Có lẽ kể cả những người sở hữu đầu óc phán đoán lãng mạn thậm chí là viễn tưởng nhất cũng không thể thể hình dung ra pha xoay trở thần kỳ của giáo dục Việt Nam trong những ngày vừa rồi. Choáng, ngỡ ngàng, không thể tưởng tượng nổi là những từ xứng đáng nhất để mô tả pha “ghi bàn” đẳng cấp của thầy trò xứ Việt. Phải nói là một phản ứng tự vệ quá ngoạn mục trước thảm họa khôn lường của dịch bệnh. Từ kiên định trăm năm đeo đuổi mô hình phấn bảng truyền thống, chuyển phắt cái sang trực tuyến trước sự ngỡ ngàng thú vị của cả xã hội. Cái làm người ta phải ngả mũ bái phục chính là thời gian. Toàn bộ sự thay đổi đồ sộ, phức tạp và lạ lẫm ấy chỉ diễn ra trong một quãng thời gian… không tưởng!

Chẳng cần đến hai ngàn ngày, cũng chưa đến hai trăm ngày, vâng, chỉ với khoảng vài chục ngày, thậm chí cá biệt có đơn vị chỉ vài ba ngày. Phải nói câu ngạn ngữ “cái khó ló cái khôn” chưa bao giờ “linh ứng” như lúc này! Vấn đề là nó “ló” quá hay, quá đúng và quá tiến bộ. Giáo viên tiếp cận cấp tốc, học sinh tham gia hồ hởi, phụ huynh hưởng ứng nhiệt tình. Tất cả những điều ấy cứ như cuốn phim cổ tích có tiêu đề  4.0 diễn ra ngay trên một nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin có sẵn từ “năm một ngàn chín trăm năm ngoái”. Năng lực thích ứng diệu kỳ của mỗi cá nhân đã được kích hoạt, cộng hưởng, hợp lực, trở thành năng lực thích ứng vô đối của xã hội. Một cú bẻ lái thần thánh chuyển trạng thái từ “thời bình” sang “thời chiến”, không bước đệm mà chả hề gây ra một chút giật cục nào.
Lâu nay, mặc định trong não trạng của mọi người thì dường như “trực tuyến” là một cái gì đó sang chảnh, xa vời, viển vông với cung thời gian thai nghén dễ đến hàng thập kỷ. Giáo dục trực tuyến là cái lý do tuyệt vời cho hàng trăm cuộc hội thảo, hàng chục đề án đậm đặc hương liệu khoa học được thẩm định, xin ý kiến, phản biện,  phê duyệt. Rồi cả những dự án ngàn tỷ cho hạ tầng thông tin, đào tạo đội ngũ, mà may lắm thì cũng chỉ rón rén đưa vào triển khai thí điểm hay thực nghiệm gì đó thôi. Đùng cái dịch đến, đùng cái chuyển sang dạy học trực tuyến, êm ru. Không một tiếng kêu ca, không một lời phàn nàn cũng không một tờ trình xin kinh phí ranh mãnh nào được ban hành. Tất cả đồng lòng với tâm niệm  “có gì dùng nấy”, “vừa hành quân vừa sắp hàng”. Thế mà đâu lại vào đấy, nó khác hẳn với những đòi hỏi khó hiểu, đầy kiêu ngạo và đắt đỏ thường thấy của “thời bình”. Thế mới biết sức mạnh của sự đồng lòng là thứ duy nhất bách chiến bách thắng.

