Năm 1933, sau chuyến đi sưu tầm cây thuốc ở phủ Quỳ, phủ Tương, Phó Đức Thành đã viết thiên du ký “Muốn cho biết đó biết đây” (Tập du ký sáu ngày đi về vùng phủ Quỳ, phủ Tương), đăng 12 kỳ liền trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn. Nhận thấy thiên du ký đã phản ánh một cách khá chân thực và sinh động cảnh sắc thiên nhiên và đời sống kinh tế, xã hội, con người miền Tây Nghệ An thập kỷ 30 của thế kỷ trước, tạp chí Sông Lam sẽ lần lượt đăng tải tác phẩm này, để phục vụ bạn đọc. Với sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu văn hóa Thái Sầm Văn Bình, mặc dù đã cố gắng tìm hiểu, xác minh, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể chú thích chính xác một số địa danh, nhân vật, sự kiện đã từng tồn tại gần 100 năm trước. Rất mong được bạn đọc thể tất và nếu có thể thì góp thêm thông tin để làm sáng tỏ những tồn nghi đó.

Phó Đức Thành (1880 – 1968), quê quán tại thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1926 ông lập nghiệp ở Vinh, là người quản lý của hãng đông nam dược Vĩnh Hưng Tường, lớn nhất Trung Kỳ thời bấy giờ. Không chỉ là lương y giỏi, cha đẻ của cao Vạn Ứng, tiền thân của cao Sao Vàng trứ danh, ông còn là người dấn thân không mệt mỏi để bảo vệ Đông y trước chủ trương xóa bỏ Đông y của chính quyền thực dân. Ông được suy tôn là “Danh y của thế kỷ 20”. Phó Đức Thành còn là người làm báo có nhiều thành tựu. Ông đã viết hàng trăm bài báo, hàng chục cuốn sách, bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, nội dung chủ yếu về Đông y. Đồng thời ông cũng tham gia sáng lập và quản lý một số tờ báo và tạp chí ở Vinh, như Thanh Nghệ Tĩnh tân văn, Thanh Nghệ Tĩnh, Y học tạp chí. Tên của ông đã được đặt cho một con đường ở thành phố Vinh.

Số 1

Người chỉ đi được từ làng ra đến tỉnh là cùng, có người đi khắp hoàn cầu; sự đi đó đi đây, ngắn hay dài, có hay không, cũng thật tùy cảnh người.

Đi đó đây cho biết cảnh lạ, tục hay các nơi thì chắc ai cũng muốn; nhưng có người muốn mà sức không đi được, có người có sức đi được lại không có đủ tiền, có người Âu Tây cho sự đi đó đi đây là bình thường, nhưng với người Việt Nam ta thì sự đi du lịch ít có lắm, chưa có cuộc du lịch lớn nào cả.

Các ông ở Nam ra Bắc, một là vì có cuộc hội chợ, hay là Hội đồng kinh tế; các ông ở Bắc và Trung Kỳ, thứ nhất là đến kinh đô Huế, thì cũng chỉ vì lễ Nam Giao, lễ tứ tuần, hay là vì việc phẩm hàm thì các ông mới chịu đi. Các ông có đi, lại chỉ đi bằng ô tô hoặc xe lửa, cứ thẳng một mạch tới nơi đã định, chẳng muốn ghé đâu để quan sát.

Đi như thế, sự bổ ích như ý tôi không có được bao.

Đã nói đi đây đi đó cho biết cảnh lạ tục hay mà đi như thế thì biết sao được. Tôi thường ước ao các ông có tiền, có sức nên đi đó đi đây cho biết nhiều sự mới lạ, trước để mở rộng tri thức mình, sau rồi chuyển lại cho bà con nghe, bổ ích chung chẳng đáng hay sao?

Tôi cũng ao ước có một việc gì đi một chuyến để mở rộng tri thức của tôi, kẻo hẹp hòi, ai nói gì cũng không biết, ai hỏi gì cũng không hay, ngơ ngơ ngác ngác như người ngây dại, lắm lúc nghĩ cũng thẹn.

