Không ai hiểu nghề văn hơn các nhà văn. Và cũng không ai giễu nhại nghề văn độc đáo, sắc nét bằng các nhà văn. Khi họ giễu nhại cái nghề của mình tức là họ đã rất ý thức về sứ mệnh, trách nhiệm trước nghề viết cũng như sự tồn vong của văn học nghệ thuật. Thông qua cái nhìn hài hước, cười cợt của nhà văn, người đọc thấy được những góc khuất, thực trạng chất lượng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và đạo đức, tư cách của người cầm bút. Là một cây bút trẻ nhưng Văn Thành Lê đã dùng ngòi bút giễu nhại của mình mổ xẻ, lách sâu vào tầng ngầm của ngôi nhà văn học nghệ thuật, từ đó, cảnh tỉnh người đọc trước rừng mặt nạ đểu giả đang bị lực hút của thói hám danh hám lợi.

Ảnh minh họa, nguồn: hanoimoi.com.vn

Nhà văn, nhà thơ, họ là những người đại diện cho tiếng nói của cái đẹp, của sự tao nhã, nhưng khi đi vào những trang viết của anh, họ trở thành những kẻ giả dối, rỗng tuếch, lố bịch. Ngôi nhà chung – Hội Nhà văn, nơi ghi nhận, xác tín khả năng và sự cống hiến của các nhà văn cũng nằm trong tầm ngắm cười cợt của anh. Việc giải thiêng ngôi đền văn chương đã từng được Nguyễn Việt Hà nhắc đến trong tiểu thuyết Cơ hội của Chúa khi để mấy nam hội viên khoe quần sịp sặc sỡ nhân dịp kết nạp hội viên mới. Hồ Anh Thái trong cuốn Lang thang trong chữ rất thẳng thắn khi vạch trần ảo tưởng của ông nhà thơ nhưng lại được sự đồng thuận từ phía Hội Nhà văn, bởi không phải ủy viên nào cũng tránh được khi đã lỡ được ông cho đi du lịch. Chuyện kết nạp hội viên của Hội Nhà văn cũng được Văn Thành Lê lôi ra chế giễu. Anh gọi Hội Trung ương là Hội cấp nước. Vì Hội Trung ương là Hội cấp quốc gia, quốc gia là đất nước nên gọi ngắn gọn, dễ hiểu là Hội cấp nước. Cuối năm Hội cấp nước xôm trò và căng thẳng hơn bao giờ hết. Càng gấp rút, bộ mặt tiền sảnh càng bộc lộ rõ: “Hội cấp nước vào cuối năm cứ gọi là sôi sùng sục như nồi nước dùng món phở trên bếp than tổ ong. Điện thoại réo rắt cả ngày đến các vị trong ban chuyên môn, là nơi xét vòng sơ loại và những vị trong ban chấp hành chấp tỏi, là nơi xét vòng chung kết. Người người vào ra nườm nượp, chân xoắn lại, mắt liếc ngang liếc dọc vừa như chủ vừa như kẻ trộm. Đông lắm. Đông kinh lên được. Đa số sồn sồn hoặc sắp lên lão. Vớ được ai trong cơ quan là như bắt được vàng, túm lại bắn liên thanh vài bài thơ trang trọng tâm đắc để đời, xin góp ý, rồi hỏi vỗ mặt liệu đủ chất vào Hội cấp nước không? Giọng đọc dẫu phều phào vẫn cố. Khổ cho mấy cái răng lung lay cứ chực rơi ra” (Salan đỏ bãi Xanh, tr.229). Nhưng đó chưa phải là điểm cao trào của Hội cấp nước. Cao trào của nó lại nằm ở sân sau. Một cụ ở địa phương nghiễm nhiên nhập Hội cấp nước nhờ sự “cài cắm”, gặp ai cụ cũng xin một phiếu vòng chung kết cho đỡ tủi thân, rồi kèm theo phong bì, rượu ngoại nữa. Ăn rồi, một phiếu có là bao, ai cũng nghĩ thế nên cứ bỏ một phiếu. Ai ngờ, cụ “đi” cả thảy thành viên Ban Chấp hành chớ không phải một. Ca này đúng là chuyện hài, cười ra nước mắt. Sự dễ dãi, cả nể, thực dụng, thiếu trách nhiệm của những thành viên ngồi ghế Ban Chấp hành đã góp phần tăng thêm tính lố lăng, phù phiếm cho Hội cấp nước. Chất lượng của văn học nghệ thuật vì thế ngày một bệ rạc, đi xuống, nhếch nhác bởi sự “góp vốn” của những người trong cuộc.

