Chỉ còn 3 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Đây là thời điểm mà mọi cấp, ngành đang gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho cho sự kiện trọng đại này. Mặc dù bận rộn với vị trí “con thoi” của Ban chỉ đạo, nhưng chị Võ Thị Minh Sinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh đã dành cho bạn đọc Tạp chí Sông Lam một cuộc trao đổi thẳng thắn, chân tình và hết sức lý thú.

*****

Trước hết xin cảm ơn Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh đã ưu ái dành cho Tạp chí Sông Lam cuộc trò chuyện này. Chị có thể mở đầu bằng một điều gì đó về bầu cử được không, ví dụ như một định nghĩa chẳng hạn?

Trên thế giới thì người ta nhận định “Bầu cử là trái tim của nền dân chủ hiện đại”. Còn với Việt Nam chúng ta thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ngay từ sau khi giành được chính quyền rằng “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”. Chúng ta đang tiến rất gần đến cuộc Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, có thể nói đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng.

Chị có thể vui lòng khái quát một bức tranh toàn cảnh về bầu cử của tỉnh nhà tính đến thời điểm này?

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trao đổi với Tổ bầu cử xóm Thanh Tân, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ 2- Ảnh: Thành Duy

Nghệ An chúng ta đã triển khai công tác bầu cử một cách bài bản và đúng luật. Tinh thần của ban chỉ đạo là phải chủ động, chu đáo, trách nhiệm cao nhất, chất lượng tốt nhất. Đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự phải là ngày hội của toàn dân.

Toàn tỉnh hiện có 1 ủy ban bầu cử cấp tỉnh, 21 ủy ban bầu cử cấp huyện và 460 ủy ban bầu cử cấp xã; 5 ban bầu cử đại biểu Quốc hội, 26 ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 216 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 3.242 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và 3.416 tổ bầu cử. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để chốt danh sách chính thức thì đến nay trên địa bàn chúng ta có 23 ứng cử viên đại biểu Quốc hội, 138 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh, 1.222 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện và 18.333 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã.

Mọi thứ đang vận hành rất tốt. Hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh. Việc tập huấn trang bị kỹ năng nghiệp vụ cho những người làm công tác bầu cử được quan tâm. Kinh phí và các điều kiện vật chất cho bầu cử được đảm bảo. Công tác an ninh an toàn được triển khai chặt chẽ. Có thể tự tin để khẳng định tất cả đều đang diễn ra đúng kế hoạch và tuân thủ pháp luật.

Cử tri Nghệ An đang rất quan tâm đến các ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhà, chị có thể cung cấp chi tiết thêm một chút về điều này được không ạ?

Tất nhiên là được chứ, công khai mà. Ủy ban MTTQVN tỉnh hiệp thương lần thứ ba rồi. Trước đó thì cả 206 ứng cử viên đều đã được lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Xin cung cấp thêm cho bạn đọc là trong 206 người được lấy tín nhiệm thì có 202 đạt tín nhiệm 100%; có 3 người từ 95% đến gần 100%; 1 người có tín nhiệm dưới 50%. Căn cứ tiêu chuẩn và cơ cấu chúng ta đã lựa chọn 138 người. Như vậy đến giờ này chúng ta đã “chốt” xong danh sách 138 ứng cử viên để bầu 83 đại biểu HĐND tỉnh vào ngày 23/5/2021. Trong 138 thì có có 52 người nữ, chiếm tỷ lệ 37,7%; trẻ tuổi 43 người, chiếm 31,2%; dân tộc thiểu số 16 người, chiếm tỷ lệ 11,6; ngoài Đảng 6 người, chiếm tỷ lệ 4,3%; tôn giáo 4 người, chiếm tỷ lệ 2,9%; tái cử 27 người, chiếm tỷ lệ 29,7%.

Một thông tin vui cũng xin chia sẻ với bạn đọc Sông Lam là tỉnh chưa nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh.

