Các con yêu quý của bố, thực sự là bố không biết mình  nên vui hay buồn?  Khi bố hỏi  các con có muốn quà gì vào dịp Trung thu hay không? Cái bố nhận được từ các con, là cái lắc đầu thờ ơ, hờ hững kiểu chả liên quan, chả cần gì cả. Vậy là nếu hiểu theo nghĩa tích cực, cuộc sống của  các con khá đầy đủ, nhu cầu về quà bánh, đồ chơi dịp trung thu không còn cần thiết. Nếu hiểu theo cách khác thì đó là một việc đáng buồn…

Các con không còn sự háo hức, hứng thú, ham thích với các hoạt động của dịp Trung thu, dịp tết trông trăng, tết của thiếu nhi….Tuổi thơ của các con giờ không còn có những cảm xúc  như tuổi thơ của bố. Đói khổ, thiếu thốn hơn bây giờ nhiều, mà sao vẫn có bao niềm vui còn đọng mãi, hằn sâu trong ký ức, chỉ cần có một tác nhân làm chìa khóa gợi lại, là mở bung ra cho kỉ niệm tràn về, cho tâm hồn chợt trong sáng, dịu dàng, như được chan đầy ánh trăng rằm vàng tươi, trong vắt của ngày xưa.

Thời của bố trăng sáng lắm, thời chưa có điện, trăng là ngọn đèn trời, là thứ ánh sáng tự nhiên của trời ban, sáng trong mà mát mẻ, sạch sẽ đến đáng yêu. Có làm việc dưới ánh trăng, thì việc làm vất vả cũng như nhẹ bớt mà lại có phần thi vị:

“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”

Minh họa: Trường Hưng (14 tuổi)

Những gì tươi sáng, đẹp đẽ hay được các cụ ví với ánh trăng rằm. Trăng gắn với cuộc sống, gắn với lịch con nước để trồng, cấy, tưới, bừa của nhà nông. Trông trăng để dự báo thời tiết “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”. Ngày xưa trăng và con người thân nhau hơn bây giờ.  Người ta thuộc cả ánh trăng, cả hình dạng của trăng để đặt thành những bài đồng dao:

“Mồng một lưỡi trai,
Mồng hai lá lúa.
Mồng ba câu liêm,
Mồng bốn lưỡi liềm.
Mồng năm liềm giật,
Mồng sáu thật trăng.

Mười rằm trăng náu,
Mười sáu trăng treo,
Mười bảy sảy giường chiếu,
Mười tám rám trấu.
Mười chín đụn dịn,
Hăm mươi giấc tốt,
Hăm mốt nửa đêm.
Hăm hai bằng tay,
Hăm ba bằng đầu.

Hăm bốn ở đâu,
Hăm nhăm ở đấy.
Hăm sáu đã vậy,
Hăm bảy làm sao.
Hăm tám thế nào,
Hăm chín thế ấy.
Ba mươi không trăng.’

Bây giờ bố biết giải thích cho các con như thế nào để con hiểu thế nào là “rám trấu’,là ‘ đụn dịn’, là “có đèn thì lại phụ trăng”? Chỉ có thể nói bố từng có những tết Trung thu sung sướng, háo hức, từng có những đêm dưới ánh trăng vàng tươi trong vắt, được thả sức nô đùa hò hét với bè bạn. Chạy nhảy, trốn tìm dưới ánh trăng vằng vặc đơm vàng, dát bạc lên tán lá, lùm cây, trời xanh xanh không có một gợn mây, thả sức để dòng trăng vàng chảy khắp…

Rằm tháng Tám cũng là hoạt động cuối cùng trong chuỗi những hoạt động hè của bọn trẻ ở quê ngày trước, sau dịp hội trại thi đội hình, đội ngũ, thể dục, thể thao, văn nghệ thì tết Trung thu là dịp cuối dành cho con trẻ trong năm.

Háo hức lắm các con ạ, đồ chơi ở quê nghèo, đứa nào có cái đèn ông sao năm cánh, bọc giấy bóng xanh đỏ, quanh viền lơ phơ tí giấy màu là oai phong lắm rồi, làm gì có đầu lân, trống lớn mà có cái trống ếch con con gõ chỉ bung bung là đủ rộn rã xóm làng.

