nó đối xử phũ phàng với tôi như thế này đây!

– Mày có im mồm đi không con đĩ, bố mày giết mày!

– Hự, ai cứu tôi, ai cứu…

Lão đã quá quen với tiếng chửi rủa, mắng nhiếc nhau của đôi vợ chồng căn phòng bên cạnh. Lão châm trà vào chén, chậm rãi uống.

Một chiếc lá khô theo gió bay vào đậu trên nhánh cây cảnh. Cái cây khẽ rùng mình.

Lão đứng dậy, lấy mảnh áo rách đắp lên cây. Lão khẽ ho. Bàn tay trái đặt lên ngực xoa liên hồi.

Gió khuya vụt từng nhát vào hàng rào thép.

Người đàn bà chết vì hai nhát dao. Một nhát vào cổ, một nhát vào vùng kín.

Gã chồng khai đêm qua không ở nhà. Gã đi nhậu cùng bạn bè từ chiều say quá nên ngủ lại nhà một tên bạn. Tên bạn của gã chồng được mời đến. Hắn xác nhận lời khai của gã chồng là đúng sự thật.

Trên con dao chỉ có dấu vân tay của người đàn bà. Công an kết luận cô ta đã tự sát.

Vụ án kinh hoàng khép lại.

Tiếng ti vi rè rè át hẳn tiếng ồn ào vẳng sang từ căn phòng bên cạnh.

Lão rời chiếc ghế cũ, hé cửa. Bên kia tiếng ồn ào đã lặng. Không còn ai. Căn phòng vừa xảy ra án mạng bị khóa lại.

Lão mệt mỏi đưa mắt nhìn chậu cây. Một chiếc lá trên cành cây bé nhỏ đã lìa đời. Một chiếc lá gầy xọm nằm im trên lớp đất đã đói nước.

Sáng sớm. Sương trầm trầm. Có tiếng chim vang lên ngoài hành lang. Lão tốc chăn bước ra.

Ngay dưới gốc cây cảnh, một con chim đang nằm hấp hối.

Vết đạn xuyên qua cánh khiến nó kiệt sức. Máu đã khô. Màu lông đen pha thẫm bết lại. Con chim ngước đôi mắt nhìn lên. Nó chỉ nhìn cái cây chứ không nhìn lão. Từ lá cây một giọt sương rớt xuống. Con chim há miệng hứng lấy.

Là nước mắt của cây chăng? Lão thoáng nghĩ. Lão bước lại gần. Con chim run rẩy. Tiếng kêu nhỏ dần.

Chim chết. Lão chôn nó xuống dưới gốc cây. Hai ngày trôi qua. Lão ngửi thấy mùi hôi thối vảng vất trong không khí.

Một chiếc lá lại từ giã cái cây bé nhỏ.

Chiều tối lão vẫn châm nước cho cây.

Lão ốm. Một tuần liền lão lên cơn sốt. Chiếc bếp dầu lạnh tanh. Đói! Lão gượng dậy bóc gói mỳ nhai ngấu nghiến.

Ngày thứ tám. Lão gắng gượng rời giường. Bên ngoài thời tiết đã chuyển sang đông.

Cái cây đã khô quắt lại. Mọi chiếc lá đã héo. Chỉ còn sót lại một chiếc sát gốc. Chiếc lá trông như một cánh chim…

Tôi vo tờ giấy ném vào góc quán. Lấy thuốc và châm. Đây đã là điếu thứ ba mươi trong tối nay.

Nhìn làn khói chết dần theo gió, tôi nghĩ, hắn ta hẳn là một nhà văn nổi tiếng đấy. Nhưng sao trông hắn lạ hoắc thế nhỉ? Hầu như nhà văn nào trong thành phố này mình cũng đều quen biết cả, sao mình chưa từng gặp hắn lần nào?

