Tôi và Hân học xong Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, được Lâm trường Ngàn Mông tiếp nhận về phòng Tuyên truyền để chuẩn bị cho việc xây dựng đội văn nghệ. Thiếu thốn, vướng bận đủ điều nhưng cơ quan, nông trường, nhà máy, xí nghiệp nào cũng phải có một đội văn nghệ, hàng năm tham gia hội diễn cấp ngành, hội diễn cấp tỉnh. Ngoài tôi và Hân, trong phòng còn Trần Giảng, hơn chúng tôi gần chục tuổi. Anh người miền biển, sỹ quan bộ đội thông tin, đảng viên kết nạp ở mặt trận phía Bắc, không học hành văn chương nghệ thuật gì vẫn giữ chức Trưởng phòng, sếp của chúng tôi.

   Lâm trường đóng trên một ngọn đồi, ba phía rừng xanh, đằng trước là thung lũng Phiền Nâu, giáp với thị trấn miền núi Sơn Lĩnh. Quốc lộ N. từ miền xuôi lên, qua Sơn Lĩnh sang Lào, nối liền cái địa danh hành chính mờ nhạt, gợi sự xa xôi heo hút và xa lạ này với thiên hạ. Quốc lộ N. do thực dân Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19 để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa trên đất Đông Dương đã lở lói, gập ghềnh, ô tô gầm cao mới đi nổi mà tốc độ tối đa cũng không vượt được 40 km/giờ.

Thị trấn nhỏ bé, hai dãy phố lô xô những ngôi nhà tựa lưng vào mái rừng, ngoảnh mặt ra đường. Nhà nào cũng nhô lên vài ba cái chóp nhọn sơn vàng chóe, từ xa nhìn giống những mái chùa cổ Xiêm La. Nghe kể, khi mới có con đường độc đạo này, nơi đây chỉ có dăm chục gia đình làm nghề khai thác rừng. Mãi sau này, đầu những năm 60, dân Việt kiều ở Thái Lan về, đến đận cải tạo công thương nghiệp cuối năm 1980 của thế kỷ trước, người Hoa di dân lên mà thành ra phố xá. Con gái thuộc hai giống người này thật đẹp. Cao ráo, da trắng, mũi cao, giọng nói trong khác xa con gái miền rừng mập ú, tay chân ngắn chũn, chai sạn. Những cửa hiệu, quầy hàng tạp hóa mở cửa suốt ngày đêm, tạo nên sự nhộn nhịp và một thứ tinh thần khoáng đạt trong các mối quan hệ. Gần như không ai xa lạ với ai. Một chút nổi trội cũng thành sự kiện, lập tức được mọi người quan tâm. Hân có khuôn mặt khả ái, hát hay, chơi được vi-ô-lông lẫn ghi-ta. Thế nên, sau dăm ngày về lâm trường, đầu phố đến cuối phố đã thì thào về “người mới đến”. Người mới đến là Hân. Hết tám giờ hành chính, ai ở phòng nấy, lâm trường im lìm như một tu viện, mỗi Hân đi dọc phố, mặt hơi ngước lên trước những đôi mắt nhìn chăm chú, những nụ cười thân thiện. Hoạt bát, dẻo miệng, Hân quen thân nhanh mọi hạng người ở thị trấn miền núi. Những kẻ giàu có mời Hân đến nhà, người bình dân tay bắt, mặt mừng, bỏ cả việc nhà dẫn Hân lên tận đầu nguồn suối Ngàn Vân bắt cá mát, các cô gái thì xắn quần vượt qua thung lũng Phiền Nâu sang lâm trường nghe Hân đàn hát.

Mùa Thu năm ấy, mưa chìm rừng, chìm phố. Thung lũng Phiền Nâu ngập đầy nước. Hai dãy phố uể oải nhìn ra đường N. đã thành suối, nước cuồn cuộn chảy. Con người mềm rũ trong tiếng côn trùng, tiếng mưa lúc sầm sập, lúc rả rích và tiếng gió lào thào, lê thê. Cầu Hà Na phía nam thị trấn bị nước cuốn mất một nhịp, ô tô không lên được, chúng tôi phải ăn ngô luộc với rau rừng. Bụng lép kẹp, sôi òng ọc suốt đêm.

Hân bảo:

– Không có chi để vui vẻ, không có chi để mong đợi, đời mốc meo mất thôi.

Tôi nói động viên Hân mà cũng để an ủi chính mình:

– Bao nhiêu người quanh ta như ta đó thôi.

