“Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” (Hồ Chí Minh). Quá thẳng thắn và thấm thía. Ai đó từng nói, giá trị của mỗi con người được đo bằng khoảng trống mà họ để lại sau khi từ biệt cõi trần. Hơn nửa thế kỷ Bác đi xa nhưng những giá trị lớn lao mà Người để lại vẫn là kho báu tinh thần vô giá cho lớp lớp thế hệ. Tháng 5 là dịp để chúng ta thêm một lần tự nhắc nhở và hối thúc mình rằng đã làm được gì có ích cho xã hội. Một mùa đại hội nữa lại về, câu chuyện quyền lực và uy tín lại cất lên…

  Xin được dẫn dắt bài viết này bằng một câu chuyện cách đây gần 2 thập kỷ. Đấy là một buổi chiều mùa hè năm 2001, xã H tiến hành san ủi vùng đất ven làng Đông để mở rộng khuôn viên trường tiểu học. Do có những bất đồng nên một số hộ dân nhất quyết không bàn giao mặt bằng. Cả bộ máy cơ sở rầm rập vào cuộc. Chính quyền, ban ngành đoàn thể căng mình thuyết phục. Như một cuộc trình diễn năng lực, mọi thứ đều được điều khiển bài bản, nhịp nhàng, có lý có tình, chỉ duy nhất mỗi cái không có là… tác dụng. Tiếng loa phóng thanh lanh lảnh giọng cô phát thanh viên đọc những quy định của nhà nước, thỉnh thoảng xen vài bài hát ca ngợi công cuộc đổi mới quê hương. Khi người ta biết dùng đến cả văn nghệ làm công cụ thì không thể nói là họ qua quýt được. Những bước chân hối hả loáng qua loáng lại. Những văn bản hành chính chất đầy các quy định mới mẻ được thoăn thoắt công khai. Hiệu suất hoạt động của tổ công tác được đẩy lên mức tận cùng. Chỉ có điều,  mọi “phương án tác chiến” trên mặt trận dân vận đều sóng soài trước sự cứng rắn không ngờ của bà con. Các hộ dân kiên định với khối lý lẽ giữ lại đất để trồng khoai trồng lúa. Trong lúc mọi nỗ lực dân vận rơi vào ngõ cụt thì cụ Thiện (một lão thành cách mạng của xã) xuất hiện, cất giọng ôn tồn. “Chào bà con. Chính quyền thì cũng là anh em người trong làng trong xã ta cả, căng thẳng quá là không nên. Học sinh cũng con cháu chúng ta cả, khắt khe quá coi sao được. Bà con thiệt thòi một chút vì con vì cháu và cả vì quê ta nữa. Lúa khoai rất quan trọng, nhưng cái chữ cũng quan trọng. Nghe tôi, bàn giao đất cho xã đi bà con”. Chỉ ngần ấy ngôn từ không hơn không kém vậy mà tất cả răm rắp kéo nhau ra về trong tiếng nói cười rôm rả. Nghe đồn sau này xã còn “mượn” cụ Thiện đi thương thuyết chỗ này chỗ kia nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên cụ không thể nhận lời, cụ bảo “Cái tôi có thì các anh các chị cũng nên có”.
Vậy cái cụ Thiện có là gì? Hơn 80 tuổi, không chức sắc, không một tấc quyền hành, cũng chả hưởng đồng nào từ ngân sách, vậy mà đã lay chuyển được cả cộng đồng cố thủ. Đơn giản vì người dân làng Đông tin cụ tuyệt đối, trân trọng hết lòng. Cụ sống thanh bạch, giản dị, mẫn tiệp. Với làng Đông, cụ Thiện là hiện thân của lẽ phải. Năm 2008 cụ Thiện mất, dân làng Đông khóc ròng tiễn đưa cụ. Khoảng trống mà cụ Thiện để lại hình như đến tận bây giờ vẫn chưa khỏa lấp đầy. Người làng Đông vẫn nhắc về cụ như một hiện thân lẽ phải đã quy tiên.
Tại sao một cụ già thành công trong lúc cả hệ thống  chính quyền cơ sở bài bản, hừng hực khí thế lại thất bại? Đó chỉ là sức mạnh của uy tín cá nhân trước cộng đồng. Quyền lực và uy tín là hai thứ khác nhau nhưng xứng đáng cận kề nhau. Uy tín xã hội tối thiểu cũng phải tương thích với phạm vi quyền lực bởi nó là sự cộng hưởng tốt nhất. Uy tín xã hội càng cao thì thực thi quyền lực càng hiệu quả. Người có uy tín xã hội không nhất thiết phải có quyền lực, nhưng người có quyền lực thì nhất thiết phải có uy tín xã hội. Rất tiếc nguyên tắc đẹp đẽ và hiển nhiên ấy lâu nay vẫn chỉ tồn tại dưới dạng khát vọng. Xưa nay quyền lực vẫn là thứ dễ làm cho con người trở nên ham hố và tha hóa nhất. Có những người tạo nên uy tín xã hội để thâu tóm quyền lực nhưng khi đã sở hữu quyền lực thì họ lại đánh mất uy tín xã hội. Có những vị mất nửa cuộc đời chạy cho được một cái ghế hòng đe nẹt thiên hạ để rồi trở thành nô lệ cho chính nó.  Hiếm có thảm họa nội tâm nào đáng rùng mình bằng chứng kiến sự mẫu thuẫn giữa quyền lực và uy tín. Ai đã từng đưa tay vén bức mành hậu trường quan chức chắc không quá khó để quan sát cận cảnh những nhân vật một thời “nói vạn người nghe, đe ngàn kẻ sợ” thậm chí “nợ có kẻ trả” nhưng lại khiếm khuyết uy tín xã hội. Xung quanh chúng ta, hình như lởn vởn đâu đó những người hầm hố lúc đương quyền nườm nượp kẻ đón người đưa. Rồi lại rơi vào thảm cảnh “đi sớm về trưa một mình”. Uy tín xã hội không tự nhiên mà có, nó là kết tinh tài đức, là sự tích lũy lòng tin vững bền thông qua lăng kính khắt khe và tinh tường của quần chúng.  Trên đời này có bao nhiêu trái tim đang thổn thức thì có bấy nhiêu cách sống đang tồn tại. Mỗi thân phận dù khác nhau đến mấy thì rồi cũng gặp nhau ở một mẫu số chung cuối cùng, đó là sự ghi nhận của xã hội đối với họ. Sống không đơn giản là nhét sinh mệnh của mình vào cái ngổn ngang của cuộc đời rồi bỏ mặc nó. Nếu mỗi con người xứng đáng là một tấm gương thì người nắm giữ quyền lực nhất thiết phải là nhưng tấm gương lớn hơn, trong sáng hơn.

