Đêm, mất điện, thằng bé khóc lè è ỉ ôi. Tiếng mẹ nó hết vỗ về lại quát nạt. Cái giọng Nam Trung Bộ của chị dâu, trước đây Lim nghe thấy ngồ ngộ, thì đêm nay, Lim thấy khó chịu. Đã thế, đủ mọi giọng nói, âm thanh góp vào. “Có mỗi cái việc dỗ con mà không dỗ được”. “Đây, anh giỏi thì dỗ đi”. Kẹt kẹt. Quẹt quẹt. “Đưa cháu đây cho mẹ…”.

Tất cả những thanh âm ấy được Lim đón nhận miễn cưỡng. Cho dù, không có những âm thanh ấy thì Lim cũng không thể ngủ. Hai giờ sáng, điện sẽ cúp từ hai giờ sáng đến bảy giờ. Đã thông báo rồi. Có gì lạ đâu. Vậy mà tất cả vẫn cứ nhốn nháo. Trời đã vào thu và đã mưa mấy trận mà còn oi ả, nồng nực thế. Thằng cháu Lim được bà nội bế ra sân thì im tịt. Vì ngoài sân có gió, trời mát hơn, nó ngủ tiếp. Bố Lim mang ra chiếc chiếu con, trải lên thềm. Bà bế cháu, ông quạt đuổi muỗi. Là Lim tưởng tượng thế. Mẹ có giục bố đi ngủ thì bố cũng không ngủ. Ở đây, người ta kiêng cho trẻ con ra khỏi nhà lúc khuya khoắt. Giờ này mà ngủ, chắc chắn chỉ có thằng Duy, em trai Lim. Nó đang học năm thứ ba đại học Y, đang nghỉ giãn cách ở nhà, cứ đặt người xuống giường là ngủ. Cắt điện, mồ hôi chảy thành dòng nó vẫn ngủ. Thích thế chứ.

Căn nhà xây theo lối từ đường năm gian khá rộng. Gian giữa là gian thờ, kê một chiếc sập gụ lớn. Phía trên là tủ chè, án gian. Hai gian bên kê hai giường. Một giường bố mẹ nằm. Một giường thằng Duy ngủ. Hai buồng thì Lim một buồng. Vợ chồng anh Bảo một buồng. Buồng anh Bảo trước đây là nơi Duy ngủ và học hành. Khi đã là sinh viên, mỗi cuối tuần Duy về thì ngủ ở đó. Anh chị ít về lắm, có khi cả hai năm mới về vài ngày. Đợt này dịch bệnh, anh chị mới đưa hai con về ở. Ở hẳn hay ở tạm thì Lim chưa biết. Nhưng mới chỉ có nửa tháng anh chị về đây, mọi thứ trong nhà đã đảo lộn.

Có nhẽ, nhận ra sự khó chịu của mọi người trong nhà nên sắc mặt chị dâu kém vui. Chỉ Duy là hay xán lại anh chị hỏi đủ thứ chuyện. Ngày kia, chỉ qua đêm nay và ngày mai thôi là thằng Duy lên đường cùng với mấy trăm bác sỹ tương lai vào miền Nam chống dịch. Trường Duy đi đợt này là đợt thứ ba rồi. Lim biết, cả tuần nay bố mẹ không ngủ, mắt mẹ quầng thâm, mẹ như già đi vài tuổi vì lo lắng. Hai thằng con trai bà, đứa thì vừa đưa vợ con từ nơi ấy chạy về, đứa thì hăm hở chuẩn bị lao vào. Thằng anh bảo thằng em “mày đừng ngu như thế, rồi mày sẽ phải ân hận, nhìn anh chị và các cháu đây này, mày có quyền từ chối không đi”. Thằng em ngoan ngoãn không cãi anh, chỉ nói: “Đến bọn con gái còn đi được, thì em sợ gì”.

