Truyện ký

Văn hóa bản mường của người dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ luôn là những gì hấp dẫn gọi mời chúng ta khám phá, chiêm ngưỡng và trải nghiệm. Người Thái viết về người Thái, về phong tập tập quán của chính họ lại là một điều đặc biệt thú vị.

Tạp chí sông Lam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một truyện ký của tác giả Thái Tâm- người con của dân tộc Thái ở Quỳ Hợp- để cùng tác giả biết thêm về những lễ tục của họ cũng như nỗi niềm đau đáu của họ trước những đổi thay của con người …

**********

    Vài ba năm lại nay, do chuyện đi làm ăn xa bản, xa mường mà có nhiều cô gái Thái ở bản tôi đã lấy chồng rất xa. “Duyên phận phải chiều”, đành là vậy, nhưng phía sau cái chuyện lấy chồng xa mường, xa bản ấy cũng có bao nỗi vui buồn…Anh họ của tôi cũng có một người con gái lấy chồng xa như vậy.
Mới vào đầu mùa cưới mà cái bản nhỏ của tôi cũng đã có tới ba đám cưới lấy chồng xa: Một cô lấy chồng về Hải Phòng; một cô lấy chồng về Đà Nẵng; Cháu gái tôi, tên là Vi Thị Hồng thì lấy chồng về tận thành phố Cần Thơ.
Anh họ tôi thở dài:
– Thôi thì cái số của nó phải lấy chồng xa như vậy… ngăn cản cũng vô ích thôi. Miễn sao cho nó có gia đình, sống hạnh phúc là được rồi!
Chị dâu tôi thì buồn ra mặt.

Hai hôm trước, khi những chiếc xe ô tô đón dâu sang trọng của họ nhà trai từ thành phố Cần Thơ – tận miền Nam xa xôi – còn chưa ra đến bản, tôi đã đến chơi thăm nhà của anh họ, nhân tiện xem việc tổ chức đám cưới cho cháu gái đã chuẩn bị đến đâu rồi. Cả nhà, cả họ Vi ai cũng vui vẻ chuẩn bị đám cưới cho Hồng. Riêng chị dâu tôi thì giọt ngắn, giọt dài kể lể với tôi cái chuyện đã mấy năm nay vất vả đêm ngày, khi lấy bông lau trên rừng, khi may vỏ nệm, khi nhồi gối, dệt chăn… chuẩn bị cho con gái đi lấy chồng, nào ngờ nó lại lấy người Kinh, mà có gần đâu chứ, ở tận chân mây, cuối trời ấy, biết nơi đâu mà trông vọng, có nằm mơ cũng không thấy được cái miền đất ấy…
Rồi chị dẫn tôi vào buồng riêng của cháu Hồng, chỉ cho tôi xem một loạt “của hồi môn” mà chị đã tốn bao công sức chuẩn bị cho con gái.
Là người Thái, khi trong nhà có con gái lớn, đã đến tuổi gả chồng, ai mà không chuẩn bị như thế: Tám chiếc nệm nhồi bông lau rừng. Theo tục lệ thì số nệm này khi cô dâu đưa về nhà chồng sẽ được phân chia giống như một thứ quà biếu, đôi vợ chồng trẻ chỉ giữ lại hai chiếc, còn lại thì dành tặng cha mẹ và các anh chị em thân thích nhà chồng; đi với tám cái nệm là tám cái gối nhồi bông lau hoa ỏi nú (1) và tám cái chăn tự dệt, một mặt có may gắn vào một tấm thổ cẩm Thái rất đẹp, bốn góc chăn có bốn cái “tai” bằng vải xanh, đỏ rất khéo và xinh xắn; ngoài chăn, gối và nệm còn có ba đôi váy mới tinh, thêu hình mặt trời rực rỡ; bên cạnh là một chiếc giỏ đan bằng mây vót rất công phu, trong đó đựng rất nhiều thứ trang sức của con gái như dây thắt lưng “xái hiệt boọc“, nám xiềm (2) bằng bạc, bộ dây xà tích bằng bạc trắng phau có đeo một quả tim bạc to như nắm tay người lớn, hai đôi vòng tay bằng bạc và một đôi hoa tai bằng vàng…

