Trong cuộc đời phong lưu mà lận đận của thi sỹ, nhà báo Tản Đà, ông đã xê dịch hầu như khắp đất nước, từ Bắc vào Nam, từ phố đến quê, từ rừng xuống biển. Dõi theo cái sơ đồ hành trình dằng dặc ấy, chúng ta có thể thấy xứ Nghệ, thành Vinh là một điểm đến và dừng chân của ông không chỉ một vài lần. Ở đây, quả thực ông đã có một “khối tình con”…
Ninh Bình hết Bắc Kỳ địa giới
Qua Thanh Hoa, vừa tối vô Vinh
Một đêm ngủ lại Hoan Thành
Nẻo sang Hà Tĩnh: Sông Danh, non Hồng”[1]

Dưới con mắt của thi sĩ núi Tản, sông Đà, “3 tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh này không những có cao sơn, đại giang, mà thật cũng kỳ sơn tú thủy; không cần xét đến địa dư địa chí, phàm người đã có ra Bắc vào Nam, từng đi xe hơi qua Hoành Sơn, Hồng Lĩnh và Linh Giang, từng đi xe lửa qua Hàm Rồng tự thấy giang sơn là thế ấy. Một khu đất hùng hồn thanh tú, khí thiêng nung đúc, đã sản xuất bao nhiêu những vị đại nhân vật ở lịch sử nước nhà. Vua Thái Tổ nhà Lê, đức Cao Hoàng nhà Nguyễn, đã rõ là các đấng chân nhân, mà những tay hào kiệt văn nhân như ông Đào Duy Từ, ông Nguyễn Công Trứ, ông Nguyễn Du, hẳn cũng mọi người cũng biết. Khí thiêng của giang sơn đã sản ra nhân vật, thời sự nghiệp văn chương còn lại đó, thật cũng là không phụ giang sơn”[2].
“Túi thơ đeo khắp ba kỳ
Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng”

Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu.Nguồn ảnh: Internet

Trong “Thú ăn chơi”, Tản Đà đã nhắc đến nhiều món ăn ngon khắp 3 miền, nhưng với xứ Nghệ món được ông điểm danh lại là một món ăn dân dã của dân nghèo.
“Hà tươi cửa biển Tu Ran
Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà”
Ông chú thích rất cụ thể: “Cà pháo ở Nghệ An ngon có tiếng, tôi thường năng qua Vinh, thường được ăn”[3].
Riêng cái thú thích ăn cà Nghệ có lẽ Tản Đà cũng đồng điệu với một người bạn vong niên thân thiết, cũng là một “nghệ sỹ ẩm thực” khác là Vũ Bằng. Chỉ cần nghe Vũ Bằng tả thôi, chắc không ai đừng được trước cái món “thời trân” dân dã này:Ăn một chén cơm chỉ có chan nước lã không thôi, mà điểm mấy quả cà Nghệ thanh thanh, mặn mặn, cắn cứ giòn tanh tách, anh sẽ thấy là đương mệt mỏi, người cũng tỉnh ra liền và muốn ăn một, anh cũng cứ phải ăn hai, ăn ba mới chịu”[4].
Cũng chưa rõ Vũ Bằng có thường năng qua Vinh, thường được ăn”, như Tản Đà hay không, nhưng mối cảm tình của Tản Đà với cà Nghệ thì không chỉ như vậy. Tản Đà chắc đã được các bạn Nghệ thết đãi và giới thiệu rất kỹ về món ăn dân dã này. Trong số bạn bè chí cốt của thi sĩ ở Vinh khi đó, có một người là Phó Đức Thành cũng say đắm món cà Nghệ. Ông đã đăng đàn diễn thuyết về cà Nghệ, đã viết mấy bài báo về cà Nghệ, trong đó gợi ý nên đóng gói cà Nghệ để bán trên thị trường. Vị lương y, kiêm doanh nhân, kiêm nhà báo này vốn người gốc Bắc, nhưng đã bén rễ với xứ Nghệ. Hẳn ông Phó đã giới thiệu, đã thết đãi ông bạn thi sỹ của mình món cà Nghệ không chỉ một lần.
Phó Đức Thành là người tỏ ra rất hiểu nết ăn nết uống của ông bạn thi sĩ của mình. Trong thiên du kí “Muốn cho biết đó biết đây”, đăng liền 12 kỳ trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn năm 1933, ông viết và bênh vực cái nết uống rượu của Tản Đà thật say sưa.
“Ông thi sỹ Nguyễn Khắc Hiếu, báo Phong Hóa tặng ông cái tên là “Hũ rượu” vì chê ông uống rượu luôn, chai lọ xếp ngổn ngang quanh mình. Ai cũng yên trí người uống nhiều rượu là người hư, thế thì ông Hiếu cũng là người hư chăng? Ôi lầm to! Ba bảy đường uống rượu: Có người uống tan cửa nát nhà; có người uống đánh vợ đập con; có người uống ăn bậy nói bạ; có người uống từng chai một lúc. Nhưng ông Hiếu uống quả thực tôi thấy, cả ngày cả đêm có uống thật, uống hết độ bao? Chẳng qua hai, ba hào rượu. Ví với những kẻ uống từng chai, không đồ nhắm thì kẻ kia lại không mang tiếng. Ông uống thì kề cà, mỗi lúc uống một tí, uống xong lại nhắm, hoặc nem, hoặc lạc rang, hoặc giò lụa với bánh tây, rượu xong, hoặc bát phở nóng cũng xong, thật rất giản tiện mà không tốn kém như ai những bát vây, bát yến, đĩa bit tết, đĩa gà quay. Vì sao mà uống lâu như vậy? Ông cũng vì câu phú, câu thơ, rút ruột tằm đôi đoạn tơ vò. Cứ để ông thong thả uống, thì cả ngày ông ngồi được mãi với tờ giấy trắng, cây viết đen, ông ngồi được yên tịnh ngần nào, thơ ông càng trau chuốt, hay ngần ấy. Uống rượu như ông, tỉnh như ông, vui như ông, chín như ông, được việc như ông, nghĩ cũng hiếm có. Ôi! Ông uống rượu làm thơ, có khác gì người ta hút thuốc lá làm văn, có khi một ngày cũng hết vài gói, cái đó thì không ai nói đến! Thuốc cũng hại mà rượu cũng hại, sao nhà thi-si chỉ dùng dùng cái đó để trợ sức làm văn, cái hại đó từ cổ chí kim không sao bỏ được. Các ngài cũng biết thế nhưng không sao tránh khỏi đó thôi; cũng chẳng nói làm gì cho phiền lòng.