Bố mẹ Lim chỉ thở dài. Ông bà hiểu tính những đứa con hơn ai hết. Còn Lim, ngày thường, cô cũng đâu có ở nhà. Lim và hai cô bạn nữa chung nhau vốn thuê mặt bằng ở Hà Nội mở một tiệm bánh ngọt, làm ăn khá thuận lợi. Dịch bệnh ào đến, tiệm bánh đóng cửa, nhà trả cho chủ, đồ đạc chia nhau đem về quê. Cả năm nay Lim ở nhà, chỉ quanh quẩn vườn tược. Mọi khi, nhà chỉ có hai bố mẹ ở với nhau. Khi Lim về, đứa con gái hai tám tuổi không người yêu, không tiền bạc mò về, nó chỉ sống yên ổn độ mười ngày là cùng. Sau đó là những xì xào bàn tán chuyện chồng con, duyên số, chuyện kén cá chọn canh, chuyện ế ẩm, chuyện chồng âm chồng dương. Thế rồi, không hiểu sao, do bố mẹ Lim tác động thế nào mà bà con họ hàng thi nhau trở thành ông mối bà mai. Nể tình, Lim cũng cắn răng gặp gỡ một hai người cho họ thấy Lim cũng có thiện chí. Nhưng cả hai cuộc gặp gỡ đều không đem đến cho Lim bất kỳ cảm xúc nào đặc biệt. Một cậu là công nhân lò gạch ngay trong vùng, bằng tuổi Lim, việc rất đều, lương tháng chục triệu, khỏe như vâm, mỗi tội nói lắp. “Em…em…tét…tét…cô…cô…vít chưa?” và giữ khoảng cách có khi tới ba mét trong một cái quán nước bỏ hoang bên bờ sông lộng gió. Một cậu hơn Lim năm tuổi, đang lái xe nâng trong một xí nghiệp ván ép trên địa bàn. Lương cậu này vì làm lâu năm, cả thưởng nữa cũng mười lăm, mười sáu triệu. Cậu ăn mặc rất sạch sẽ, tóc tai gọn gàng. Nhưng từ đầu đến cuối chỉ nói mỗi một chuyện là đám cưới thời dịch thì chỉ nên nội bộ thôi. Không cần cả chụp ảnh, không đưa đón dâu, chỉ năm mâm cơm là vừa, gộp hỏi và cưới vào một ngày…

Lim không chê, nhưng Lim oải đến nỗi không buồn gặp ai nữa. Mẹ giận. “Thì cho mày làm bà tướng”. Còn bố thì bóng gió gà mái đứng cửa chuồng. Đang căng thẳng tột độ thì Duy lù lù đeo ba lô về, nói là về nhà học online. Cũng chỉ được một tuần yên ả. Sau đó, bố mẹ Lim khó chịu ra mặt.

– Nhà này đông người quá, cứ nhong nhóng cả đống. Tao đã bảo rồi, không có y cờ gì cả. Học bảy năm liền, già rồi mới ra trường, còn lấy vợ sinh con nữa chứ. Cha già con cọc có hay ho gì. Chúng bay lấy vợ lấy chồng đi, tao khỏe tao bế con, trông nom cho.

Duy nhe răng cười còn Lim thấy tức thở, thấy ngột ngạt. Nhà Lim trên đỉnh một quả đồi, đất đai vườn tược gần mẫu, mà Lim vẫn thấy ngột ngạt. Bố mẹ nói chuyện chồng con nhiều đến nỗi Lim không muốn ở trong nhà; chỉ lang thang ngoài vườn, làm việc nọ việc kia cho hết ngày. Lim nói với Duy:

– Khi nào có người yêu phải nói với chị để chị còn thu xếp ra ở riêng.

– Duy lắc đầu, “Chị chả phải đi đâu cả, cứ ở đây, vợ em mà yêu em thì sẽ yêu cả chị, lo gì”.

Bố mẹ vừa sồn sồn ao ước có cháu để bế hôm trước thì hôm sau cả gia đình anh Trung đổ bộ xuống sân nhà sau mười lăm ngày cách ly đúng quy định. Ông bế lấy đứa cháu gái năm tuổi nhấc bổng lên. Ôi, vừa ngày nào lẫy ngã ùm ụp nay đã sắp đại học chữ to rồi. Bà đỡ thằng bé hơn ba tháng tuổi từ tay con dâu, nựng rối rít “ôi cục vàng của bà, bé tí tị đã đi cách ly”.

Minh họa của Hải Thọ.