Làm biên tập của nhà xuất bản lớn nhất nước, dĩ nhiên, tôi phải có mối quan hệ rất rộng. Đọc và đọc dường như đó đã thành bản năng của tôi. Mỗi ngày tôi đọc hàng ngàn trang bản thảo, có lúc tưởng chừng như tôi là một cái máy được cài sẵn chương trình.

Hầu như các bản thảo tôi chỉ lướt qua, nếu không lên án xã hội hay có vấn đề nhạy cảm là ngay lập tức tôi cho qua cửa, còn việc in ấn được hay không còn chờ cơ duyên của tay viết ấy với cấp trên của tôi. Thi thoảng có vài bản thảo khiến tôi không thể dứt ra, nhưng những bản thảo ấy đều chịu chung số phận “chết yểu” hoặc bị ném vào xó xỉnh lãng quên.

Ly cà phê thứ ba được bưng ra.

Công việc căng thẳng khiến tôi nghiện cà phê nặng. Bình thường mỗi đêm tôi chỉ uống hai ly, đêm nay ngoại lệ.

Đọc xong đề cương dang dở của gã khách lầm lì kia khiến tôi nảy sinh cảm giác tiếc nuối lẫn tò mò. Giá như hắn chưa rời đi nhất định tôi sẽ bước tới mon men làm quen với hắn và hỏi kỹ về cuốn tiểu thuyết hắn đang khởi thảo.

Mưa đã tạnh.

Trong quán lúc này chỉ còn duy nhất một bàn. Cô gái xinh đẹp kia đã ra về từ khi nào tôi chẳng rõ, có thể là lúc tôi đang chúi đầu vào tờ giấy ướt nhẹp.

Tôi giơ điện thoại lên nhìn. Đã mười một rưỡi. Ly cà phê thứ ba cũng đã cạn.

Đường thật vắng. Tôi cho xe chạy chầm chậm. Lá rưng rức khóc. Ánh đèn đường như những đôi mắt buồn ngủ nhưng không ngủ nổi. Xa xa vẳng lại tiếng chó sủa.

Tôi chợt nhớ về lão, về căn gác tồi tàn. Có lẽ giờ này ở trên thiên đàng lão đang viết nốt những điều lão ấp ủ. Còn tôi thì sao?

Mười năm đi qua tôi vẫn chưa thể thực hiện lời hứa với lão. Lão đặt cả niềm tin của đời một thằng viết vào tôi thế nhưng làm sao tôi có thể quyết định được…?

Cho đến chết lão vẫn tin tưởng ở tôi, còn tôi thì…

Người ta vớt được xác của một gã đàn ông dưới hồ Hoàn Kiếm.

Tay hắn nắm chặt cuốn sách “Sự im lặng của bầy cừu” của Thomas Harris, một tờ tiền đô la âm phủ dùng thay bookmark chặn ở trang 111. “Ở cái thế giới kỳ lạ này, nửa này đang chìm trong bóng tối, còn mình thì phải truy tìm một thứ sống bằng nước mắt”.

Tôi gạt hai người đàn bà đang tranh nhau nói ra, chúi đầu nhìn vào. Là gã đàn ông lầm lì đêm qua. Chiếc Cub 81 đang dựng bên bờ hồ.

Từng đợt gió lướt trên mặt hồ tĩnh lặng. Hàng cây cơm nguội u uẩn dầm chân trong màn sương hư ảo. Tiếng chuông đồng hồ của bưu điện thành phố mệt mỏi buông sáu tiếng.

Tôi ngước mặt nhìn lên bầu trời đậm đặc mây.

– “Tên này ở gần nhà tôi, hắn sống lập lờ như bóng ma vậy”, một mụ đàn bà nói.

– “Ồ, tên này cũng hay đến uống rượu ở quán tôi, ai cũng bảo hắn sống nhạt lắm”, một gã đàn ông chen vào.

Tôi lặng lẽ rời xa đám đông ồn ã. Tiếng còi xe cứu thương từ xa vẳng lại chát chúa.

Một chiếc lá chao ngang mặt tôi.

Lầm lũi và buồn bã…

Trương Phượng

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 26, tháng 8/2022)