Có lẽ cách uống rượu trú[5] nầy, hợp cảnh ông Hiếu lắm. Ông ngồi bàn giấy, hũ rượu bên cạnh, miệng ông ngậm cần, tay ông cứ việc thảo văn, không còn mất thì giờ nâng chén lên để chén xuống, cầm hũ rượu rót ít rót nhiều, mà cái rượu trú xem ra không độc, có thể uống như nước chè rượu bia được. Hay ông lên quách trên này mà thơ. Sách vở, báo chí đừng xuất bản vội, có lẽ người Mường thật thà tiếp đãi ông lại rất hậu cũng nên, còn người đồng nghề với ông họ ghen, họ ghét, kiếm kế chê bai thời mặc họ, họ nói họ nghe. Sách ông cứ soạn, thơ ông cứ làm, làm rồi để đó, ai tri kỷ sẽ tri kỷ. Khi ông quy tiên rồi đây lớp sau sẽ đem sách vở ông ra tán tụng mà thương tiếc không được sinh cùng thời với ông mà giúp ông để ông mặc sức giăng giăng, gió gió, rượu rượu, chè chè, cũng như người đời nay ca tụng cụ Yên – Đổ, ông Tú – Xương, bà Thị – Điểm, bà Huyện – Khanh. Người ta chỉ có vài bài thơ hay, còn được ca tụng ngần ấy. Tôi chắc ông lấy văn chương làm thú, nên ông vui ham, chứ nào có vì câu ca-tụng của người đời mà đêm khuya một bóng một đèn”[6].
Hẳn là Phó Đức Thành đã rất quý bạn, thì mới chịu đựng được và hơn thế mến được cả cái ngông nghênh, khề khà, luộm thuộm, thậm chí gàn dở của Tản Đà. Nhưng, tình bạn giữa Phó Đức Thành và Tản Đà không chỉ là chuyện thù tạc, hay ẩm thực, dù là cà Nghệ hay rượu cần. Mối lương duyên đó không biết bắt đầu từ bao giờ, nhưng những ngày Tản Đà lận đận vì tờ An Nam tạp chí, thì Phó Đức Thành đã ra tay giúp đỡ.
Năm 1932, khi An Nam tạp chí đã “chết” đến lần thứ tư, Tản Đà vẫn chưa thối chí. Ông định đưa tạp chí vào Sài Gòn xuất bản, nhưng luật pháp khi đó không cho phép. Ở Hà Nội thì khó tứ bề, vì đơn giản là không chỗ nào cho ông in chịu nữa. Trong cơn bĩ cực đó, ông đã vào Vinh. Phó Đức Thành lúc này không chỉ là lương y, ông còn là người quản lý công ty Vĩnh Hưng Tường, một công ty về Đông Nam dược thuộc hàng lớn nhất Trung Kỳ. Ông cũng là người tham gia viết bài và quản lý tờ Thanh Nghệ Tịnh tân văn. Vốn bản tính hào phóng, quảng giao, lại có khả năng tài chính, Phó Đức Thành thực sự là một mạnh thường quân cho các hoạt động xã hội và văn chương khi đó. Nhiều văn nghệ sỹ (kể cả Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh) coi Phó Đức Thành là một chốn đi về của họ ở Vinh. Lần này, khi Tản Đà “lâm nạn”, Phó Đức Thành không chỉ giúp về tiền, mà còn đứng ra nói khó và bảo lãnh cho Tản Đà “in chịu” tạp chí ở nhà in Châu Tịnh tại Vinh.[7] Chính vì vậy, mới nẩy ra chuyện Tản Đà biến toa tàu tuyến xe lửa Hà Nội – Vinh thành tòa soạn báo, khiến người ta gọi vui là “toa soạn”.