Theo quy định thì thời gian vận động bầu cử được tiến hành từ khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 28/4) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 h sáng ngày 22/5/2021). UBMTTQ tỉnh sẽ phối hợp với chính quyền các cấp để mọi ứng cử viên thực hiện quyền vận động bầu cử theo đúng quy định. Trên cơ sở đó cử tri sẽ đánh giá, nhận diện và tự đưa ra các quyết định lựa chọn.

Nếu với tư cách là một cử tri, chị muốn chọn những đại biểu như thế nào?

Tận tâm với dân, quyết liệt với công việc, trung thực với tổ chức và trách nhiệm với chính mình.

Được biết MTTQ tỉnh vừa thành lập một đoàn đi các huyện kiểm tra công tác bẩu cử? Và kết quả kiểm tra thế nào ạ?

Kế hoạch của MTTQ tỉnh là kiểm tra 100% tại tất cả các đơn vị thuộc các cấp MTTQ trên địa bàn. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ cũng như hiệu quả, không phải một đoàn mà nhiều đoàn, không phải một lần mà nhiều lần, không chỉ về huyện mà xuống tận xã. Ban Chỉ đạo và Ủy ban Bầu cử tỉnh cũng thành lập 9 đoàn, tất cả đều hướng về huyện và cơ sở để phát hiện, đôn đốc, hướng dẫn xử lý kịp thời mọi tình huống phát sinh. Đến thời điểm này có thể nói là mọi thứ đang diễn ra đúng với kế hoạch, tất nhiên cũng có một vài sai sót nhỏ đã được chỉ ra để khắc phục. Kết quả kiểm tra thêm một lần chứng minh rằng chúng ta triển khai rất bài bản, rất chủ động, nhiều cách làm rất sáng tạo, quan trọng là rất đúng pháp luật.

Ngay cả khi diễn ra các sự cố như thiên tai, dịch bệnh… thì đều đã có các phương án, kịch bản kỹ lưỡng. Ủy ban Bầu cử đã tập huấn và hướng dẫn các tổ bầu cử xây dựng kịch bản cho ngày bầu cử. Riêng dịch bệnh thì chúng ta đã kiểm soát tốt và có thể nói cũng đã có kinh nghiệm. Người dân cũng đã hình thành được kỹ năng và cả ý thức phòng chống dịch rất cao. Quan điểm của Ban Chỉ đạo là không để rơi vào bị động. Chủ động mọi tình huống sẽ góp phần để tỷ lệ cử tri đi bầu đạt được cao nhất.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh và các thành viên trong đoàn kiểm tra việc niêm yết danh sách cử tri tại khối Vĩnh Tiến, phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò- Ảnh: Thu Giang

Chị vừa nhắc đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu. Chị nghĩ gì về tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất cao ở những mùa bầu cử trước? Chị có những dự báo gì về tỷ lệ này sắp tới đây?

Tỷ lệ người bỏ phiếu ở Việt Nam chúng ta trong quá khứ phải nói là rất cao, rất tuyệt vời. Đó là điều không phải đất nước nào cũng có được. Nó là minh chứng rất rõ về sự đồng thuận của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tôi tin cuộc bầu cử ngày 23 tháng 5 tới tỷ lệ cử tri đi bầu cử cũng sẽ là một con số rất cao.

Theo như tôi biết thì vẫn có một tỷ lệ dù rất nhỏ các cử tri đi bầu thay, chị có nhận xét gì không? Ta có cần khắc phục không ạ?

Cần chứ. Những mùa trước chúng ta đã ngăn chặn tốt điều này, mùa bầu cử năm nay chúng ta sẽ phải làm tốt hơn nữa. Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và cử tri thấy được nghĩa vụ và quyền lợi. Đây là biện pháp quan trọng và thiết thực. Cơ sở họ sáng tạo ra những cách làm hay lắm. Ví dụ như một xóm nọ có nhiều gia đình đăng ký mặc đồng phục trong ngày bỏ phiếu đấy. Hãy tưởng tượng cả gia đình đồng phục lên bỏ phiếu đẹp và trân trọng như thế thì làm sao ai thay cho ai được. Đành rằng không đại diện cho tất cả nhưng chắc chắn nó là thông điệp đẹp đẽ và trách nhiệm gửi đến mọi người. Thứ hai nữa là trang bị cho thành viên tổ bầu cử có các giải pháp cụ thể theo kịch bản để ngăn chặn. Tinh thần là phiếu ai người ấy bỏ, trừ các trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định.