May làm sao! Mà nghĩ cũng may, việc đi đây đi đó không định mà có.

Nguyên tôi có bày các cây thuốc Nam ở hội chợ Lạc – Thiện Huế về, công cuộc được thỏa mãn, tôi có vào trình quan sứ Lagrere1, quan đứng đỡ đầu công việc sưu tập thuốc Nam của chúng tôi, để quan biết, quan mừng cho, rồi tôi nói luôn với quan rằng: “sẽ có nhiều người giúp sức”. Tôi lại nói đến ông nguyên Tri phủ huyện Quỳ Châu, là ông Sầm Văn Hiên, cũng hứa sẽ lấy các cây thuốc ở Kẻ Bọn2 gửi về cho.

Quan sứ nghe tôi nói ở Phủ Quỳ có nhiều cây thuốc Nam, quan liền hỏi tôi: “Mai tôi về vùng ấy độ tám ngày, có bằng lòng thì về sắm sửa mai đi với tôi”. Tôi thấy quan sứ rủ đi như thế đã lấy làm mừng, nhưng còn lo mới ở Huế về, công việc nhà chưa sắp đặt xong, thơ từ các nơi chưa trả lời hết, nên dầu muốn cũng còn lưỡng lự. Tôi liền trả lời: “Xin cho về sắp đặt việc nhà, nếu mai có thể đi được sẽ vào trình báo lại”. Quan nói: “Được, về cố thu xếp mà đi, có bổ ích cho ông lắm!” Tôi từ giã cáo về.

Cuộc đi này thật hiếm có, nếu không đi được với quan sứ thì uổng quá, vì quan muốn cho mình biết đây biết đó, mà mình cũng muốn biết đó biết đây, dẫu sao cũng cố vội thu xếp giấy má, dặn người làm trông nom công việc cẩn thận, thiệt chắc chắn là có thể đi được, ngày mai tôi liền vào trình quan biết.

Quan sứ thấy tôi đến đã hớn hở vui cười hỏi ngay: “Đi được chứ”.. Tôi vội trả lời: “Bẩm quan sứ, xin cố theo hầu quan vì cuộc đi này bổ ích cho tôi lắm”. Quan thấy tôi đi được, quan tỏ ra bằng lòng lắm, rồi quan dặn rằng: “Đến sáng mai là ngày 27/ 3/1933, sẽ bắt đầu đi từ 3 giờ sáng, ông liệu đến đây mà đi, phải nhớ mang đủ quần áo, chăn màn, còn đồ ăn không cần, ở đâu có đồ ăn đó, sẽ liệu”.

Chân dung lương y Phó Đức Thành

Từ lúc hứa với quan sứ ra về, trong lòng tôi phân vân trăm mối:

  1. Đi thì hay thật, trong khi đi thời việc nhà thì sao? Người nhà tiếp khách ra sao?
  2. Trời hôm nay nắng thế này, ngày mai cũng nắng thế này, có lẽ mệt nhọc lắm.
  3. Đường đi có dễ hay không?
  4. Ăn ngủ làm sao?
  5. Lỡ giữa đường mà đau yếu, thân mình chẳng kể, chỉ sợ phiền lòng quan sứ đã vì mình mà chậm trễ công việc

Vì phân vân như thế nên có đi hỏi một vài anh em bạn quen biết vùng trên đó đại khái cho biết mà phòng.

May sao gặp anh phủ Sầm Văn Hiên hãy còn ở Vinh. Ông tả rõ các công việc đi đi về về, kể cho biết các nơi nguy hiểm, các cách phòng bị. Ông nghe nói quan sứ và tôi lên vùng ông, ông cũng lấy làm tiếc, không thể lên theo một lượt, vì ông còn mấy việc thu xếp chưa xong, ông không lên được, ông có viết cho tôi một cái giấy để khi nào ghé qua nhà ông, sẽ có người ra tiếp tử tế, muốn cần dùng gì sẽ liệu giúp cho.