Tác phẩm “Sa lan đỏ bãi Xanh” và ” Biết đến khi nào mưa thôi rơi” của tác giả Văn Thành Lê

Lẽ thường, khi đủ đầy con người ta thường muốn có cái danh, muốn được trọng vọng kính nể, mà ở đời này chỉ có chữ nghĩa mới tồn tại lâu dài, truyền từ đời này sang đời khác, nên nhân vật Vũ Thi Ca trong truyện Nhà thơ cấp nước ham hố, thèm khát cũng không lạ. Cái sự ham, sự thèm của Ca không tự nhiên đến mà luôn có quy trình, lớp lang hẳn hoi. Từ chỗ in thơ trên các đặc san, bản tin, giai phẩm xuất theo mùa, Ca tiến đến các báo, tạp chí văn nghệ trong tỉnh, các tuyển tập văn chương, hội thảo rồi toan tính “rồng rắn lai kinh”. Theo Ca “Hội địa phương toàn những lão đương phịa, chỉ tổ quen thói thọc gậy bánh xe với gắp lửa bỏ tay người” (Salan đỏ bãi Xanh, tr.226), trong khi Hội cấp nước “Khối tên chưa viết được như mình, thậm chí nửa câu thơ sạch nước cản tìm tróc mắt không ra. Chẳng là gì mà mình không thể vào” (Salan đỏ bãi Xanh, tr.212) nên Ca cần tiến nhanh tiến chắc vào Hội cấp nước. Sân chơi của Hội Trung ương bỗng dưng trở thành đích đến cho những đối tượng hãnh tiến, ảo tưởng, tìm cách chen chân vào, trong khi bản thân chẳng có tài cán, năng lực gì. Văn học nghệ thuật vô tình bị thương mại hóa, trở thành món hàng mua chuộc. Sự tham dự của một số kiểu người này khiến đời sống tinh thần, giá trị của nghệ thuật như phơi ra trắng phớ, rớt xuống tận cùng của sự thảm hại. Những hành động, lời nói của Vũ Thi Ca hội tụ đủ các mảng tối của văn học nghệ thuật, như vả vào ngôi đền văn chương. Ông bà ta đúc kết “con sâu làm rầu nồi canh” chớ sai!

Giễu Hội cấp nước, Văn Thành Lê chuyển sang giễu chuyện làm thơ, các nhà thơ. Anh mang đến tiếng cười thâm thúy, hài hước cho người đọc khi để các nhân vật bộc toẹt “chất lượng” thơ câu lạc bộ: Chữ nghĩa đâu như rắm, vãi bất kể không gian thời gian, y một màu sàm sạm một mùi thum thủm” (Salan đỏ bãi Xanh, tr.59); “Chữ nghĩa tuôn ào ào như hồ thủy điện xả lũ bất đắc dĩ vì rừng rỗng ruột sạch bách cây không giữ được nước” (Salan đỏ bãi Xanh, tr.217). Đặc biệt, anh miêu tả cách làm thơ của Vũ Thi Ca khiến người đọc không khỏi phì cười: Ca vò đầu bứt tóc cho chữ rơi ra. Thơ phú văng tóe tung, bay như muồm muỗm mùa gặt” (Salan đỏ bãi Xanh, tr.220). Thơ rơi vãi kiểu ấy mà các tuyển tập cũng khéo léo đặt Vũ Thi Ca ngồi cùng mâm với các nhà thơ lớn. Đắt giá hơn nữa là anh đã dùng nói lái để đẩy thảm họa thơ đến tột cùng: thơ Vũ Ca tức là thơ vả cu. Thì ra, thơ mất giá trị, bị rẻ rúng, xem thường là bởi sự xuất hiện của những con người “đầy chất… thơ”, “nôn cũng ra thơ” như Vũ Thi Ca.