– Sao cứ phải như những người chung quanh. – Hân nói rất khẽ cứ như nói riêng cho mình nghe.

Đêm, Hân ngồi dựa lưng vào vách nhìn ra rừng và hát, giọng buồn thao thiết:

“Người ngồi đó trông mưa nguồn

Ôi yêu thương nghe đã buồn

Ngoài kia lá như vẫn xanh

Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng…”(1)

Tiếng hát vừa đủ cho Hân nghe, tôi nghe, đều đều, đôi chỗ hạ thấp run rẩy, ngậm ngùi, lạnh buốt. Nó làm tôi buồn lây.

Tôi nói:

– Thôi, ủy mị như đàn bà! Cứ thế làm sao mày qua được mùa mưa. Một mùa mưa, hai mùa mưa, ba mùa mưa và không biết bao nhiêu mùa mưa nữa mới được về xuôi.

Hân im lặng không nói gì. Hắn uể oải ra khỏi nhà rồi lững thững đi xuống phố. Mãi khuya, chỉ còn nghe mỗi tiếng suối chảy róc rách trong cánh rừng săng lẻ sau lâm trường Hân mới về, người sặc mùi rượu.

– “Tao uống với lão Thọ Việt Kiều” – Hắn ngồi xuống cạnh tôi, nói – “Lão Thọ sang trọng, có cô con gái tên Ngọc Diệu đẹp chim sa, cá lặn. Rượu Tây, rượu ta, ngây ngất. Lão kể chuyện buôn bán, làm giàu mà như trong chuyện thần thoại. Nghe xong thì buồn, thì cám cảnh cho thân phận mình…”. Hân im bặt đổ người xuống giường, hết lật nghiêng lại lật ngửa.

Tôi im lặng, kéo chăn trùm kín đầu.

Minh họa: Hải Thọ

Sau bữa ấy, cứ ngày Chủ nhật, thay vì vào rừng, lên suối Ngàn Vân hoặc cùng tôi ra chợ biên giới, Hân dậy lúc còn mờ sương, một mình xuống phố.

Tôi hỏi:

– Lại đến Thọ Việt kiều và cô Ngọc Diệu à?

Hân không trả lời mà ri rỉ hát:

“Đời sẽ buồn như một chiều nao

Hôn nhau lần cuối, hôn nhau lần đầu

Đời sẽ buồn dài lâu

Ôi trái sầu rực rỡ”(2)

Một hôm, ông Giảng tìm gặp tôi, hỏi dồn:

– Tư tưởng thằng Hân có vấn đề. Lâu nay cứ qua lại với lão Thọ Việt kiều. Để làm gì, hả?

Tôi nói:

– Nhà ấy có gái đẹp…

– “Có gì nữa?” – Rồi ông phẩy tay, hạ giọng – “Nhà ấy từng bị hồi cải tạo công thương nghiệp. Cậu nói với thằng Hân cẩn thận, cẩn thận, mình là cán bộ làm công tác tuyên truyền.”

Hân đã không nghe tôi. Hắn say mê cô Diệu con gái lão Thọ Việt kiều. Cô Diệu mười bảy tuổi, dong dỏng cao, ngực tròn căng, khuôn mặt xinh đẹp, đôi môi mòng mọng, cặp mắt sóng sánh. Tình yêu và tiền bạc, cả hai thứ có sức quyến rũ mạnh nhất trần gian dễ ngấm vào tim gan, phèo phổi con người ta. Tôi nói với Hân, đừng có làm thân phận đũa mộc. Hắn nhếch mép cười, nhìn lướt qua đầu tôi và nói, vì là mâm son nên tao quyết sẽ không làm đũa mộc. Tôi nắm tay Hân, chợt nghĩ, biết làm sao được, khi cuộc sống đã tẻ nhạt, nghèo khổ còn cô đơn, gần cái tuổi tam thập nhi lập mà vẫn hai bàn tay trắng.

Một tối không trăng sao, cô Ngọc Diệu đột ngột đến phòng chúng tôi. Bấy giờ Hân đang dạy đàn cho mấy cậu nhạc công của đội văn nghệ trên hội trường. Diệu nói, em sẽ chờ, rồi ngồi xuống cái ghế gỗ xộc xệch kê bên vách. Chúng tôi nói chuyện về rừng, về hàng hóa ngoài chợ biên giới, về những con dốc trên đường N…. Câu chuyện đứt đoạn, trễ nải, dường như tâm trí cô Diệu để ở nơi khác, ở một việc khác. Chừng nửa giờ sau thì Hân xô cửa vào phòng và ngay lập tức Diệu đứng dậy chào tôi ra về. Họ cầm tay nhau biến mất vào con đường trong rừng săng lẻ, chắc là để tránh con mắt của Trưởng phòng Giảng.

