LTS: Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng là cây bút có biên độ sáng tác khá rộng, từ truyện ngắn, thi ca cho đến các thể loại kịch bản: sân khấu, điện ảnh, hoạt hình, tài liệu. Tác phẩm của Nguyễn Toàn Thắng không bó hẹp trong mảng đề tài, mà phong phú từ lịch sử, dân gian, hiện đại cho đến huyền ảo và phi lý. Thời gian gần đây, nhà văn gây chú ý với những vở kịch về lịch sử như “Truyền thuyết Triệu Trinh Nương”, “Tướng quân ăn mày”, “Vì sao lạc xứ, “Nàng thứ phi họ Đặng”… Mới nhất, vở cải lương “Bên dòng Long Khốt” do Nguyễn Toàn Thắng viết kịch bản đã gây chú ý trong giới làm nghề bởi đây là tác phẩm có chủ đề về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.

Vừa qua, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng có một chuyến đi thực tế kết hợp thăm thân dài ngày ở Nga, trong lúc chiến tranh Nga-Ucraine đang căng thẳng. Ngay khi trở về, như đã hẹn, nhà văn đã có một bài bút ký mang phong cách riêng của mình, viết riêng cho Tạp chí Sông Lam. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Địa điểm đầu tiên mà tôi nhất quyết phải đến khi sang Nga, đó chính là Saint-Peterburg. Đơn giản là tôi không quá thích thủ đô, bởi với tôi đó là nơi hơi ồn ào và tấp nập. Ngay khi du lịch trong nước cũng vậy, tôi thích đến Huế hơn là bất cứ nơi nào khác, bởi đó là đất cố đô, trầm mặc và có chút gì đó u uẩn. Cảm giác khi đến Huế, tôi nghe thấy vẳng xa đâu đó tiếng người xưa, tiếng gươm mài vào đá núi, tiếng vạc kêu sương, tiếng thở dài cố nén của người cô phụ, tiếng uất nghẹn của những anh hùng lạc thời… và còn nhiều nhiều nữa. Những cảm giác ấy đôi khi không diễn tả được thành lời, mà chỉ có thể cảm nhận được. Mỗi một lần đi, mỗi một tuổi, lại có những cảm nhận khác nhau. Và đó chính là những thứ tôi thấy quý nhất sau mỗi hành trình, chứ không phải là việc đi được những đâu, xem được những gì. Saint-Peterburg, vì thế, là điểm đến đầu tiên và số một của tôi. Thật ra đó lại là một quyết định không hề sáng suốt chút nào, bởi nó làm cho những ngày sau đó ở Matxcơva của tôi không được tuyệt vời như mong ước. Bởi Matxcơva rất đẹp, nhưng hiện đại quá, có tắc đường, có kẹt xe, có cả tiếng còi tuy rất hiếm hoi. Làm cho tôi, dù rất không muốn, trong lòng cũng nảy ra sự so sánh, tuy rằng quá khập khiễng.

Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng trên đường phố Saint-Peterburg

