Tôi không được sinh ra bên dòng sông Hồng hoặc các dòng sông thuộc hệ thống sông Hồng. Tuổi ngụp lặn của tôi thuộc về các dòng sông miền Trung, nhưng vũ khúc của dòng sông Bắc Bộ gắn bó với tôi gần nửa thế kỷ lập thân, lập nghiệp. Tôi từng chứng kiến nhiều cơn “hồng thủy”, thủy thần nổi giận.
Những ngày qua, mực nước các sông thuộc hệ thống sông Hồng như sông Bùi, sông Thái Bình, sông Đáy… đều vượt báo động cấp 3. Những dòng sông trên miền ngược của các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang đều thế. Sau vụ sập hai nhịp cầu Phong Châu ở Phú Thọ, nhiều cầu qua sông ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc bị cấm xe.
Vào hồi 16h36 phút chiều 11/9, báo chí đưa tin lũ sông Hồng tại Hà Nội đã vượt báo động cấp 2 và đang tiếp tục lên. Trước đó 8 tiếng đồng hồ, trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả mạng xã hội đã nhan nhản hình ảnh dân ngoài đê hối hả chạy lụt. Lo âu đổ dồn về dòng sông.
Hà Nội trắng xóa. Sông Hồng ngầu đỏ.
Bắt đầu từ 15h ngày 13/9/2024, nghĩa là cách đây hai ngày, người dân Thủ đô chính thức được lưu thông trở lại qua cầu Long Biên. Cùng ngày, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, chuyến tàu khách đầu tiên sau đợt cấm cầu từ Ga Hà Nội đi Hải Phòng qua cầu Long Biên sẽ là tàu LP5, xuất phát lúc 15h15. Chiều ngược lại là tàu LP6 sẽ về Ga Hà Nội.
Cuộc sống sau bão số 3 đang dần trở lại bình thường, dẫu còn ngổn ngang công việc khắc phục hậu quả. Dù thiệt hại chưa thể đánh giá hết ngay được. Hôm qua, báo loan tin, Hải Phòng công bố thiệt hại tới 11.000 tỷ đồng. Mới một địa phương thôi đấy. Chắc chắn sẽ rất khó tính được con số tuyệt đối về thiệt hại. Cá trong lồng bè trôi theo nước ở các dòng sông, gà vịt trong các trang trại ngập trong mênh mông, tính sao đây?
Bão số 3 và hoàn lưu bão sau đó sẽ làm người ta nhớ mãi về “cơn bão lịch sử”. Thiệt hại quá lớn cả về tính mạng và tài sản. Theo báo chí cập nhật theo ngày, đến 17 giờ ngày 14/9, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến 352 người chết, mất tích (276 người chết, 76 người mất tích). Số người chết tăng thêm 14 người so với thống kê lúc 19 giờ cùng ngày, nghĩa là thay đổi theo hướng đau thương gia tăng.
Những ngày hoàn lưu bão số 3, các dòng sông ấy ngầu đỏ phù sa. Tôi chưa bao giờ thấy sông Hồng mênh mang nước, mênh mang lo âu đến thế.
Lũ lụt sau bão “tố cáo” nhiều thứ, nhận diện được bằng mắt thường. Những bãi rác lềnh bềnh, trông rất hãi hùng… Rác tại chỗ, rác từ thượng nguồn đổ về, “trăm thứ bà dằn”. Mới hay con người đã và đang tệ bạc quá với môi trường, môi sinh, không gian sống của họ. Chỉ có thủy thần mới đủ sức “bới lên” viết “cáo trạng” trên các dòng sông. Những dòng sông “nổi giận” đâu chỉ bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, El nino; nếu con người biết “tự soi, tự sửa”, hẳn nhận ra “bộ mặt” nhân tai. Trong nhiều thứ vô cảm mang lại hậu họa, có vô cảm với cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học.
***
Với nước ta, bão lũ vẫn thường xảy ra, nhưng lâu lắm rồi Bộ Chính trị mới phải họp (ngay chiều 9/9) để chỉ đạo khắc phục hậu quả. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có thư kêu gọi “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”. Điều đó nói lên thiên tai lần này đặc biệt lớn, hậu quả nghiêm trọng.
Việt Nam là dân tộc nhân văn, nghĩa tình, đùm bọc. “Thương người như thể thương thân“, một trong nhiều câu tục ngữ cha ông để lại, nhắc nhở con người yêu thương, quan tâm, thông cảm và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, và khó khăn của người khác như chính bản thân mình. Đó là một trong những thành tố của văn hóa Việt Nam.
Hình ảnh, video clip trên mạng xã hội về xe ô tô che chắn cho người đi xe máy trên cầu Chương Dương (Hà Nội), tấm gương lao mình giữa dòng nước xiết cứu người bị nạn trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ); các đội cứu hộ ở xuyên đêm sơ tán người vùng ngập sâu đến các điểm an toàn; hàng ngàn suất ăn 0 đồng….; những em bé 4 – 5 tuổi “mổ lợn”, nâng niu từng đồng bạc tiết kiệm từ quà ăn sáng để gửi đến các bạn cùng trang lứa vùng ngập lụt, thực sự xúc động, lay thức tình nghĩa con người.