Từ đó mới yên lòng, về sắm sửa các thứ cần dùng, theo như lời ông phủ Hiên dặn.

Đi cùng ô tô với quan sứ, lại đi đường rừng, sợ cồng kềnh nên cũng không dám mang nhiều, tưởng giời nóng không cần mang thêm đồ lạnh, chỉ đem thêm cái  áo kép, với cái áo đi mưa mà thôi. Đêm 26, rạng ngày 27, thật không biết bụng tôi tính nghĩ gì mà chập chừng không ngủ được, không phải là ngủ quá giờ sẽ lỡ, vì đã có đồng hồ báo thức. Ấy thường tình hễ ai hôm sau định đi đâu là đêm hôm ấy khó ngủ yên giấc, cũng chỉ lo tính nhiều công việc, nào ở nhà, nào ở trường. Tuy thế lúc 2 giờ dậy cũng không thấy mệt, ăn uống lót dạ xong, đến 3 giờ sáng tôi thuê xe đến Tòa Sứ thì đã thấy hai ô tô đã sẵn sàng gần đi. Vợ chồng ông Đại lý3 Phủ Quỳ M.Le Moll và thầy Chương cùng đi. Ô tô trước cụ sứ, vợ chồng ông Đại, ô tô sau tôi, thầy Chương và một người lính kiêm bếp.

Đúng 3 giờ 20 phút bắt đầu đi. Sớm qua, trời còn sương mù, có gió lạnh, ngồi xe muốn nhắm mắt ngủ đôi chút cho có sức, nhưng không sao được, vì xe xóc lắm, nghiêng bên này, ngửa bên nọ, bồng lên, giập xuống. Xe xóc không phải xe xấu, ấy vì đường.

Qua một cái phà4 vào lúc 5 giờ 10, vừa lúc trời rạng sáng, đã thấy thấp thoáng đôi ba cái đò ở bến, lửa đỏ lập lòe, tiếng người sào sạc. 5 giờ 20 thì đến Đại-lý Phủ Quỳ, nghỉ một chút, quan sứ, quan đại vào thăm ông Đồn, một lúc rồi lại ra đi.

Từ chỗ Đại lý này, đến Kẻ Bọn5 là phủ Quỳ Châu, có đỗ lại ba chỗ, có dân làng ra nghênh tiếp. Chỗ nào quan sứ cũng nói cho dân làng biết ông Moli là quan Đại lý mới, và hỏi dân làng có được no đủ không, có đau ốm không, có việc gì oan ức muốn kêu nài cứ kêu. Quan nói tiếng Lào với dân Mường, họ cũng hiểu được, thỉnh thoảng mới phải thông ngôn bằng tiếng An nam. Thỉnh thoảng quan lại bảo tôi: “Còn ông về việc thuốc thì hỏi họ xem có cây thuốc gì không”. Tiếp lời quan, tôi có hỏi: “Như ở đây, lúc có bệnh thì uống thuốc gì?”, thì họ trả lời tôi: “Phần nhiều chỉ cúng, nếu không khỏi thì mới đến thầy mo, học chữa bằng phép phù, hoặc bằng các cây cỏ họ hái trên rừng, chúng tôi không được biết.”

Đến 9 giờ thì chúng tôi đến Kẻ Bọn, đã thấy dân làng đứng đông nghịt. Xe từ từ tiến vào cửa phủ, có lính đứng bồng súng chào, có cờ cắm hai bên. Ông phủ ra chào và đón vào cung đường. Quan sứ có giới thiệu tôi với ông phủ Sầm Văn Phòng năm nay đã 68 tuổi mà vẫn còn khỏe, nước da hồng hào, cử chỉ nhanh nhẹn, nguyên trước đây đã làm Tri phủ về hưu, sau không có ai xứng đáng nhà nước lại mời ông ra một khóa nữa.