Thời điểm tôi tới thành phố này là cuối hè. Không được ngắm mùa thu vàng, lá phong rơi đỏ, là những gì người ta mặc định về thời điểm khí hậu đẹp của nước Nga, tuy nhiên đối với tôi lại không phải là điều gì đáng tiếc cho lắm. Là bởi khi trời sang thu, cây cối vàng rực lên trong chừng độ hai tuần ngắn ngủi, thì lại là lúc mưa rét, ẩm ướt, không tiện lắm cho việc lang thang từng góc phố, từng mảng rừng. Chỉ hơi tiếc một chút là không được tận hưởng đêm trắng ở Saint-Peterburg, là loại thời tiết đặc trưng của các vùng gần phía Bắc. Thế nhưng, vào dịp cuối hè, cũng phải hơn 10 giờ tối thì mặt trời mới bắt đầu lặn. Bù lại là khí hậu rất dễ chịu. Buổi trưa vẫn lên đến gần 300C nhưng đứng trong bóng râm là mát rượi, còn chiều xuống thì se lạnh như đầu đông. Ngày trước khi học địa lý ở trường phổ thông, là môn học tôi say mê bậc nhất, nghe thầy cô giảng rằng sở dĩ nước ta có mùa đông là do gió lạnh ở Siberie thổi về, tôi cũng có chút gì đó bán tín bán nghi. Đại để là sao xa như vậy mà gió lạnh vẫn tràn về được. Đem thắc mắc ấy ra hỏi lại, thầy cô lập tức chỉ cho tôi và các bạn địa hình của nước ta, với dãy Hoàng Liên Sơn như hành lang đón gió. Sau này, khi đứng giữa khoảng không giữa hai tòa chung cư hun hút gió, tôi càng thấy điều đó là đúng. Thành thử, khi hít cái gió cuối hè ở nơi từng là kinh đô của nước Nga này, tôi thấy vị của gió quen lắm, nó se se y như cảm giác đầu đông, khi mình chưa kịp mang áo lạnh. Khi đi xa, người ta hay tìm những gì quen thuộc, bởi đó là bản tính mặc nhiên của con người. Chẳng hạn như dù chỉ có ít ngày nơi xứ xa, người ta cũng phải tìm xem có hàng phở nào không để rồi tự trách sao lại ăn phở làm gì. Tôi thì không như vậy, tôi cố tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, địa lý, lịch sử và cả con người nơi mình đặt chân đến. Tuy nhiên, khi hít được một làn gió quen, thì cũng có phần nào lâng lâng trong lòng. Y như thể được gặp lại một người bạn cũ, mà đã từng rất tốt với mình.

Đường phố Saint-Peterburg, mà người Việt ở đó hay gọi tắt là Len, bắt nguồn từ tên cũ thời Liên Xô là Leningrad, rất rộng và thoáng. Lịch sử kể lại rằng, Pierre Đại Đế cho làm đường như vậy là để ông có thể kéo thuyền chiến lên trên bộ. Lịch sử của thành phố này gắn liền với sự nghiệp vĩ đại của Pierre Đại Đế, người đã biến nước Nga từ một quốc gia chỉ lớn về mặt diện tích thành một cường quốc đúng nghĩa. Những đường phố ngày nay du khách rảo bước, trước kia là vùng đầm lầy. Trong tưởng tượng của tôi, đầm lầy gắn với những câu chuyện hay bộ phim mà trong đó có những người rơi xuống đó và không thoát ra được. Khi Pierre Đại Đế cho xây lâu đài cung điện ở đó, cũng rất nhiều người phản đối, rằng sình lầy thế thì làm sao mà xây được. Tất nhiên, Pierre Đại Đế là người quyết đoán, không dễ gì chỉ vì mấy ý kiến ấy mà làm ông chùn bước. Để rồi bây giờ, nước Nga có một thành phố đẹp đến nao lòng, mỗi năm thu hút hàng chục triệu lượt khách du lịch.

Vì quá ấn tượng với đường phố Saint-Peterburg mà ngay hôm đặt chân đến, khi biết quãng đường từ ga về đến căn hộ thuê trong thời gian ở đó là hơn 3km, tôi quyết định đi bộ chứ không đi phương tiện công cộng hay thuê taxi, dù phương tiện công cộng ở thành phố này là rất thuận tiện mọi nhẽ. Xuống ga từ sáng sớm, cả thành phố như đang chìm trong giấc ngủ, chỉ có những người công nhân vệ sinh là cần mẫn làm việc, thảng hoặc mới có chiếc xe chạy qua. Vì mặt trời ở đây lặn muộn, nên người ở đây cũng dậy muộn và làm việc đến tối. Thời gian làm việc ở đâu cũng vậy, phải được tính toán dựa trên nhịp sinh học của con người. Tôi ở xa đến, không quen múi giờ, nên thức dậy sớm và ngủ cũng sớm theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên, đó lại là điểm hay, bởi ít ra sự lệch múi giờ ấy giúp mình tận hưởng không khí buổi sớm, nhất là khi được lang thang trên những đường phố cổ kính, rộng rãi và sạch sẽ.

