Trời trở lạnh, mưa tí tách chạm đất, những con gió lạnh lùa từng đợt qua nếp nhà sàn đã cũ. Ngồi bên bếp lửa nghe tuổi thơ ùa về trong những truyện cổ tích mẹ kể. Âm vị của quê ngọt ngào và trong trẻo, thèm nghe tiếng thoi đưa lách cách bên khung cửi ngày xưa mẹ dệt chăn cho các chị đi lấy chồng. Hình ảnh những đêm mẹ và các chị ngồi quay sợi vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức. Thèm nghe câu hát “ư là ơi” hằng ngày mẹ ru, thèm những tiếng vọng của câu lăm, điệu xuối giữa mênh mang núi rừng…

Dù ngược hay xuôi theo quốc lộ 7, cách trung tâm thị trấn Thạch Giám độ 2 cây số, chỉ cần rẽ qua cầu treo bản Lau là đến với quê tôi bản Mác. Gọi là cầu bản Lau nhưng lại được xây dựng trên đất của bản Mác. Ấy là do khi khảo sát lập dự án đầu tư xây dựng ban đầu là tại địa điểm bản Lau, về sau điểm ấy không phù hợp, thế là huyện chuyển cầu lên địa điểm bản Mác, nhưng cái tên dự án thì không thay đổi, vì thế cái cầu treo ấy vẫn cứ lấy tên là cầu bản Lau. Quê tôi, gắn liền với truyền thuyết về tạo Pha Nha Xay đánh giặc. Trong một trận chiến không cân sức, ông bị giặc Xá chém đầu sắp lìa khỏi cổ, máu chảy lai láng. Ông chạy vào rừng sâu để thoát khỏi vòng vây kẻ thù. Một ông tiên hiện lên và bảo ông cứ đi về phía đông, khi nào gặp được mười một cô tiên nữ trước khi mặt trời mọc thì sẽ được cứu sống. Ông chạy đến cửa khe Mác, dưới chân núi Pù Đằng thì phía đông trời đã ửng hồng, ông ngã gục xuống lòng suối. Phía sau lũ giặc ào ào xông tới. Mười một tiên nữ vội vùi xác ông xuống đất và hóa thành mười một hòn đá để vùi lấp không cho giặc lấy xác ông đi. Về sau, ngay cửa khe Mác có một tảng đá to mọc lên, dưới chân tảng đá ấy là mười một hòn đá nhỏ, dân gian gọi tảng đá ấy là hòn Pha Nha Xay. Dân bản lập đền thờ ông ngay trên mỏm đồi đối diện với hòn Pha Nha Xay và đặt tên là Xắn Đên(1). Nơi đây cảnh đẹp hữu tình, “Quai Xốp Cháo, xáo bản Mác”(2) đó là quê hương của những cô gái đẹp. Về với bản Mác đắm mình với những giai điệu mượt mà của tiếng xuối, nhuôn và tiếng quạnh loòng rộn rã. Về nơi nức tiếng nhất vùng về rượu nếp nương men lá và thổ cẩm.

Bên khung cửi. Ảnh: Sách Nguyễn

Bản Mác quê tôi, đời sống kinh tế, xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, bởi đất đai không được màu mỡ. Trong bản chủ yếu là người Thái, nhưng sau năm 1975 có vài hộ dân tộc Kinh về đây kẻ buôn bán, người đánh bắt cá sông và định cư lại. Sinh sống lâu năm họ đã quen với phong tục tập quán và cách sinh hoạt của người Thái, từ thân thiện rồi coi nhau như anh em một nhà.

Bản Mác gần một trăm hộ thì đã có trên chín mươi hộ là người Thái. Những mái nhà sàn, hướng dựa lưng vào đồi núi, mặt nhìn ra sông, suối. Họ là cư dân lâu đời nhất sinh sống trên mảnh đất vùng cao này và vẫn còn những nét văn hóa bản địa đặc sắc, thể hiện văn hóa, lịch sử tộc người. Đối với các dân tộc thiểu số khác ở huyện Tương Dương cũng như ở vùng khác, thì những bộ trang phục rực rỡ chính là thứ làm nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc đó. Tuy nhiên, đối với người Thái quê tôi thứ làm nên bản sắc văn hóa của họ lại đến từ những tấm thổ cẩm đầy màu sắc hòa lẫn những tâm tư tình cảm của người tạo ra nó. Thổ cẩm của người Thái bản Mác là sự sáng tạo phong phú và đa dạng của những nghệ nhân không chuyên qua nhiều thế hệ, mang dấu ấn của sự phát triển tri thức dân gian của dân tộc Thái để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống ngày một đa dạng, phong phú về cả văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất.

