Tày Poọng trong các mối quan hệ tộc người ở miền Tây Nghệ An

Quan hệ tộc người là vấn đề quan trọng, nhất là trong bối cảnh các tộc người, các nhóm địa phương cư trú xen kẽ lẫn nhau như ở miền núi Nghệ An. Nhóm người Tày Poọng với tư cách là một nhóm địa phương của dân tộc Thổ thì đương nhiên nó có mối quan hệ nhất định với các nhóm địa phương khác trong cùng một dân tộc. Mặt khác, họ sống gần gũi với các dân tộc khác trong nhiều năm nên cũng có những mối quan hệ tương tác qua lại nhất định. Do vậy, việc phân tích các mối quan hệ giữa nhóm Tày Poọng với các nhóm tộc người khác là một cách tiếp cận phù hợp để hiểu hơn về cộng đồng này.

Bản Phồng (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) – Trung tâm tập trung đông nhất của người Tày Poọng. Ảnh: PV

Quan hệ Tày Poọng với các nhóm trong dân tộc Thổ

Trước hết, cần xem xét mối quan hệ giữa nhóm Tày Poọng với các nhóm khác trong dân tộc Thổ. Về cơ bản, nhóm Tày Poọng không có nhiều mối liên hệ với các nhóm Kẹo, Cuội, Mọn… ở vùng Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp dù trong cùng một dân tộc với nhau. Qua nhiều tài liệu nghiên cứu đều chưa có đủ chứng cứ thuyết phục để chứng minh mối quan hệ này. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng về văn hóa xã hội và được nhiều người coi là nằm trong đặc trưng văn hóa chung của dân tộc Thổ. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu lại khẳng định nhóm Tày Poọng có quan hệ với nhóm Đan Lai sinh sống chủ yếu ở huyện Con Cuông khi có sự chia sẻ với nhau nhiều yếu tố văn hóa xã hội truyền thống. Hầu hết các tài liệu liên quan đến người Thổ đều có nhắc đến các mối quan hệ giữa hai nhóm địa phương này. Thậm chí, theo nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Đình Lộc cho rằng hai nhóm này có chung nguồn gốc: “Người Đan Lai, Ly Hà và Tày Poọng ở các xã Môn Sơn, Châu Khê, Lục Dạ (thuộc huyện Con Cuông) và người Tày Poọng ở bản Phồng xã Tam Thái (nay là xã Tam Hợp) (thuộc huyện Tương Dương) trước đây được nhiều nhà dân tộc học thống nhất cho rằng họ là cư dân Kinh di cư từ thượng huyện Thanh Chương lên tận huyện Con Cuông và ở lại đầu nguồn sông suối dọc biên giới Việt-Lào và mở rộng sinh sống lên tận hạ Tương Dương, nơi ở tương đối ổn định của họ từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay”. Mối quan hệ này sau đó được nhà nghiên cứu Trần Bình nhấn mạnh thêm: “Theo những người già ở bản Phồng, người Poọng gần gũi với người Đan Lai, nhất là tiếng nói và phong tục, nên hay kết hôn với nhau”. Hiện nay, ở xã Tam Quang (huyện Tương Dương) vẫn còn 21 hộ gia đình người Đan Lai sống cạnh người Tày Poọng và họ hay có quan hệ trao đổi hôn nhân với nhau là một minh chứng cho điều đó.

Cụ Viêng Cả Phia – một trong những người đầu tiên di cư về bản Phồng sinh sống. Ảnh: PV