Nửa đêm, Hân về. Hắn ghé tai tôi nói:

– Chớ cho Trần Giảng biết Diệu đến đây. Trần Giảng ghét ông Thọ như xúc đất đổ đi ấy.

Tôi nói:

– Ông ấy biết hết rồi.

– “Mẹ đời.” Hân chửi. Liền đó thở dài và nói – “Đời nhạt phèo còn ghen ghét nhau mà chi”.

Tôi nói:

– Người mình nó thế.

Hân méo mó cười và nhắc lại:

– Người mình nó thế!

Đêm ấy Hân gần như không ngủ. Hắn hết nằm lại ngồi dậy, soạn sửa cái gì đó lục cục dưới gầm giường. Gần sáng, Hân đến bên giường tôi, đặt bàn tay lên ngực tôi, bảo nhỏ:

– Ngủ đi, ngủ đi. Tao có việc riêng. Đừng hỏi. Cứ ngủ ngon. Giọng hắn run run, bàn tay hắn run run khiến tôi có linh cảm về một sự gì đó chẳng lành.

Tôi vừa nhổm dậy thì Hân đã lẹ làng ra khỏi cửa, mất hút vào bóng đêm.

Suốt ngày hôm ấy mưa xối xả. Nước trên rừng Trường Sơn đổ xuống ầm ào khắp nơi. Trưa, Hân không về, tối cũng không thấy tăm hơi đâu. Cả lâm trường ồn ĩ. Có người lo sợ Hân lạc rừng, Hân chết trôi. Hân có thể vào rừng mà rừng thì ngút ngàn, thăm thẳm. Mỗi lối đi qua thung lũng Phiền Nâu thì nước ngập mênh mông.

Trần Giảng lạnh lùng nói:

– Hắn đang rúc trong ống quần con gái người Hoa, hoặc là ôm chân lão Thọ Việt kiều để ngửi mùi thuốc phiện. Mẹ nó!

Chẳng biết anh ta chửi ai, lão Thọ hay là Hân.

Hết ngày thứ hai vẫn không thấy bóng Hân. Tôi trằn trọc mãi mới chợp mắt được. Sáng ra, thấy trời cao và nhẹ nhõm. Mưa giăng giăng như rắc bụi phấn trắng. Bốn phía chung quanh rừng xanh mướt mát. Nước đã rút khỏi thung lũng Phiền Nâu. Tôi vội vàng xuống phố. Đường N. lở lói, vắng người và xe cộ qua lại. Và dĩ nhiên không thấy bóng dáng các cô gái tóc buông đứng sau quầy hàng nhoẻn miệng cười với khách. Tôi gõ cửa nhà lão Thọ. Một gã đàn ông to cao, mặt nổi cục dữ tợn mở cánh cổng sắt. Tôi nói muốn gặp lão Thọ để hỏi tin tức người tên là Hân. Gã đàn ông, bấy giờ tôi đoán là người giúp việc lão Thọ nói, ông chủ còn ngủ và gã không biết con người tôi đang tìm là thằng đ… nào.

Hân chưa chết, vì chẳng có lý do gì để hắn tìm tới cái chết. Hân là kẻ ham chơi, ham hưởng thụ. Có lẽ đúng như Trần Giảng nói, Hân đang đi với cô Ngọc Diệu hay ở với đàn bà đẹp đâu đấy trong phố núi. Tôi nghĩ, trong lòng vợi bớt cảm giác hoang mang.

Trên đường về tôi rẽ vào chợ biên giới. Người đến chợ đã khá đông, cứ như chưa hề có trận lũ rừng vừa qua, cứ như mọi sự của thiên nhiên, trời đất với họ cũng như mọi chuyện của cuộc sống diễn ra thường ngày, đơn giản, nhẹ nhàng. Đang đi tôi bỗng thấy gã đàn ông lúc nãy từ đâu ra chắn ngang đường. Gã bỏ hai bàn tay trong túi áo, một cái áo khoác sang trọng nhưng ngắn ngủn so với khổ người gã.

– “Ông chủ bảo ta đưa cái này cho mày.” – Gã dúi vào tay tôi một mảnh giấy rồi bỏ đi, bước chân êm ru chỉ có ở những người miền núi chuyên đi săn thú rừng.