“Ài ơi đến với noọng mà xem nương bông trắng muốt Pu Đằng, như những áng mây bên bậc thang, cửa sổ”. Câu ca ấy cứ da diết mời gọi bạn bè du khách về đây ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ và những cô gái Thái dịu dàng bên khung cửi. Nghề dệt có nguồn gốc từ câu chuyện cổ tích mà nàng tiên ban tặng hạt giống quý, đến hôm nay quê hương bản Mác ấm no, hạnh phúc. Hạt giống đã ban cho đồng bào ấm áp lúc Đông sang, cho sặc sỡ muôn sắc hoa mỗi độ Xuân về.

Mẹ tôi là người dệt thổ cẩm giỏi nhất vùng, khách hàng của bà có thể từ nhiều huyện khác, thậm chí là từ bên Lào sang. Mẹ tôi bảo, trước đây năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người Thái ở bản Mác đều tổ chức lễ hội thổ cẩm để tạ ơn đất trời, tạ ơn tổ tiên đã sinh ra nghề trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm dệt vải – một cái nghề độc nhất vô nhị của vùng rừng núi, và cùng nhau kể lại cội nguồn về cái nghề này với những câu chuyện mang chất huyền thoại. Bây giờ, lễ hội thổ cẩm hầu như không ai còn tổ chức nữa.

Ngày xưa người dân nơi đây chưa có nghề trồng bông dệt vải, trang phục hàng ngày được khâu từ vỏ cây pản, cây nhạp đập mềm phơi khô hoặc dùng đồ của người trung châu (miền xuôi). Người già kể rằng: Cứ mỗi vụ giáp hạt tháng Ba, hay những ngày đứt bữa tháng Tám lại có một bà ăn xin xuất hiện ở bản. Bà người gầy gò, ăn mặc rách rưới lại không có nhà để về. Dù trong những ngày khó khăn nhất nhưng người dân trong bản vẫn luôn đùm bọc, sẻ chia với bà bát cơm, manh áo để vượt qua những ngày rét tháng Ba tê cóng chân tay. Một hôm bà đang định đi qua cầu thì bị ngã xuống suối, nhờ có người dân trong bản nên bà được cứu sống. Bà lão được đưa vào ngôi nhà gần đấy, sưởi ấm và hong áo quần. Vợ chồng chủ nhà dọn cơm mời bà ăn rồi mời bà ngủ lại qua đêm. Sáng ra cả nhà hoảng hốt không thấy bà lão đâu. Người vợ vào xem chỗ bà già nằm thấy một cái túi vải. Người chồng mở ra xem. Trong túi có những hạt nho nhỏ, màu đen. Họ đem túi hạt ấy gieo ra nương. Không lâu sau đó đám hạt đã nảy mầm. Tháng Năm cây ra hoa trắng muốt, rồi làm quả. Tháng Tám quả khô vỏ tách ra những nuốm sợi mỏng tang trắng muốt, mới hay là cây bông. Thế là có bao nhiêu hạt, mùa ấy họ đem trồng hết. Năm sau chia hạt cho hàng xóm. Qua ba, bốn năm cả bản biết trồng bông, năm sáu năm thì cả vùng trồng. Bấy giờ, người ta mới chỉ biết dùng bông làm chăn, làm đệm mà thôi.

Vài năm sau, vào ngày hội đầu năm, có bốn thiếu nữ rủ nhau đi hội. Lúc lội qua con suối nhìn thấy đàn cá mát đang chen nhau bơi ngược dòng, họ lội theo để bắt. Họ ngược dòng suối đuổi theo mãi. Đàn cá biến mất, thấy trong hang phát ra những vầng sáng, các cô gái đã rủ nhau vào đó. Ở đây các cô gái gặp lại bà lão ăn xin đang ngồi quay xa xe chỉ và được bà lão truyền lại nghề dệt vải. Bấy giờ mọi người trong bản mới biết bà lão ăn xin chính là bà tiên. Từ đó nghề dệt vải được truyền từ đời  này qua đời khác và còn lưu truyền đến ngày hôm nay.