Trong kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả bão số 3 với 5 mục tiêu thì cứu người, bảo đảm để không người dân nào bị đói ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở; tiếp cận vùng bị cô lập; di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm; bảo đảm người bệnh có thuốc và được điều trị, trẻ em sớm được tới trường được Thủ tướng Chính phủ xác định ưu tiên trước mắt.
Không chỉ hệ thống chính trị, các tổ chức thông qua thiết chế Mặt trận Tổ quốc các cấp, từ chiều 9/9, trên mạng xã hội đã có rất nhiều lời kêu gọi hỗ trợ áo phao, đèn pin… giúp người dân ở các vùng đang bị lũ lụt, chia cắt. Cộng đồng mạng đã chung tay với tinh thần tương thân tương ái. Cho đến chiều 14/9, với tinh thần “công khai minh mạch”, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết đã có hơn 1.000 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương. Hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, tính đến chiều 13/9 đã quyên góp được 30 tỷ đồng.
Trên Tạp chí Sông Lam cũng như trang fanpage của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, tôi đọc được những thông tin đầy xúc động về lời kêu gọi, sự chung tay của văn nghệ sỹ xứ Nghệ và cộng tác viên mọi miền của Tạp chí Sông Lam hướng về đồng bào lũ lụt miền Bắc. Nhiều cộng tác viên ở xa, sau lời kêu gọi của Hội đã gửi chút tiền của mình đóng góp với mong muốn được “như một hội viên để chia sẻ với đồng bào”, nhiều văn nghệ sỹ cao tuổi không biết chuyển khoản qua tài khoản thì rủ nhau đến tận Hội để đóng góp.
Những ngày cả nước “chia ngọt sẻ bùi” với bà con vùng ngập lũ, sạt lở ở các tỉnh phía Bắc, tôi lại nhớ nhà văn Trịnh Đình Nghi – “ông chủ” của “Quán Chiêu văn”, một diễn đàn văn chương cõi mạng – nổi tiếng một thời. Dù không còn tồn tại nhưng “tinh thần Quán Chiêu văn” – tinh thần hướng về cái đẹp nhân văn luôn sống mãi với các thành viên.
Vừa gồng mình cùng bà con chống bão ở bờ đê sông Đáy, ngày 15/9, nhà văn Trịnh Đình Nghi vẫn công bố trên trang cá nhân công việc tham gia cứu trợ:
“Anh chị em ạ… Sau hơn một ngày anh chị em mình chung tay thì mục tiêu đặt ra đã vượt chỉ tiêu mong muốn ban đầu. Với số tiền ấy, số sách vở, đồ dùng học tập, thuốc men ấy đã tạm tạm để chúng ta hỗ trợ cho 2 trường học. Vậy thôi, thiệt hại là vô cùng nặng nề, gian khó là vô cùng lớn. Chúng ta làm mấy cũng vẫn là nhỏ nhoi, vì chúng ta không thể làm được những điều lớn lao. Vậy nên, một chút tình này thôi cũng ấm lòng”. (Trích nguyên văn trên trang cá nhân của nhà văn Trịnh Đình Nghi).
Công việc của các thành viên cũ Quán Chiêu văn là khôi phục lại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Chuẩn, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Lĩnh. (Hai trường đều thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái). Trong ngày, anh em văn nhân vốn “dưới trướng” nhà văn Trịnh Đình Nghi ủng hộ được 100 triệu đồng; hàng ngàn cuốn sách vở, hàng trăm bộ đồ dụng cụ học tập, thuốc men…
“Anh em ta sẽ thu xếp lên sớm để chia sẻ với các thầy, cô giáo và các cháu học sinh nhân dịp trở lại trường. Đoàn sẽ do Tuấn Linh làm Trưởng đoàn, cùng với mấy anh em chở đồ đi. Hiện anh em Yên Bái báo về là đường từ TP. Yên Bái đến trường còn khó đi, nên ta sẽ chậm lại một ngày cho chắc”, Trịnh Đình Nghi dặn dò anh em. Ông không quên dặn tôi: “Tôi không phông bạt gì đâu đấy nhé, ông biên gì cẩn thận”.
Nhà văn Trịnh Đình Nghi cho biết, người ít người nhiều, một nghìn cũng trọng như một tỷ, một cuốn vở cũng quý như một ngôi trường. Chẳng nhân danh cá nhân ai và hội đoàn nào, chỉ nhân danh tấm lòng thương yêu của mỗi người như tia nắng ấm mang đến với các em học sinh của hai ngôi trường, những tia nắng dù nhỏ nhoi nhưng cũng phần nào sưởi ấm tinh thần, niềm tin của thầy trò qua những ngày bão lũ gian nan.
Phải nói là cả xã hội đang chung tay khắc phục hậu quả bão, lũ. “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”, (Trần Hoàn). “Tình dân tộc, nghĩa đồng bào” thêm lần nữa ngời sáng làm chúng ta thêm yêu, thêm quý đất nước, dân tộc mình.
Trịnh Đình Nghi chat với tôi: “Vào việc nhé. Màu mè gì lúc này”. Đúng sự chân thành không cần màu mè. Giọt nước mắt đau thương chỉ ngừng rơi khi được bọc đùm chân thành.
Ngô Đức Hành