Nhưng lại có ý kiến cho rằng mỗi khi cả nhà đã “thảo luận dân chủ” thống nhất rất cao việc lựa chọn nhân sự rồi thì việc “điều” cả gia đình đi bỏ phiếu rất không cần thiết. Chị nghĩ sao?

Họ mới chỉ xem xét ở góc độ kết quả bỏ phiếu. Có thể khi cả nhà đã “thảo luận dân chủ” thì việc một người hay cả nhà cũng không làm thay đổi kết quả bỏ phiếu. Nhưng ngoài kết quả còn là thái độ tuân thủ luật pháp, rồi còn cả cái phần mà ta hay gọi là “quyền lợi” nữa. Cảm xúc cầm lá phiếu bỏ vào hòm rất đặc biệt, nó thiêng liêng lắm. Ai lại “dùng thay” cảm xúc bao giờ!

Ai đó từng ví Mặt trận có một chức năng như là… cái tai của quần chúng. Là một cán bộ Mặt trận, chị đã “nghe” được gì từ cuộc bầu cử này?

Rất nhiều, nhưng nhiều nhất vẫn là sự tin tưởng, kỳ vọng.

Nghĩa là không có phàn nàn hay băn khoăn nào?

Có chứ!

Họ phàn nàn về điều gì ạ?

Chủ yếu là về các ứng cử viên.

Tôi nghĩ là bạn đọc sẽ quan tâm chi tiết này. Chị có thể bật mí một chút về những điều mà họ phàn nàn hay băn khoăn không ạ?

Phải khẳng định là cử tri của chúng ta rất thẳng thắn, trách nhiệm và dân chủ. Đã có trường hợp ứng cử viên phải đứng ra xin lỗi cử tri nơi cư trú rồi đấy. Ngay cả kết quả thăm dò tín nhiệm vừa rồi có phải ai cũng 100% đâu, thậm chí có cả ứng cử viên chỉ đạt dưới 50% đấy thôi. Cử tri họ sợ nhất là bị hứa suông. Họ sợ đại biểu sau khi “hóa thân” vào Chương trình hành động và “chinh phục được trái tim thân yêu” rồi thì coi như xong. Có cử tri bày tỏ rằng ứng cử viên nói thì rất hay, hứa thì rất ưng tai… nhưng trí nhớ thì không tốt lắm, đắc cử xong, hay… “quên”. Mặt trận chúng tôi đang nghĩ đến việc xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện lời hứa.

Hình như chị cũng là một ứng cử viên?

Vâng, tôi vinh dự vừa là ứng cử viên đại biểu Quốc hội vừa là ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhà.

Chị có định hứa không?

Mọi ứng cử viên đều phải có chương trình hành động của mình để trình bày trước nhân dân trong quá trình vận động bầu cử. Có thể coi như đó là những bản khế ước với cử tri. Tôi không có quyền ngoại lệ.

Chị có dự định hứa với cử tri về một cây cầu hay con đường nào đó không?

Ô không, tôi không hứa cái ngoài phạm vi công tác, cũng không hứa cái mà mình không thể làm được. Ngoài việc thực hiện nghiêm túc theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu Quốc hội và HĐND đã được quy định trong hiến pháp, pháp luật cộng với trách nhiệm gương mẫu và bản lĩnh của đại biểu… tôi đặc biệt quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả các mô hình sinh kế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm giúp họ thoát nghèo bền vững. Tôi cũng sẽ quan tâm đồng thời triển khai ngay việc chuyển đổi số trong công tác Mặt trận, trong đó có hệ thống tương tác giữa Nhân dân, Mặt trận với chính quyền nhằm tiếp nhận, giám sát việc giải quyết và trả lời kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri mọi lúc, mọi nơi trên địa bàn toàn tỉnh.

