Đang cầm cốc nước chè định uống thì thấy chị gái hớt hơ hớt hải dựng xe máy, đi vào chưa đến sân đã gọi: “Bà còn tiền không cho mượn tạm một triệu để đi mua lúa giống. Lợn chưa bán được, mà bán rồi thì cũng vừa đủ mua phân bón thôi!” Mẹ tôi cười đến khổ: “Làm nông nghiệp mà cứ như đi kinh doanh buôn bán gì ấy nhỉ!”  Lại nhớ vài tháng trước, vào mùa thu hoạch, thấy vợ chồng chị gái chỉ lái xe máy đi chở thóc về, mẹ lại bảo: “Nông dân ngày nay sướng thật. Mưa không đến mặt nắng chẳng quá lưng. Cái gì cũng máy cả, mỗi ngồi chơi chờ ra chở thóc về”. Cứ tưởng chị im lặng, ấy thế mà chị lại kêu lên: “Sướng gì chứ, cái gì cũng thuê, cái gì cũng mua nên bán lúa, bán ngô không đủ trả nợ. Mà giờ ai cũng thuê chứ có ai tự mang trâu, mang bò, mang cày, mang cuốc đi làm đâu, nên mình cũng phải theo họ…”

Câu chuyện vẫn tiếp diễn, nhưng tôi không còn để ý nữa. Chỉ từng đó lời nói của mẹ và chị cũng đủ làm tôi không khỏi giật mình, suy nghĩ. Lâu nay, chẳng mấy khi tôi để ý đến sự biến đổi của cuộc sống bên cạnh mình, của cái mà “mình thuộc về”. Văn hóa xã hội vùng nông thôn miền xuôi nhiều năm nay thay đổi nhanh chóng đến mức lạ kỳ, nhưng lại ít được chính những người trong cuộc nhìn nhận một cách thấu đáo.

Việc chuyển đổi sang trồng các loại cây mới làm cho người nông dân lệ thuộc nhiều vào giống và các loại phân bón, hóa chất (cánh đồng khoai tây mới trồng của người dân xã Thanh Yên. Ảnh do Hội Nông dân gửi)

Câu chuyện của gia đình chị gái tôi, cũng là câu chuyện của hầu hết các gia đình ở quê tôi: câu chuyện về sướng khổ của người nông dân trong xã hội hiện đại. Cho đến những năm 2000 trở về trước, làm nông nghiệp ở quê tôi còn tương đối lạc hậu. Hầu hết các khâu canh tác đều thủ công. Giống cũng do gia đình tự túc bằng cách lấy từ vụ trước để sản xuất vụ sau, bên cạnh vài loại giống mà chính quyền địa phương cung cấp hoặc bán. Các khâu canh tác thì hoàn toàn thủ công: cày, bừa, cuốc, cấy, thu hoạch,….Thế nên đầu tư nông nghiệp, chủ yếu là đầu tư về công sức. Vì thế mà người ta thấy sản xuất nông nghiệp vất vả, nghèo khổ, nắng lo hạn, mưa lo lụt, cấy cho kịp vụ, thu cho kịp mùa. Trong khi đó năng suất sản xuất thấp, làm chẳng đủ ăn. Vậy nên ai cũng mong thoát khỏi nông nghiệp để thay đổi cuộc đời.

Ngày nay, chính xác là gần hai thập kỷ qua, sản xuất nông nghiệp quê tôi thay đổi nhanh chóng. Về các khâu canh tác, thay vì dùng trâu, bò để cày đi bừa, người ta chủ yếu dùng máy móc. Thay vì dùng các loại xe kéo với sức trâu bò thì dùng xe cơ giới để chuyên chở. Các sản phẩm phụ trong quá trình thu hoạch như rơm, rạ,… cũng không còn được mang hết về nhà như trước. Hình ảnh nông dân trời chưa sáng đã đi làm, trời tối đen vẫn chưa về được thay bằng hình ảnh người nông dân ngồi xe ra đồng, điều khiển máy móc làm rồi chở nông sản về một cách nhẹ nhàng. Điều đó khiến nhiều người vẫn nghĩ, làm nông dân ngày nay sướng thật, chẳng phải làm gì.

Thuê máy móc, đầu tư nhiều phân bón trở thành một gánh nặng cho người nông dân (Một gia đình ở xã Thanh Yên đang thuê máy gặt lúa, ảnh do Hội nông dân gửi)

Nhưng thật sự, đằng sau cái sướng thân đó, lại rất nhiều nỗi khổ khác, mà người dân vẫn hay bảo là “nhàn thân mà khổ tâm”, nghĩa là phải suy nghĩ, tính toán nhiều hơn. Mọi thứ đều thuê, mua nên đầu tư cho nông nghiệp tốn kém hơn nhiều. Bên cạnh chi phí để thuê máy móc canh tác thì khoản chi phí lớn nhất là để mua lúa giống, phân bón, hóa chất, thức ăn công nghiệp,….Nó trở thành nỗi lo lắng của người nông dân, bởi không phải ai cũng có đủ điều kiện tài chính để đầu tư. Nhiều gia đình phải đi vay mượn, và phổ biến nhất là mua chịu các cửa hàng vật tư nông nghiệp, nhiều khi phải chấp nhận trao đổi, bán nông sản cho các cửa hàng này với giá thấp để trừ nợ.

Theo thống kê qua một số hộ gia đình làm nông nghiệp, số tiền mua thức ăn để nuôi một con lợn thường chiếm trên dưới 50% tổng số tiền khi bán con lợn đó. Chưa tính tiền mua giống và các loại thức ăn khác thì gần như công sức người nông dân bỏ ra là không có lãi. Còn với sản xuất nông nghiệp, nếu trừ các chi phí thuê, mua thì cũng chỉ còn 10-20% là những giá trị mà người nông dân thu được, không tính công sức khác bỏ ra. Dù hiệu quả thấp nhưng người nông dân không thể rời sản xuất nông nghiệp. Bởi như người dân chia sẻ, họ là những người cuối cùng ở lại với quê hương. Những người có thể rời quê đi làm ăn xa đều đã đi, còn lại chủ yếu là người già, trẻ em đang tuổi đi học, nên họ bám trụ với nông nghiệp là để có thóc lúa cho gia đình sử dụng, và gìn giữ đất đai, nhà cửa, chăm lo cha mẹ, con cái. Dù tính toán về hiệu quả kinh tế không cao nhưng tự túc được lương thực cho gia đình và tạo điều kiện để cho các thành viên khác yên tâm đi làm ăn xa cũng là lợi ích. Thế mới biết, trong cái sướng, cái khỏe của sản xuất nông nghiệp ngày nay cũng có lắm cái khổ, cái lo của người nông dân.

Trang Tuệ