Người dân xếp hàng theo đúng khoảng cách để nhận gạo miễn phí. Ảnh: Trần Cường

Không ai đủ ác ý và ngu ngốc dung túng hay phát tán dịch bệnh, tất nhiên rồi. Nhưng không thể cứ ngồi yên mà vén môi chửi bóng chửi gió con virus hay “cha đẻ” của nó. Hành động! Đó là mệnh lệnh tối cao của sinh tồn. Câu khẩu hiệu “không ai bị bỏ lại phía sau” vô hình trung như một lời hiệu triệu cả dân tộc vào cuộc chiến. Dịch bệnh là một thảm họa, dịch bệnh đồng thời cũng là một công cụ ngoài ý muốn thể hiện “thân nhiệt” của xã hội. Nó đang như là hàn thử biểu đo năng lực, trách nhiệm của từng Chính phủ trước nhân dân. Ở Việt Nam hình như cũng lâu rồi cảm xúc của người dân dành cho Chính phủ mới được đong đầy như những ngày này. Chỉ ít ỏi vài kẻ ngông cuồng và hoang dã lạc lõng sót lại đang bị cả xã hội lên án, còn tất cả mọi người từ anh công chức đến chú shipper, từ vị doanh nhân đến người bán vé số, từ người nổi tiếng đến kẻ vô danh… dường như răm rắp tuân thủ “nép mình” đánh “giặc”. Cuộc sống và sinh hoạt đảo lộn lại được chính từng người dân tự ngăn nắp hóa theo một trật tự khác biệt, một công thức chưa từng được biết đến trước đó. Hàng quán vắng tanh, khẩu trang kín mít, không bắt tay, không tiếp xúc… tính tự giác được kích hoạt theo chế độ “auto” mà như thể đã được lập trình. Đó chính là năng lực thích ứng diệu kỳ của người Việt. Điều đẹp đẽ mà rất tiếc phải trong cái thời điểm vất vả và éo le này mới dám trổ hết mình. Trên dưới, ngang dọc tất thảy đều chung một “chiến hào” chống dịch. Hàng loạt gói cứu trợ khổng lồ chưa có tiền lệ được quyết định nhanh chóng. Với tư cách là người giữ tay hòm chìa khóa quốc dân, những đồng tiền tích lũy trong két sắt của Chính phủ đã được mở ra để cứu trợ tình hình. Không chỉ bơm vào nền kinh tế mà lần đầu tiên trong lịch sử chị bán vé số, anh chạy xe ôm được Chính phủ trực tiếp với tay chạm đến. 62 ngàn tỷ cho khoảng 20  triệu người yếu thế trong xã hội lại là một con số thay cho ngàn lời. Lớn không, quá lớn! Kịp thời không, quá kịp thời. Nhân văn không, vô cùng nhân văn. Nhưng bất ngờ không, thì không! Quả thực không bất ngờ. Với những gì đã làm trước đó thì động thái “xả két” để mang những đồng tiền của nhân dân đến với nhân dân trong hoạn nạn như điều hiển nhiên của một chính phủ thấm đẫm tình người. Khái niệm Nhà nước của dân, do dân và vì dân được viết mạch lạc bằng hành động.
Chính những động thái kịp thời, mạnh mẽ, quyết đoán và toàn tâm toàn ý của Chính phủ giữa tâm dịch đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến từng người dân. Một cựu chiến binh 86 tuổi ở huyện Nam Đàn đã dành trọn 2 tháng chế độ chất độc da cam để ủng hộ cơ sở cách ly 5 triệu đồng. Một em bé 10 tuổi nhịn ăn sáng để lấy tiền mua khẩu trang tặng bác sĩ. Một anh nông dân bán cả miếng đất duy nhất của gia đình để lấy tiền đóng góp vào “cuộc chiến covid”, tình nguyện đồng hành cùng Chính phủ. Một doanh nhân đã tự làm chiếc “máy ATM gạo” cho người nghèo, một em bé lớp 2 viết tâm thư gửi lên phó thủ trướng Vũ Đức Đam… Trên mạng xã hội hàng triệu người thay hình đại diện với thông điệp đồng hành cũng Chính phủ. Hàng trăm hàng ngàn bài thơ, bài hát cổ vũ tinh thần. Trong đó có cả những bài hát chống dịch được cả thế giới hòa chung giai điệu. Câu khẩu hiệu “Xe chưa qua nhà không tiếc” thủa nào lại vọng về trong tâm khảm.  Những gì chúng ta đang có không phải tự nhiên mà có. Đó chính là phẩm chất tự thời Văn Lang, Âu Lạc, là tinh thần của Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, làm niềm tự hào của Điện Biên Phủ và dãy Trường Sơn huyền thoại… tất thảy những điều ấy được cộng dồn, được tích lũy ngàn đời cùng lịch sử, chỉ đến khi gặp biến cố cố nó mới lộ diện. Nhiều nước trên thế giới hướng về Việt Nam như một mẫu mực về sự vững vàng trong gian khó, một chiến sĩ quả cảm chắc tay súng nơi tuyến đầu. Tự nhiên lại nhớ đến những phân tích thiết tha của Hồ Chủ Tịch, “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn”. Phải chăng Tổ quốc đang bị “xâm lăng” bởi một thứ kẻ thù không súng đạn. Đúng rồi, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, trách nhiệm của Chính phủ và sự đồng tình của người dân  đang gặp nhau ở một điểm. Chính sự hội tụ vuông vắn ấy đã tạo nên sức mạnh và năng lực thích ứng diệu kỳ của chúng ta.

Ảnh: Sưu tầm

Dịch bệnh đã cướp của chúng ta quá nhiều nhưng nó cũng vô tình khơi lại trong chúng ta một sức mạnh mới hơn đó là niềm tin, là sự toàn tâm toàn ý với Chính phủ và sự đoàn kết gắn bó giữa con người với con người. Những giá trị căn bản nhất ngủ quên lâu ngày đã được gọi tên, sống động hơn, mạnh mẽ hơn và chắc chắn sẽ bền bỉ hơn. Đó là động lực để hồi sinh, đó là động lực để phát triển, đó là động lực để chúng ta bước vào một giai đoạn mới, một trạng thái mới với năng lực thích ứng đã vừa được luyện rèn. Cam go vẫn chưa qua, cam go vẫn rẫy đầy phía trước. Những người đầu sóng ngọn gió vẫn thường xuyên ngoái lại xem có còn đồng bào nào bị bỏ lại phía sau hay không.  Hình như một vài ai đó vừa mới nhận ra giá trị thiêng liêng của hai chữ Tổ quốc. Trên dưới một lòng, trước sau một dạ, xin hãy cùng nhau hãy giữ lấy điều này như một báu vật, nó có thể là vũ khí, nó có thể là tinh thần hay động lực, nhưng nhất thiết nó phải là hành trang… để đưa chúng tiếp tục vượt qua những thử thách trong tương lai kể cả khi phép thử của dịch bệnh đã lùi vào dĩ vãng. Nguyễn Trãi từng nói “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới biết dân như nước). Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Vâng, tất nhiên rồi, sự đồng lòng là thứ duy nhất bách chiến bách thắng.

Nguyễn Khắc An

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 4/ Bộ Mới/2020)