Nếu tóm tắt một câu về lời hứa của mình thì chị sẽ nói gì?

Vì dân và vì danh dự của bản thân!

Tôi xin phép chị được hỏi riêng tư một chút, được biết chị là người dân tộc Thổ (cha và mẹ chị đều là người Thổ), chị nghĩ gì khi mặc trang phục truyền thống dân tộc mình trên nhiều diễn đàn? Chị có nghĩ những cá nhân thuộc dân tộc thiểu số như chị là một lợi thế không?

Tôi nghĩ lợi thế thì không hẳn, còn ưu thế thì một chút, nhưng đã nói đến ưu thế thì cũng nên nghĩ đến thiệt thòi. Ví dụ như chuyện trang phục lúc nãy, nó làm tôi thấy mình “ưu thế” hơn khi trình bày các vấn đề về chính sách dân tộc. Đôi khi trang phục nó đóng vai trò như một yếu tố hỗ trợ thông tin về mặt trực quan vậy. Trang phục dân tộc thiểu số có vẻ tôi được chú ý hơn. Đó cũng là điều làm tôi và cả những người dân tộc thiểu số khác (là tôi nghĩ thế) sẽ cảm thấy tự hào xen lẫn trách nhiệm, cũng là góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc nữa.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh – trao quà cho trẻ bị bại não- Ảnh: Mai Hoa

Chi có tin là mình trúng cử không?

Tôi tin ở bản thân, ở sự chân thành của tôi đối với cử tri. Tôi cũng tin là cử tri sẽ hiểu mình, cũng như những tình cảm quý báu mà cử tri, nhân dân đã dành cho tôi, động viên, chia sẻ, giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ trong suốt thời gian vừa qua. Tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ, giúp đỡ và giám sát của cử tri để tôi phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao. Dù trúng cử hay không thì với tôi lý tưởng sống và mục đích cống hiến là không thay đổi. Cho dù ở đâu, làm bất cứ việc gì thì tôi vẫn luôn trung thành với 2 chữ vì dân.

Lúc nãy chúng ta nói về lời hứa của người trúng cử. Thế còn những người không trúng cử, chị nghĩ gì về họ?

Với tư cách là người của Mặt trận, tôi trân trọng và thực lòng rất cảm ơn họ. Kể cả tôi cũng thế, trúng hay không thì ít nhất cũng là ứng cử viên, để đến với cuộc bầu cử thì không thể không nổi trội. Những người không trúng cử có quyền tự hào vì điều đó. Tôi nghĩ những người không trúng cử sẽ tiếp tục cống hiến, tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri và mọi người. Tôi mong tất cả chúng ta đồng hành vì một mục tiêu là dân giàu nước mạnh. Về phía Mặt trận, chúng tôi sẽ có thư cảm ơn. Tất nhiên đấy là câu chuyện sau ngày 23 tháng 5.

Mỗi kỳ bầu cử dư luận lại có những xì xầm chuyện “quân xanh” với “quân đỏ”, chị có ý kiến gì về điều này không?

Có chứ. Chúng tôi có trách nhiệm phải lắng nghe mọi thông tin và có bổn phận xử lý nó. Trước hết, pháp luật rất rõ ràng không có xanh đỏ gì hết. Mọi ứng cử viên đều bình đằng trước mỗi lá phiếu. Tuy nhiên, đã bầu cử thì phải có số dư. Giữa các ứng cử viên thì cũng có sự khác nhau nhất định. Tôi lấy ví dụ trong một cơ quan nào đó, khi cán bộ nhân viên giới thiệu 2 ứng cử viên thì thường 1 người là cấp trưởng và một người là cấp phó hoặc cấp thấp hơn. Đó là sự lựa chọn tất yếu vì làm sao cùng lúc có 2 thủ trưởng mà chọn cho “đều”. Từ thực tiễn đó dư luận đôi khi tự suy luận người có chức vụ cao hơn là “quân đỏ”. Bởi thế mới đòi hỏi trách nhiệm rất cao của cử tri. Cử tri phải đánh giá được năng lực phẩm chất của từng cá nhân qua quá trình vận động bầu cử, từ đó lựa chọn cho mình một người xứng đáng. Khẩu hiệu của chúng ta là chọn người có đức, có tài chứ đâu phải chọn có chức có quyền. Tôi tin cử tri hoàn toàn có đủ khả năng để đánh giá ứng cử viên vì ngày nay rất nhiều kênh thông tin để tiếp cận. Ở các kỳ bầu cử trước cũng đã từng có những người dư luận gọi là “quân xanh” nhưng trúng cử đấy. Vì sao à, vì cử tri thấy xứng đáng hơn, thế thôi. Tôi muốn nhấn mạnh quyền quyết định cuối cùng hoàn toàn thuộc về cử tri. Chữ “sáng suốt lựa chọn” rất đáng để cử tri tâm niệm.