Tôi vội vàng mở tờ giấy và nhận ra ngay nét chữ của Hân. Hắn viết:

“Tao đi Thái Lan. Ngọc Diệu chờ tao bên ấy. Hãy biết thế. Khi mày đọc thư thì tao đã qua rừng Trường Sơn, vượt sông Mê Kông rồi. Hân.”

Hãy biết thế. Ai rồi cũng có bước ngoặt của đời mình. Đây là bước ngoặt của Hân? Hãy biết thế! Tôi ngơ ngẩn cười và lững thững về lâm trường.

Tin Hân theo gái trốn sang Thái Lan buôn lậu bay về lâm trường trước tôi. Trần Giảng nổi giận sai người viết báo cáo gửi Giám đốc lâm trường. Báo cáo còn đề nghị đưa sự việc Hân vượt biên sang đồn Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng. Chuyện hóa ra trầm trọng. Hân đi, nhóm nhạc công của đội văn nghệ tan theo. Cơn giận dữ không lý giải nổi của Trưởng phòng Trần Giảng đổ cả lên đầu tôi. Ông bảo tôi đồng lõa, tôi bao che cho Hân, tôi được lợi ích gì đấy của lão nhà giàu Việt kiều. Mấy ngày sau tôi nhận quyết định thôi việc hưởng bảy mươi lăm phần trăm lương để đi tìm việc ở cơ quan khác. Lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra sự vô lý của kẻ có quyền nó thành ra có lý thế nào. Tôi không mở được miệng để thanh minh, để tranh cãi mà đành ngậm ngùi xếp áo quần vào cái túi vải nhàu nhĩ rồi lủi thủi về xuôi mang theo những câu hỏi về các mối quan hệ mới được thiết lập mà chợt ra mờ mịt như sương mù giăng trên mái rừng.

Về thành phố, nhờ bè bạn tôi được nhận vào Sở Văn hóa, Thông tin. Rồi lấy vợ, sinh con, lập vườn, dựng nhà.

Mấy năm sau tôi có dịp lên thị trấn Sơn Lĩnh theo đoàn kiểm tra dịch vụ văn hóa của Thanh tra Sở. Phố huyện đã đổi khác, sầm uất và nhộn nhịp. Ngoài hai dãy phố ngoảnh mặt ra đường N., thị xã có thêm nhiều con đường rải nhựa, hai bên nhà cửa đủ kiểu dáng kiến trúc Tây, Tàu. Biển hiệu xanh đỏ, tím vàng nghênh ngang trên ô văng nhà, trên cánh cổng và cả trên cột điện cao thế. Rừng như bị đẩy ra xa hơn nhưng đứng ở chỗ nào trong thị trấn vẫn thấy nó thăm thẳm.

Tôi gặp Trần Giảng, bấy giờ làm bảo vệ chợ biên giới. Vẫn chưa có vợ, Giảng ở một mình trong ngôi nhà nhỏ ngay lối rẽ vào thung lũng Phiền Nâu. Lão Thọ Việt kiều chi tiền làm ngôi nhà ấy để bù đắp thiệt thòi cho Trần Giảng bị buộc nghỉ hưu trước tuổi vì dính tới vụ chuyển ba bộ xương hổ cho lão từ Lào về bị bộ đội Biên phòng bắt trong rừng Khe Ne.

Giảng tiếp chuyện tôi dè dặt. Và ngượng ngùng, lúng túng. Tôi gợi chuyện về Hân và Ngọc Diệu thì mặt Giảng nhăn lại trong một bực bội nào đấy. Lâu sau, ông ta nói:

– Xưa ấy, cái lần Hân bỏ trốn đi Thái Lan ấy, mãi mấy năm sau mới mò về. Về mà không thèm nhấc chân đến cổng lâm trường. Lão Thọ chết, cô Diệu thành bà chủ. Rồi thì Hân thành ông chủ. Đám cưới của họ báo chí từ Nam ra Bắc đưa tin, in ảnh. Mấy trăm xe ô tô loại sang kéo dài dọc đường N. chưa kể mô tô. Ca sỹ đã được phong Nhân dân, Ưu tú từ Hà Nội về, từ Sài Gòn ra phục vụ hát hò. Người ta tính chi phí cho đám cưới ấy nhiều bằng tiền thu thuế của thị trấn này hàng chục năm. – Ông Giảng thở dài, rồi nói tiếp, giọng lộ vẻ giễu cợt cay đắng – Làm thuê vác hàng chui nhủi trong rừng bỗng ra ông chủ… Nhốn nháo à…

Ông ta im bặt, cụp mắt nhìn xuống hai bàn chân trần cáu bẩn của mình.