Ngày cục vàng của bà ngủ mê mệt. Hành trình gần hai nghìn km với đứa trẻ ba tháng tuổi cũng chả nhọc nhằn mấy so với bố mẹ chúng, là theo cách nghĩ của người lớn. Nhưng sống trong khu cách ly chắc là không được yên tĩnh, nên giờ về đây, yên ắng một khu, nó nằm duỗi thẳng tay chân ngủ một mạch cả mười tiếng. Ngày ngủ đẫy, đêm nó thức chơi đèn. Ba ngày như thế là nó quen giấc, làm mẹ nó mệt rã rời. Bố bảo cháu ông lệch múi giờ, để ít hôm nữa mát hơn ông sẽ cai ngủ ngày. Vừa cai được hai hôm thì mất điện. Mất điện là cực hình với trẻ bú sữa mẹ. Cả nhà loạn lên. Lâu lắm rồi, phải gần chục năm, đây là dịp đầu tiên cả nhà sum họp quây quần trong một quãng thời gian dài thế. Chị dâu Lim là người ít nói, ngại giao tiếp, lại sẵn cái tình cảnh hạn chế đi lại nên chị không đi đâu, chỉ loanh quanh ở nhà bế con, cơm nước, giặt giũ. Lim chưa có một cuộc nói chuyện chính thức nào với chị dâu trong suốt bảy năm chị làm dâu con trong nhà. Lim thấy cũng bình thường.

Sáng dậy, cả nhà uể oải. Lim đang chải tóc ngược lên để búi thì chị dâu đứng bên cạnh hỏi “cô sắp có cỗ chưa?” Lim giật mình, đến cái người biền biệt vài năm mới về cũng còn hỏi thế. Lim bần thần.

– Còn lâu chị ơi.

– “Chừ đã yêu bao giờ chưa?” Chị dâu tỏ ra quan tâm.

Lim nhìn vào mắt chị, thoáng bẽn lẽn gật đầu.

Lim biết yêu từ cái ngày rời quê xuống thành phố học đại học. Những ngày xa nhà Lim thấm thía một nỗi nhớ rất lạ cứ lớn dần. Lim nhớ một người bạn từ thuở hoa niên. Lim và người ấy bằng tuổi nhau nhưng nhà người ấy nghèo, mẹ góa con côi, người ấy chỉ học hết cấp ba rồi ở nhà làm lụng giúp mẹ. Những tình cảm đầu đời đẹp đẽ ấy được hai người giữ kín qua những cuộc điện thoại. Cho đến một ngày, Lim đang học thì có một người bạn ở quê nhắn tin. “Nếu xin được nghỉ học thì về nhà nhé”. Lim nhấp nhổm suốt buổi, tan lớp, xuống đến sân là Lim gọi điện thoại cho bạn cũ. Bạn bảo, người ấy mất rồi. Lim như đổ xuống sân trường, bạn bè phải dìu Lim về.

Sau sự ra đi của người ấy, Lim trầm cảm một thời gian dài và việc học của cô phải chậm lại một năm.

Đứng trên vườn nhà Lim nhìn thấy hồ nước. Nó vốn là một cái hồ tự nhiên được con người cải tạo thành hồ thủy nông lớn nhất vùng cực Tây của tỉnh. Quanh hồ nước là những rừng keo lá tràm xanh rợn, thi thoảng còn có cả những đồi chè râm ran tiếng người mỗi ngày thu hái. Tuổi thơ của Lim gắn với hồ nước từ những bước chân đầu tiên xách giỏ theo bố đi cào dậm hay rắc thính đặt lờ tôm, cắm ống lươn, thả lá sắn bẫy ốc… Lớn thêm chút nữa, Lim ra hồ cùng đám bạn, tự mò hến, bắt cua. Tất nhiên, Lim không bao giờ đi xa bờ, không bao giờ biết hồ nước sâu bao nhiêu, rộng bao nhiêu. Sau này, khi đi học xa nhà, trong ký ức của Lim, vẫn có góc hồ ấy, dát đầy cỏ vảy ốc nở hoa tím ngắt vào mùa đông.