Xin chị một câu cuối cùng nhé. Bạn đọc Sông Lam nói riêng và cử tri tỉnh nhà nói chung biết đến một Võ Thị Minh Sinh nhỏ nhắn nhưng xông xáo, một Võ Thị Minh Sinh dường như “tả xung hữu đột”, cảm giác “mặt trận” nào cũng thấy chị. Bận rộn thế thì liệu còn có một Võ Thị Minh Sinh cho gia đình không? Chị cân đối việc công việc tư như thế nào?

Rất cảm ơn mọi người đã quan tâm đến điều này. Phải nói là tôi chắt chiu mọi khoảng trống thời gian còn lại cho gia đình. Bình thường thì 4h30 dậy tập thể dục, tiếp theo là qua chợ mua thực phẩm về sơ chế, chụp ảnh vào nhóm “Home sweet home” (do con gái lập) để ai về trước thì người đó sẽ nấu. Còn bữa nào đi công tác, thì mọi việc ông xã tôi đảm đương hết.

Hồi ở Quỳ Hợp còn khó khăn hơn. Thứ Sáu về, thứ Bảy và Chủ nhật đi chợ, chế biến những món ăn con và chồng thích, để vào ngăn đá tủ lạnh cho bố con dùng dần. Ba giờ sáng thứ hai lại gỡ chân con ra khỏi mình để lên cơ quan, kịp giao ban đầu tuần. Khi tôi nhận nhiệm vụ thì con gái lớn nhà tôi đi lấy chồng. Đến giờ tôi vẫn còn nguyên cảm xúc cảnh cả 3 mẹ con ôm nhau khóc. Nhà có 4 người mà phải chia 3, mẹ công tác Quỳ Hợp, chị cả đi lấy chồng, còn bố và em ở nhà. Mọi thứ rồi cũng qua nếu mình biết cách thu xếp. May mà mình có một gia đình mà mỗi người đều sẵn sàng làm “ô sin” cho nhau. Có lẽ do “kiếp trước mình tu tốt” nên gặp người chồng tuyệt vời. Nói nhỏ thôi nhé, anh ấy vừa làm bố lại cả thay tôi làm mẹ, thậm chí có lúc còn hành xử với tôi như con nữa (cười). Anh thấy cái bể cá mi ni có hoa nở ấy không, là quà ông xã tặng ngày tôi nhận nhiệm vụ đấy! Những lúc công việc căng thẳng tôi ngắm những chú cá và nghĩ về gia đình, nghĩ về người đàn ông tri kỷ đã có công chăm sóc, bồi dưỡng tôi trưởng thành như ngày hôm nay. À, tiết lộ thêm với anh là ngày 23 tháng 5 tới tôi và nhà tôi dự định sẽ diện đồng phục đi bỏ phiếu đấy. Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng mà.

Chúc mừng chị đã có một gia đình tuyệt vời. Mong rằng nơi ấy sẽ là bệ đỡ cho chị có điều kiện cống hiến nhiều hơn trong tương lai. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn chị đã dành cho bạn đọc Tạp chí Sông Lam cuộc trò chuyện chân tình và ấm cúng này!

Nguyễn Khắc An (Thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 12/2021)