Ở cung đường, quan sứ ngồi bên tả, vợ chồng ông đại ngồi bên hữu, ông phủ đứng gần quan sứ, tiếp đến là tổng lý dân làng. Quan sứ hỏi tình thế dân làng xong, rồi hỏi từng tổng, hỏi đến đâu trả lời đến đó, đã có thầy phán Chương ghi vào giấy, sau ông phủ có dâng một tờ, có các điều thỉnh cầu của dân.

Nhảy xạc6

Nhảy sạp ở Quỳ Châu (ảnh của bảo tàng Quai Branly, Pháp)

Việc quan xong, đến việc vui mừng; ở ngoài sân đã đứng ngồi non 20 cô con gái Mường7 đầu đội khăn chàm có chỉ thêu, có hai bên đầu khăn vểnh lên như hai cái tai, tóc ngắn bỏ xõa ngang lưng, mình mặc áo cánh vải trắng, ngắn đến thắt lưng, mặc váy màu chàm, cũng có đôi ba đường dệt xanh đỏ sặc sỡ. Các cô chỉ còn đợi lệnh rồi nhảy xạc. Mỗi bên sáu cô, mỗi cô cầm một đầu ống nứa to độ 10cm, dài độ 2m, thành 12 ống; 12 ống ấy sắp trên 2 cây gỗ tròn, và 4 cô gái nhỏ hơn đứng ngoài.

Ông Phủ ra lệnh, hai cô sửa soạn khăn áo, hai mắt xăm xăm cúi xuống, 12 cô ngồi cầm ống nứa bắt đầu đập đập ống, mở hai ống ra, lại khép hai ống vào, nổi lên một lát, tiếng có nhịp nhàng lắm: “Gộc, gộc, xát! Gộc, gộc, xát!”… Dạo ống như thế một lúc nghe đã êm tai thì hai cô gái kia nhẹ nhàng nhảy vào, nhảy sao cho chân lọt vào hai ống hở ra, mà không chạm ống, cứ nhảy tiếp mãi, 12 ống đầu nọ đến cuối kia, lại quay trở lại được đôi ba lượt không lỡ bước nào là giỏi, nếu mà lỡ bước không khéo ngã ngửa. Chỉ lúc nhảy hết 12 ống lại quay trở lại, lại nhảy luôn là khó nhất, mà khéo nhất. Các cô có lẽ không tập trước nên nhảy được hai lượt là lại lỗi.

Quan sứ có dặn ông phủ rằng: “Muốn cho công chúng hoan nghênh, khen ngợi, thời nên cho tập trước cho thuần, kẻo mang tiếng”.

Hình minh họa trong báo

Các cô nhảy có vẻ cũng dễ coi lắm. Cái đầu cúi xuống, con mắt lim dim, cái miệng cười tủm, hai tay giơ lên giơ xuống ăn theo nhịp, đôi chân dịu dàng nhảy, nếu nhảy được đều mãi thì vui biết chừng nào! Khéo biết chừng nào! Tôi cứ ngắm xét hoài, tưởng tượng như ở bồng lai được coi tiên múa nhảy, tâm hồn phảng phất những đâu đâu!

Rượu trú8

Hết cuộc nhảy đến cuộc rượu. Bốn người dân đã khiêng ra một chum cái rượu để giữa cung đường, một chậu nước lã, một cái sừng trâu đen làm như hình cái còi và 10 cái cần hóp cắm vào chum rượu. Sửa soạn xong rồi, ông phủ mời quan sứ, quan đại, bà đại uống, đưa mỗi người một cái cần tre. Quan sứ cũng bảo tôi và thầy Chương ngồi vào uống. Lệ thường uống rượu trú này thường ngồi trên sàn, nhưng có quan sứ nên được ngồi cả lên ghế.

Vào tiệc rượu có một người lính ngồi gần chum rượu, lấy cái sừng đong nước lã làm liều, cứ 6 người phải 3 sừng, nghĩa là 2 người một sừng, uống hết 3 sừng thì xong một cuộc, lại lấy 3 sừng nước lã khác đổ vào cho đầy. Trong khi uống rượu, nghĩa là hút rượu thì đúng hơn, các quan cười cười nói nói vui vẻ vô cùng, không khác một cái điếu có 10 cái xe, người hút nuốt cả khói. Các cụ uống xong, các cụ còn bắt 2 chúng tôi uống thêm hai sừng nữa, không uống hết lại bị phạt sừng nữa.