Chị dâu mất ngủ nhiều, kêu nhạt miệng, thèm ăn món rau đồ đắng. Hai chị em đi quanh vườn hái được một rổ ngải, một chét ngọn đu đủ đực. Bố đào cho ba ngọn măng sặt cuối mùa, đảm bảo đắng hơn ký ninh. Mẹ hái cho ít quả cà đắng và mướp đắng. Mẹ bảo phụ nữ đang nuôi con bú mà ăn nhiều thức đắng thì lạnh bụng, không tốt cho con. Chị vẫn tần ngần, thiếu một vị nữa, phải đủ bẩy vị đắng khác nhau thì món này mới ngon. Lim chợt nhớ ra. Chị ơi, còn một loại rau đắng nữa, chị nghe tên đắc đốm bao giờ chưa, có nơi còn gọi rau đắng cảy. Nó mọc trong nương chè nhà mình, mùa này đắng lắm. Mùa mà đắc đốm ít đắng nhất chính là mùa xuân.

Hai chị em mò mẫm đi qua một vạt đồi toàn những cây thành ngạnh và thừng mực nhà nuôi làm củi rồi tới nương chè mà dễ có sáu năm Lim chưa từng đặt chân đến. Những cây thành ngạnh đang bong rộp lớp vỏ ngoài để lớn lên. Những bụi chè vè sâm tốt, chỉ nhìn thôi đã sợ đứt tay. Những cây vú bò quả sai chi chít, mỗi nách lá là một quả, có khi cả chùm quả. Trời thu trong veo, không khí mát lành đến lạ. Chả bù đêm qua mất điện, trong nhà ngột ngạt quá chừng. Vì chưa đến tiết sương giáng nên lá chè còn láng bóng sau những ngày ngâu dầm. Những ngọn chè nhướng lên nghe hơi bão. Chị dâu nghiêng tai, hỏi:

– Lim có thấy không khí đang giao nhau không?

– Là sao hả chị?

– Là chị thấy như có hai luồng không khí vừa đi qua chị. Một mát lẹm, một nóng hổi.

– Ôi, chị học văn chắc giỏi, em nghĩ nóng là do chúng ta đi xa thôi, với lại chị nuôi con bú, người thường nóng.

Chị dâu chỉ nhoẻn cười. Đúng lúc ấy thì một làn gió ấm thổi qua má Lim cùng tiếng hỏi của chị dâu:

– Gần đây có xưởng cưa không em?

– Lim lắc đầu, “Xa đây chừng hai cây số mới có cái lò gạch”.

– “Tai chị sao nhỉ, sao chị nghe tiếng máy cưa?” Chị dâu lẩm bẩm.

Lim chưa kịp định thần thì đã nghe tiếng rú rít vọng đến. Âm thanh mỗi lúc mỗi giống tiếng phản lực chuẩn bị cất cánh. Lá keo, lá chè, và lá thành ngạnh bị gió bứt khỏi thân cây, hất lên cao, cuộn lại như người ta đang cuộn một tấm thảm kết bằng lá khổng lồ rồi gió lại đem thảm ấy trải lên mặt hồ nước. Lim nắm lấy tay chị dâu cuống quýt, “Chúng ta về thôi”. Hai chị em vội vàng bám vào những cây thừng mực dẻo dai để ngược đồi. Bất chợt, cả hai nghe thấy tiếng kêu cứu và cùng quay đầu nhìn xuống hồ nước. Có người đang giã gạo, hai cánh tay trắng nõn giơ lên chấp chới và tiếng kêu đầy tuyệt vọng “Cứu tôi với!” Trời đất bỗng tối sầm, giống như ai vừa đem một chiếc màn đen khổng lồ căng lên. Tiếng cây vặn răng rắc trong gió. Hai chị em bám chặt vào gốc thừng mực, bối rối nhìn xuống mặt nước. Hai cánh tay sau vài phút chới với thì chập làm một, trườn vào khoảng không trên mặt hồ, đu đưa như một con bạch xà. Tiếng máy cưa chói tai kèm theo cảm giác mặt đất như nứt đôi. Chị dâu thảng thốt:

– Chúng ta không thể bỏ mặc họ em ơi!

– Lim sợ hãi đến lạc giọng, “Đừng chị, quỷ nước đấy!”

