Khi gả về nhà Dzếnh, Y Hua mới mười ba, còn Dzếnh cũng chỉ mới hơn Y Hua hai tuổi. Dzếnh là con trai độc nhất của gia tộc họ Hờ, cha và mẹ quý hơn vàng, mới mười lăm nhưng Dzếnh cao lớn, phổng phao như một chàng trai thực thụ.
  Cha mẹ Dzếnh sống dựa vào cái nương, cái rẫy, nhờ chăm chỉ nên cũng nuôi được dăm con trâu, con bò, vài con lợn trong chuồng. Bớt ăn, bớt uống, cha mẹ Dzếnh tích cóp được ít tiền, dựng được cái nhà gỗ ba gian. Tuy nó không bằng nhà ở của mấy người giàu có, nhưng nó vẫn là niềm ao ước của người dân ở cái bản Phạ Khao này rồi. Năm đó, Dzếnh đang học lớp chín. Một hôm, mẹ đi chợ phiên, gặp người phụ nữ, ngồi xếp bằng trên tấm chiếu hoa, trước mặt có mấy con bài và một cái mõ. Vẫy tay gọi mẹ Dzếnh lại gần, bà ghé tai thì thào. Năm nay nhà chị đang có hạn rất nặng, có thể chết người đấy. Mẹ Dzếnh mặt tái xanh, tay run run, nói không ra lời…Sao…sao bà lại biết. Mới thoáng nhìn thấy chị, cái hạn nó đã hiện lên trên khuôn mặt này này. Lo sợ, mẹ Dzếnh không còn tâm trí nào bán hàng, bà ngồi xuống cạnh người phụ nữ nhờ xem quẻ. Người phụ nữ sửa soạn lễ vật, thắp hương, gõ mõ. Bà bảo mẹ Dzếnh rút một con bài, một con K bích với khuôn mặt đàn ông xám xịt. Người phụ nữ nhìn con bài, rồi phán, nhà chị có một con trai duy nhất, hiện nó còn đi học. Cái hạn của nhà chị chính là hạn của nó. Con trai chị có học cũng không thành người, hiện tại nó đang mang tâm bệnh rất nặng. Mẹ Dzếnh chết lặng người hốt hoảng, rồi khẩn khoản xin người phụ nữ xem có cách nào giải được hạn không. Người phụ nữ lại gõ mõ, miệng lẩm nhẩm điều gì mà mẹ Dzếnh nghe không rõ. Bà ta bảo mẹ Dzếnh lật tiếp một con bài nữa, lần này là con Át chuồn. Nhìn vào con bài, rồi nhìn mẹ Dzếnh, người phụ nữ nói phải cưới vợ cho nó. Vợ chính là cái bùa hộ mệnh giúp nó qua được vận hạn chết người.
Mẹ đương nhiên tin vào lời của người phụ nữ bói toán. Mẹ Dzếnh nhắm mắt, thả hồn trong khói hương và tiếng mõ ngân nga nghĩ về tương lai của Dzếnh. Bán vội bế măng đắng, mẹ Dzếnh trở về nhà với khuôn mặt đầy lo âu. Kéo bố Dzếnh vào buồng, thì thầm, bàn tính, đưa lễ hậu, kháo tin quanh vùng tìm mối nhân duyên cho Dzếnh.
Nhà Y Hua có đến chín miệng ăn, quanh năm còng lưng trên cái nương, cái rẫy đã bạc màu cũng chỉ đủ miếng cháo mùa giáp hạt. Mẹ thấy Y Hua sáng dạ nhất nhà, nên thương Y Hua lắm và mong muốn Y Hua học hành đến nơi đến chốn. Một hôm, mẹ Y Hua dắt theo các anh, chị bỏ nhà, bỏ bản theo người ta đi sang tận Trung Quốc làm ăn, không biết ngày về. Bố Y Hua ở nhà, cũng bỏ cái nương, cái rẫy, suốt ngày uống rượu. Trong bản, ai gọi làm gì thì chạy theo làm cái đó, kiếm được dăm đồng bạc là bỏ vào mấy chai rượu. Mới mười ba tuổi, Y Hua vừa đi học, lại vừa đi nương kiếm củ khoai, củ sắn về cho hai em nhỏ, sống qua ngày. Một hôm, bố Y Hua theo người ta lên núi chặt gỗ thuê, tiền chưa kiếm được, nhưng bị gỗ đè dập lưng. Hằng ngày bố Y Hua chỉ có thể nằm trên giường, muốn chết mà chẳng chết cho. Hai đứa em trai còn chưa đủ tuổi lớn. Nỗi khổ sở của gia đình, nỗi nhớ mẹ và các anh, chị, làm tuổi thơ của Y Hua mang một gánh nặng tâm tư.