Nhưng cũng chính sở thích đi bộ này gây cho tôi chút phiền toái nho nhỏ, mà lại thành kỷ niệm đáng nhớ. Số là trước chuyến đi này, tôi đã rất cẩn thận đi sắm cho mình một đôi giày da kiểu dáng tiện dụng do làng nghề sản xuất, theo đúng phương châm người Việt dùng hàng Việt ủng hộ sản xuất trong nước. Tôi lại không thích dùng giày thể thao do cơ địa hay ra mồ hôi chân, tạo nên một cái mùi không dễ chịu cho lắm. Đi bộ thử ít hôm cũng thấy rất ổn, nên cứ thế xỏ vào mà đi. Tuy nhiên, sang đến ngày thứ hai ở Saint-Peterburg thì lòng bàn chân bắt đầu có mụn nước, dấu hiệu cho thấy chân bắt đầu nở ra. Lúc này mới hiểu tại sao chân người Nga to thế, là bởi họ phải đi bộ rất nhiều. May mắn thay, gần căn hộ tôi thuê có một cửa hàng giày hand-made, ông chủ bán hàng cũng chính là người sản xuất. Ông chủ bảo tôi, những đôi giày ở đây thì không đẹp do ông cũng chỉ là thợ mà không phải là nhà tạo mẫu, nên chỉ đi vào chân mới thấy nó dễ chịu thế nào. Tôi cũng bảo, tôi thích kiểu nói chuyện của ông, không màu mè không PR nhiều mà đi thẳng vào vấn đề. Nhờ có đôi giày ấy mà những ngày về sau tôi không còn gặp vấn đề ở chân. Vì khi chưa tới nơi, không nghĩ rằng chân mình lại nở đến 2 cỡ so với bình thường. Vả lại có một điều mình không nghĩ ra, là ở Việt Nam khí hậu ẩm hơn nên giày da có hơi cứng thì đi vào chân một lúc là mềm, còn bên này khí hậu khô nên không được như vậy.

Mua được giày mới, chân dễ chịu, hôm sau tôi lại phăm phăm đi bộ đến Cung điện Mùa Đông. Đây cũng là điểm tham quan đầu tiên của tôi trong những ngày ở Saint-Peterburg. Bình thường thì người dân ở đây cứ phải 10, 11h mới đến, bởi cũng giờ đó bảo tàng Hermitage mới mở cửa. Nhưng chúng tôi thì lệch múi giờ, nên đi sớm, vì ở phòng cũng chỉ ngồi chơi, thế thì đến đó chơi có phải hay hơn không. Đi sớm cũng có cái hay, là tha hồ chụp ảnh mà hậu cảnh không có người. Không hiểu sao, tôi không thích chụp ảnh ở các địa điểm du lịch mà có lẫn người khác vào hình. Tôi thích sự vắng vẻ, cô độc. Có lẽ vì thế mà tôi mới chọn cái nghề viết, cái nghề cần sự tĩnh lặng. Ngay cả khi phải đến chỗ đông người vào những dịp như ra mắt vở mới, tôi cũng cố chọn một chỗ mà không ai để ý đến mình. Buổi diễn kết thúc, khi người ta bảo tôi là lên sân khấu đi để nhận hoa để chia vui, tôi cũng nhã nhặn trả lời rằng sân khấu là chỗ của đạo diễn, của diễn viên, họ mới là những người xứng đáng đứng trên đó. Còn tôi, việc của mình đã kết thúc, hoa của tôi là ánh mắt theo dõi của khán giả, là những lời chia vui trực tiếp hay qua điện thoại, qua mạng xã hội của bạn bè, của đồng nghiệp. Thế nên, khi được ngồi giữa quảng trường Cung điện Mùa Đông, xa xa vài bóng người, cảm giác thật là dễ chịu.