Chuẩn bị đi hội. Ảnh: Hồ Hải Đăng

Tuy nhiên, cháu gái của tôi đã không lấy bất kỳ cái gì mà mẹ nó gắng công làm ra và dành dụm cho nó từ vài năm lại nay. Chị dâu tôi năn nỉ mãi nó mới chịu lấy đôi hoa tai bằng vàng, là để cho mẹ khỏi buồn mà thôi, đó là thứ có thể bán được nhiều tiền, còn bạc thì rẻ lắm, ít khi người thành phố dùng đến. Nó bảo rằng làm việc ở nhà máy, tác phong công nghiệp, ngày làm hai ca, thì giờ đâu mà nghĩ tới chuyện phong tục, tập quán… Vả lại, ở thành phố người ta ngủ giường modes, nệm mút lò xo phủ ga cao cấp của Tây, của Tàu, gối đầu, gối ôm đều bằng mút xịn của Mỹ, của Nhật, vừa mát lại vừa êm, suốt đêm như được mát – sa vậy… chứ có ai ngủ nệm, gối nhồi bông lau, đắp chăn có bốn cái tai xanh, đỏ như ở bản ta bao giờ? Giở những thứ ấy ra, người ta trông thấy lại cười cho mà quê mặt… Thời đại mới rồi, ở thành phố hay bản mường thì có khác gì nhau chứ, cái gì ở thành phố có mà bản mường ngày nay lại không có? Mình đừng có vì phong tục quá mà hóa ra cổ hủ, lạc hậu, bỏ lại hết ở nhà đi, mang theo làm gì cho nặng xe, lại vô dụng, để ở nhà cho mẹ mặc còn hơn là đem theo rồi cất trong tủ quanh năm mục nát đi…
Nó nói tỉnh bơ như thể nó chưa từng là người Thái vậy!

Ngày cưới cháu gái tôi diễn ra thật vui vẻ. Đại diện họ nhà trai toàn những người ăn mặc sang trọng: Quần áo comple, thắt cà vạt, đi giầy đen bóng loáng, nói năng rất lịch sự và quan hệ, giao tiếp, cử chỉ cũng rất thành phố.
Bên nhà gái thì hoàn toàn ngược lại: Những ông già, người có tuổi trong họ hàng, trong bản đến dự đám cưới, đầu đội mũ nồi đen, mặc quần ống rộng, áo đủ kiểu dáng, cũ có, mới có, kẻ chân đất, người đi dép nhựa, chào hỏi, nói cười bỗ bã, vô tư như không hề có khoảng cách thông gia; các bà, các chị, các cô gái là những người bạn thân thiết, cùng lứa, cùng học một lớp với cháu Hồng thì đều mặc váy Thái, gấu váy thêu đủ thứ hoa văn sặc sỡ, sáng cả ba gian nhà sàn.
Chỉ riêng cháu gái tôi là mặc quần bò bó sát mông đùi… đến mức… không ai dám nhìn thẳng được một lúc, và mặc một tấm áo vải “cao cấp”, mỏng tang, gần như trong suốt, lại ngắn cũn cỡn hệt như may thiếu vải vậy, trông thấy rõ cả áo ngực bên trong và làn da “nàng Ủa(3) trắng mịn y như trứng gà bóc…
Ăn mặc như vậy ngay cả trong ngày cưới của mình, cháu gái tôi mới thật nổi bật hơn tất cả và cũng thật lạ lùng và lạc lõng đến thẹn thùng cho cả bản, lạ đến mức, nếu ai đó chưa một lần trông thấy Hồng, chắc chắn sẽ lầm tưởng đó là một cô gái bên họ nhà trai, từ thành phố ở miền Nam xa xôi ra cái bản nhỏ này để đón dâu…

Thủ tục đám cưới diễn ra theo đúng như tục lệ bình thường của người Thái, bởi cô dâu là con gái của người Thái chính cống, được sinh ra từ cái bản nhỏ này, lớn lên ở cái bản nhỏ này, biết chữ và nên người ở cái bản này, trở nên một cô gái xinh đẹp, đẹp đến mức được người thành phố yêu thương, không quản nghèo khó, xa xôi, quyết lấy làm vợ để chung sống với nhau đến suốt đời… cũng ở cái bản nhỏ này mà ra!
Họ nhà trai thay nhau đứng lên trên chiếc chiếu được trải ra ở gian “hoòng noọc(4), người thì hát, người thì đọc thơ chúc mừng họ nhà gái có con rể mới. Giọng miền Nam, ai cũng phải lắng nghe thật kỹ mới hiểu được hết, vừa lạ tai, vừa ngọt ngào lẫn trong tiếng cồng chiêng đám cưới rộn ràng, náo nức. Họ nhà gái cũng cất lời “nhuôn” đáp từ và chúc mừng họ nhà trai có được một cô dâu hiền, thật thà, chất phát, bình dị và nguyên sơ như cây cỏ, như núi rừng, khe suối của bản mường yêu dấu…