Lim dứt lời thì trời bừng sáng. Dưới hồ mọc lên một cột nước khổng lồ cao như tòa nhà năm tầng và rộng bằng ba cái giếng làng. Cái cột nước cứ cao lên mãi rồi bất ngờ gãy gập, đổ ụp xuống tạo thành những con sóng lớn chồm lên bờ đem theo cá tôm, lá cây, rác rưởi và những mảnh thuyền vỡ. Bọt nước bắn cả vào mặt hai chị em. Tất cả diễn ra chỉ chừng năm phút. Chị dâu đưa tay ôm ngực, Lim nhìn thấy ngực chị đẫm ướt. “Sữa đấy! Cứ như có sợi dây thít ngang ngực chị Lim ạ. Rồi người chị như bị vặn ra đằng sau, khủng khiếp lắm”. Lim rùng mình. Trên đường về, Lim kể cho chị dâu nghe về câu chuyện đã nhuốm màu huyền thoại. Chuyện về sự ra đi bí ẩn của Thái.

Bữa trưa ấy, đúng như chị dâu nói, sáu vị đắng không đủ làm thành một món hấp hảo hạng. Nhưng mẹ và bố tấm tắc khen suốt bữa. Chị dâu là người thiểu số, chị ăn đắng từ bé quen rồi, với lại chị cũng khiêm tốn mà nói thế. Với Lim, chỉ hơn một vị đắng đã là nhiều rồi. Bố bảo chị.

– Tí nữa kiểm đếm áo xống xem có đủ không, vừa lốc xoáy lớn lắm, nó còn bốc xong cái sân ngô hạt rồi, đem đi đâu chả biết.

– Ở đây hay có lốc xoáy hả bố?

– Ừ, nhà gần hồ mà. Cứ tháng Ba và tháng Mười, năm hai cữ. Gió hú ầm ầm. Đấy, vừng nhà nào mới chặt, nó cuốn đến nhà mình cả đống cây kìa, nhưng chả còn hạt nào.

– Chị dâu nhìn Lim tủm tỉm, “mất vài chục cân ngô có đáng gì đâu bố. Kiểu gì xoáy lốc cũng đem đền cho nhà ta một chàng rể bố ạ”.

Cả nhà đều nhìn Lim cười. Thằng Duy thấy mọi người vui vẻ thì dễ chịu hẳn. Sáng mai nó lên đường vào miền Nam rồi. Chứ kẻ ở mà rầu rĩ thì người đi sao yên lòng.

Tối. Lim cùng Duy sắp đồ. Lim hỏi Duy:

– Theo em, có quỷ nước không?

– Duy xịu mặt, “Chị đừng nhắc đến anh Thái được không? Để anh yên, có khi anh ấy đầu thai vào kiếp khác rồi ấy chứ”.

– Ừ. Nhưng sáng nay, chị với chị dâu vừa gặp quỷ nước đấy. Nó cũng định lừa chị, nhảy xuống là đi đời rồi. Giờ thì chị hiểu là nó đã giết Thái như thế nào. Thái đã cố gắng để làm một việc tốt. Thái tuyệt đối tin vào tiếng kêu cứu. Em không tin à?

– Duy nhìn chị gái, giọng chín chắn khác thường, “Chị ơi, em tin là có quỷ nước. Nhưng quỷ nước không phải là ma quỷ, ma nước như làng đồn đại, mà là một hiện tượng thời tiết. Khoa học giải thích rằng đó là sự va chạm đột ngột của hai luồng không khí ấm và lạnh thường diễn ra ở mùa thu này. Hai luồng khí càng lớn và va chạm càng mạnh thì hiện tượng này diễn ra lâu và cường độ lớn. Trên mặt đất hay ở cánh đồng thường gọi là lốc xoáy đấy chị. Lốc xoáy lớn còn cuốn cả nhà cửa lên cao, gây chết người ấy chứ. Mất mùa màng còn là nhẹ. Lốc xoáy mà ở biển, sông, hồ thì người ta gọi là quỷ nước hay vòi rồng vì những cột nước rất lớn được tạo ra cuốn theo cá tôm, tàu thuyền, con người vào. Những âm thanh nó tạo ra khi ấy rất dễ khiến con người nhầm lẫn. Gần đây em cứ nghĩ, virus corona cũng đang tạo nên những cơn lốc xoáy ở khắp mọi nơi, nó đã cuốn đi bao nhiêu sinh mạng, bao nhiêu của cải, bao nhiêu sức lực của con người…”.