Vì thế khi cha mẹ Dzếnh bước chân vào nhà, nỉ non: “Gả con Y Hua về nhà họ Già đi, vừa có tiền để dưỡng bệnh lại có tiền để chi tiêu cho mấy miệng ăn trong nhà”. Cha Y Hua gật đầu, mặc cho Y Hua van xin: “Cha ơi, con còn nhỏ, nào con có biết chi, mẹ và các anh chị đi làm ăn xa, hai em còn nhỏ dại, cha nằm liệt giường, ai chăm cha, ai chăm các em đây…con…con còn muốn đi học chữ nữa. Con xin cha, cha ơi!”. Nước mắt Y Hua giàn giụa ướt đẫm cả vạt áo đã nhàu nát. Hai đứa em thấy chị khóc cũng òa theo nước mắt chảy dài trên hai gò má nhem nhuốc.
Tiếng kèn trống đón dâu vang lên rộn rã, đoàn người tiến đến ngôi nhà đã xiêu vẹo. Ông mối hát bài xin mở cửa. Y Hua nằm úp mặt trên giường, khóc không thành tiếng, nước mắt đã cạn kiệt. Mẹ ơi, mẹ ở đâu, sao mẹ không về, con gái phải đem đổi tuổi thơ của mình, để làm vợ người ta chỉ vì cứu cha và cứu gia đình mình ư. Hai đứa trẻ không biết gì, cứ ôm ghì lấy chị, khóc theo.

Minh họa: Diệp Thanh

Thấy chị cứ nằm khóc, hai đứa nhỏ chạy ra mở cửa. Nhà trai bước vào căn nhà tối om, họ xốc Y Hua dậy ra khỏi giường. Y Hua mặc vội bộ váy áo nhà trai mới cho, chải lại mái tóc và đội chiếc khăn lên đầu. Cha Y Hua nhìn theo, nước mắt ầng ậc. Từ đây, số phận cuộc đời Y Hua giao cả về tay một người con trai chưa đủ tuổi lớn khôn.
Đêm tân hôn, mẹ Dzếnh bước vào phòng, trải chiếc khăn trắng muốt lên giường, nhìn Dzếnh rồi đi ra. Y Hua sợ hãi ngồi bó mình một góc giường. Dzếnh bảo Y Hua lại gần, Y Hua lắc đầu không chịu. Dzếnh mở chiếc điện thoại, đưa cho Y Hua xem cảnh làm tình của người lớn.Y Hua úp mặt lên hai đầu gối sợ hãi. Dzếnh cởi hết quần áo ra và kéo Y Hua vào lòng. Đôi bàn tay của Dzếnh thành thạo mở từng cái cúc áo của Y Hua.
Nghe tiếng gõ cửa, Y Hua choàng tỉnh, mặc vội quần áo, đi ra mở cửa. Mẹ chồng bước vào, đi lại phía giường, bà nhìn thấy một vệt đỏ hồng trên chiếc ga màu trắng. Bà mỉm cười, rồi đi ra.
Cha mẹ chồng không phải là người khắt khe khó tính. Hằng ngày, Y Hua ngoài việc giúp mẹ chồng cho lợn, gà ăn, dọn dẹp trong nhà, nấu cơm, giặt giũ áo quần cho cả nhà, xong xuôi tất cả mọi việc mới lên nương, tối mịt mới về. Giữa những kẽ hở lúc bận rộn, hoặc khi Dzếnh đã ngủ say, Y Hua thường khóc nước mắt nóng rồi thẫn thờ, lo lắng khi cái bụng càng ngày càng to ra.
Cha Dzếnh làm nghề mối lái trâu, bò nên ít khi ở nhà. Cũng có bận, ông về gọi Dzếnh đi cùng. Dần dà trâu, bò những bản gần rồi cũng cạn kiệt, hai cha con lại phải đi xa hơn, có khi biệt tăm suốt hai, ba tháng trời mới về nhà. Nhà thiếu người đàn ông, trăm việc đều đổ lên đôi vai của hai người đàn bà. Mẹ chồng đôi khi cũng thấy thương Y Hua, nên bà thỉnh thoảng lại làm thịt gà, hầm cháo, mua thêm mấy thang thuốc bổ về sắc cho Y Hua dưỡng cái thai. Có lần mẹ chồng nói với Y Hua, cứ ăn khỏe, làm khỏe là nó đẻ khỏe đấy, kinh nghiệm của người lớn tuổi, con phải học lấy.
Mẹ chồng bàn với Y Hua trồng thêm dăm trăm gốc chanh leo, vài ngàn gốc gừng, dạo này cả chanh leo và gừng đều lên giá. Không thể mượn người làm nữa rồi, mẹ chồng, con dâu cứ quần quật trên nương. Những công việc như thế đối với Y Hua đã trở nên bình thường, bởi ngày còn ở nhà, bố nằm liệt giường, mặc dù chỉ mới hơn mười tuổi nhưng việc to việc nhỏ đều vào tay Y Hua. Ngày làm lụng vất vả, tối về lo cho các em ăn ngủ rồi mới chong đèn lên học bài. Y Hua mơ ước một ngày nào đó Y Hua làm cô giáo về bản dạy học cho bọn nhỏ. Cứ nghĩ đến đều đó, Y Hua lại tủm tỉm cười một mình, rồi thiếp đi trên bàn lúc nào chẳng hay.
