Gió giật từng cơn, hàng cây xanh bên đường vật vã. Bầu trời Sài Gòn xám xịt nặng nề như một chiếc chăn bông sũng nước. Tiếng mưa rơi lộp độp ngoài hiên, con đường vắng trước nhà chốc lát đã thành con suối nhỏ, làn gió cuối Thu se lạnh tràn về.

Ừ nhỉ! Lại sắp hết năm rồi. Cuộc đời ngẫm ra đâu có dài như mình tưởng?

Nhớ mẹ quá, nhớ quê nghèo thân thương quá, nhớ cơn mưa dầm ngày xưa ấy, mẹ khoác áo tơi ra đồng cấy lúa dưới mưa.

Ảnh minh họa, nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Tôi sinh ra tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, một xã siêu nghèo gần dòng sông Lam. Đồng khô. Cát bạc. Hoang hóa. Điêu tàn. Câu hát mẹ ru và cánh diều nhỏ tuổi thơ đã nuôi tôi khôn lớn.

Quê nghèo khắc nghiệt lắm: Mùa Đông gió bấc não nùng tê buốt như cắt da cắt thịt. Mùa Hè gió Lào hầm hập như chảo lửa, sờ đâu cũng thấy nóng, nóng hóa điên hóa dại, nghe ai nói to một chút là muốn nổi khùng.

Buổi đi học, buổi chăn trâu, lũ con nít chúng tôi làm bạn với dăm, với cồn, với xương rồng và sim dại. Uống nước ruộng và cởi truồng tắm chung với trâu bò dưới những hố bom. Tuổi thơ trôi qua với bao kỷ niệm buồn.

Căn nhà lá thời tuổi thơ xiêu vẹo, rách tả tơi vì bão giông và bom đạn. Cha mẹ quanh năm lam lũ bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, tần tảo siêng năng mà cái đói cái rách vẫn kiên trì đeo bám, thức khuya dậy sớm mà nghèo vẫn hoàn nghèo.

Không nghèo sao được! Khi lúa gặt về lo sàng sảy phơi khô, hạt nào ngon kẽo kẹt gánh gồng nhập hết cho cửa hàng lương thực huyện, còn lại mớ thóc lép dành phần mình. Lợn nuôi trong chuồng chưa kịp lớn đã bắt cân nghĩa vụ cho cửa hàng thực phẩm xã, mấy tháng trời công sức và rau cám, chỉ được dăm bảy lạng lòng.

Ảnh minh họa của Thúy Hoa

“Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng quân xâm lược”. Khắp làng, khắp ngõ la liệt khẩu hiệu với khẩu hiệu. Trẻ con sinh ra chưa lớn đã thuộc lòng các câu khẩu hiệu mà quên mất câu hát mẹ ru “Phụ tử tình thâm” và làn điệu dân ca ví dặm xứ Nghệ mượt mà.

Nhớ một lần anh trai tôi nắm tay mẹ: “Mẹ ơi, bao giờ gặt lúa mẹ cho chúng con ăn một bữa thật no, mẹ nhé”. Mẹ xoa đầu: “Ừ, mùa về mẹ cho các con ăn một bữa thật no”.

Bom đạn quân thù trút xuống làng quê gây ra biết bao nhiêu đau thương, tang tóc. Ông ngoại ở xã Hưng Dũng (nay đã là phường Hưng Dũng, thành phố Vinh) mất, mấy anh em theo mẹ về chịu tang. Chưa tới mùa, nhưng được cậu mự Hoe Mai cho ăn một bữa xôi gà thật no.

Anh trai tôi vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông nghiệp Nghệ An, xã gửi giấy báo về gọi vào bộ đội, mấy tháng sau… anh hy sinh tại Cần Thơ. Thương anh quá, hai mươi bốn tuổi đời, chưa vợ con gì, có lẽ bữa cơm no nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của anh là bữa xôi ngày ông ngoại mất.

Mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua. Cha mẹ của chúng tôi đã lần lượt về với ông bà, tiên tổ. Bảy anh em “tan đàn xẻ nghé” phiêu bạt kẻ Bắc người Nam. Anh Minh, em Chiến, em Thắng, em Hiền, em Lương và tôi đã lên chức ông bà nội, ngoại. Ngày giỗ cha, giỗ mẹ mới có dịp đoàn tụ bên nhau, ứa lệ cùng ca bài “Còn thương rau đắng mọc sau hè”.

Một góc hồ Điều Hòa (xã Hưng Lộc, thành phố Vinh) ngày nay. Ảnh: Lê Duy Thành

Năm tháng cứ dần trôi, quỹ thời gian ngày càng vơi cạn. Không ai nhìn về phía sau để bước lên phía trước. Nhưng cũng có lúc bất chợt thấy lòng mình xao xuyến quá: nhớ cha mẹ, nhớ quê hương, nhớ về một tuổi thơ đau thương đói nghèo cơ cực.

“Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”.

Cảm ơn người nhạc sỹ tài hoa đã nói hộ điều muốn nói!

Phạm Hào Quang

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19, phát hành tháng 12/2021)