Đầu lân làm bằng cái thúng hỏng, vẽ nhằng vẽ nhịt, lấy khúc màn rách làm đuôi. Mà vui đáo để, đứa nào cũng tranh nhau chui vào múa may, ngọ nguậy, uốn éo cho vã đầm đìa mồ hôi ra thì mới chịu thôi. Ông phỗng thì lấy áo của mẹ, độn cái gối vào, lấy vôi quệt thẳng vào mặt, thế mà cả lũ cũng dắt díu nhau toong toong gõ trống, múa chán chê ở sân kho hợp tác thì vào mấy nhà trong xóm xin quà. Tiền chả có đâu nhưng hay được trái bưởi, mấy quả hồng, nải chuối…

Thế là cả bọn tụ lại bày cỗ trông trăng, lại chí chóe tranh nhau nhìn lên mặt trăng tròn vạnh, sáng như ánh đèn măng- sông, mà thi nhau chỉ đâu hình chú Cuội, đâu hình gốc đa? Cỗ trông trăng bày trên lá chuối, đứa chạy về nhà lấy thêm miếng bánh nướng, bánh dẻo thế là thành cỗ to. Miếng bánh nướng  ngày xưa bột vừa cứng vừa thô lại nướng hơi quá lửa, cháy đen đen, bánh dẻo bột khô với nhân là mứt bí, mỗi đứa một miếng tí teo, mà vị ngọt đơn sơ, ngọt  ám ảnh đến tận bây giờ.

Đồ chơi tự làm có linh hồn riêng, niềm vui riêng: chuỗi đèn hạt bưởi khô, xâu lại bằng tăm tre, cháy lách tách tỏa mùi thơm dìu dịu, thắp lên sáng rung rinh cả một thời con trẻ. Cắm đèn hạt bưởi vào đèn ông sao, ánh sáng khi mờ khi tỏ. Hình ảnh ấy chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí bố các con ạ.

Bây giờ cuộc sống đủ đầy nên niềm vui uể oải, các con chẳng có gì mà háo hức chờ mong, khi mọi thứ đều như lập trình, nên mờ mờ, nhạt nhạt thì làm sao có niềm vui tròn vẹn như ánh trăng rằm. Việc học hành giờ đây sao nặng nề, tuổi thơ các con bị trôi cuốn nơi nào? Tự dưng bố lại thấy lòng mình ân hận, phải chăng  các con mình bị đánh cắp mất tuổi thơ !!!

Có tắm dưới sông trăng, thì lòng sẽ biết mộng mơ, yêu hoa lá cỏ cây sẽ yêu người rất thật. Biết chụp đầu lân múa cho mọi người vui thích, sẽ biết sống vì người hơn chỉ biết riêng ta. Bố cứ lẩn thẩn nghĩ vậy đó.
Trung thu này bố con mình sẽ đi chơi, không khách sạn, nhà hàng với chương trình xếp sẵn. Sẽ cùng đi đến một vùng thật vắng, ngắm trăng rằm với trăng thật thà trăng. Mời bạn bè con đi nếu có thấy cần, hãy chuẩn bị tự mình cắm trại. Cái gì mới làm cũng sẽ còn vụng dại, đừng lo gì khi có bố ở bên.

Cỗ trông trăng sẽ tự chính các con làm, bố sẽ chỉ đâu chị Hằng, chú Cuội, sẽ đọc đồng dao như ngày còn rong ruổi khắp làng. Bỏ đi con những câu nói làng nhàng “mỹ nữ vò xôi cùng thiên lôi bắt bướm” chả ra gì mà cũng chẳng hề hài hước. Cùng với trăng, bố con mình sải bước, cùng đi về với câu hát ngày xưa:

“Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc, ông cười
Mười ông một cỗ
Đánh nhau lỗ đầu
Đi cầu nhà huyện
Đi kiện nhà quan

Đi bàn nhà
Một lũ ông già
Mười ba ông điếc
Con diệc hai chân
Đưa giăng về trời. ‘

Tuấn Phạm
(TCSL, số 8/tháng 8+9/2020)