Hình minh họa trên báo

Lúc ấy không gì khổ bằng! Xưa nay đã không uống rượu, đã sợ vô phép phải hầu rượu một lần, nay còn bắt uống nữa thì uống sao nổi! Nhưng các cụ bắt ép, chẳng nhẽ dám từ, phải cố uống cho hết sừng ấy. Uống xong, người bừng bừng nóng, đỏ mặt đỏ tai, ngứa ngáy bứt rứt, đi đứng loạng choạng, nhưng cố giữ cho vững kẻo xấu hổ với mấy cô gái Mường, cứ nhìn mình chầm chập.

Xong tiệc rượu, tiếp đến ăn cơm. Cơm làm lối ta, quan sứ, quan đại, bà đại cầm đũa, cầm bát cũng thuần, cũng khéo. Đến 11h10, hai vợ chồng ông đại và thầy Chương cùng 2 ô tô trở về. Trước khi đi, quan sứ có hỏi tôi có đi được ngựa không thì tôi trả lời chưa biết đi, nhưng nếu được con ngựa lành thì cũng xin theo đi được. Quan sứ và quan đại thấy nói đến con ngựa lành cùng nhau cười. Đến lúc chia tay ra về, quan đại còn đùa một câu: “Đã có con ngựa lành chưa?” Nói xong, lại cười ồ. Lúc đó bụng bảo dạ không lẽ ở đời cái gì cũng biết được cả, mà không biết cái gì gặp lúc xảy đến mà không chu đáo, nghĩ cũng thẹn. Lại nghĩ lắm lúc như vào nhà cô đầu, mình không biết cái chi hết cả, họ cũng cho mình là hư, song nghĩ đi lại có nghĩ lại, cứ vì khen chê mà đủ thói đời thì cũng mệt, hao sức, tổn tinh thần. Thôi ở đời mỗi người một cảnh. Thú ông hút thuốc phiện cho bàn đèn làm thú, ông đánh bạc cho quân bài là thú, ông bác sỹ đêm ngày lăn lóc với cái máy không cần biết vợ con là gì cũng lấy làm thú, như thế cái thú mỗi người một khác, ta không nên vì sự khen chê mà bỏ đi cái thú của ta, miễn là cái thú của ta cho trong sạch, cho cao thượng, thì cái thú ấy không những bổ ích cho ta, mà có khi bổ ích đến cả đồng bào nữa.

Đến 11 giờ 20 quan sứ, tôi và 2 người lính sắp xếp đồ đạc xong ra đi, có đem theo một con ngựa và cái cáng. Ông phủ cũng đưa chân cho đến Kẻ Tham9; quan sứ thích đi bộ nói chuyện cho vui. Đến 15 giờ có ghé vào thăm nhà ông phủ ở Kẻ Tàu10, làng quan rất rộng, nhiều ruộng, nhiều suối nước. Ở các bờ suối có đặt máy guồng bằng tre lấy nước lên ruộng, ruộng nào ruộng nấy đầy nước ăm ắp, lúa xanh tốt, cây um tùm. Trông cảnh tốt đẹp như thế có thể đoán được dân làng no đủ, biết được đàn anh trong làng khéo sắp đặt.

Nhà ông phủ rộng rãi lắm, làm theo kiểu Tây, tường gạch mái ngói, khắp vùng không ai có, chỉ mình ông có. Hỏi kiểu nhà ai vẽ thì ông nói: “Tự tôi nghĩ ra, trông nom, chỉ vẽ cho thợ làm, tốn kém riêng tiền công hết 13,000$.

Vào đến trong nhà, phòng nọ, phòng kia ngăn nắp mát mẻ lắm. Cảnh quê rừng có một nhà như thế cũng hiếm thật. Chúng tôi đứng trên gác, nhìn xa các cánh đồng lấy làm bát ngát một cảnh êm đềm.