– “Thôi, thôi, không nói chuyện ấy nữa”, Lim cắt lời em trai. Tay cô thoăn thoắt xếp đồ vào vali. Duy cản lại. “Chị! Có lúc nào mà mặc những đồ này đâu. Em phải mặc đồ bảo hộ chứ, kín mít mà, đem làm gì cho nặng hả chị? Đem vài bộ thôi”.

Nằm trên giường, Lim trằn trọc không ngủ. Lim nghĩ, gần đến giờ rồi. Lim ngồi dậy, không bật điện, vớ lấy cây đèn pin, khẽ mở cửa buồng, đi ra nhà lớn. Lạ chưa, nhà lớn chỉ khép cửa chứ không đóng. Lim soi đèn lên giường Duy. Nó ngủ ngon lành. Sáng mai 6h, xe đón nó đi rồi. Bố với anh Trung cũng lạ, không ngủ bạn với nó một đêm. Lim soi đèn sang giường bố mẹ, không thấy hai người đâu. Lim khẽ đẩy cửa, bước ra thềm. Ngọn lửa bập bùng dưới bếp làm Lim khựng lại. Mẹ Lim đang canh nồi xôi. Còn bố Lim đang mổ gà ngoài bể nước. Lim khẽ hắng giọng. Bố giật mình, khẽ nói, “Bé miệng thôi cho thằng bé ngủ. Giúp bố một tay”. Lim không biết bố đang nói thằng bé nào, con trai út hay cháu đích tôn của bố. Lim hỏi nhỏ, “Bố mẹ làm thức ăn để em mang đi à?” Bố không nói gì, xả nước vào chiếc nồi chuyên để luộc gà, hối Lim bưng vào bếp. Lim vừa trở ra thì gặp anh trai đứng ở sân. Anh nhẹ nhàng phủ cái khăn hoa hồng lên chiếc bàn gỗ. Lim hỏi anh:

– Cúng hả anh? Sao lại cúng ngoài trời?

– Cúng thần linh chả ở ngoài trời thì sao.

– Thế sao không cúng ông bà?

– Gia tiên thì sáng mai mới cúng. Hỏi lắm. Đi ngủ đi!

Lim đi vào buồng, bật bóng ngủ, cô mở tủ, lấy ra một túi đồ, chủ yếu là bánh kẹo, nước ngọt, ít vàng mã. Những thứ này cô vừa bí mật mua về chiều nay. Đang mùa búp, người hái chè đầy nương. Mà Lim thì không muốn ai biết, kể cả bố mẹ. Còn tiếng nữa mới đến hẹn với chị dâu. Lim tắt điện, ngồi trong bóng tối.

Hai chị em rời nhà lúc gần 1h sáng. Khi bố mẹ và anh trai đã hoàn tất các nghi lễ cúng thần linh. Mẹ Lim duy tâm lắm. Sự kiện gì được bà xem là trọng đại thì bà rất chu đáo phần cúng lễ. Ngày các con đi thi, ngày Lim tốt nghiệp, ngày anh trai lên đường nhập ngũ, ngày anh đi Nam, mẹ đều lòng thành sửa lễ cúng gia tiên và thần linh thổ địa. Mẹ bảo cúng thần linh vào lúc các vị ấy giao ban thì mới đông đủ nên thường chọn cúng ở thời khắc cuối ngày cũ đầu ngày mới. Trước giờ Lim thường cho rằng đó là việc của mẹ, Lim ít để ý. Nhưng không hiểu sao lần này, lòng Lim cứ thấp thỏm lo lắng về việc Duy lên đường “chống dịch”. Lim nghĩ, nếu đúng là có thờ có thiêng, thì Lim sẽ cậy nhờ đến một sự linh thiêng mà Lim hằng tin bấy nay.

Chị dâu xách đồ đi sau, Lim cầm đèn đi trước. Cô còn mang theo cái bàn gấp cũ bằng nhựa của Duy. Hai chị em men theo con đường đi tìm rau đắng lúc sáng để xuống vạt đồi toàn cây thành ngạnh.