Sáng nay, gùi mấy cây chanh giống trên lưng đi ngang qua trường học cũ, thấy các bạn cùng đôi lứa tung tăng chạy nhảy trên sân mà lòng Y Hua đau thắt, một nỗi đau chỉ mình Y Hua biết…Nước mắt của Y Hua cứ lã chã tuôn trào. Mẹ chồng nhìn thấy con dâu buồn, bà lại gần, chiều về bắt lấy hai con gà, lấy thêm ít gạo rồi về thăm cha và các em nhé. Nghe mẹ chồng nói vậy, nhìn giàn chanh eo xanh ngát, những trái chanh đu đưa trong gió chiều lòng Y Hua cũng thấy nhẹ nhõm.
Thoáng thấy Y Hua đầu ngõ, từ trong mái nhà tồi tàn xiêu vẹo, hai đứa nhỏ ào ra. A, chị Y Hua, chị Y Hua về cha ơi. Trong nhà tiếng ho của bố ngày càng yếu hơn. Y Hua đưa gà và bao gạo cho hai đưa nhỏ, rồi chạy lại cái giường tối om ôm ghì lấy cha. Con về thăm cha, cha ơi. Cha Y Hua nấc lên từng tiếng, hai bàn tay khô ráp, yếu ớt sờ lên khuôn mặt rồi bờ vai héo gày của Y Hua…trong bóng tối Y Hua vẫn nhìn thấy từng giọt nước mắt của cha lăn dài.
Một lần, mẹ chồng theo người ta đi gom phân bò về bón chanh, không may bị ô tô đâm, phải đưa đi cấp cứu tận Mường Bun. Bà bị gãy xương sống, nằm liệt giường. Từ đây việc nhà, việc bản đều đè lên đôi vai gày yếu của Y Hua.
Sớm nào Y Hua cũng ra đầu ngõ, thấy ai đi qua gốc mạy xọ già cỗi là Y Hua nhắn lời gọi Dzếnh về. Chờ hết ngày này qua ngày khác không có tin tức gì của Dzếnh và cha chồng. Y Hua cảm thấy một nỗi lo sợ mơ hồ luôn quanh quẩn làm vướng bận tâm trí. Y Hua cố gắng trấn an mình, có lẽ Dzếnh và cha mải mê mua bán trâu bò không gặp được người cùng bản nên chưa về. Nhưng lý do đó chưa đủ sức thuyết phục để cho Y Hua yên lòng. Tim Y Hua chợt thắt lại trong một cảm giác bất an.
Một chiều mưa giông tầm tã, giàng đã đón mẹ chồng Y Hua về với cõi then. Bà ra đi mà mắt không nhắm được. Nước mắt giàn giụa, Y Hua đưa bàn tay gày yếu vuốt mắt cho bà. Y Hua khóc mẹ chồng, khóc cho cả cái số bạc mệnh của mình. Họ hàng treo bà ngay giữa nhà chờ chồng và con trai về. Cứ mỗi lần nghe tiếng súng nổ đầu ngõ là Y Hua lại chạy ra, rồi trở vào nhà trong nỗi đau tuyệt vọng. Đã qua bảy ngày mà chưa thấy chồng và con trai về, ông trưởng họ quyết định đưa bà đi chôn cất.
Lo việc cho mẹ chồng xong cũng là lúc Y Hua nhận được tin dữ. Dzếnh và cha bị bắt đi tù vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Y Hua lần hỏi mãi mới được người ta cho hay Dzếnh và cha bị kết án tù chung thân. Một mình chơ vơ giữa căn nhà lạnh ngắt, Y Hua khóc không thành tiếng, nước mắt đã cạn khô, nhưng những nỗi đau lại cứ thi nhau cứa nát trái tim non nớt của Y Hua.
Đứa bé sinh quặt quẹo, ốm đau liên miên, Y Hua chỉ biết ôm con, nựng nó, nựng chán rồi lại ôm con khóc. Chị hàng xóm thấy thương hoàn cảnh của Y Hua nên chạy sang đưa hai mẹ con xuống Trạm y tế. Đưa bé ra đi sau đó ít ngày vì bệnh thiếu máu.
Rồi cha Y Hua cũng chẳng đợi đến ngày mẹ và các anh chị từ Trung Quốc trở về đoàn viên. Cha về với giàng mang theo cả những giọt nước mắt đông quánh trên hai gò má hốc hác. Lo việc ma chay cho cha xong, Y Hua đón hai em về sống chung. Sáng chúng đến trường, chiều mới trở về nhà. Dưới ngọn đèn dầu leo lét, hai đứa trẻ cứ vô tư tung tăng nô đùa giữa tiếng cười giòn tan và rộn rã, chúng đâu biết nỗi đau chồng trên nỗi đau đang giày xéo tâm hồn chị.
  Sáng mai thức dậy, lo cơm nước cho các em xong, dặn dò các em vài thứ, Y Hua lại đeo cái lù cở trên lưng, bước ra khỏi nhà. Chân trời đàng đông mây xám buông đầy, Y Hua mò mẫm trên con đường lên nương, vọng về từ xa tiếng kèn trống đón dâu, chắc lại bé gái nhà ai đó bị bắt về làm dâu nhà người…

Vi Hợi
(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam Số 7/2020)