Đến đây lại rượu trú mừng. Trước khi vào tiệc, bà cụ ông phủ ra chào quan sứ. Quan sứ lấy làm cảm động cách đón tiếp trân trọng như thế. Quan sứ, tôi, ông phủ, và con ông phủ ngồi vào tiệc, chuyện vãn một hồi, rất vui quên mệt nhọc lúc đi đường.

Nghỉ một lúc lại bắt đầu đi riết cho đến nhà ông cố đạo Kẻ Tham. Đến nơi vừa 16h25, thành đi bộ từ Kẻ Bọn đến Kẻ Tham hết hơn 5h. Người mệt, chân mỏi được nghỉ lại lấy làm mừng quá. Cũng may hôm qua giời nắng như thế mà hôm nay lại mát mẻ không mưa, không nắng, như cảnh buổi chiều, nên mệt mỏi thế mà thôi. Đến nhà cố, nghỉ một lúc cố lại dắt quan sứ đi coi xung quanh vùng đó, tôi cũng đi theo. Lên đến một cái đồi đất, cố có chỉ cho coi chỗ đất ấy ngày xưa làm thành quách có đào hào bốn phía, thỉnh thoảng đào đất còn thấy có đồ xưa nát vỡ không thành hình. Không biết cái nền thành này thuộc về đời vua nào, nếu có dịp gì tôi sẽ kê cứu lại.

Lúc trở về tôi có nói với mấy người địa phương có biết các cây làm được thuốc thì đưa về cho tôi, tôi sẽ đưa tiền cho. Một lúc hai người đem về cho tôi được 9 cây, chỉ vẽ cho tôi cả tên cả tính nó chuyên trị bệnh gì. Trời đã gần tối nên tôi phải để một nơi để sáng mai vẽ cũng kịp.

Thiên du kí đăng trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn, năm 1933

Quan sứ có giới thiệu công việc nghiên cứu thuốc Nam của tôi với cố, cố coi cả các sách vở lấy làm hoan nghênh lắm. Cố hứa cũng sẽ giúp sức cho chóng thành và cố cũng chỉ vẽ được nhiều điều ích lợi, tôi lấy làm hân hạnh vui vẻ vô cùng.

Ông phủ khi thấy tôi ở phủ mặc đồ nam lướt thướt mà đi theo quan sứ, người to sức mạnh, bên mười, bên bốn, ông đã sợ chắc tôi đi không theo nổi mà ái ngại. Ông phủ ái ngại cho tôi cũng phải, vì tôi xưa nay chỉ quanh quẩn ở đồng bằng, có đi vào rừng kiếm thuốc cũng một vài ngày là căng, và tuy vào rừng, nhưng rừng cũng dễ đi, người tôi lại yếu ai chẳng sợ cho tôi, mà đến tôi cũng ngại thật, vẫn áy náy trong lòng, không biết có theo được quan sứ không. Nhưng nhờ được tấm lòng ham muốn sự lạ, tìm kiếm cây thuốc, nó an ủi tôi, làm cho tôi vượt được các nỗi khó khăn nhọc mệt, hăng hái vui vẻ, không chán nản. Vì tấm lòng quả quyết như thế mới theo nổi quan Sứ, thế nhưng mà đi được ngày nào mừng ấy mà thôi, chưa dám khoe tài.

Vì mệt nhọc, vào giường mới đặt mình có 5 phút mà đã ngủ lúc nào, ngủ cho đến 3 giờ sáng thức dậy một lúc lại ngủ đến 5 giờ rưỡi dậy. Dậy lúc bấy giờ cả nhà còn ngủ, tôi lò mò ra chỗ để mấy cây thuốc để lấy ra vẽ. Ôi thôi! Mấy cây thuốc đâu mất cả rồi, không còn đây nữa! Đi tìm quanh quẩn cũng không thấy, tìm quá dưới nhà thì ra ai đã vứt bỏ đó, lại lom khom lượm nhặt cả đem lên vẽ. Thế mới biết những thứ mình cần mà người khác không cần thì coi như đồ rác bỏ. Tôi đang vẽ thì cố lại coi. Cố cười: “Mấy cây này hôm qua tôi tưởng đứa nào đem xả rác, nên tôi quăng xuống nhà, ai hay của ông lấy về vẽ! Chậm tí nữa dê nó ăn mất thì uổng nhỉ?” Cố cười, tôi cũng cười, xem ra cùng nhau thích ý.