Thông thường trong các tour du lịch đơn giản, người ta cũng chỉ cho du khách đến check-in ngoài quảng trường, chụp ảnh với các tòa nhà, thế cũng đủ để có những bức ảnh đẹp về đăng lên mạng xã hội, mà chả cần vào bên trong làm gì. Nhưng tất nhiên với tôi, sự háo hức được ngắm tận mắt bộ sưu tập khổng lồ bên trong bảo tàng Hermitage thì đương nhiên phải thành hiện thực. Với số hiện vật khổng lồ lên đến con số gần 3 triệu, người ta ước tính rằng nếu dừng lại ở mỗi hiện vật là 1 phút, thì phải mất đến 7, 8 năm gì đó tôi cũng không nhớ rõ. Lúc đầu chúng tôi định thuê hướng dẫn viên trong bảo tàng, nhưng do tôi thích quay phim bằng điện thoại để lưu lại hình ảnh trong đó, nên đành thôi. Và đó là điều đáng tiếc, là bởi ở Nga, trong những khu di tích, những điểm du lịch nổi tiếng, hướng dẫn viên không chỉ là hướng dẫn viên. Mà họ là những chuyên gia đầu ngành về địa điểm đó, họ nắm từng chân tơ kẽ tóc, họ chỉ cho ta niên đại của từng viên gạch, họ kể cho du khách những câu chuyện mà ta khó có thể tìm thấy trên mạng. Họ cũng là những bậc thầy về tâm lý, nắm bắt được sở thích của du khách. Đó là những gì tôi cảm nhận được khi nghe lại câu chuyện của hướng dẫn viên, do người đồng hành cùng tôi kể lại. Tôi thích ghi hình, là bởi đã có những năm làm phim tài liệu, biết cách chắt lọc lại những hình ảnh, những khoảnh khắc mà sau đó có thể xem đi xem lại. Bởi vì có những góc, nếu nhìn bằng mắt thường sẽ không thấy điều gì to tát, nhưng qua ống kính được chắt chiu, nó lại rất ấn tượng. Ngày còn làm phim tài liệu, thế hệ đàn anh bảo chúng tôi, với nghề này, máy quay chính là cây bút, muốn viết thế nào tùy mình, viết hay là do trình độ và trải nghiệm. Tất nhiên, tôi không cố hối hả ghi hình mọi lúc, mà vẫn để cho mình những khoảng lặng để chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật mà trước kia chỉ thấy trong sách báo, phim ảnh. Bởi cảm giác nhìn trực tiếp và qua màn ảnh khác nhau nhiều lắm, cảm giác ấy na ná giống việc ta xem bóng đá qua màn hình và trực tiếp đến sân vận động vậy. Hay cũng giống như việc xem kịch qua truyền hình và đến rạp hát. Xem qua màn hình, qua ảnh chụp, những bức tranh không thể sống động bằng ở ngoài, nó sẽ mất đi nhiều chi tiết. Hạn chế của ống kính là vậy, không thể khác được, cho dù các nhà khoa học đã cố công nâng cao chất lượng đến tận cùng khả năng.

Nhưng chỉ xem được vài giờ đồng hồ ở Hermitage, tôi không còn nhiều ham muốn như lúc mới đến. Cái cảm giác này sau đó tôi không bị lại khi đến bảo tàng Pushkin, hay bảo tàng mỹ thuật Tretyakovskaya – nơi chỉ trưng bày tranh Nga với những bức tranh nổi tiếng như “Người đàn bà xa lạ” hay “Mùa thu vàng”. Là bởi ở Hermitage, số tác phẩm nhiều quá, đồ sộ quá, và tất cả chúng đều rất đẹp, và không thể rời mắt khỏi bất cứ một hiện vật nào. Gần như tôi bị cảm giác bội thực nghệ thuật, bội thực kiến trúc. Nói một cách hình ảnh rằng, như mình đang ngồi trước một bàn tiệc với hàng trăm vạn món ngon, đã ăn hàng ngàn món và không muốn bỏ qua những món tiếp theo. Đúng ra, nếu có điều kiện, thì chắc tôi sẽ thuê một căn hộ, hay một phòng khách sạn gần đó, mỗi ngày vào ngắm vài tiếng thôi, để từ từ cảm nhận hết vẻ đẹp của từng hiện vật. Bởi mỗi một hiện vật đều chứa đựng sau đó một câu chuyện, một khoảnh khắc lịch sử, hoặc đơn giản hơn, chỉ là một số phận con người. Sở dĩ tôi nghĩ vậy là bởi, trong Hermitage và trong các di tích khác, tôi hay thấy các sản phẩm thủ công mà trên tấm biển đồng trân trọng đề tên người chế tác ra nó. Ở Nga, từ xưa, thợ thủ công có tay nghề đã luôn được chính quyền bảo hộ một cách xứng đáng với những tác phẩm mà họ làm ra. Tự nhiên trong đầu tôi lại nảy ra một sự liên tưởng, dù chẳng để làm gì. Rằng trước kia đọc trong sách sử, mỗi lần phương Bắc sang xâm lược nước ta, họ đều chép rằng lấy được bao nhiêu vàng bạc, sừng tê, ngà voi vv… đó là những sản vật thì không nói làm gì, mà điều chú ý là họ ghi rất cụ thể là bắt được bao nhiêu thợ thủ công. Nhất là thời nhà Minh, khoảng 10 ngàn thợ thủ công giỏi nhất nước Việt thời ấy đã sang phương Bắc, góp sức vào những cung điện lâu đài, những công trình kiến trúc. Mà tiêu biểu nhất là kiến trúc sư Nguyễn An, một trong tám tổng công trình sư của Tử Cấm Thành vĩ đại. Lại thấy tiếc cho bi kịch của nhà kiến trúc Vũ Như Tô, khi công trình của ông mãi mãi không thể thành hình.

