Người dân quê tôi gọi sông Lạch Vạn là sông Vạn, nhưng sông Lạch Vạn chỉ là phần hạ lưu của sông Bùng – con sông chảy qua những làng quê vùng Nam Diễn Châu rồi đổ ra biển. Sông Bùng chứa đựng bao lớp trầm tích văn hoá của đất Phủ Diễn – Hoan Châu. Nhìn từ trên cao, khúc sông êm đềm như một câu ca chảy qua Diễn Vạn ấy có hình chữ S.
   Người đời sau kể lại, từ xa xưa, khoảng thế kỷ XVII – XVIII, làng Vạn Phần đã có nghề đi biển đánh cá và làm nước mắm. Con sông Vạn là cửa ngõ của người dân Vạn Phần trong làm ăn buôn bán. Các tuyến đường bộ thông thương với bên ngoài rất hạn chế nên Vạn Phần được ví như cái lòng chảo. Đất Vạn Phần xưa nổi tiếng giàu có hàng nhất phủ với mấy chục địa chủ, tiểu thương và cả những thương gia có hàng chục con thuyền vươn khơi đánh bắt và chở nước mắm đi bán nhiều nơi trong cả nước. Cho đến những năm đầu thế kỷ XX thì khúc sông nối ra Lạch Vạn này vẫn sầm uất, trên bến dưới thuyền. Rồi sau này, HTX Vạn Thuỷ được thành lập, những cánh buồm nâu thưa dần và được thay thế bởi những con tàu lớn, dòng sông là nơi neo đậu của hàng chục con tàu Vi-et hiện đại – những con tàu chở hàng chục tấn hàng không chỉ cập những bến cảng trong nước như Nghệ Tĩnh, Hải Phòng, Sài Gòn, Vũng Tàu… mà có thể giao thương với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hồng Kông, Xingapo… Thế rồi, thời cuộc thay đổi, từ một đoàn tàu lớn của HTX ngày nào chỉ còn dăm ba chiếc của những hộ tư nhân, những người có kinh nghiệm và tay nghề trong HTX, khi HTX giải thể thì họ chung nhau mua tàu để làm ăn buôn bán. Cái nghề sông biển, nhất là sông biển hiện đại trong những năm 80; 90 của thế kỷ trước cũng không hề dễ dàng. Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đã làm cho những hộ tư nhân không giữ nổi nghề. Khúc sông giờ đây lại trở về cái thuở xa xưa, khiêm tốn với mấy con thuyền đánh cá đơn sơ, bé nhỏ…