Ngày 28 Mars 1933

Cũng mát trời, không mưa, không nắng. Tôi dậy vẽ được một lúc thì quan sứ dậy rửa mặt, ăn uống xong, chúng tôi lại sắp sửa ra đi. Đúng 8 giờ bắt đầu ở Kẻ Tham đi. Quan sứ nhìn thấy cái cáng hôm qua mang đi mà không dùng đến nên để lại. Tôi nghe lời quan sứ nói ông phủ để lại thì ông phủ nói cứ đem đi, vì đường hôm nay có khó đi mệt hơn. Mà quả vậy, được độ hơn một giờ thì quan sứ đi ngựa, con ông phủ là ông Sầm Văn Chân cũng có ngựa đi theo. Nếu không có cáng thì tôi đi bộ theo kịp sao được, tôi cũng lên cáng. Lúc nằm trong cáng mới thấy dễ chịu, vì đi bộ đường núi hơn một giờ đã lấy làm mỏi mệt rồi, nằm trong cáng thấy thân mình đu đưa, lúc lên lúc xuống. Trên núi đá, dưới khe sâu, bụng nghĩ nếu họ trượt chân mẻ đầu ra thì khốn!

Ở tỉnh thành tôi thường thấy cáng làm bằng cái võng, cột vào ống tre, trên phủ cái chiếu như cái cáng tôi nằm; lại nghĩ trước mình thấy cáng này đã tưởng tượng trong có người ốm ở quê nhà đem lên nhà thương mà sợ không dám ngó, mà nay mình lại dùng nó, lại lấy làm thú. Ôi cáng ôi! Trước ta khinh mày bao nhiêu nay ta trọng mày bấy nhiêu. Nếu không có mày có lẽ ta không theo nổi quan sứ ta, không thể gắng được. Thật nhờ người ta trước sau một lòng. Cuộc đi này nếu ta còn sống thì ta còn nhớ không dám quên ngươi.

Ấy đó, ta chớ khinh thường; tấm đồ vật trông rất quê kịch mà khi dùng hợp thời lại bổ ích vô cùng. Vật gì cũng có ích, ta chưa tìm thấy thì ta chớ vội cho là đồ bỏ. Cái cáng này là của xưa, nay không ai tưởng đến, chỉ ham xe tay, xe lửa, ô tô, tàu bay. Đồ đã xưa cho là vô dụng thì tất ai cũng bỏ không thèm ngó. Nhưng đi vào quãng rừng này, cao thấp gập ghềnh, cây cối rậm rạp, đem ngựa cũng không đi nổi, người cưỡi nó lại phải dắt nó, dẫn nó, có được khỏe đâu! Rất khó nhọc, nó cứ bổ lên bổ xuống trông ái ngại lắm.

