Nhà thơ Lê Thái Sơn sinh năm 1949 tại Diễn Châu, Nghệ An, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội (1972), anh về công tác trong cơ quan văn nghệ tỉnh Nghệ An. Anh từng đảm nhận Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam (1973 – 1977) và Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An (1997 – 2005). Tác giả của các thi phẩm: Gốc cây rừng trong mơ (1990), Mùa na chín (1997), Tháng Giêng xanh (2000), Cất nắng (2005), Lục bát sái vần (2005). Giải thưởng các cuộc thi thơ của báo Giáo dục thời đại (1997 – 1998), báo Tiền phong (1999 – 2000), Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2000 và 2004). Bốn Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương (1987, 1997, 2002, 2005)
Thơ Lê Thái Sơn dạt dào tình yêu con người và thiên nhiên, đặc biệt thông cảm với thân phận của những lớp người vất vả, cơ nhỡ trong xã hội. Anh khá thành công ở thể thơ lục bát, nhuần nhuyễn với những tứ thơ đầy sáng tạo. “Khúc hát thầm của những người đào huyệt” là một trong số đó.

Khúc hát thầm
của những người đào huyệt

Cực chẳng đã, biết tính sao
Hay chi cái kiếp đi đào huyệt thuê
Nào thôi, tiếng khóc não nề
Da gà không nổi khi nghe lần đầu.
Nào thôi, cái sự nghèo giàu
Dữ lành chi cũng một màu cờ tang
Hai mét dọc, nửa mét ngang
Vùi cùng đất đá những sang với hèn.

Chai tay vì cuốc, vì vên
Ù tai vì trống, vì kèn nhạc tang
Mờ mắt vì khói, vì nhang
Lơ mơ tin cửa địa đàng đâu đây.

Nhìn người thăm viếng nơi này
Đoán kẻ dưới mộ những ngày trần gian.
                                                      Lê Thái Sơn

Sống giữa trần gian còn gì bất đắc dĩ hơn, còn gì vất vả hơn, còn gì trĩu nặng đau buồn hơn khi phải tròng vào cổ mình nghề đi đào huyệt thuê?
Nhiều khi bản thân những người trong cuộc cũng nghi ngờ chính cái nghề nửa thất nghiệp của mình. Đành rằng đã đi làm thuê thì dù chọn công việc gì mà chẳng rơi vào cảnh nửa thất nghiệp, nhưng đi đào huyệt thuê thì quả thực cực chẳng đã, chỉ những kẻ bị dồn đến chân tường mới chọn nghề này để tồn tại. Hình như nó không phải là cái nghề mà là cái kiếp đè lên vai lớp chúng sinh này. Một công việc quá đỗi cực nhọc về thể xác: Chai tay vì cuốc, vì vên/ Ù tai vì trống, vì kèn nhạc tang/ Mờ mắt vì khói, vì nhang… Sáu chữ vì đặt cạnh nhau cộng với nhịp đôi câu thơ tạo thành sáu tảng núi đá đè lên người đào huyệt thuê từng ngày, từng phút, từng giây. Nhưng những đau đớn về thể xác đó có thấm gì so với nỗi đau về tinh thần mà họ phải thường xuyên chịu đựng. Trước cảnh cha mất con, vợ mất chồng, bạn bè mất tri âm tri kỷ… luôn đập vào mắt, tâm hồn họ trở nên chai cứng: Nào thôi, tiếng khóc não nề/ Da gà không nổi khi nghe lần đầu. Trái tim họ ngỡ trở nên vô cảm trước những mất mát của con người. Chỉ còn lại trên “một màu cờ tang”, dưới “hai mét dọc nửa mét ngang” và đâu đây là “cửa địa đàng” đang chờ đợi những kẻ xấu số và chờ đợi bản thân họ.
Chứng kiến quá nhiều cái chết lành – chết dữ của quá nhiều hạng sang – hèn, dần dần họ trở thành những triết gia: Nhìn người thăm viếng nơi này/ Đoán kẻ dưới mộ những ngày trần gian. Câu thơ giản dị mà chứa biết bao nhận xét sâu sắc về sự đời – tình người và gửi gắm bao niềm tâm sự với những người đang sống. Chính nhờ thế, Khúc hát thầm của những người đào huyệt thuê dù cất lên khe khẽ vẫn đủ sức lay động đến những nơi sâu kín nhất trong tâm linh mỗi chúng ta.

Lê Quốc Hán