Dệt vải. Ảnh: Hồ Hải Đăng

Khi cuộc rượu cần của đám cưới đã đến hồi sôi động nhất, tiếng pí réo rắt như mời gọi, như thúc giục các giọng “nhuôn” của những “ca sĩ bản mường” cất tiếng vào cuộc thì có một giọng “nhuôn” của một chàng trai còn khá trẻ, chắc là ở bản nào đó, không phải người bản tôi… được cất lên giống như một sự chia tay đầy nuối tiếc, có lẽ chỉ có Hồng – cháu gái của tôi – là biết rõ nhất, qua lời “nhuôn’’ vừa ngọt ngào, vừa đắm say lòng người ấy, chàng trai người Thái đang muốn nói gì với mình trước khi lên xe hoa rời bản, xuôi về thành phố để “làm dâu nhà người”:

 “Em về thành phố lấy chồng
Như thuyền theo lái, xuôi sông Nặm Hàng
Từ nay xa cách bản làng
Xa con suối nhỏ, nhà sàn, rãy nương…
Em xuống phố với người thương
Váy thêu gửi lại cho mường phía sau
Khăn Piêu thôi cuốn trên đầu
Quả Còn ba sắc chỉ màu thôi bay

Rượu cần ít ngọt từ nay
Lẻ loi tiếng pí, buông tay chiêng cồng…
Em vui xuống phố theo chồng
Anh buồn… gom nỗi trống không ngược rừng ”…

Nghe những lời “nhuôn” đằm thắm, ngọt ngào ấy, ai cũng chợt mủi lòng, bản thân tôi cũng thấy cay cay nơi hai khóe mắt, nhưng cháu gái tôi – cô Vi Thị Hồng, một người con gái Thái của thời đại mới, thì vẫn không hề có chút chạnh lòng, không hề tỏ một nét buồn trên mặt, cho dù là chỉ thoáng qua. Ngược lại, Hồng còn vui và hãnh diện nữa. Ngồi với các bạn gái cùng lứa trong bản, ngập chìm trong tiếng pí và lời “nhuôn”, Hồng lại cảm thấy mình như chợt khác xa chúng một trời một vực. Lấy được chồng thành phố đâu phải chuyện dễ dàng. Với nhiều bạn gái cùng lứa, cho dù có người còn xinh đẹp hơn cả Hồng nữa, nhưng đã mấy ai sinh ra từ cái bản nhỏ này vừa có được sắc đẹp, sự trẻ trung, lại vừa khôn ngoan, sắc sảo để được một chàng trai thành phố yêu thương và lấy làm vợ thực sự như Hồng…phải coi đó là chuyện hồng phúc cho cả gia đình, là chuyện “đại hỉ”… chứ đâu phải chuyện buồn?…

Một ngày sau đám cưới, đứng dưới chân cầu thang của ngôi nhà sàn giản dị để tiễn con gái lên xe về nhà chồng, chị dâu tôi mới nói được những lời này với con gái bằng tiếng Thái:

     – Con gái của mẹ ơi, dù con lấy chồng ở đâu thì con vẫn là người Thái thôi mà. Con được sinh ra từ bản, lẽ nào con quên bản ta được sao? Từ nay con không còn mặc váy thêu hình mặt trời, không còn ngủ nệm gối nhồi bông lau, không còn được nói tiếng Thái hàng ngày ở nơi cửa miệng nữa, nhưng con phải luôn nói tiếng Thái ở trong tim của mình… như thế con sẽ thấy cha mẹ và bản ta luôn ở bên cạnh… Đừng bao giờ quên bản, quên mường… hãy nhớ lấy lời mẹ, con gái nhà sàn nghèo khó ngày nào của mẹ ơi…!

Khi tiếng còi ô tô đón dâu vang lên rộn rã, giống như lời chào tạm biệt cái bản nhỏ thanh bình của chúng tôi… và khi những chiếc xe ô tô đón dâu đã nối đuôi nhau đi ra khỏi bản, mặc cho mọi người còn đứng trông theo mãi, chị dâu tôi vội vã quay gót, bước nhanh lên cầu thang, chạy thẳng vào trong buồng riêng của cháu Hồng rồi úp mặt vào đống “của hồi môn”, khóc nức nở!

Bản Nà Phiêng – tháng 10 năm Kỷ Hợi – 2019
Thái Tâm

Chú thích:

(1): Ỏi nú- một loài lách mọc ven khe suối, thường trổ bông vào cuối tháng 10 ta, khi những cơn lũ rừng vừa hết. Hoa bông ói nú được lấy về để nhồi nệm, gối, rất êm và mát.

(2): Nám xiềm: Tức là cây trâm gài tóc bằng bạc, dùng để cho con gái Thái búi tóc “tẳng cẩu” khi đã có chồng.

(3): Nàng Ủa: Một nhân vật trong truyện thơ Thái nổi tiếng: “Chàng Lú – Nàng Ủa”. Nàng Ủa có gương mặt sáng như mặt trăng,, làn da trắng và mịn như trứng gà bóc.

(4): Hoòng noọc: Là gian chính giữa của một ngôi nhà sàn, nơi diễn ra các thủ tục chính của một đám cưới người Thái