Tuy nhiên, ngoài quan hệ với nhóm Đan Lai thì quan hệ với các nhóm khác trong dân tộc Thổ lại khá mờ nhạt. Qua những cuộc phỏng vấn những người lớn tuổi cũng như các tài liệu đã xuất bản thì thấy rằng: Dù được xem là một nhóm địa phương của dân tộc Thổ nhưng người Tày Poọng không biết gì nhiều về dân tộc Thổ và càng không coi mình là dân tộc Thổ. Họ tự gọi mình là người Poọng (hay tự nhận tên là Tày Con Kha, là một tộc người đang sinh sống ở Lào mà người Tày Poọng coi là có quan hệ đồng tộc với họ) và theo các già làng thì họ chủ yếu từ Lào di dân sang Việt Nam. Sở dĩ họ được gọi là Thổ vì trong quá trình xác minh các thành phần dân tộc người ta đã đi đến kết luận như vậy. Trong sách “Các dân tộc ít người ở Việt Nam: các tỉnh phía Bắc” có đề cập đến vấn đề này: “Năm 1973, Tỉnh ủy và ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An (cũ) đã triệu tập hai cuộc hội nghị đại biểu các dân tộc. Các đại biểu hội nghị đã thảo luận sôi nổi, nghiêm túc và đi tới nhất trí xác định rằng: người Thổ là một dân tộc bao gồm các nhỏm Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Đan Lai, Ly Hà, Tày Poọng”. Vấn đề này sau đó lại được nhất trí xác định một lần nữa tại Hội nghị xây dựng danh mục các dân tộc thiếu số ở miền Bắc”, do ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam triệu tập, Viện Dân tộc học chủ trì, họp tháng 12/1973. Ý thức tự giác dân tộc của người Thổ, qua ba cuộc hội nghị, đã được nói lên, được nhất trí và được chấp nhận”. Như vậy, có thể coi nhóm Tày Poọng là nhóm địa phương của dân tộc Thổ hay không vẫn còn là một vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, nhất là phải làm rõ hơn mối quan hệ giữa Tày Poọng và các nhóm khác trong dân tộc Thổ trên nhiều phương diện khác nhau.

Bản Tùng Hương (xã Tam Quang, huyện Tương Dương) – nơi có người Tày Poọng, Thái và Đan Lai cùng sinh sống. Ảnh: PV

Quan hệ giữa các nhóm Tày Poọng với nhau

Người Tày Poọng ở Nghệ An không nhiều nhưng trong quá trình lịch sử di cư nhiều nên họ cũng hình thành nhiều nhóm nhỏ có mối quan hệ với nhau. Như lời kể của những người già trong bản Phồng thì trước Cách mạng tháng Tám 1945, người Tày Poọng sống tập trung nhiều ở khu vực khe Thơi. Sau đó, vì nhiều lý do mà họ cứ di cư ngược lên, rồi qua Lào. Sau khi kháng chiến chống Pháp kết thúc thì họ lại di cư trở lại khe Thơi. Nhưng qua một thời gian, do thiếu đất canh tác nên họ lại tiếp tục di cư vào khu vực bản Phồng hiện tại. Như vậy, một số sang Lào không quay lại thì sinh sống với các nhóm đồng tộc bên kia biên giới. Một số tiếp tục sinh sống ở khu vực khe Thơi, chủ yếu tập trung ở hai bản Tân Hương và Tùng Hương. Phần lớn sinh sống tập trung vào bản Phồng. Cũng vì những nguyên nhân lịch sử và văn hóa tộc người nên người Tày Poọng cũng có những mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Trước hết là quan hệ giữa người Tày Poọng ở bản Phồng với người Tày Poọng ở hai bản Tân Hương và Tùng Hương (xã Tam Quang). Theo những tư liệu và lời kể của những người già thì người Tày Poọng ở bản Phồng chủ yếu di cư từ Tam Quang vào. Vậy nên cũng có thể coi vùng Tam Quang là quê cũ của người Tày Poọng ở bản Phồng. Hiện tại người Tày Poọng ở hai khu vực này vẫn giữ mối quan hệ khăng khít với nhau, qua lại thăm hỏi nhau do có nhiều mối quan hệ họ hàng. Và nhất là trong quan hệ hôn nhân, người Tày Poọng ở bản Phồng và bản Tân Hương, Tùng Hương đều có nhiều người kết hôn với nhau.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa người Tày Poọng ở Việt Nam với nhóm người Tày Poọng ở bên Lào cũng là vấn đề cần được tìm hiểu thêm. Theo thông tin tư liệu từ Ban dân tộc tỉnh Nghệ An thì ở Việt Nam tính ra hiện nay có chưa đến một ngàn người Tày Poọng nhưng ở bên Lào thì số lượng của nhóm này khá đông. Ở tỉnh Xiêng Khoảng có khoảng hơn 8000 người Tày Poọng sinh sống. Còn ở tỉnh Bolykhamxay năm 2016 có 8675 người Tày Poọng. Và người Tày Poọng ở Tương Dương hiện nay có nhiều nét văn hóa vẫn giống như bên Lào. Đặc biệt họ rất coi trọng mối quan hệ thân thiết với nhau và nhiều người vẫn qua lại thăm hỏi nhau. Đây cũng đặt ra thêm nghi vấn về việc liệu người Tày Poọng chỉ có nguồn gốc ở Việt Nam như các nhà nghiên cứu trước đây đã nhấn mạnh hay không?