Những ngày ở Saint-Peterburg, tôi hoàn toàn thay đổi ý niệm về thời gian, dù rằng, với tôi, thời gian thật sự thì không thay đổi, một phút vẫn là 60 giây, nhưng cảm giác nhanh chậm thì luôn khác. Khi còn nhỏ, thời gian của một đứa trẻ thì dài lắm, một tiết học như cả thế kỷ, khi mà lan man nghĩ hết chuyện nọ chuyện kia mà vẫn chưa nghe thấy trống báo hết giờ. Khi lớn lên, quay cuồng với công việc, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết tuần. Nhưng ở cố đô của vương quốc Nga này, tôi lại thấy thời gian như ngưng đọng lại. Một khoảnh khắc đứng trên bờ, nhìn xuống dòng sông Neva êm đềm chảy qua thành phố, tôi còn nghe thấy đâu đó tiếng những người lái tàu hò nhau kéo tàu lên bờ. Tôi còn như thấy bóng những người dân cùng nhau đóng cọc, để biến vùng sình lầy thành một thành phố rộng lớn, xa hoa. Tôi còn như thấy đâu đó dáng người cao lớn của Pierre Đại đế khi ông đích thân chỉ huy những người thợ xây nên những tòa thành đồ sộ. Tất nhiên, đó chỉ là những hư ảnh mà tôi đã từng cảm giác lúc này lúc khác qua sách, báo, phim ảnh, nhưng chỉ đến đây, những hư ảnh đó mới trở nên rõ nét. Thích nhất là ở nơi đây, các tòa nhà không được xây quá cao bởi như thế sẽ phá tổng thể kiến trúc thành phố. Người Nga đã nói là làm, không có bất cứ sự nhượng bộ nào. Chúng ta cũng đã từng tuyên bố không phá vỡ cảnh quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm, thế nhưng vẫn chình ình từ lâu nay tòa nhà có tên dân dã là Hàm Cá Mập, một công trình đem lại cho tôi cảm giác như con cá này sẵn sàng cắn xé hồ Hoàn Kiếm bất cứ lúc nào.

