Lần đầu tiên nàng thấy tuyết rơi. Trắng, trắng tinh đổ xuống khắp, đẹp lạ. Đường không một cọng rác. Hàng cây tuyết, mái tuyết, những đống tuyết… Thế là nàng được biết thêm một thứ nữa, nó không quan trọng nhưng mà đẹp.

                              Đôi giày đỏ của nàng nổi bật bước đi mềm mại. Đỏ bầm, đỏ bã trầu. Nàng thích màu bã trầu, màu lá nữa. Màu bã trầu nhắc nàng nhớ về những miếng bã trầu của bà. Như có máu huyết mà từ miệng bà nhổ ra, mới đầu thấy ghê ghê nhưng quen rồi thì thấy nó hiền khô. Bà nội, bà ngoại đều ăn trầu, có những lần nàng nhầm bã trầu với con gián.

Nàng cười cái kí ức vu vơ rờ rẫm. Ôi, đúng là nàng vu vơ, lan man! Rờ rẫm lan man để rồi lát nữa thôi, vài trăm bước nữa là nàng mất hút vào hàng quán cho tới 9 giờ đêm. Sáu giờ sáng đến 9 giờ đêm với khách khứa, những tô phở, bát đũa, dầu hành, chanh ớt và bốn bức tường. 6 giờ sáng đến 9 giờ đêm.

Một quãng đi bộ thư thả. Nàng cao ráo, tròn lẳn trong chiếc áo khoác đen dài tới đầu gối. Bên lề phố nhỏ. Cái áo nom có vẻ dày nhưng thực là nó phồng xốp, mềm nhẹ và ấm. Nó che chở, làm đẹp. Nàng trắng trẻo, mịn màng, đôi khi khăn áo rực rỡ. Nhưng xứ người, làm, cật lực kiếm sống, quay đều như máy.

Bậc cửa quen thuộc, thế giới của nàng từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối. Những mùi vị trộn lẫn vào nhau, góc, đồ vật, bàn ghế, chén bát, bức tranh đồng quê, bến nước, thiếu nữ áo dài, phố… đã quen thuộc. Những vị khách đầu tiên bước vào.

“Good morning.”
“ Good morning.”
“Do you use chicken noodle soup or beef noodle soup?
“ Can I have a bowl of chicken noodle soup and a bowl of beef noodle soup?”.
“ Thank you. Please wait a moment”.
“ Thank you”.
Chốc lát nàng bê khay hai tô phở bốc khói, thơm:
“ Here you are.”
“ Thank you”.
“ Bon appetite.”

Bé trai Mỹ kháu khỉnh bên người mẹ trẻ có mái tóc hung vàng, da mặt trắng mọng lấm tấm tàn nhang. Hai khách Việt vào:

“ Hai anh dùng gì ạ?”
“ Em cho hai phở bò nghe.”
“ Dạ vâng.”

Cũng là phở bò, phở gà nhưng nước phở, lá phở, miếng thịt, lát chanh, cọng rau thơm ở Phở Việt được chăm chút kỹ từng thứ, từng tí. Thơm và sạch. Ngon lành trên cái xứ kiêu sang, đắt đỏ.

Nàng quay ra quay vào với tạp dề đen có lá sen xanh, bông sen trắng gọn gàng, nhanh nhẹn. Sẽ có khoảng hơn 2 giờ đồng hồ nàng bận rộn xoay xở trong không gian chật hẹp, bê ra bưng vào, lau dọn, dạ vâng.

Vợ chồng người Mỹ chậm rãi bước vào nhìn tìm chỗ. Ông chồng cởi áo khoác dài treo lên giá. Ông ấy cựu lính Mỹ ở Việt Nam. Hôm ông và nàng nói chuyện, gặp câu dài khó hiểu nàng rất lấy làm tiếc và xấu hổ. Nàng chỉ mới nói và nghe được những câu tiếng Anh đơn giản thông thường, cứ như đứa trẻ  lên 4, lên 5 vậy. Đã có nhiều tình huống nàng không hiểu tiếng, lơ ngơ, lúng túng và phải nén lại cảm xúc tệ hại.

Sáu giờ sáng đến 9 giờ tối, nàng nghe, học từ những bàn phở. Những gương mặt những dáng vẻ… luôn là những thế giới nhỏ mênh mông. Một New York mà nàng chưa rõ.
6 giờ sáng đến 9 giờ tối với công việc một nhà hàng nhỏ nhưng được yêu chuộng. Công việc ổn, còn đầu óc nàng cũng phiêu diêu đủ chuyện, đủ nơi chốn, nàng còn phải lo lỏm lẩm nhẩm học tiếng nữa.

Vãn khách, nàng lau dọn, rửa, sắp xếp, chu đáo, nhanh gọn. Lương không cao như làm nail, nhưng những ngày đầu xa lạ chị em quan tâm nhau, nàng tạm yên ổn sống, đi qua về lại một quãng rìa New York.