Tranh bột màu ”Bác về thăm nhà”. Họa sỹ: Trần Minh Châu

Xin một lần nữa nhắc lại lời Hồ Chủ Tịch “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Mùa đại hội đang vào “chính vụ”. Như thường lệ người ta lại đổ dồn sự quan tâm vào hai chữ “nhân – sự”. Từ cái sự để tìm cho ra cái nhân, hay vì cái nhân mà sắp xếp cho xong cái sự? Quyền lực vẫn là thứ có thể làm lú lẫn những kẻ loay hoay tìm kiếm nó! Tại hội nghị TW lần thứ 12 vừa rồi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kết luận đại ý, “kiên quyết không để lọt vào bộ máy công quyền những người tham vọng quyền lực”. Quyền lực là một chuyện, quyền uy là một chuyện còn quyền năng lại là một chuyện khác nữa. Đúng rồi, tham vọng quyền lực chính là lối tắt để thao túng quyền lực. Cá nhân tôi rất khoái cách dùng chữ của “Cụ Tổng”. Thiết nghĩ khó có chữ nào chính xác và đắt hơn chữ “lọt”. Theo cách hiểu thông dụng thì “lọt” là chui qua kẽ hở. “Lọt” không thuộc bộ hành vi của đấng quân tử. Quyền lực tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau nên sự săn đuổi bởi thế cũng muôn hình vạn trạng. Làm sao có thể an lòng khi dưới cái gầm trời này tồn tại vô vàn kẽ hở mà “đám” tham vọng quyền lực thì rất cơ động trong việc hiệu chỉnh kích cỡ nhân phẩm để “lọt” qua. Làm sao nhận diện kẻ xấu khi mà sự tử tế cũng có thể trá hình?
Bình tĩnh, đừng quên chúng ta còn một công cụ “nội soi” vô cùng chuẩn xác là tai mắt của nhân dân. Ai giàu chính đáng, ai nghèo thanh bạch, ai tốt ai xấu, ai ác hai hiền, ai giả ai thật… làm sao qua được nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Dân chúng rất khôn khéo”. Thiết nghĩ uy tín xã hội xứng đáng là một trong những chỉ số tin cậy nhất cho những ai thiết tha và thực lòng với nó. Tuy nhiên uy tín xã hội không chỉ là bộ lọc đặc chủng dành riêng cho chốn quan trường. Nó chính là thước đo khoảng trống mà chúng ta để lại khi từ giã thế giới yêu thương và xinh đẹp này. Một vị công bộc, một bậc tu hành, một cô lao công hay cầu thủ bóng đá, tôi và cả bạn, tất cả chúng ta sẽ hoàn vô nghĩa nếu giá trị uy tín bị quần chúng chấm cho điểm không.

Hãy nhìn lại dấu chân đã đi để biết cách bước tiếp. Sống phải là chuỗi liên kết của những nỗ lực. Học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là hành trình tìm kiếm những điều vời vợi  cao xa. Chỉ cần một ngày chúng ta đang sống  là một ngày chúng ta đang có bổn phận tạo nên uy tín xã hội, thế thôi.

Nguyễn Khắc An

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 5/Bộ Mới/2020)