Đã hơn nửa đời người, chưa bao giờ tôi được chứng kiến cảnh dân tình đầy đủ tầng lớp mong ngóng đợi chờ hàng ngày để nghe tin tức từ văn bản hỏa tốc chăm chỉ và kỹ càng đến như thế.
Tôi đang nói đến vấn đề dịch tễ đã và đang xảy ra ở quê mình.Gần hai năm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam cho đến nay đã là lần thứ 4. Lần thứ nhất vào tháng 1/2020 tại thành phố Hồ Chí Minh; Lần thứ hai vào tháng 7/2020 ở Đà Nẵng; Lần thứ ba bắt đầu từ tháng 1/2021 tại thành phố Hải Dương kéo dài cho đến tháng 4 năm nay. Ba lần dịch đã lây lan ở nhiều tỉnh thành, gần như cả nước, nhưng thành phố Vinh nói riêng và cả tỉnh Nghệ An đều đã kiên cường, bền bỉ, cẩn thận chu đáo, vững vàng thế trận, thấu đáo sâu sát với dân về chuyên môn ngành Y, nên không bị ca nhiễm nào về Covid-19.

Đất nước mình thật nhỏ bé, “đầu mũi Cà Mau” có ảnh hưởng thiên tai, thì nơi “địa đầu Móng Cái” cũng ít nhiều tương tự như thế. Nói để biết rằng, mảnh đất Nghệ An “gió Lào cát trắng”, một phần “đòn gánh” mảnh mai của đất nước, đã chịu thương, chịu khó, lo lắng, chăm bẵm, giữ gìn chăm sóc cho hơn ba triệu người đang sinh sống gần như chu toàn về việc chống dịch. Có lẽ vì vậy, nên tỉnh nhà là một trong số những địa phương ít ỏi cuối cùng của Việt Nam mãi đến tháng 6/2021 dịch Covid-19 mới lọt vào được.

Những con đường trong thành phố Vinh luôn vắng lặng trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Hoàng Nguyên

Ca lây nhiễm đầu tiên xuất hiện ở Nghệ An tại thành phố Vinh vào ngày 13/6/2021. Cả tỉnh lo âu, theo dõi sát sao đến từng giờ. Thành phố Vinh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 từ ngày 17/6. Đến khi thêm các ca bệnh tăng lên từng ngày, Vinh và các huyện có ca dương tính khẩn trương cách ly theo Chỉ thị 16 từ ngày 19/6/2021.

     Cả tỉnh đồng lòng, kiên cường, quyết liệt vào cuộc chống dịch với cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống xã đều được huy động tổng lực. Hàng chục ngàn người làm việc suốt ngày đêm không hề ngưng nghỉ quyết tâm truy vết, khoanh vùng dập dịch. Quan tâm chăm sóc đầu tiên đến người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền được nhắc nhở hàng ngày về khẩu trang, kính chống bắn giọt, hạn chế ra ngoài. Các nhà hàng, chợ đầu mối tại khu vực đình Tây chợ Vinh, chợ Trụ – Hưng Hòa, chợ Quang Trung, chợ Cửa Bắc, những người buôn bán vặt ở các vỉa hè, hay địa điểm nghi ngờ đều đóng cửa, phong tỏa kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm. Hầu hết dân Vinh được xét nghiệm trong cộng đồng có kết quả âm tính. Các cán bộ y tế làm việc không kịp ăn, uống; nghỉ ngơi tại nền nhà, hoặc ngay bàn ghế làm việc. Có người nằm nghỉ tạm dưới gốc cây ở vỉa hè chờ dân đến để lấy mẫu. Hình ảnh người áo trắng thoăn thoắt như con thoi qua lại giữa bao người dân chờ lấy mẫu đã ngất xỉu vì kiệt sức không còn lạ với dân Vinh. Nắng, gió Lào cuồn cuộn nóng như nướng thịt người. Thương lắm, dũng cảm lắm các chiến sĩ ngành Y trên tuyến đầu chống dịch. Tất cả vì việc chung của tỉnh nhà, hòa chung trách nhiệm với quốc gia.