Nàng có chuông điện thoại. Là điện của mẹ nàng.
“ A lô, mẹ ạ… ôi… dạ, vâng…”
Nàng thẫn thờ.
“ Có chuyện gì hả em?”
Chị chủ ngồi gần đoán mặt nàng, lo lắng hỏi
“ Cu con đau bụng, mẹ em báo, bác sĩ nghi đau ruột thừa, nói phải mổ chị ạ.”
“ Tội chưa, hôm qua vừa mới nói chuyện…”
“ Chắc em phải xin nghỉ ít hôm. Chị cho em nghỉ giờ ạ?”
“ Em cứ bình tĩnh. Mổ ruột thừa cũng không đáng lo quá đâu.”
“ Dạ. em lo…”
Chị chủ vốn là người kỹ tính, biết nghĩ trước sau, chị nói ngay khi nàng dừng lại ngần ngừ:
“ Ừ, xa xôi quá, cũng chỉ sợ có gì bất trắc. Thôi ráng chịu khó. Em cứ làm theo những gì em muốn vậy.”

Nàng cởi tạp dề, mặc lại áo khoác. Chị chủ chỉn chu cũng lo chút phong bao động viên mẹ con nàng.

“ Em về cũng vất vả, cố lên nha.”
“ Dạ. Em cảm ơn chị nhiều.”

Lát chốc nàng bước ra ngoài. Nàng tin mọi chuyện sẽ sớm ổn. Đã hơn nửa năm rồi nàng xa quê, xa con. Có nhiều khi tim nàng như bị bóp nghẹt vì hình dung lỡ có tai ách gì. Nhất là lo đi đường, tai nạn giao thông. Con chưa qua tuổi dậy thì, đã không cha, nay lại xa mẹ, nó khiến nàng thương đứt ruột. Thương, nàng chọn lối đi tốt hơn? Mẹ con êm đềm bên nhau ở quê nhà lại không tốt ư? Thôi, nàng không muốn nghĩ đi nghĩ lại nữa.

Minh họa: Trần Minh Châu

Hôm đi, cái dáng con cao nghêu, nó đang vào hồi lớn như thổi. Cái tuổi ấy vẫn cần phải có nàng bên cạnh lắm, thế mà nàng đi. Lẽ ra nàng để người ta chờ ít lâu nữa, 4 năm, hay 5 năm, hoặc là lâu hơn cũng có thể mà. Nhưng nàng lại hy vọng khác. Nàng đi trước lo lót cho kịp cấp học mới, con ở nhà chăm lo thêm ngoại ngữ.

Nàng nén lòng, trong mọi trường hợp nàng vẫn luôn hi vọng phía trước là những chở che của các đấng bề trên. Cuộc đời sẽ ưu ái, che chở mẹ con nàng.
Nàng bước nhanh ra ngoài vẫy taxi.

***

                       Một mình nàng ra sân bay. Nàng quen anh qua facebook. Cái thời buổi tìm chồng tìm vợ, rồi như ông bà lại bảo tình duyên nàng lần này rổ rá cạp lại, xem ra xa mịt mù tăm cá thế mà chung được một giường, thật rõ là tiện. Thì nàng với họ cũng nói chuyện, tâm tình qua lại, khi dồn dập, khi âm ỉ, khi lặng im như quên rồi, như không có gì… cứ thế trong gần 4 năm trôi qua, đôi lần hẹn gặp, rồi cũng “cạp” lại được 2 cái thế giới. 2 cái thế giới ngổn ngang và muốn sắp xếp lại cho gọn nhẹ khi bỗng có duyên gặp gỡ.

Anh ấy khi tròn trịa, dễ dàng, khi bỗng khó lặt vặt, khó với nàng, với người khác, rất vô lý. Chuyện lặt vặt. Nhưng có khi cũng làm nàng tổn thương. Còn mới mà thế, dài lâu thì sao? Thôi thì đã tới đây rồi, cũng cho là chuyện vặt hết. Bỏ qua được mà.

Nàng mới đến xứ người, ngoại ngữ kém, chi phí đắt đỏ, ngợp. Có thể chết vì sự đắt đỏ. Vậy thì chồng nàng, những tháng ngày qua, nàng cũng biết cho người ta lắm. Anh em chồng bên quê nhà đông, khó khăn, nàng hiểu. Đôi ba lần anh than, người bên nhà hay ảo tưởng, hay chê trách nhau, chẳng thấy đoàn kết thương yêu nhau được là bao. Vậy còn anh? Ừ, chắc anh yêu thương nàng theo kiểu nàng chưa hiểu chắc? Hơn 10 năm một mẹ một con, thêm tuổi, thêm nỗi, lần hôn nhân này nàng có kinh nghiệm gì? Nàng mở rộng lòng hơn.

