Tầm vóc thời đại về tâm hồn và tư tưởng của nhân vật trữ tình trong bài “Nguyên tiêu”

Ảnh minh họa trăng rằm Nguyên Tiêu

Khi đánh giá về thơ Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã nhận định: “Thơ Hồ Chí Minh là sự phản ánh chân thật vẻ đẹp của một tâm hồn lớn lao, thanh cao và trí tuệ. Ở đó, những suy tư, cảm xúc không đơn thuần là sự thể hiện cá nhân, mà còn là biểu tượng của cả dân tộc và thời đại.” Bài thơ “Nguyên tiêu” được đưa vào sách Ngữ văn 12, tập 2, bộ Kết nối tri thức & cuộc sống không chỉ làm nổi bật khí phách của một người chiến sĩ mà còn tỏa sáng tư tưởng nhân văn sâu sắc của một nhà thơ cách mạng trong cuộc hành trình lớn của dân tộc.

“Nguyên tiêu” được Bác Hồ sáng tác vào đúng dịp Rằm tháng Giêng, năm 1948, miêu tả cảnh đêm trăng và buổi họp bàn việc quân bí mật trên sông nước ở chiến khu Việt Bắc, khởi đầu kế hoạch cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lúc bấy giờ:

Phiên âm:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Dịch nghĩa:

Đêm nay, rằm tháng Giêng, trăng vừa đúng độ tròn đầy,
Sông xuân, nước xuân tiếp liền với trời xuân.
Ở  nơi khói sóng vắng lặng, bàn bạc việc quân,
Nửa đêm trở về, ánh trăng ăm ắp đầy thuyền.

Vẻ đẹp tinh thần của nhân vật trữ tình thể hiện trước hết ở sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người.  Ngay từ câu mở đầu: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên”,  Hồ Chí Minh đưa người đọc vào một không gian tràn đầy ánh trăng rằm, tròn trịa và viên mãn. Câu thơ toát lên không gian cổ kính và thiêng liêng. Hình ảnh mặt trăng tròn không chỉ là một hiện tượng tự nhiên mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp tròn đầy về tâm hồn và tư tưởng của nhân vật trữ tình. Trăng không chỉ sáng soi cảnh vật, mà còn chiếu rọi vào lòng người, gợi mở sự thanh khiết, trong trẻo. Cảnh sắc thiên nhiên trong bài thơ như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp: “Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”. Hình ảnh sông nước mùa xuân nối liền bầu trời xuân là sự hòa quyện giữa đất trời, tượng trưng cho sự trôi chảy vô tận của thời gian và vũ trụ. Trong sự tĩnh lặng ấy, nhân vật trữ tình như đang đắm chìm trong cảm giác an nhiên, lặng lẽ, chiêm nghiệm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng. Vẻ đẹp của nhân vật không chỉ đến từ khả năng cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên, mà còn là sự hòa hợp với thiên nhiên, tựa như chính tâm hồn Người cũng rộng lớn như bầu trời xuân bao la. Tinh thần lạc quan, kiên định trong ánh sáng của lý tưởng cách mạng: Dưới ánh trăng rằm, trong không gian yên tĩnh của thiên nhiên, Hồ Chí Minh không chỉ thưởng ngoạn cảnh đẹp mà còn gửi gắm vào đó những suy tư lớn lao về con đường cách mạng.

Đến hai câu cuối, con người xuất hiện trở thành chủ thể, trung tâm của bức tranh xuân ấy: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự,/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Giữa màn sương khói mờ ảo, vắng lặng con người hiện ra trong công việc “đàm quân sự” – một công việc hệ trọng, liên quan đến vận mệnh của đất nước, của dân tộc. Đó không phải là người ẩn sĩ giống như trong thơ của Cao Bá Quát tìm về với chốn thiên nhiên để tránh khỏi những thị phi của cuộc đời: “Thế sự thăng trầm quân mặc vấn/ Yên ba thâm xứ hữu ngư châu” (Việc thế thăng trầm anh chớ hỏi/ Mênh mông khói sóng chiếc thuyền câu) mà đó là hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng đang bàn bạc lo liệu việc quân, việc nước. “Nguyệt mãn thuyền” là hình ảnh thơ hết sức độc đáo, thi vị khiến ta nhớ đến những câu thơ hay trong thơ ca cổ điển:

Thuyền mấy là đông, tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông…
                   (Bạch Cư Dị )

Nước biếc non xanh thuyền gối bãi,
Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu,…

(Nguyễn Trãi)