Tôi ngoảnh về phía rừng. Mới nửa buổi sáng, rừng thăm thẳm xanh. Tôi gợi ý muốn gặp vợ chồng Hân.

Trần Giảng lắc lắc đầu, nói:

– Không vào được nhà ấy đâu. Kín cổng cao tường. Chó và vệ sỹ, nhiều lắm. Mà gặp làm chi?

– Để thấy mặt nhau. Chẳng phải đã có một thời ở cùng phòng.

– Một thời. Vẫn biết thế. Nhưng… chẳng để làm chi!- Trần Giảng lại im bặt, mặt nhăn nhó một cách khổ sở rồi phẩy phẩy tay, nói, giọng líu ríu – Tôi phải về chợ. Khách buôn chuyến thường đến sớm.

Rồi bỏ mặc tôi đứng lại một mình giữa đường, ông ta đi về phía chợ biên giới. Nhìn tấm lưng hơi gù của ông với bước chân ngắn, thập thững, tôi mơ hồ thấy một nỗi thương cảm xót xa. Ngẫm lại cuộc đời đủ nấc lên voi, xuống chó, ông ta mới cay đắng nhận ra “chẳng để làm chi” sao?

Tôi không dứt được ý muốn gặp Hân. Loanh quanh qua mấy lối rẽ, theo người chỉ đường tôi đến trước cổng một ngôi biệt thự ba tầng chung quanh tường cao và cây cổ thụ. Một anh thanh niên đầu trọc ghé đầu ra giữa cánh cổng mở hé. Anh ta có khuôn mặt hao hao gã đàn ông tôi gặp hồi đi ngóng tin tức Hân gần chục năm trước.

Ngấc ngấc đầu, anh ta nói:

– Đi xa rồi. Không ai ở nhà. – Xong, đóng cửa liền.

Tôi nhìn vào nhà Hân qua ô trống giữa cánh cửa sắt. Chẳng thấy gì, chẳng nghe gì ngoài một khoảng không sâm sẫm và một lặng im đến rợn người. Đành vậy. Tôi tự nhủ và quay lại Phòng Văn hóa thị trấn Sơn Lĩnh để kịp chuyến xe về thành phố.

ĐOẠN KẾT

Ngôi biệt thự nằm ngoài rìa rừng, cạnh một ngọn núi đá hình tháp, cách đường Quốc lộ N. sang Lào chừng ba trăm mét. Ngôi biệt thự to lớn, có năm chóp nhọn sơn vàng, cao, thấp khác nhau, chung quanh là tường vây và cây cổ thụ.

Trong nhà, đâu cũng thấy thú nhồi bông, từ sư tử, hổ báo đến chồn, sóc, đầu hươu, đầu bò… gắn vào tường, hoặc nằm, đứng, ngồi trên tủ, bàn, giường, sập phản làm bằng gỗ cẩm lai, đinh hương, trắc, gụ, ngọc am… Một chiếc đàn ghi-ta dựng nghiêng trong góc nhà, dây đứt buông lòng thòng xuống nền đá cẩm thạch.

Giữa nhà kê một bộ sa lông chạm trổ cầu kỳ. Mặt bàn bề bộn ấm chén, chai lọ đĩa đựng hoa quả, bánh kẹo, thuốc lá, phin cà phê. Cạnh đấy, sát tường, màn hình tivi đang phát những hình sex của một bộ phim nước ngoài không lời.

Người đàn ông nửa nằm nửa ngồi trên ghế sô pha. Anh ta trạc bốn mươi tuổi, thân hình to béo, ngón tay mập ú, da trắng bợt như đã lâu lắm không gặp nắng. Khuôn mặt người đàn ông lộ rõ vẻ chán nản và sự lười nhác thì hiện lên trong đôi mắt lờ đờ, nơi mái tóc rối, hoe vàng. Người đàn ông thở dài, ngơ ngẩn cười rồi lại thở dài.