Mỗi người mỗi kiểu. Cái lão về hưu trong Hoàng tử tuổi xế chiều, công chúa tuổi hoàng hôn trở nên trái gió trở trời khi suốt ngày thơ thẩn, lúc nào cũng cầm theo vài tập photocopy với “phương châm rải truyền đơn thơ đến hơi thở cuối cùng”. Lão khiến nàng chạy mất dép. Nhân chi tiết này, lại nhớ đến chuyện chân dung ông A uy hiếp mẹ bằng dọa đọc thơ trong truyện ngắn Cây hoàng lan hóa thành cây si của Hồ Anh Thái. Hay cuộc đàm đạo về thơ, đọc thơ là phải thắp hương thì nó mới thiêng của hai nhân vật trong Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương. Tự thân những lời kể về công việc làm thơ, đọc thơ, xuất bản photocopy, in tập vừa biếu vừa cho, vừa buôn chữ vừa bán thơ của các “thi sĩ” trong truyện của Văn Thành Lê đã biến cái nghề viết thành cái nghề tầm thường, biến cái cao quý thành cái thấp hèn. Cho nên mới có câu nói cửa miệng “tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”, “Đêm nằm nghĩ mãi không ra/ Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ”. Thì đấy, thơ ca như thế, đọc vào chỉ tổ hại thân!

Văn Thành Lê là nhà văn, từng là biên tập viên, ngòi bút của anh lách vào những góc khuất của văn học nghệ thuật là việc đương nhiên. Bên cạnh chuyện chạy chọt tìm cách vào Hội Trung ương, mờ ám trong khâu kết nạp hội viên, thơ câu lạc bộ, anh còn luận bàn chuyện đăng bài vì quen biết, vì lợi nhuận, vì sự sống còn của tờ báo rất cởi mở, thẳng thắn. Cánh nhà báo vừa thiếu cái tâm vừa thiếu cái tầm, chỉ biết xu nịnh, chạy theo trend, mặc kệ chất lượng, mặc kệ độc giả nghĩ gì. Ở đó có đầy đủ các món ăn mang tính chất thời thượng, giật gân, sexy: bà đồng chữa ung thư bằng thơ và niệm chú; bí mật phòng the; yêu và công lý,… Sự nhanh nhạy, thời sự của báo chí được khỏa lấp bằng các bài báo hết sức vớ vẩn. Đội ngũ biên tập đã yếu, thiếu, kèm theo đó là chỉ tiêu cứ nhằm vào thị hiếu của giới trẻ, xào xáo bài, chứ chẳng quan tâm đầu tư về mặt chất lượng nội dung. Giới báo chí lo mạng sống bản thân hơn chất lượng tờ báo nên chiêu trò lăng xê, PR tin “sốc – sến – sex”, giật tít,… không lạ lẫm gì. Nếu Hồ Anh Thái hoài thai tờ báo bên nồi nước dùng sực mùi gừng sả (Bốn lối vào nhà cười) và xem đó là tôn chỉ của một tờ báo thì Văn Thành Lê cũng thế, để các cuộc trao đổi biên tập ra đời ở các quán cà phê, các quán nhậu,… Tờ báo duy trì, vận hành như thế nên cứ mãi nhạt nhẽo, vô vị, đúng chất lá cải. Có lỡ bị tuýt còi, đình bản, cấm, phạt thì những con người như Kha và Khẩn trong Làm gì có báo lá cải! vẫn tìm cách ngoi lên bằng thương hiệu khác, vẫn “bình mới rượu cũ” mà xông lên, miễn tồn tại được để kiếm chác, bòn rút.