Một người Việt bám trụ đất New York như anh không hề nhạt nhòa. Nhiều trải nghiệm, nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao, thu nhập tốt, con cái đã ổn định. Mất vợ ngần ấy năm, theo đuổi nàng hơn 4 năm trời, muốn cưới bằng được nàng cũng không hề nhạt nhẽo, nhạt nhòa.

Anh từng nói với nàng biết bao điều trong hơn 4 năm cò cưa qua lại. Có hơn nửa năm chung chăn chiếu nơi xứ người nữa. Những lặp đi lặp lại hàng ngày đã thành nếp. Cái cũ qua, cái mới đến. Mới từng ngày nhưng vẫn thế thôi, đi làm, tối gặp lại, đi ngủ, đi làm, lo làm, góp nhóp vì việc nhỏ lớn, xem ra chẳng có gì đáng kể. Có gì buồn nàng lại gạt sang một bên vì có nhiều điều nàng phải lo, phải làm. Nàng cần phải vui.

Nửa năm nơi xứ người, phải tự nhắc nhở thường xuyên như uống thuốc an thần; ồ, thôi đi, không thể yếu ớt vì sự đỏng đảnh của cảm xúc, thua sự ghê gớm của cảm xúc.
Nàng nghĩ, nhìn bên ngoài kính xe, cây cỏ, nhà cửa đầy tuyết trắng cho tới khi xuống xe, va li đen của nàng di chuyển cùng thế giới va li, túi xách, ba lô của đủ các kiểu hành khách bước vào sân bay.

Nàng nhận điện thoại của chồng. Chồng động viên, dặn dò cho nàng yên tâm. Nàng nhận điện thoại của mẹ. Mẹ báo cho nàng rằng mọi chuyện đã qua nguy kịch, rằng bác sĩ nói sẽ tốt đẹp. Nàng yên lòng. Dịu nhẹ. Mẹ nàng, chị gái nàng, con nàng đã bước qua những giờ phút căng thẳng nhất, qua nửa đêm âu lo, vất vả. Còn nàng, cũng đã đi qua nửa ngày đầy xáo trộn.

*** 

          Xong thủ tục qua cửa an ninh, nàng tìm ghế ngồi đợi giờ bay. Quanh nàng người nhiều màu da và đều bận với những riêng tư giữa chốn công cộng, cầm sách, báo, điện thoại, đọc, xem, nghe, nói chuyện. Nàng ngồi cách ghế một ông Tây to lớn, ông ấy cũng đang chăm chú đọc sách.

Nàng mở điện thoại tra google về bệnh đau ruột thừa, mổ ruột thừa. Đọc để hiểu thêm. Nàng thấy đỡ lo lắng. Hết bài này sang bài khác, những tin bài về những đứa trẻ mổ ruột, mổ tim, cả mổ não… nàng sống trong một thế giới khác, những tưởng tượng về bệnh viện, những cơn đau và cảm thấy buồn thương cho bao đứa trẻ, bao kiếp người.
Chị gái kết nối messenger nói chuyện mãi. Chị ấy thức trực cho hai bà cháu ngủ. Bên ấy đang giờ… ngủ say, chỉ người làm và người đau là không ngủ.

Con nàng còn mê thiếp, mẹ nàng ngủ. Chị gái nàng canh trực, chị ấy động viên nàng ở lại đừng về mà tốn kém, vất vả. Chị gái lo cho nàng cũng phải. Nàng được nương vào chị từ hồi nào tới giờ. Mà 2 chị em chỉ toàn nghĩ trước lo sau cho nhau, lo cho cái đáng lo, thu vén, tính cái hay cái dở. Nàng luôn hiểu ý chị. Mọi chuyện có chị gái lo cho, nàng yên tâm lắm. Nàng có chị, có mẹ, đỡ ra bao nhiêu.

Người đàn ông cách nàng một ghế xoay nắp chai nước uống, đưa mắt nhìn quanh. Những người cơ thể to lớn đến thế hẳn phải lo cho tấm thân vất vả lắm? Cuộc sống, chỉ lo cho cái phần thân thể mình thôi, uống, ăn, ngủ mà đã mệt, đã mất thời gian rồi. Thân xác, phải khéo chiều khéo giữ lấy, đứt tay chảy máu đã nghe sợ rồi. Mà cái đau thân xác không ai chia sẻ được.

Con trai nàng, thân xác nhỏ bé đang bị mổ banh đau đớn, nàng làm gì được? Người ta, ai cũng lo làm sao được bớt đau đớn, bớt khó nhọc, được sống vui vẻ, nhẹ nhàng mà. Đi xa như nàng thế này cũng là vì thế ư? Mông lung quá nhỉ?