AN Nam tạp chí

“Có một thời kỳ An nam tạp chí phải in ở Vinh (nhà in Châu Tịnh), mà lúc đó Tản Đà đang nhận dạy mấy giờ ở trường Hồng Bàng (Hà Nội). Vì vậy, mỗi tuần 2 lần, cứ tan giờ lên lớp là Tản Đà phải đem tất cả giấy bút, bản thảo ra ga Hàng Cỏ chờ tàu. Ngủ một giấc trên xe lửa đến chừng Nam Định, ông trở dậy soạn và viết bài cho báo. Làm việc vừa tảng sáng thì tàu vừa tới Vinh. Cả ngày hôm đó ông bố trí bài vở, trông nom việc in, rồi sáng hôm sau lại trở về Hà Nội. Tản Đà tự kết luận: “Thành thử ra tờ báo đã hoàn toàn làm ở trên xe lửa cả. Thực là khó nhọc. Vì tất cả mọi việc, chỉ có mỗi một mình” [8].

Không chỉ in An Nam tạp chí, Tản Đà còn xuất bản và in cả cuốn “Giấc mộng con thứ hai” ở nhà in Châu Tịnh.
Một người bạn đồng hành với ông khi đó ở An Nam tạp chí và cả trên tàu hỏa là nhà văn Nguyễn Công Hoan, đã tả cận cảnh vị hành khách quen mặt đến mức người soát vé không thèm hỏi như sau:
“Chuyến ấy tôi cùng đi với ông ở Vinh về. Hành lý của ông là một cái chai, một cái cốc, dăm quả nem và một cái khăn mặt ướt đựng trong cái giỏ tròn bằng tre đan có quai xách. Thường lúc buồn ông vẫn uống rượu trên tàu. Xe chạy được vài ga, ông trùm vạt áo lên mặt để ngủ cho đỡ gió. Tôi hết chỗ nằm phải ngồi cạnh ông để ngủ gật. Đến một ga, ông soát vé lên đánh thức hành khách rầm rĩ để làm bổn phận. Ông gắt người nọ cự người kia. Đương đêm ai phải dậy mà không khó chịu và nhanh nhảu lấy được vé ra cho ông ta khám ngay. Nhưng lạ một nỗi là ông ta không đánh thức ông Tản Đà mà chỉ ngó nhìn vào cái giỏ có lòi cái cổ chai ra mà thôi rồi yên trí hỏi vé tôi là người bên cạnh.”[9]

Giấc mộng con thứ hai, xuất bản bởi nhà in Châu Tịnh, Vinh , 1932

Sau cái đận ấy, An Nam tạp chí sống lại được mấy số. Tản Đà đã lại cảm thán, trong đó chắc ông cũng muốn gửi lời tri ân đến những người đã cùng ông “chung nước chung non chung tình”:
“Khóc ai! riêng cũng mừng cho
“An Nam tạp chí” cơ đồ còn đây
Mới xưa Hàng Lọng cờ bay
Thứ năm lại có phen này Hàng Bông”[10]
Thế nhưng, mặc cho thi sĩ cứ lạc quan, trời lại bắt An Nam tạp chí chết đi sống lại thêm một lần nữa là lần thứ 6 thì mới cho…chết hẳn.
Sách “Phó Đức Thành- Thân thế và Sự nghiệp” của Đa Văn ghi lại:
“Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cùng nhà văn Ngô Tất Tố vào Sài Gòn không làm được việc gì. Ông Hiếu trở lại miền bắc, có dịp ghé Vinh, ở nhà ông Thành hơn 3 tháng. Ý ông Thành muốn giữ ông Hiếu ở lại để tái bản tờ An Nam tạp chí vì bấy giờ có điều kiện khả thi từ biên soạn, in ấn và phát hành, phí tổn đã có ông Thành lo. Hàng tuần cứ vào tối thứ Bảy, ông Thành mở tiệc, mời gần 3 chục vị tao nhân mặc khách xứ Nghệ và thành phố đến dự sinh hoạt văn chương thơ phú rất vui. Ông Hiếu rất sôi nổi, rượu vào nói càng hăng, mũi càng đỏ chín.
Một lần ông Thành mời ông Hiếu đi ô tô nhà lên Phủ Quỳ, Kẻ Bọn vừa nghiên cứu cây thuốc vừa ngao du. Khi về hai ông viết du ký đăng nhiều kỳ ở báo Thanh Nghệ Tĩnh. Thường ngày ông Hiếu muốn làm gì, đi đâu tùy thích, nhưng lúc nào cũng phải có sẵn rượu, món “rượu lậu” ở Nghệ An rất ngon”[11].
Năm 1934, báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn, đổi thành báo Thanh Nghệ Tĩnh, do ông Lê Hữu Nhơn làm chủ bút, Phó Đức Thành làm quản lý, cùng với sự cộng tác của 2 cây bút chủ lực là Nguyễn Đức Bính và Nguyễn Triệu Luật. Báo Thanh Nghệ Tĩnh đã tha thiết mời Tản Đà về Vinh làm việc cho báo, chứ không chỉ là cộng tác về bài vở. Thế nhưng, có lẽ lúc này Tản Đà vẫn chưa nguôi thương tiếc An Nam tạp chí, hoặc thi sỹ không muốn ràng buộc bởi bất kỳ một tổ chức nào nữa.
“Ông chủ bút báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn nay xin phép xuất bản tờ tuần báo Thanh Nghệ Tĩnh, cùng mấy ông bạn công tác trong báo quán có lòng yêu mà nhắn tôi vào chơi, cậy một tay giúp việc trong tòa soạn. Tôi vì cảnh ngộ chưa tiện ở lại luôn ở Vinh, hãy xin thường có bài gửi vô, mong được đăng trên báo chương để làm duyên với độc giả. Nay trước khi về Hà Nội có bài cảm tưởng lưu lại, nếu được đăng số nhất hân hạnh là nhường nào”.[12]