Phong tục nơi đây quy ước con gái khi về nhà chồng phải có đủ ít nhất 12 tấm chăn bông thổ cẩm và 4 tấm chăn đơn cùng với 1 đôi nệm bông lau, 12 cái gối. Người dân nơi đây quan niệm, con gái biết trồng bông dệt vải mới là người siêng năng, đảm đang, biết lo toan gia đình. Trước đây ở trong bản, hầu như nhà nào cũng có khung cửi, đó là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ Thái quê tôi. Ban ngày họ lao động trên nương rẫy, đêm đến lại miệt mài bên khung cửi để dệt nên những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, những cô thiếu nữ người Thái ở bản Mác đã phải theo mẹ, theo bà lên nương trồng bông lấy về dệt vải hay ra bờ sông trồng dâu, hái lá đem về nuôi tằm lấy tơ. Để làm ra được một tấm vải thổ cẩm thì phải trải qua rất nhiều công đoạn. Dệt được một tấm thổ cẩm không phải chỉ mất một, hai ngày ngồi bên khung dệt, mà còn phải trải qua khoảng thời gian dài, thậm chí kéo dài cả năm, từ đốt dọn nương, trồng bông, nhặt bông nở, đem phơi, xoắn, cán, bật, xe sợi, làm cuộn, hồ sợi, quay thành búp… Đồng bào gieo hạt cây bông vào mùa Xuân, cùng với các loại cây trồng khác ở trên nương, đến tháng Tư, tháng Năm, cây ra hoa trắng muốt và bắt đầu sai quả. Đến tháng Bảy tháng Tám thì quả bắt đầu khô vỏ và tách ra những sợi bông trắng tinh. Người ta lấy những hạt bông về phơi khô rồi cán hạt ra, tách sợi bông với hạt ra để riêng. Khi đã có bông rồi, không lẫn các vật khác thì người ta đem đi bật cho bông tơi và lẫn đều nhau, vì như thế bông mới kéo thành sợi được. Sau đó, người đem bông đi giã nhẹ dưới nước để cho chắc sợi. Khi bông đã được kéo sợi rồi thì người ta đem đi nấu với gạo trong khoảng một đêm để các sợi vải chắc, cứng và bóng sợi. Tiếp đến họ sẽ đem đi phơi khô và vò hết các hạt bụi, sạn lẫn trong vải ra. Những sợi vải được quay thành những cuộn nhỏ để sau này lấy sợi ra cho dễ. Để dệt thành vải, người ta phải đo những sợi vải đó, tùy thuộc vào mục đích và sản phẩm như: chăn, màn, địu… Người ta thường lấy 4 chân cột nhà làm thước đo, cứ mỗi vòng vải quanh cột thì dệt được một mảnh thổ cẩm, khi nào đo xong thì họ mới đặt vào khung cửi để dệt. Việc dệt vải là công việc bắt buộc của con gái, đàn ông không được phép ngồi vào khung cửi đấy.