Người đàn ông biết tối nay vợ về. Vợ anh ta xinh đẹp, sắc sảo và dĩ nhiên giàu có. Hai mươi năm buôn bán, mười lăm năm đầu anh vừa là chồng, vừa là vệ sỹ, vừa là cửu vạn. Bố vợ và vợ dạy cho anh các mối hàng, cách nhận biết hướng đi trong rừng xanh thăm thẳm vào những đêm không trăng sao, những lần mưa gió, cách đi cắt suối để trốn lính biên phòng… Thành thạo lắm. Vậy mà lại bị ngã xuống hẻm núi đá, gẫy chân, vẹo cột sống thành khập khiễng, quẩn quanh từ trong nhà ra sân, từ sân vào nhà. Buôn có bạn, bán có phường, vợ người đàn ông có thêm những người bạn làm ăn khác. Buôn và chơi, vui và buồn, đủ kiểu dáng. Nghĩ ngợi, tính toán, đối mặt với những người chung quanh là chuyện thường ngày; thậm chí như là định mệnh. Chung quanh người vợ là những kẻ nắm quyền lực, là bạn buôn, anh em kết nghĩa, người tình thật, người tình chớp nhoáng. Trăm mối quan hệ, mối nào cũng vì lợi ích…

Từ bao giờ, hình như là sau lần bị tai nạn, người đàn ông thu mình lại. Anh ta không thích bạn bè của vợ, những người khách lạ đến nhà ăn nhậu. Trước họ, anh trở nên thừa thãi, bất lực, vô tích sự. Trước họ anh ngơ ngác đến tội nghiệp. Nghề kiếm tiền dạy họ đủ thứ khôn ngoan, lọc lõi, lối sống tự do, phóng đãng mà vẫn hồn nhiên. Họ nhìn cuộc đời, nhìn mọi khổ đau, sợ hãi với những cặp mắt ráo hoảnh, dửng dưng. Ngôn ngữ trong đối thoại của họ sặc mùi tiền bạc, đặc mùi vị da thịt.

Người đàn ông nhìn quanh. Căn phòng trống trải, vắng lặng lạ lùng.

Người đàn ông nhìn ra rừng. Rừng thăm thẳm xanh.

Hết buổi sáng sang chiều.

Người đàn ông lại nhìn ra rừng.

Mãi khi sương mù từ trong rừng lan ra giăng giăng trên cây lộc vừng trước cổng, một đoàn xe ô tô, trong đó có chiếc màu đỏ chở vợ người đàn ông mới về. Năm người giúp việc từ ngóc ngách nào đó trong khu nhà ùa ra. Một thanh niên thường xuất hiện trên màn hình ti vi mở cửa xe bước ra. Anh ta hơi cúi đầu đưa tay nâng tay vợ người đàn ông để chị ta đặt chân xuống mặt sân lát đá cẩm thạch.

– Nào vào nhà đi. – Khoát tay, người đàn bà nói, trong chiều miền rừng yên tĩnh, giọng cô ta nghe lảnh lói – Chuyển đồ đạc vào và chuẩn bị cơm nước cho mười hai người ăn. À, mười ba.

Anh thanh niên nháy nháy mắt, ghé tai người đàn bà:

– Người thứ mười ba là ai đây?

– Đồ đểu. – Người đàn bà nói và nhếch môi cười.

Trong nhà, người đàn ông vội vã bấm điều khiển tắt ti vi, rồi khập khiễng, vẹo vọ dọc hành lang vào phòng ngủ.

Một giờ cho dọn dẹp. Bữa tiệc được dọn ra. Phòng khách sáng trưng. Tiếng cốc thủy tinh chạm nhau tách tách. Ồn ào lên. Rượu, bia khiến những khuôn mặt đỏ bừng. Và mắt người đàn bà sóng sánh, đẹp một cách man dại, khiêu khích.

Bỗng có tiếng hỏi:

– Anh Hân? Anh Hân đâu nhỉ?

Không ai trả lời. Người đàn bà chợt sững người. Một chút. Tay vẫn cầm ly bia, chị ra khỏi phòng, đi dọc hành lang thông thống gió thổi. Gió từ rừng ra. Người đàn bà đẩy cửa phòng ngủ của hai vợ chồng. Mùi thuốc Tây từ đâu phả vào mặt chị.

  Ly bia rời khỏi tay, rơi xuống nền nhà lát đá, vỡ vụn những âm thanh khô lạnh.

Đức Ban

(Truyện đăng trên Tạp chí Sông Lam số 10/Chào Xuân Tân Sửu 2021)

 (1). Ca từ trong ca khúc Mưa hồng của Trịnh Công Sơn

(2). Ca từ trong ca khúc Như một vết thương của Trịnh Công Sơn