Bài của Tản Đà đăng trên báo Thanh Nghệ Tĩnh số 1, 3/8/1934

Trong bài cảm tưởng này, Tản Đà bày tỏ: “Lấy nhân sự hợp địa lý cùng xem đáng có cái hy vọng rất tốt đẹp, rất lớn lao ở tờ tuần báo Thanh Nghệ Tĩnh vậy”.
Nhưng ông cũng chỉ ra những mối lo cho tờ báo này:
“Kể từ khi nước ta có báo, Nam Bắc phát đạt trước rồi mới đến đất Trung kỳ, kinh đô tiến hành trước, mà rồi sau mới đến chỗ ba tỉnh. Lấy về nhữ sớm muộn mà nghĩ, tờ Thanh Nghệ Tĩnh so với trong báo giới thực kém. Lấy về sự nhiều ít mà nói, mỗi tuần xuất bản có một trương, Thanh Nghệ Tĩnh cũng lại kém. Dù như thế, chim chỉ sợ không là loan phượng, cá chỉ sợ không là kềnh, côn, nếu quả nhiên chim là loan phụng thời đến lúc đã thay lông cánh vân tiêu muôn dặm kể gì cao; cá quả thật là kềnh, côn thời đến lúc đã dương vây, ba lãng nghìn trùng chi ngại dữ. Từ vào cuộc kinh tế khủng hoảng trong Nam ngoài Bắc biết bao nhiêu các báo đổ, bao nhiêu các báo lui, chính đương hồi báo giới suy đồi, mà Thanh Nghệ Tĩnh lại tiến lên một bước, mở mặt với trần ai, thời cứ cái khí thế hiện tại đây, hãy nên cứ biết là vui vậy.
Tuy vậy, chúng ta vì Thanh Nghệ Tĩnh mà hy vọng, cũng nên vì Thanh Nghệ Tĩnh mà lo:
Cuộc đời đổi mới, vật chất thắng tinh thần. Biết bao các báo Bắc Nam hết sức gia công về mỹ thuật, vậy mà đến lúc đổ cũng đổ, đến lúc lui cũng lui; huống chi Thanh Nghệ Tĩnh chỉ toàn trương mộc mạc, giấy trắng mực đen, thời biết rằng đối với sự quan cảm của xã hội như sao, cho nên đáng nghĩ làm lo vậy.
Kinh tế gian nan, phàm các việc làm ăn đứng vững được thật khó. Gần đây khi báo muốn sinh tồn cần có nhiều món mua vui cùng độc giả. Nếu Thanh Nghệ Tĩnh chỉ muốn làm một tờ báo đứng đắn, thời biết rằng đối sự thị hiếu của xã hội như sao, cho nên đáng nghĩ làm lo vậy.
Giang sơn chung tú, chỗ đáng hy vọng cho Thanh Nghệ Tĩnh chỉ có một, mà chỗ đáng lo  tưởng không những như thế. Cho nên cứ sự thế của một tờ tuần báo mới cần có nhiều trông mong ở quốc dân trung nam bắc ba kỳ”[13].
Đúng như lời hứa, từ đó Tản Đà cộng tác khá đều đặn với báo Thanh Nghệ Tĩnh. Ngay trong số đầu tiên, ông cho đăng bản dịch bài thơ Đường nổi tiếng “Xuân giang hoa nguyệt dạ” của Trương Nhược Hư. Những số sau ông viết nhiều thể loại, đăng ở các chuyên mục khác nhau. Số 2 Thanh Nghệ Tĩnh ông có bài phê bình truyện ngắn của “Người ngựa, ngựa người” của Nguyễn Công Hoan, với hy vọng truyện ngắn này “chưa phải là thiên tuyệt tác trong tập Ba đào ký của Nguyễn Công Hoan”[14]. Số đặc san mùa thu năm 1935, ông có bài bình luận về Truyện Kiều.