Tôi thích lang thang, thậm chí ngồi yên không làm gì trên đường phố Saint-Peterburg đến mức mà ngày cuối cùng ở đây, từ lúc trả phòng đến khi lên tàu về Matxcơva còn những 9 tiếng đồng hồ nữa, mà bỏ qua hết những hành trình hấp dẫn khác để ngồi trong công viên. Người chủ căn hộ cũng rất thoải mái, họ đề nghị chỉ cần trả thêm một chút thôi là cho ở đến khi lên tàu. Người nhà tôi bên này thì bảo, hay là mua vé đi xe bus hai tầng mà ngắm cảnh. Tôi nhất quyết từ chối, bởi 9 tiếng thì cũng chả cần phải đi đâu, vì nếu đi thì còn nhiều chỗ để đi lắm. Mà ngồi ngoài bãi cỏ, để cảm nhận hết không khí ở nơi này. Công viên ở Saint-Peterburg thì sạch sẽ, gió thì quen, vệ sinh công cộng cũng rất sạch và miễn phí. Vậy thì tội gì không tận hưởng cái cảm giác lâu rồi không có được. Bởi ngồi ở công viên bên mình, của đáng tội công viên ở ta cũng rất đẹp, nhưng ngay việc bị làm phiền bởi hàng rong, đánh giày, chưa nói đến cứ chỗ nào đẹp là có người ra bán hàng, đã là một cảm giác không lấy gì làm dễ chịu cho lắm. Nằm thả mình trên bãi cỏ, nhìn những chiếc lá phong vẫn xanh, tôi mơ màng tận hưởng một không khí xa lạ mà gần gũi. Là bởi trước kia, chưa lâu lắm, khi mà chúng ta vẫn còn nhiều ao hồ, nhiều vườn cây, mùa hè ở Việt Nam vẫn còn dễ chịu lắm, còn mùa thu miền Bắc thì đẹp đến nao lòng. Tất nhiên, cuộc sống mà, luôn luôn vận động, luôn luôn biến đổi. Cái hôm nay ta chưa thích thì ngày mai sẽ thành kỷ niệm, mà kỷ niệm thì đa phần là đẹp, ngay cả nỗi buồn. Nằm ở công viên bên này, tôi mới phát hiện ra một điều, rằng đường của họ làm rất chắc chắn. Xe cộ chạy qua chỉ có tiếng động cơ là thứ không thể tránh khỏi, còn tuyệt nhiên không thấy nền đất rung lên, ngay cả khi đó là khi đại xa lướt trên đường phố. Cái tiếng nền ấy, tuy nghe không chát chúa, nhưng lại rất ảnh hưởng đến hệ thần kinh của con người. Đây không phải là cảm giác, mà là những điều tôi học được qua nhiều năm làm nghề âm thanh và chơi âm thanh loa đài.

Cung điện Mùa Thu Ekaterina ở Saint-Peterburg

Thời gian ở Saint-Peterburg cũng chỉ đủ cho tôi đi được vài điểm đáng chú ý nhất của thành phố này. Là bộ ba cung điện Mùa Đông, Mùa Hè và Mùa Thu-được biết đến với cái tên cung điện Ekaterina, còn cái tên Mùa Thu thì chỉ là cái tên ăn theo nhằm thu hút sự chú ý là chính. Thật ra nếu đi với lịch tham quan dày đặc như các công ty du lịch vẫn làm, thì số địa điểm trong khoảng thời gian ấy có thể phải gấp mười lần, nhưng tôi không thích vất vả như vậy. Đơn giản bởi nếu thế, mình rất khó cảm nhận được điều gì. Hối hả đi, hối hả xem, hối hả ăn uống, rất mệt, thành thử hành trang khi kết thúc chuyến đi chỉ là những địa điểm check-in, những nhà hàng nổi tiếng đã được đặt chân. Tôi chỉ thắc mắc là tại sao không có cung điện Mùa Xuân cho đủ bốn mùa thì người địa phương giải thích rằng, mùa xuân ở Nga là lúc tuyết tan, đường sá bẩn và nhếch nhác, chẳng có gì đẹp cả, nên có lẽ vì thế mà các vị vua ngày trước không cho xây làm gì. Cách giải thích này nghe rất thuyết phục về phía tôi, còn vì sao không có Cung điện Mùa Xuân thì có lẽ là chưa có vị vua nào thích xây một cung điện thật đẹp để người ta nhìn vào mà quên đi cảnh nhếch nhác mùa xuân mà thôi. Tất nhiên, vì không có cung điện Mùa Xuân hiện hữu, nên ai muốn giải thích cách nào mà chẳng được.