Con người bận rộn di chuyển, bận rộn vì những nhu cầu. Không gian này khiến nàng từng choáng ngợp. Những sự khác biệt ở nơi đây thật rõ ràng, nhưng chỉ là bên ngoài. Còn bên trong nàng không thể nào nàng thấy nổi.

Bỗng người đàn ông cách nàng một ghế quay sang nhìn nàng và nói:

“ Excuse me, are you Vietnamese?”
“ Yes sir. I am Vietnamese.”
“ You’re coming back to Vietnam, aren’t you?”
“ Yes, I am.”
“ Sorry, I was curious. I am coming to Vietnam, also. This is the second time … I had special memories  during the war. And I have felt in loved with the country since 7 years ago when I came back for the first time.”

Nàng nghe, chưa hiểu hết ý, đôi mắt nàng cố giữ nguyên sự thân thiện, ấm áp nhưng đã lộ vẻ bối rối. Nàng thật thà:

“ I am very sorry that my English is not really well.”
“ Oh, ok, I get it .”
“ That’s my bad, mister.”

Đôi mắt ông ấy hiền lành nhìn nàng thoáng có vẻ ngạc nhiên lẫn cảm thông. Nàng vướng nỗi xấu hổ. Có lẽ ông ấy hi vọng. Nàng không thể đủ ngôn ngữ để nói những điều nàng biết. Giá như nàng giỏi ngoại ngữ!

Nàng chỉ có thể nói những câu những từ đơn giản trong nhà hàng, chợ búa. Mặt nàng nóng đỏ? Chắc họ đáng tiếc, thất vọng cho một người Việt như nàng lắm?

Nàng nhìn kỹ đôi giày đỏ và muốn gí bỏ cảm xúc không dễ chịu. Đôi giày xinh xắn, nó gắn bó, đã đi rất xa với nàng, nhưng ngôn ngữ mới thật sự đưa nàng đi xa, cho nàng nghe ra những gì thú vị. Nàng yêu quý đồ vật đã giúp nàng đi xa, đã che chở, làm đẹp, nhưng cũng bao lần nàng ước có cái vẻ đẹp, sự đẹp đẽ là có thể trả lời cho ai đó vui lòng.

Nàng vẫn mông lung, ngượng ngùng, rồi lảng tránh cảm xúc rất tệ đó bằng cách mở facebook. Bức ảnh cũ nổi lên. Facebook nhắc cho nàng ngày này 3 năm trước. Bức ảnh cũ. Và nàng hiện tại có gì mới hơn?

Nàng có mới, mới lắm, trong chừng đó thời gian, nàng đi nhiều nơi, biết nhiều thêm. Nhưng nàng vừa mới thấy nàng rất cũ, cũ lắm. Nàng vẫn cảm thấy sự tồi tệ đeo bám khi cố trốn vào facebook, khi nàng lướt qua nhiều ảnh đẹp và những dòng tâm trạng…

Cho đến khi nàng bị cuốn hẳn vào những tin bài về bạo lực học đường, tai nạn, tin bài về hiếp dâm, ngộ độc thức ăn. Con người ta phải chịu đau nhiều quá, đến cằn cỗi, méo mó đi.

Người đàn ông ngồi cách một ghế vẫn đang đọc sách. Nàng lại thấy có lỗi, thấy mình kém cỏi vì câu chuyện bị cắt đứt lúc nãy. Nàng vẫn cố học. Nhưng nàng chưa có đủ ngôn ngữ để có thể nói chuyện như một đứa trẻ lên 6 thì liệu thêm bao lâu nữa để có thể nói cho người ta hiểu những câu chuyện sau chiến tranh? Khó nhỉ?! Nhưng chắc chắn rồi đây con nàng sẽ làm được. Con nàng sẽ là một phiên dịch, một dịch giả giỏi. Nàng đã hi sinh, đã luôn cố hết sức vì điều này.

          Rồi con sẽ hết đau, con sẽ mạnh mẽ, mạnh khỏe. Những khó khăn bao lần đến, có khi khắc nghiệt, nàng tưởng không ngóc lên được nhưng mẹ con nàng cũng đã vượt qua. Mười mấy năm khổ lẫn đau. Nào ai tránh được những cơn đau. Mổ da xẻ thịt thì đau, nhưng rồi sẽ khỏi con ạ. Kể cả những bệnh, những cơn đau chữa mãi không khỏi thì mình vẫn phải kiên cường con nhỉ?

Nàng nhẩm nhớ lại những bài thơ cũ nàng viết cho con, cho nàng. Có những câu thơ mới đang xen đến. Nàng lẩm nhẩm và mơ màng, nàng bâng khuâng lẫn mông lung trong khoảnh khắc chờ đợi.

Hồ Thị Ngọc Hoài

(Đăng trên TCSL, Số 1 / Bộ mới/2019)