Thế nhưng, đề tài ông viết nhiều nhất trên báo Thanh Nghệ Tĩnh lại là về xã hội và nhân sinh. Ông viết nghị luận về “Danh Lợi”. Ông ví con người ta chạy theo danh lợi như con ngựa trong rạp xiếc: “Ấy cái thế lực của hai chữ Lợi Danh thực xua đuổi người ta bắt phải chạy trong vòng, như thể con ngựa trong đám xiếc, nào nhịp kèn, nào sáng điện, con ngựa kia hết sức làm trò”[15]. Ông bình luận về “như ý, bất như ý”[16]; về”Công đức và công ích”[17]…
Ông cũng viết về “Lòng tham của người ta đến cảnh già”: “Ngày tháng như trôi, ác dài sắp tới, bao nhiêu những công việc muốn làm từ năm xưa đến nay chưa gỡ được manh mối: thì giờ vàng ngọc ném vào chỗ sinh nhai hồ hết, không ai bắt buộc mà tự mình như gỡ mãi không ra, ngày qua tháng lại trông qua các công việc trong đời, như lúa tốt, cỏ xanh không người bón xén vậy”[18]
4 năm sau khi viết những dòng có phần ai oán này, Tản Đà mất.
Để tưởng nhớ ông, ở thành phố Vinh hiện nay đã có đường phố mang tên Tản Đà. Nhưng, thiết nghĩ cách tưởng nhớ tốt nhất là nên biết rằng: Sinh thời tiên sinh đã từng có một “Khối tình con” xứ Nghệ.

Phạm Xuân Cần

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam Số 4/Bộ Mới/2020)


[1] Ngày xuân nhớ cảnh nhớ người xưa
[2] Báo Thanh Nghệ Tịnh, số 1, 1934
[3] Tản Đà vận văn, Toàn tập phụ hài văn và nhàn tưởng, Tập 1, NXB Hương Sơn, 1952
[4] Vũ Bằng: Thương nhớ 12, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000
[5] Nguyên văn viết là “rượu chú”. Tác giả nhầm chữ “trú” ra chữ “chú”, vì đoạn này viết về thú uống rượu cần của người vùng Phủ Quỳ. Người Thái vùng này gọi rượu cần là “rượu trú”, tức là ủ từ vỏ trấu.
[6] Thanh Nghệ Tịnh tân văn, số 168 ngày 6 tháng 10 năm 1933.
[7] Tức là nhà in Vương Đình Châu, một trong hai nhà in hiện đại nhất ở Vinh khi đó.
[8]Tầm Dương: Tản Đà, khối mâu thuẫn lớn, NXB Khoa học, Hà Nội, 1964.
[9] Nguyễn Công Hoan, Tao Đàn số 9-10 năm 1939
[10] An Nam tạp chí số 1, năm 1932
[11] Đa Văn, Phó Đức Thành- Thân thế và Sự nghiệp, NXB Lao Động, 2011.
[12] Thanh Nghệ Tĩnh số 1, ngày 3/8/ 1934
[13] Thanh Nghệ Tĩnh 3/8/ 1934
[14] Thanh Nghệ Tĩnh số 2, ngày 10/8/1934.
[15] Thanh Nghệ Tĩnh số 7/12/1934.
[16] Thanh Nghệ Tĩnh số 25, ngày 18/1/1935.
[17] Thanh Nghệ Tĩnh, số 32, ngày 8/3/1935
[18] Thanh Nghệ Tĩnh, số 53, ngày 9/8/1935