Thế mà tôi cứ thủng thẳng đi, lúc lên thì đầu tôi dốc ngược, lúc xuống thì như tôi đứng, nhưng không việc gì, vẫn nằm vững trong võng. Vẫn biết tiện cho tôi nhưng mệt cho hai người cáng tôi, lấy lòng nhân loại thế cũng không phải đạo, nhưng biết sao, nên phải đành thế. Họ mệt vì tôi, tôi lại trả cho họ hậu, cũng đủ an ủi họ. Lợi mình mà hại người, đời kinh tế cạnh tranh nào ai tránh khỏi? Nhiều việc thường xảy ra trước mắt ta đó, có xa lạ gì? Vậy tôi có ngồi cáng, hai người khiêng cũng chưa đến nỗi sao, xin độc giả cũng rộng lượng cho. Đi cáng cũng không ngủ được, thỉnh thoảng hết làng dân phu lại đổi thành lên xuống luôn không ngủ được. Lại lúc họ đổi vai, ngồi trong hình như bị cái gì đó nẩy lên lắm lúc đầu đụng phải cây tre, rất đau. Mười giờ đến làng Cô Bà11 phải qua đò. Đò họ làm bằng một cây gỗ lớn cưa đôi, đục giữa làm lòng, tức là thuyền độc mộc. Xuống không khéo tròng trành ngã xuống suối, nhưng ngã chỉ ướt chứ không nguy hiểm vì suối không sâu, nước trong vắt trông thấy cả lòng. Người thường có đem theo ống nứa, đến suối cứ múc nước uống, coi rất thèm cách họ uống, nhưng mình không sao uống được; uống vào đau bụng hay phát sốt liền; lành người mà độc ta, đi đến các chỗ lạ cái đó cũng nên cẩn thận.

Đàn bà, con gái thường thích nước lắm, họ tắm luôn. Lúc đi đại tiện cũng muốn đại tiện ở suối nước. Có một lần hội đình chiến, ông nghị Chân có đem 13 người con gái Mường xuống tỉnh để dự lễ để nhảy, để múa; họ kêu dưới tỉnh nóng lắm, một ngày phải tắm bốn, năm lần; mua nước cho mỗi đứa đưa đến mỗi ngày phải 0p3012 mới đủ tắm. Đến lúc về vì không hợp thủy thổ chết mất hai đứa. Cũng lạ, đàn bà con gái thì có sức lực, mạnh khỏe to lớn trắng trẻo mà đàn ông thì ốm, nước da mai mái xanh, không được hồng hào cứng cáp.

Mười giờ rưỡi đến Tào Khê (Bình Chào)13. Làng này là làng quan nguyên Tri phủ Sầm Văn Hiên. Nhà ông phủ cũng rộng lớn, một bề độ 30m, một bề độ 15m, chia làm ba căn rất rộng thoáng, đồ bày đơn giản mà rất nhã.

Chúng tôi tới thì đã thấy dân làng tụ họp ở đấy đông lắm. Quan sứ hỏi đôi hồi, trên dưới xem tình âu yếm, vui vẻ nói cười, không có vẻ e lệ, rụt rè, sợ hãi, xem thực thà lắm.

Phó Đức Thành 

  1. Công sứ Nghệ An

2. Kẻ Bọn là cách gọi bản Pỏn theo kiểu người Kinh. Kẻ Bọn một thời là trung tâm của Phủ Quỳ Châu nên còn được gọi là Phủ Bọn, nay thuộc thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu.

3. Đại lý: Người thay mặt chính quyền bảo hộ ở một phủ.

4. Chưa biết chính xác là phà qua sông nào? Nếu là phà Sông Hiếu, thời đó đi ô tô từ Vinh đến phà Hiếu chỉ hết hai tiếng đồng hồ là quá nhanh.

5. Kẻ Bọn là cách gọi bản Pỏn theo kiểu người Kinh. Kẻ Bọn một thời là trung tâm của phủ Quỳ Châu nên còn được gọi là phủ Bọn, nay thuộc thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu

6. Nhảy sạp

7. Từ này dùng gọi chung cho các cô gái người dân tộc Thái ở địa phương/ bản mường, chứ không phải là gái dân tộc Mường

8. Nguyên văn “rượu chú”. Chính là “Rượu trú” (rượu cần ủ bằng trấu). Có lẽ tác giả người gốc bắc, nên viết lỗi thành “rượu chú”

9. Có thể là Đò Ham

10. Chưa rõ ở đâu

11. Cô Bà: chưa xác định, có thể là một bản tên là Co Bà (Cây Đa)

12. Ba hào

13. Bình Chào: chưa xác định, nhưng có thể là Piêng Chào (Quế Phong)

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam in số 26 tháng 8/2022)