Dệt thổ cẩm. Ảnh: Sách Nguyễn

Để dệt thành những tấm thổ cẩm đẹp, nhiều màu sắc, người ta thường phải nhuộm màu cho vải từ các loài hoa hay vỏ cây trong tự nhiên, nhưng chủ đạo vẫn là màu chàm. Hoa văn, họa tiết trên các tấm thổ cẩm cũng rất độc đáo, nó là những hình ảnh cách điệu từ các loại hoa thân thuộc trong đời sống như hoa cà, hoa bưởi, hoa rừng hay cách điệu những con chim, thú… Màu sắc hoa văn rực rỡ, sự phối hợp các màu nguyên sắc có độ tương phản khá mạnh. Không có nguyên tắc về hoa văn của thổ cẩm người Thái ở bản Mác. Mỗi tấm mỗi khác, là do người dệt nghĩ ra, xấu đẹp phụ thuộc vào sáng tạo của mỗi người. Nhìn hoa văn biết sự tinh tế của người con gái, biết tâm tư tình cảm của cô gái đó, biết khi dệt mặt chăn cô có nghĩ tới ai không, mơ về chuyện gì không. Đó chính là điều làm nên sự quyến rũ của những đường hoa văn thổ cẩm nơi đây, hút hồn nhiều du khách và gợi nhớ thương trong lòng những người con xa xứ. Có thể nói, trên từng khung dệt, với tình yêu bản làng, dân tộc, tình yêu lao động và sự đam mê sáng tạo, những thiếu nữ Thái đã thổi hồn vào từng tấm thổ cẩm màu xanh của cây rừng, màu đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời, màu nâu của mảnh đất, của quê hương. Màu sắc và hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm là tinh hoa, là biểu tượng đặc trưng của mỗi dân tộc, mỗi địa phương, vì vậy thổ cẩm của mỗi vùng đều có sự khác biệt, không hòa lẫn vào nhau, kể cả của các bản người Thái với nhau cũng có sự khác biệt. Bố cục của một tấm thổ cẩm khá đơn giản: Có hai loại hoa văn cơ bản là hoa văn nền và hoa văn nổi. Hoa văn nền gồm đường viền khung, đường nền xen giữa các ô hoa văn có màu sắc.

Mặc dù, hầu hết người Thái ở huyện Tương Dương đều biết trồng bông dệt vải, nhưng nổi tiếng nhất là thổ cẩm của người Thái ở bản Mác quê tôi – nơi được coi là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm nơi đây. Chị Lương Thị Lan – một nghệ nhân dệt vải ở bản Mác khẳng định: “Hoa văn trên thổ cẩm bản Mác không giống bất cứ hoa văn của dân tộc nào, thổ cẩm bản Mác mặc vừa mềm, vừa ấm, nhưng rất thoáng, khác hẳn với thổ cẩm của một số dân tộc khác”. Chính vì thế mà những câu chuyện trồng bông dệt vải của vùng đất này đã được khắc họa trong biết bao truyền thuyết, ca ngợi sức sáng tạo và đức tính cần cù của bà con nơi đây. Ngày nay, trên những ngọn núi không còn là “những nương bông trắng đất Pu Đằng” nữa, mà thay vào đó là những màu xanh của rừng trồng, của ngô, sắn. Nghề trồng bông dệt vải không còn phổ biến như xưa nữa, bây giờ vải vóc, quần áo đều được người dân mua từ chợ về, chỉ khi nào cưới xin thì người ta mới dệt một, hai tấm chăn để theo tục lệ mà thôi, nhưng mà chất liệu cũng không còn là bông nữa mà là những sợi len ngoài chợ. Mặc dù vậy vẫn có một dòng chảy ngầm với thổ cẩm bản Mác nói riêng và của cả Tương Dương nói chung khiến du khách không thể không lưu luyến mỗi khi đặt chân tới đây. Được biết, trong thời gian tới Chi hội Phụ nữ bản Mác sẽ lập dự án vay vốn để khôi phục nghề trồng bông dệt vải truyền thống.

Mặc dù nghề trồng bông dệt vải không còn phổ biến nhưng đâu đó trong bức tranh sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Thái ở bản Mác hay bất cứ bản, làng Thái nào đó của Tương Dương vẫn thấy thấp thoáng màu hoa văn còn lưu lại trong mỗi vuông thổ cẩm địu trên lưng bao người mẹ, người bà nhọc nhằn qua năm tháng. Mỗi mùa Đông đến, khi những đợt gió lùa qua khe cửa, tôi lại mơ về cái bếp vuông đỏ lửa trên sàn, những tấm chăn thổ cẩm ấm áp mẹ dệt năm xưa, trong tiếng vọng của câu xuối, câu lăm và tiếng pí, tiếng khèn giữa trùng điệp núi rừng…

  1. Xắn: tiếng Thái nghĩa là dãy đồi.
  2. Trâu ở bản Xốp Cháo (ở Mường Kom) rất to mập, gái bản Mác rất xinh đẹp.

Vi Hợi

(Bài đăng tạp chí Sông Lam số 22, tháng 4/2022)