Tác phẩm “Bốn lối vào nhà cười” và “Lang thang trong chữ” của tác giả Hồ Anh Thái

Đề tài báo chí Văn Thành Lê đưa ra luôn nóng hổi, mang tính thời sự. Vấn nạn vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo hiện nay không phải ít, rất nhiều người mắc phải. Một số tờ báo đăng tải nội dung thiếu thẩm mĩ, phản cảm, chỉ giật tít câu view, không có tính nhân văn, dẫn đến môi trường báo chí bị ô nhiễm, độc giả trở thành con rối không phân biệt được đâu là sự thật, đâu là phù phiếm. Cứ cái đà này, báo chí không thoát khỏi sân khấu hài kịch, hình thức diễn tấu càng đa màu đa sắc hơn. Sự tha hóa đạo đức và tư cách của nhà báo của Kha và Khẩn đã làm cho chất lượng báo chí ngày một sa sút, trở thành cái chợ nhốn nháo, tạp nham. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Kha và Khẩn không phải không nhận ra nhưng lương tâm sống cùng lương tháng có mà chết… Mình không làm thằng khác nó làm. Xã hội vẫn thế. Khác gì đâu. Khác là mình đói, nếu không làm” (Salan đỏ bãi Xanh, tr.171). Thì ra đạo đức nghề nghiệp, văn hóa và sự trung thực của nhà báo chỉ là cái vỏ hoa mĩ, tô son trát phấn cho ra dáng thôi, vì trước thành trì cơm áo gạo tiền chẳng ai giỡn được đâu! Xã hội phân hóa, con người phân hóa thì “báo chí cũng phải đủ mâm đủ món như tiệc búp-phê, ai thích món nào tự nhặt” (Salan đỏ bãi Xanh, tr.171). Không chỉ vậy, Kha và Khẩn còn tung chiêu “gậy ông đập lưng ông”, “vạch áo cho người xem lưng” để báo bán chạy hơn.

Đường vào Hội cấp nước khá “cam go” song đường vào tòa soạn báo cũng chẳng khác là mấy, cũng xoay quanh bộ ba “tiền, tình, tài”. Câu chuyện Quỳnh trong Biết tới khi nào mưa thôi rơi cho người đọc nhận ra cơ chế xin việc rất “đặc biệt”, thiết nghĩ không chỉ ở các tòa soạn mà còn nhan nhản ở các nơi khác: “Anh thích khẩu khí của em. Và cũng đã biết em qua các bài viết khá nhiều. Em xứng đáng là ứng viên ưu tiên cao nhất. Nhưng có vài điểm lưu ý nhỏ khi về báo ta, cái này anh muốn kín đáo nhắc giúp em thôi. Hôm nay anh có thể mời em dùng bữa ở khách sạn W. chứ?” (Biết tới khi nào mưa thôi rơi, tr.53). Ở vị trí cao, được xem là tầng lớp trí thức được bao người ngưỡng mộ, nhưng tư cách của hắn – “lão mắt híp, môi thâm, trán ngắn, má phệ và có nốt ruồi to đùng, như con ve chó đóng dấu thương hiệu bên mép cằm” (Biết tới khi nào mưa thôi rơi, tr.53) thì mục ruỗng, vô liêm sỉ. Sự ngã giá trắng trợn mà trơn lướt của hắn khiến người ta không khỏi suy nghĩ về những chuyện tình nơi công sở. Quỳnh dẫu mới bước vào nghề, đã từng trầy da tróc vảy, nhưng cô không đánh mất bản thân mình. Trái ngược với sự phục tùng của nhiều nhân viên nơi đây, cô đáp trả, phản pháo ngay tắp lự: “Bác thích à? Vậy cần gì phải đợi tới trưa. Ngay giờ đi. Ở đây luôn nhé. Em cởi đồ nhé, nhanh thôi. Có phải dùng viagra không, em có mang theo đây?” (Biết tới khi nào mưa thôi rơi, tr.54). Cách miêu tả, xử lý đối thoại, tình huống của Văn Thành Lê nhanh, chặt, tếu, như kiểu đẩy nhân vật lên sân khấu rồi để nhân vật tự diễn, tự tấu hài, tự kể. Đằng sau bộ mặt hào nhoáng là chi chít những u nhọt, sâu mọt. Sức mạnh của đồng tiền, của “cái ghế” đã làm hoen ố nhân cách của con người, biến tướng sự nghiêm túc, trung thực của môi trường báo chí.