Trời bàng bạc ánh thượng huyền phía tây. Khoảng mười phút sau thì chị em cũng chạm tay vào những búp chè đầu tiên. Giờ thì dễ đi rồi, vì chè có hàng có lối, cứ theo hàng dọc là lao thẳng xuống chân đồi. Ánh đèn của Lim đã lia xuống mặt hồ đêm yên ả. Chưa đầy năm phút thì hai chị em đã đến một con đường mòn nhỏ. Hồ nước chỉ cách đồi chè con đường này thôi. Lim thì thầm, “Em nhớ không nhầm thì chỗ này chị ạ”. Lim mở chiếc bàn gấp ra. Chị dâu thoăn thoắt thắp nến lên. Lim sắp đồ lên đĩa đặt trên bàn và châm ba nén hương. Hương cháy, Lim rì rầm khấn. Chị dâu đứng ngay đấy mà không nghe rõ câu gì, thi thoảng chỉ nghe thấy tiếng sịt soạt của em cô.

Mặt hồ xao sóng, tiếng ì oạp bất thình lình dội lên khiến hai chị em đều bủn rủn. Hai người ôm chầm lấy nhau. Ba nén hương bốc cháy. Như có tiếng còi tầu xa xăm vọng về. Lim nhớ đến những lần Thái đạp xe chở cô sang ga gần 15km. Mỗi khi nghe tiếng còi tàu, Thái đều đọc đúng tên số hiệu con tàu, là xuôi hay ngược. Lẫn trong tiếng còi tầu là tiếng gió. Nhưng là gió nóng rẫy. Lim thấy mồ hôi đang chảy trong người nhớp nhúa. Bỗng nhiên ngọn nến tắt vụt. Cây đèn pin gác trên mặt bàn phát ra một thứ ánh sáng xanh lét ma quái như con quỷ một mắt. Chị dâu chộp lấy cây đèn lia quanh. Ánh đèn quét phải thứ gì đó vừa nhô lên khỏi mặt nước, cách chỗ chị em Lim đứng chừng hai chục mét. Chị dâu dúi cây đèn vào tay Lim. Lim quét lại một lần nữa và nhận ra một con thuyền nhỏ đang dập dềnh tiến vào bờ. Trên thuyền không có ai cả. “Thái ơi, mai thằng Duy đi làm nhiệm vụ…”, giọng Lim tắc nghẹn. Tiếng còi tầu trôi xa.

Lim đi sau, tay xách đồ, tay xách bàn. Chị dâu tay cầm cây đèn hết pin đi trước. Hai người dúi dụi ngã mấy bận mới qua được nương chè. Đến vạt đồi thành ngạnh, dừng lại, dựa vào gốc cây mà thở. Và cả hai chợt nhận ra, sao trời chi chít và đêm rất sáng.

Hai chị em về đến sân thì nghe tiếng anh Trung vụng về ru con. Chị dâu rửa tay chân, đi vào nhà, thay quần áo xong mới đón lấy thằng bé đang ngủ say. Giọng anh trai như kể công. “Khóc suốt đấy. Cho uống sữa xong là ngủ. Mà lạ thế, cứ ra ngoài nhà là nó ngủ ngon. Hai chị em đi đâu lâu thế hả?”

Chị dâu bế thằng bé đến thẳng giường Duy đang ngủ. Chị vén màn, thấy Duy nằm sát phía trong, mặt quay vào tường nguyên xi như lúc mới ngủ. Chị dâu đặt thằng bé xuống giường, tay vỗ nhẹ vào lưng em chồng. “Cho cò ngủ bạn chú Duy với nhá, ngoài này mát quá”. Duy nhoáng nhoàng mở mắt, thấy cháu thì vội xoay người ra, nựng khẽ.

– Khôn ghê cơ, để khi về, người ta mua cho nhiều quà nhất chứ gì.

– Chị dâu giục anh trai, “Anh nằm xuống đây mà canh hắn, chứ hắn lẫy là văng xuống đất đấy. Để em vào đem gối ra cho hai bố con”.

Tống Ngọc Hân

(Truyện ngắn đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 27, tháng 10/2022)