Bà Vi Thị Huệ – Chi hội trưởng Hội người cao tuổi bản Phồng. Ảnh: PV

Quan hệ giữa Tày Poọng với các cộng đồng sinh sống bên cạnh

Ở Tam Hợp, người Tày Poọng tập trung sinh sống ở bản Phồng, bao gồm 157 hộ gia đình với 690 nhân khẩu. Ở Tam Quang, người Tày Poọng sinh sống rải rác ở hai bản Tân Hương và Tùng Hương, gồm 38 hộ với 144 nhân khẩu. Như vậy, tổng số người Tày Poọng sinh sống ở Tương Dương là 195 hộ gia đình với 834 nhân khẩu. Trong quá trình phát triển, người Tày Poọng có mối quan hệ gắn kết với các cộng đồng khác như người Thái, người Mông, người Khơ Mú và người Kinh. Hiện tại, người Tày Poọng sinh sống cạnh người Thái ở cả xã Tam Hợp lẫn xã Tam Quang. Riêng ở Tam Quang họ còn gần gũi với người Đan Lai, Khơ Mú. Bên cạnh đó họ cũng có quan hệ với người Mông ở không cách xa họ lắm. Người Tày Poọng cũng có những mối quan hệ nhất định với người Kinh qua công tác quản lý của chính quyền hay qua công việc làm ăn, mạng lưới xã hội. Một số người dân Tày Poọng cũng có quan hệ hôn nhân với người Thái. Ở bản Phồng có hơn 20 trường hợp đàn ông Tày Poọng lấy phụ nữ Thái và cũng có nhiều người phụ nữ Tày Poọng đã đi làm dâu người Thái ở các bản khác. Qua quan hệ hôn nhân, văn hóa của người Tày Poọng cũng giao lưu và tiếp biến với nhiều yếu tố văn hóa Thái. Điều đó thể hiện tiêu biểu trong các kỹ thuật về dệt may, về trang phục hay một số phong tục tập quán. Người Tày Poọng cũng tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa Thái trong hoạt động kinh tế, như việc canh tác ruộng nước. Trước đó người Tày Poọng không biết làm ruộng nước. Từ khi cùng tham gia hợp tác xã và giao lưu với người Thái nhiều hơn nên họ học được cách làm ruộng nước từ cộng đồng này. Người Thái cũng là đối tác quan trọng trong các cuộc buôn bán, trao đổi của người Tày Poọng. Họ cũng giữ mối quan hệ tốt đẹp với các nhóm khác như Mông, Khơ Mú, Kinh, nếu có cơ hội vẫn sẵn sàng hợp tác làm ăn.

Ngày trước, các quan hệ trong cộng đồng Tày Poọng là mối quan hệ chủ đạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, quan hệ giữa các cộng đồng tộc người ngày càng chặt chẽ nên mối quan hệ giữa Tày Poọng và các nhóm tộc người khác đang trở nên phổ biến và gắn kết hơn. Các mối quan hệ không ngừng được mở rộng, quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa thêm mạnh mẽ, nên việc định vị lại người Tày Poọng trong bối cảnh đa văn hóa cũng là một việc quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Bùi Hào