Bao nhiêu nội tình của báo chí đều được Văn Thành Lê gọi tên, chỉ điểm theo kiểu nước đôi, hạng hai, thật mà như không thật, bình thường mà như không bình thường, nghiêm túc mà như không nghiêm túc. Mượn cái nhìn bông lơn, cười cợt, từ chuyện một người khơi ra chuyện nhiều người, từ chuyện hai người khơi ra chuyện cả một cơ chế, Văn Thành Lê nhẹ nhàng lật tẩy sự kệch cỡm, giả dối của cánh báo chí, lôi tuột mọi thứ ra ánh sáng một cách tự nhiên: “Không biết, ở cả đất nước này, có bao nhiêu những “hai người” như vậy. Trong khi các sạp báo ở mọi ngóc ngách thành phố vẫn rực rỡ ưỡn ẹo phơi mình với những bài những tin về cướp hiếp giết là chủ đạo, sao xẹt là chủ yếu…” (Salan đỏ bãi Xanh, tr.176).

Ở đời, thường càng bất tài con người ta càng muốn vươn cao, cố mua bằng được cái danh. Chính căn bệnh hoang tưởng, mê danh, hám lợi của những con người như Vũ Thi Ca, Kha, Khẩn hay hám tình trơ trẽn như lão “ve chó” đã làm méo mó, hạ thấp giá trị của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật bị lợi dụng, làm bàn đạp để trục lợi, mua vui. Ai ai cũng tùy tiện làm thơ. Ngồi một chỗ cũng đẻ ra được một loạt bài báo. Ngồi một chỗ cũng chèo kéo chim chuột. Sử dụng hình thức đối lập, tương phản kèm theo giọng điệu châm biếm, hài hước, tưng tửng, những trang viết của Văn Thành Lê đã chỉ ra sự che giấu, ngụy biện tài tình giữa cái bên trong với cái bên ngoài, giữa nội dung và hình thức của văn học nghệ thuật. Cái mà anh nhìn thấy không phải ở bề nổi đèm đẹp mà ở bề sâu, ở cội nguồn của sự biến dạng, rởm đời.

Có thể nói, dưới cái nhìn tinh nhạy và thẳng thắn của Văn Thành Lê, người đọc không chỉ nắm bắt được góc khuất của văn học nghệ thuật mà còn thấy được bản lĩnh, ý thức, lương tâm và trách nhiệm cao của tác giả đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật. Từ những câu chuyện bi hài của văn học nghệ thuật, anh muốn người đọc hiểu hơn về đời sống sáng tạo của người nghệ sĩ. Sáng tạo là sống hết mình với đam mê, với lương tâm nghề nghiệp. Mọi mánh lới, thủ đoạn đối với sáng tạo sớm muộn gì cũng phô ra.

 

 

Tham khảo

Nguyễn Việt Hà, Cơ hội của Chúa, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.

Văn Thành Lê, Biết tới khi nào mưa thôi rơi, Nxb Văn học, 2015.

Văn Thành Lê, Salan đỏ bãi Xanh, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018.

Nguyễn Bình Phương, Những đứa trẻ chết già, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002.

Hồ Anh Thái, Bốn lối vào nhà cười, Nxb Đà Nẵng, 2004.

Hồ Anh Thái, Lang thang trong chữ, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2016.

 

Hoàng Thụy Anh

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 24, tháng 6/2022)