Chợ Vinh- Khu chợ lớn nhất thành phố ngày thường náo nhiệt và sầm uất là vậy, những ngày thực hiện Chỉ thị 16 cũng yến ắng lạ thường. Ảnh: Hoàng Nguyên

Bức bối, nóng nực, khó khăn và chịu đựng kiên trì cùng sát cánh với các thầy thuốc áo trắng là các “chiến sĩ” ở 13 điểm chốt cấp thiết được dựng lên, bao quanh địa bàn thành phố Vinh với nhiệm vụ kiểm soát người ra vào 24/24h. Lực lượng gồm: Công an, dân phòng, đoàn viên thanh niên, nhân viên y tế, đảm bảo thành phố Vinh thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Người dân ra vào thành phố đều thực hiện khai báo y tế tại các điểm chốt. Ảnh: Hoàng Nguyên

Nắng chang chang là vậy, gió Lào khô bỏng, nóng rát quần quật tung cát lên trời ném thẳng vào người đi đứng giữa đường, xô ngã các lều ở chốt mới dựng lên. Các chiến sĩ trực chốt suốt ngày đêm nơi những điểm ách tắc để kịp thời ứng phó mọi trường hợp xảy ra. Vất vả, nhọc nhằn, căng thẳng lắm, không kịp cả uống nước, mọi người đứng đúng vị trí, không dám rời một phút với công việc của mình. Tất cả vì việc chung. Người đi đường nườm nượp dồn ứ, sốt ruột đông đúc ở các chốt với vô vàn lý do. Giải thích, giúp đỡ dân cư có hàng hóa thiết yếu, các chiến sĩ hoạt động không ngưng nghỉ, chỉ cần dừng tay một chốc là tắc đường. Tôi đã từng đến chốt chống dịch ở đường Phạm Hồng Thái giao với đường tránh Vinh chỉ trong mấy chục phút, ngắm nghía dòng người của các cuộc đi mê miết nhạt nhòa dưới nắng, mắt tôi bất chợt cũng nhòa theo, cay xè. Ồn ào, náo nhiệt qua lại nhao nhác với nhu cầu muôn hình vạn trạng của con người muốn vượt qua điểm chốt để vào thành phố theo nhu cầu.

“Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Nhân dân tại thành phố Vinh và nơi lân cận đã tiếp tế cho các chiến sĩ thường trực ở chốt chống dịch từng thùng nước lọc, chùm quả vải, gói bánh ăn sáng, thậm chí có đôi vợ chồng già hì hục luộc nguyên con gà mang đến chốt động viên người làm nhiệm vụ thêm ấm lòng. Nhà hàng Minh Hồng – Trung tâm tổ chức sự kiện và đám cưới – lâu năm trong thành phố đã ủng hộ hàng ngàn suất cơm tặng các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Một số nhà hảo tâm đã chuyển container đến chốt giúp các chiến sĩ tránh nắng và gió. Ở huyện Thanh Chương thì có sáng kiến làm tranh cọ lợp mái ở các chốt kiểm dịch chống nắng nóng rất hiệu quả.

Cán bộ, hội viên Hội LH Văn học, Nghệ thuật Nghệ An trao quà hưởng ứng Tuần lễ “Vì Thành phố mang tên Bác” phòng chống dịch Covid-19 – Ảnh: Hoàng Nguyên

“Thương người như thể thương thân” thể hiện ngay vào những lúc này chứ còn khi nào nữa. Thương các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch đã đành, những khối dân cư đang bị phong tỏa cách ly từng phần ở ngay thành phố cũng khổ không kém. Đa số đều dân nghèo, bộ phận viên chức có lương, còn lại thành phần tự do, tiểu thương… kiếm sống hàng ngày dựa vào chợ. Chợ gắn bó với tầng lớp nghèo như máu thịt. Chợ cũng hiền lành lam lũ như người lao động nhỏ nhoi, nhọc nhằn, khiêm tốn. Những ngày bị phong tỏa, dân tiểu thương nghèo nhớ chợ rưng rưng. Bó rau muống, rau khoai, nải chuối xanh, mồng tơi, bù ngót, cà
chua, bó sả, quả ớt cho đến con gà, con vịt kêu oang oác, quàng quạc… chợ ơi. Vô tình, người nghèo khổ bần cùng với những món hàng rẻ tiền dân dã thường ngày đã khoác lên chợ một cái áo bình dị, một linh hồn hiền hậu kết nối gắn bó con người với nhau rất đỗi thiêng liêng, sâu sắc. Chợ cũng có hồn sâu, mênh mang lắm, lúc khó khăn cùng cực lại càng nhớ chợ. Chợ ơi là chợ!
Hầu hết ở nhà không biết làm gì, ăn bằng gì? Sống dựa vào đâu? Dân lo lắng, nhưng không hoang mang, bởi cả tỉnh đã đồng lòng vào cuộc, quyết tâm không bỏ rơi ai ở phía sau. Nhân dân ở các huyện, thị, xã chưa bị lây nhiễm bệnh thì “của ít lòng nhiều” gom góp từ chai nước mắm, rau củ quả, gạo, giúp các nơi đã bị phong tỏa đang phải nghỉ việc với chủ trương “lá lành đùm lá rách” “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Dịch càng kéo dài, dân càng nghèo hơn, thậm chí về kinh tế có người đã kiệt quệ. Doanh nghiệp đầy khó khăn, phải đóng cửa, không hoạt động được thì lấy gì thu nhập? Thậm chí còn nơm nớp lo âu phá sản sắp đến nơi? Tinh thần từ thiện cưu mang nhau lan rộng khắp nơi trong tỉnh. Từng suất cơm, suất cháo, những gian hàng 0 đồng với dòng chữ ấm áp: “Ai thừa ủng hộ, ai thiếu lấy đi” xuất hiện tại thành phố Vinh và huyện, thị. Xã Quỳnh Thọ quê tôi còn có sáng kiến làm kính chắn giọt bắn tặng cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tễ của xã, trạm y tế, chốt kiểm soát và bộ phận một cửa của xã nhà, góp phần cùng nhau đẩy lùi dịch.