Cầu sông Vạn. Ảnh: Cảnh Yên

Từ Diễn Kỷ, dòng xuôi theo con đê, phía Tây vẫn là xóm Đông Kỷ rồi đến cánh đồng tôm sú xóm Đồng Hà, phía Đông là đồng muối xóm Vạn Tài. Đó là điểm du ngoạn đầu tiên của dòng sông trên đất Diễn Vạn. Sông Bùng im lìm như chìm vào giấc ngủ sau khi lượn qua miền phố thị (từ thị trấn Diễn Châu đến thị tứ Cầu Bùng); thế nên, người dân nơi đây đã đổi tên thành sông Vạn từ lúc nào mà sông chẳng hay biết. Phải chăng, chảy qua những ồn ào náo nhiệt những miền sầm uất, sông muốn tìm một giấc bình yên? Vậy nên khi đến nơi này, đôi bờ chỉ còn phơ phất những bãi đay, những cây sú và lau lách đìu hiu làm chỗ trú chân của những đàn cò trắng khi mỏi cánh, lúc vãn chiều…
Cách đó không xa, bên bờ Tây, là ngôi đền thờ Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn càng tôn thêm vẻ trầm mặc, thâm u cho vùng đất này. Những năm chống quân xâm lược Nguyên – Mông, sông Vạn đã hoài thai để sinh ra một người con góp phần cứu nguy cho giang sơn xã tắc. Giai thoại dân làng kể lại rằng: Một hôm, mẹ Hoàng Tá Thốn ra sông gánh nước thì bắt gặp hai con trâu vàng từ dưới sông ngoi lên húc nhau, bà đưa đòn gánh can ra thì hai con trâu biến mất. Về nhà, trông thấy chiếc lông trâu vẫn vương trên đòn gánh, bà đem cất đi thì chẳng bao lâu sau bà thụ thai và sinh ra một cậu bé khôi ngô tuấn tú, lớn lên có sức khoẻ phi thường, đặt tên là Hoàng Tá Thốn. Cậu bé Hoàng Tá Thốn có tài bơi lặn như con rái cá, đi lại dưới nước dễ dàng như trên cạn. Một hôm, khi đi cùng chúng bạn qua sông Vạn, nhìn thấy những thân cây ở đầu nguồn trôi về, Hoàng Tá Thốn giơ tay chỉ, bắt chúng dừng lại, quả nhiên, bao nhiêu cây gỗ, cây tre, cành củi… không vướng gì mà tất cả dừng trôi rồi xếp theo hàng, theo lối. Tối đến, mẹ Tá Thốn bảo: “Con có làm gì ai không mà đêm đêm mẹ nghe tiếng người kêu xin tha?”. Hôm sau, Hoàng Tá Thốn lại ra sông chỉ tay và nói: “Cho chúng mày đi”, thế là bao nhiêu cây cối dưới sông trôi đi. Còn theo cuốn Đại Việt sử ký toàn thư thì vào thế kỷ XIII, dưới thời Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, khi giặc Nguyên – Mông sang xâm lược nước ta, nhờ có tài bơi lội và võ nghệ hơn người, Hoàng Tá Thốn được tiến cử với Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Thấy được năng lực đặc biệt của Hoàng Tá Thốn, Hưng Đạo Vương đã giao cho ông thống lĩnh hàng vạn thuỷ binh chặn đánh đạo quân do Ô Mã Nhi chỉ huy trên sông Bạch Đằng và lập được nhiều chiến công lớn. Khi ngài mất, nhân dân ở nhiều nơi như Hoằng Hoá (Thanh Hoá) Yên Thành, Diễn Châu… lập đền thờ ngài. Ngôi đền thờ Sát Hải Đại Vương với những bức tượng voi đá, ngựa đá kính cẩn cúi chầu, hai vị tướng vác đao nghiêm trang đứng gác, mắt vẫn hướng ra bờ sông như ngóng trông chủ tướng cùng đoàn chiến thuyền ca khúc khải hoàn trở về.
Buổi sáng, tiếng chuông ngân nga đánh thức dòng sông tỉnh giấc, tiếng chuông ấy của nhà thờ giáo xứ Vạn Phần, tháp chuông vươn lên trên mây trời xanh biếc. Dường như trôi qua đây, sông cố tình chậm lại để thưởng thức mùi hương ngọt ngào của mật mía nấu chín quện vào mùi thơm của lạc rang. Đồng Hà là xóm nổi tiếng với nghề làm kẹo lạc. Rồi sông mơ màng đi qua các xóm Yên Đồng, Trung Phú, Trung Hậu. Song song với dòng sông là con đường cái quan, làng mạc nối liền bên bờ Đông, bên kia bờ là cánh đồng muối Vạn Nam. Cứ thế, sông miên man, lững lờ trôi qua lịch sử Vạn Phần suốt bao nhiêu thế kỷ, chứng kiến bao biến cố của vùng đất này. Chính trên quãng này, sông Vạn đã từng nô đùa với bao thế hệ trẻ thơ, cùng chúng vùng vẫy, cười đùa mê mải. Hồn nhiên đấy, để rồi có khi sông lại hờn ghen giận dỗi, mỗi cữ tháng Tám về. Những mùa tháng Tám, nước dâng cao. Nhiều năm trước, nước tràn vào tận giữa làng, ấy là những năm mà đê điều, kênh mương còn thô sơ. Những ngôi nhà tranh vách nứa đơn sơ run rẩy, liêu xiêu chống chọi trong biển nước. Cái đói, cái rét theo nước sông mà thêm buốt nhói. Sự giận dữ của dòng sông đã gây ra không ít tổn thất. Nhưng bên cạnh đó, sông Vạn vẫn là nguồn cung cấp thuỷ, hải sản cho nhiều hộ dân làm nghề đánh bắt trên sông. Có lẽ, chỉ những người dân chài mới hiểu và dung hoà được tính cách của dòng sông đã đời nối đời gắn bó cùng họ.