Cung điện Mùa Hè, với tôi, chẳng khác nào một bộ sưu tập đài phun nước khổng lồ. Mỗi đài phun đều có kiểu dáng khác nhau, ý tưởng khác nhau, dựa trên những điển tích, thần thoại khác nhau. Ở cung điện này, tôi không đi vào trong, là bởi muốn tận hưởng không khí ngoài trời, đang đi trong nắng bỗng thấy dịu lại khi đến gần các đài phun nước. Để đến cung điện Mùa Hè, chúng tôi quyết định mua vé tàu cánh ngầm chứ không đi các phương tiện khác, cũng là để trải nghiệm cảm giác lênh đênh một chút trên đường thủy từ sông Neva ra vịnh Phần Lan. Trước kia, khi Nga chưa có đường ra biển thông qua vịnh này, nền kinh tế rất kém phát triển. Pierre Đại Đế nhận ra điều đó, và ông quyết định phải tìm được đường ra biển bằng mọi giá. Thời gian đã chứng tỏ tầm nhìn của một trong những con người kiệt xuất nhất của nước Nga mọi thời đại. Chỉ trong một thời gian ngắn, nước Nga đã đúng nghĩa trở thành một cường quốc. Tất nhiên, với tôi, màu nước biển của vịnh Phần Lan không đẹp, biển cũng rất đỗi bình thường, vì không có núi phía xa. Thế mới thấy nước ta biển đẹp đến nhường nào. Và ấn tượng nhất trong chuyến tham quan cung điện Mùa Hè ấy không phải là quang cảnh hay những công trình, bởi bản thân chúng đã quá đẹp và hoành tráng. Mà là cái cách người Nga trật tự, miệt mài xếp hàng lúc lên xuống tàu. Giờ đi thì không nói, đến giờ về là 4 h chiều thì từ 3h người ta đã xếp hàng gần như đầy đủ. Tàu thì chỉ có từng ấy chỗ, và gần như ai lúc đi ngồi ghế nào thì đến lúc về cứ chủ động tìm chỗ đó mà ngồi, hoặc giả thôi thì chỗ nào cũng được. Thế mà người ta vẫn xếp hàng nghiêm túc, nhẫn nại, giữa trời nắng. Khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam, những người Nga lớn tuổi hồ hởi lắm, giơ ngón tay cái lên mà bảo, Việt Nam tuyệt vời, đánh thắng đế quốc Mỹ. Với những người ở độ tuổi đó, hình ảnh một Việt Nam nhỏ bé nhưng kiên cường vẫn in sâu trong tiềm thức. Nhìn ánh mắt của họ, tôi tin là họ nói thật, chứ không phải là lời giao đãi.

Tôi cũng không có ý định hành xác chỉ để đi cho được nhiều điểm nhất có thể, nên chỉ khoảng 3, 4h chiều là đã về đến căn hộ mình thuê. Ở các thành phố lớn của Nga, căn hộ dịch vụ là đã bao gồm các tiện ích đến mức người thuê chỉ việc xách quần áo đến mà không cần đem thêm bất cứ đồ gì. Đủ cả từ nồi niêu xoong chảo đến bàn là, máy sấy tóc… và với người Việt chúng ta thì chỉ thiếu đũa và nồi cơm điện. May thay, trong suốt thời gian thăm thú nước Nga, tôi không có nhu cầu ăn cơm nên cũng không phải điều gì bất tiện cho lắm. Và đó cũng lại là điều may của tôi, là bởi không hiểu vì lý do gì mà ở bên đó chỉ bán những loại gạo xuất xứ từ Ấn Độ. Mà ăn gạo Ấn Độ thì với tôi thà ăn bột mỳ còn hơn, bởi nó không hợp khẩu vị người Việt. Ăn tạm thì thật là tự ngược đãi cái bao tử của mình. Thành thử chúng tôi lại có thêm thú vui lang thang trong các siêu thị, khám phá các loại thức ăn đồ uống bên đó. Tính ra thì cũng không rẻ hơn đi ăn bao nhiêu, nhưng lại có những trải nghiệm khác. Thích nhất là ăn hoa quả theo mùa, rất rẻ và chất lượng cao. Chẳng hạn như, một kg mận ngọt lịm quy đổi ra tiền Việt chỉ gần 25 ngàn, ăn ngon và giải khát được thay cho nước lọc. Hết mùa, giá lại cao gấp vài lần và quan trọng hơn, chất lượng lại kém hẳn lúc vào mùa.

Một điểm nhận thấy khi đến Saint-Peterburg là những gì tôi cảm giác về người Nga qua văn học, qua phim ảnh đều giống thực tế. Người dân ở đây không quá vồ vập, đôn hậu vừa đủ, giúp đỡ người khác trong im lặng. Họ không nói to chỗ đông người, mà cứ thì thầm bên nhau. Đó cũng là một trải nghiệm lý thú, nó khác với những trường hợp tương tự khi tôi so sánh con người Việt Nam trong văn chương điện ảnh và ngoài đời. Và đó chính là lý do mà tôi cảm thấy, ở Saint-Peterburg, thời gian như ngưng đọng lại.

Nguyễn Toàn Thắng

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 29 bản in, tháng 11+12/2022)