Người dân xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) thức đêm làm nhút mít ủng hộ gian hàng 0 đồng hướng về thành phố Vinh. Ảnh: Huy Thư

Từ ngày 13/6 đến 23/7/2021, cả tỉnh đã ghi nhận 183 người mắc Covid-19 ở 13 địa phương. Số bệnh nhân được ra viện là 88. Tỉnh đã cơ bản khống chế được dịch bệnh và thành phố Vinh đã chuyển xuống thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 19/7. Bệnh nhân Covid-19 đôi lúc còn xuất hiện, nhưng có phần yên tâm vì số lượng, chủ yếu trong khu cách ly, đặc biệt, những ngày đầu tháng 7 hầu như không có ca trong cộng đồng. Nhân dân theo dõi, hiểu rõ các văn bản dịch tễ, bởi liên quan đến cuộc sống hàng ngày của con người. Nếu cứ tiếp tục phong tỏa thành phố Vinh mãi như thế này thì chẳng biết đến bao giờ? Dân tiểu thương, thành phần tự do “cửa đóng then cài” mãi trong nhà không biết lấy gì mà ăn, sinh hoạt, và bao vấn đề nữa trong cuộc sống đang cần đến tiền.
Khốn khổ đủ bề vì Covid-19.

Nhân dân biết tin dừng Chỉ thị 16 chống dịch chuyển sang trạng thái giãn cách hơn, thở nhẹ khẽ khàng, rón rén, thận trọng với việc làm: “Cơm áo không đùa” hàng ngày. Bây giờ, phục hồi kinh tế để mà tồn tại không phải dễ khi chưa biết dựa vào nguồn hỗ trợ cấp thiết từ đâu?

Trải qua những ngày sống căng thẳng, lo âu, đợi chờ trong vùng dịch, tôi ngẫm nghĩ được nhiều điều thấm thía. “Cái khó ló cái khôn”, bật ra nhiều ý tưởng không kém phần quan trọng trong cuộc sống cho mình. Hiểu về bản chất của con người đích thực kỹ càng hơn. Ai tốt, xấu, giỏi hay kém cỏi, trách nhiệm hay vô trách nhiệm với cộng đồng dễ nhìn thấy hơn xưa. Hiểu giá trị đắt đỏ của cuộc đời đang được bộc lộ rõ ràng trong cuộc sống hàng ngày. Tự trong lòng mình không còn sự hận thù, kỳ thị với những kẻ xấu xa trong quá khứ. Họ cũng khốn khổ, sợ hãi, dúm dó trước nỗi lo lắng mệt mỏi vì bệnh tật từ môi trường, thiên
nhiên như mình, như bao người khác đang phải “dựa trời”. Chấp nhận và yêu thương khi có tiếng gọi chung của con người, đồng loại. Cho dù ở vị trí, tôn giáo nào cũng cần phải được yêu thương trước bệnh tật, lo âu để vượt qua. Tất cả đã, đang khổ cực trước “giặc Covid” đang bay lơ lửng mơ hồ trong không trung sẵn sàng chụp xuống trái đất bất kỳ lúc nào nếu như mình không đoàn kết và cẩn thận cùng cảnh giác nó.

Đàm Quỳnh Ngọc

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 15, tháng 7/2021)