Câu thơ cuối vừa là sự tiếp nối dòng vận động của thời gian, của hình ảnh thơ vừa tạo sự mới mẻ, bất ngờ và khơi mở nhiều xúc cảm thẩm mỹ: Nửa đêm trở về, ánh trăng ăm ắp đầy thuyền. Phải chăng chỉ đến khi công việc quân sự bàn bạc đã xong xuôi, người chiến sĩ mới giật mình nhận ra đêm đã về khuya.Nếu ở hai câu đầu trăng là hình ảnh của thiên nhiên, đất trời thì lúc này ánh trăng trở nên gần gũi đã dâng đầy lai láng trên con thuyền của người chiến sĩ cách mạng khiến con thuyền để “bàn quân sự” giờ đây trở thành con thuyền chở  đầy ánh sáng đầy thi vị, nên thơ. Hình ảnh đẹp làm người thơ xúc động, say mê. Rõ ràng ở đây, thời gian không tĩnh tại mà luôn vận động. Đây không chỉ là sự vận động tự nhiên của thời gian, mà còn là biểu tượng cho sự vận động của lý tưởng cách mạng và của tinh thần con người. Nếu ánh trăng tròn là biểu tượng cho sự viên mãn của lý tưởng, thì sự vận động của trăng và sự nối tiếp của trời xuân, sông xuân và cuối cùng là “ánh trăng ăm ắp đầy thuyền” là dấu hiệu của sự phát triển không ngừng của sự nghiệp lý tưởng ấy. Nhân vật trữ tình trong “Nguyên tiêu” không dừng lại ở việc ngắm trăng, mà còn chứng kiến và cảm nhận sự vận động ấy. Bức tranh thiên nhiên vận động hòa quyện với tâm hồn của con người cách mạng, tạo nên một hình tượng đẹp đẽ, sâu sắc. Trăng soi sáng, thuyền chở cách mạng đang tiến bước và bình minh sắp đến – tất cả tượng trưng cho niềm tin của Hồ Chí Minh vào sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng, vào một ngày mai tươi sáng. Ánh trăng trong “Nguyên tiêu” sáng ngời, bao trùm cả không gian xuân, tạo nên một bức tranh ánh sáng trọn vẹn. Nhân vật trữ tình trong “Nguyên tiêu” là người chiến sĩ, nhưng đồng thời cũng là một thi nhân với tâm hồn rộng mở và tinh thần lạc quan. Sự tĩnh lặng của cảnh vật ẩn chứa trong đó niềm tin mãnh liệt vào tương lai của cách mạng. Dù đang trong thời kỳ gian khó, ánh trăng tròn vẫn tượng trưng cho lý tưởng cao cả, cho niềm tin sắt đá vào sự thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vẻ đẹp tinh thần của nhân vật trữ tình vì thế, không chỉ nằm ở sự cảm nhận cảnh vật, mà còn ở sự ung dung, kiên định, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn luôn hướng về phía trước.

Ánh trăng ngày trước (1942-1943) khác với ánh trăng đêm nguyên tiêu này (1948). Nhân vật trữ tình trong “Nguyên tiêu” không còn là người chiến sĩ chịu gông cùm, xiềng xích nơi nhà ngục lạnh lẽo hay trên  những chặng đường chuyển lao đày ải khổ cực nơi đất khách quê người, mà là người lãnh đạo, người thi nhân nhìn về tương lai với niềm tin rạng ngời. Sự vận động của trăng trong “Nguyên tiêu” cũng là sự vận động của thời gian cách mạng, từ gian khó đến thành công.Nếu so sánh “Nguyên tiêu” với những bài thơ khác của Hồ Chí Minh, đặc biệt là “Mộ” và “Vọng nguyệt,” ta thấy sự thống nhất và phát triển trong tư tưởng của Người. Ánh sáng xuất hiện trong các bài thơ này đều tượng trưng cho tinh thần lạc quan, cho niềm tin, hy vọng vào tương lai tốt đẹp. Nhưng nếu trong “Mộ” và “Vọng nguyệt” trăng chỉ là nguồn an ủi tinh thần, thì trong “Nguyên tiêu,” trăng đã trở thành biểu tượng của sự viên mãn, của lý tưởng cách mạng, của niềm tin tươi sáng.  Bởi vậy, có người từng đánh giá: Bài thơ “Nguyên tiêu” là bài thơ ra trận với nguồn cảm hứng hào hùng mà kín đáo của một bản lĩnh thép và một tâm hồn rộng mở!

Trong cuộc sống hiện đại, con người dễ bị cuốn vào những lo toan, áp lực hàng ngày mà quên đi giá trị của sự tĩnh lặng và cảm nhận vẻ đẹp tự nhiên. Nhân vật trữ tình trong “Nguyên tiêu” gợi mở cho chúng ta cách sống chậm lại, chiêm nghiệm về cuộc đời và hướng đến sự bình an trong tâm hồn. Cuối cùng, bài thơ khẳng định tầm quan trọng của lý tưởng sống. Ánh trăng tròn và bầu trời xuân trong thơ Bác là biểu tượng của một tương lai tươi sáng, là động lực giúp con người vượt qua mọi gian nan. Thế hệ trẻ cần có lý tưởng, cần theo đuổi những giá trị cao cả để cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa hơn. Trong hành trình đó, việc học tập và noi gương những tấm gương vĩ đại như Hồ Chí Minh sẽ giúp các bạn trẻ vững vàng hơn trên con đường chinh phục tương lai.

Tóm lại, vẻ đẹp tinh thần của nhân vật trữ tình trong bài thơ “Nguyên tiêu” là sự kết tinh của lý tưởng cách mạng và tình yêu thiên nhiên sâu sắc. Qua những hình ảnh thơ mộng và sự vận động của thời gian, Hồ Chí Minh đã khắc họa thành công hình tượng một người chiến sĩ cách mạng lạc quan, kiên định, với niềm tin vững chắc vào tương lai. Bài thơ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mà còn chứa đựng những bài học nhân sinh sâu sắc, về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, giữa cá nhân và lý tưởng, giữa hiện tại và tương lai, mở ra những tư tưởng lớn cho thế hệ trẻ hôm nay.

Hà Vinh Tâm