Bản Diềm, quần cư người Thái thuộc xã Châu Khê, huyện Con Cuông đang duy trì nghề đan lát khá có tiếng ở miền núi Nghệ An. Các thợ thủ công bản Diềm đã đưa hoa văn thổ cẩm lên đồ đan lát tạo nên những sản phẩm độc đáo và thích mắt.
Mùa mưa cũng là thời kỳ làm cỏ ruộng và măng trên rừng đã mọc. Phần lớn những người khỏe mạnh ở bản Diềm đều đang trên rừng, ngoài ruộng. Còn những người thợ thủ công của Hợp tác xã Mây tre đan Bản Diềm, vẫn mài miệt chuốt chuốt, đan đan. Họ đang hoàn thành những đơn hàng để kịp gửi đi. Bản Diềm là địa bàn gần rừng núi, cư dân biết đan lát, phụ nữ giỏi thêu thùa. Điều này trở thành lợi thế đối với Hợp tác xã Mây tre đan Bản Diềm, trong khi nhiều nơi khác nghề đan lát đang dần mai một.
Những năm gần đây, đồ đan lát bản Diềm đang dần gây dựng danh tiếng ở miền núi Nghệ An. Được khôi phục từ 10 năm nay, nghề đan lát ở bản Diềm hiện nay vẫn chủ yếu được duy trì bởi phụ nữ và những đàn ông lớn tuổi để kiếm thêm thu nhập. Bà con vẫn sống chủ yếu bằng nghề nông, làm ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sản phẩm đan lát bản Diềm khá độc đáo với hình thức bắt mắt. Các thợ thủ công đã tìm cách áp dụng những hình thêu trên khăn, váy áo truyền thống lên đồ dùng đan lát. Điều này tạo ra những sự khác lạ nhất định so với những sản phẩm đan lát trên thị trường. Hình trăng sao, đường diềm, hoa lá cách điệu vốn chỉ xuất hiện trên trang phục nay cũng có mặt ở những đồ dùng đan lát. Để tạo được những hoa văn sặc sỡ trên đồ dùng đan lát, các thợ thủ công phải có tìm tòi riêng vì không thể áp dụng trực tiếp cách thêu váy trên lạt tre nứa. Vì thế mỗi người thợ chỉ có thể thành thạo 1, 2 mặt hàng. Hiện tại sản phẩm đan lát của Hợp tác xã mây tre đan Bản Diềm đã xuất hiện ở khá nhiều triển lãm, hội chợ. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất còn hạn chế nên chưa có nhiều hàng bán ra thị trường.
Nội dung: Hữu Vi
Ảnh: Hưng Châu