‘Buổi sáng, tiếng chuông ngân nga đánh thức dòng sông tỉnh giấc”. Ảnh: Cảnh Yên

Nếu ai chèo thuyền đi dọc dòng sông ở quãng này, không thể không thèm thuồng cái mùi thơm xao xuyến từ những lò nướng cá ven bờ. Cái mùi hương toả đi thật xa và hấp dẫn vị giác đến thế. Bất giác, dòng sông uốn nhẹ một chút để ghé vào chùa Phúc Long trên nền đền Ca Vũ rồi mới tiếp tục lượn sang đất Vạn Nam. Đền Ca Vũ giờ chỉ còn lại một cổng tam quan trên nền đất cao, cổng đền rong rêu phủ kín, cây cỏ mọc loang lổ, những thân cây mềm rủ cành lá trên mái tam quan làm hằn lên những vết nhăn thời gian. Cây xộp già năm, bảy đứa trẻ ôm không xuể đã chết, chỉ còn lại hàng dứa cổ thụ cằn cỗi, già nua đang gắng gượng sinh tồn như muốn níu giữ lại chút cổ kính xa xưa.
Vậy là đã lượn một vòng quanh xóm Vạn Nam, Vạn Tài, sông Vạn được nếm trải cái vị mặn mòi của đồng muối. Muối là sản phẩm gắn liền với đời sống của nhân dân Diễn Vạn không biết tự bao giờ. Bao nhiêu thời gian, bao nhiêu thế hệ đã làm muối ở nơi này? Chỉ một mình sông Vạn biết, vì sông vẫn nhẫn nại chảy qua đây từ xa xưa. Những buổi chiều nắng Nam, người diêm dân ngoảnh mặt về hướng Đông tránh ánh mặt trời và bắt gặp nụ cười chói loá của dòng sông, cơn gió nồm mát rượi qua sông làm diêm dân cảm thấy bao nhiêu mệt nhọc tan biến. Rồi sông Vạn chuyển mình theo hình một cánh cung đi qua các xã: Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Thành. Bắt đầu từ xóm Trung Hậu của Diễn Vạn, dòng sông được khoác lên mình màu xanh biêng biếc của rừng sú. Rừng sú giữ cho bờ sông không bị xói mòn, tạo môi trường cho những loài thuỷ sinh, giáp xác sinh sống và phát triển nhưng lại vô tình thu hẹp lòng sông. Xưa, đứng bên này nhìn sang bên kia bờ sông, ai cũng cảm thấy rợn ngợp bởi cái mênh mông của nước – lòng sông sâu, hai bờ sông rộng, đám trẻ con không mấy đứa đủ dũng khí và sức khoẻ để bơi qua. Nay hai bên bờ đã bị bồi đắp quá nửa. Không còn nữa cái mênh mông, bát ngát như 30 năm về trước.

Muối là sản phẩm gắn liền với đời sống của nhân dân bên sông Vạn. Ảnh: Cảnh Yên

Xuôi về cửa biển, sông bắt gặp những đoàn thuyền đánh cá của ngư dân các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc ra khơi. Tại Diễn Ngọc, Công ty Cổ phần Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu được tái thiết từ Trạm Hải sản Diễn Châu, thành lập năm 1947 để làm nhiệm vụ kinh tài cho đất nước sau cách mạng tháng Tám và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – chính trị trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cái tên “nước mắm Vạn phần” giờ đã được đăng kí thương hiệu tại Bộ Công thương (năm 2003), được đưa đi khắp các miền đất nước và xuất khẩu ra nước ngoài nhưng nó không còn ở trên mảnh đất khởi thủy hàng trăm năm trước đã khai sinh ra nó nữa. Trước mặt Công ty Cổ phần Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu là một cảng cá lớn, nơi những đoàn thuyền tấp nập cập bến sau những chuyến đi khơi, đi lộng. Đón những con thuyền là bà con tiểu thương trong những tiếng lao xao rộn rã, trong cái vị mặn mòi và mùi nồng nàn của hải sản. Tôm, cua, cá, ghẹ, mực… từ đây mà đi tới muôn nơi.
Xuôi về cửa biển, bắt gặp những đoàn thuyền đánh cá của ngư dân các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc ra khơi, sông nghe đâu đó ai cất lên khúc ca yêu đời: “Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng/ Thuyền anh ra khơi có ngại chi mưa nắng”.  Và câu hát cứ ngân nga, ngân nga trong nắng gió miên man.
   Bắt đầu từ đây, sông như được thăng hoa khi bắt gặp biển cả. Nghe tiếng gọi rì rầm của biển mẹ, sông bỗng thấy hân hoan. Rồi sông mất hút dần theo tiếng sóng, chỉ có rừng phi lao bên bờ cất khúc hoan ca chúc tụng cuộc hội ngộ nhiệm mầu. Vâng, dòng sông đã trở về nơi mà nó bắt đầu, nó sẽ tiếp tục một hành trình sinh tồn mới, hành trình của người thiếu nữ ngàn năm còn trẻ.

Trần Hữu Vinh

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 6/Bộ mới/2020)