Số 2

Xét đó đủ biết quan trên mà có tính dễ dãi, thương dân, ôn tồn vui vẻ, thì dễ được lòng dân, mà dân cũng thực tình mà tỏ lộ tâm can, không sợ hãi mà giấu ẩn những điều ước muốn. Quan thực tình thì dân cũng thực tình. Có một người dân nói nhỏ với tôi rằng: “Quan sứ vui vẻ quá, phúc hậu quá! Phong tục dân quan hiểu cả, thời chắc quan cai trị khoan dung, nỗi oan ức chắc quan hiểu thấu; mong sao các quan trong tỉnh hạt cũng bắt chước được cái đức tính của quan thời làm gì có sự kiện cáo, có sự uất ức nữa, dân sự an cư, lạc nghiệp thật phúc cho dân”. Quan sứ ôn tồn hiểu dụ được một lúc thì người em thứ ba quan Phủ là Sầm Văn Phú ra mời vào xơi cơm.

Mâm cơm có bát canh, đĩa cá khô, đĩa vịt quay, đĩa gà luộc, cơm có hai thứ toàn bằng gạo lúa nếp núi không được dẻo như của hạ bạn; một thứ như xôi, một thứ cho vào ống nứa lùi, đem ra như xôi nắm từng khúc tròn.

Tuy đi đường, có nhọc mệt mà ăn cơm cũng không phải ít, cũng ngon miệng. Chúng tôi thế nào ăn cũng xong, tưởng quan sứ khó ăn được, thế mà quan sứ lại vui vẻ nói rằng: “Ăn cũng ngon, đồ ăn làm khéo”. Có đem chai rượu trắng ra mời quan, quan không uống, chỉ thỉnh thoảng uống chén nước chè mà thôi. Xem thế quan sứ cũng giản tiện lắm, không kiểu cách cầu kỳ chi cả. Ai cũng tưởng quan phải đem nào bánh tây, nào đồ hộp, nào các thứ rượu đi theo, chứ biết đâu, không cần gì cả, ở đâu có gì quan vui lòng dùng. Những người kiểu cách khó tính mà chẳng làm được nên chi cũng nên lấy quan làm gương mà bắt chước.

Vừa ăn vừa nói rất vui vẻ, ngoài hiên dân sự chuyện vẫn xì xào, chầu chực vẫn đông. Cơm xong lại ra ngoài hiên, đã có một vò rượu trú và 10 cái cần cắm sẵn.

Nhưng xem uống rồi cũng không ai say, như uống rượu dưới ta, vì rượu ở đây làm một cách khác, không nồng, không bốc, uống êm mà có vị ngọt nhẹ, cũng na ná như rượu bia vậy. Nếu không thế một ngày đỗ nghỉ ở ba làng mà ba chỗ mời uống, như tôi không quen uống rượu bao giờ, cứ uống như thế cũng đủ chết mệt li bì, còn sức đâu đi được.

Nghỉ ngơi đến 14 giờ 15, lại bắt đầu đi riết kẻo sợ tối, đường rừng nguy hiểm. 15 giờ đến làng Kẻ Muông(1), dân làng ra đón rước, nhưng không dừng, chỉ đứng lại hỏi han rồi lại đi ngay. 15 giờ rưỡi đến Bàn Na-tỳ(2), dân làng cũng ra tiếp rước, chuyện đi chuyện lại một lúc rồi quan sứ đi dạo quanh xem phong cảnh.

Đường về bản (Ảnh của Bảo tàng Quai Branly, Pháp).

Kìa bên này có hai nhà, bên kia có bốn nhà, cũng chỉ nhà sàn lợp tranh, cái lành cái nát. Kìa mấy cô con gái thấy người lạ, nhấp nhô ra coi, xem vẻ ngộ nghĩnh lắm; nọ mấy bà già sau lưng đèo đứa con đang cho đàn lợn ăn dưới nhà. Ở đầu nhà trên sàn cho thấy mấy cái thùng gỗ trong ươm trồng mấy cây hành, hỏi làm sao không trồng dưới vườn, họ nói: “Gà lợn phá quá”. Xa xa đã có mấy thẻ ruộng lúa đã xanh tốt, xung quanh ruộng có bờ rào nứa để ngăn muông thú trên rừng xuống khỏi phá. Đi qua tý nữa có con sông, nước trong vắt chảy xuống; chiếc đò theo dòng nước mà chảy xiết, họ lái cũng khéo, không thì va phải hòn đá giữa sông. Tiếp đến dãy cây, đến núi, trùng trùng điệp điệp, cao cao thấp thấp, xanh vàng đỏ lẫn lộn chen nhau như gấm hoa. Chỗ này hươu nai thường ra ăn.

Chúng tôi lại theo con đường giữa mới sửa lại cũng rộng rãi quang sạch, khúc thấp khúc cao, trông hình con rắn, hai bên cây cối rậm rạp, bóng mát trời im. Cây thì nhiều, không sao kể hết, chắc trong đó cũng có nhiều cây thuốc. Đức Thần Nông mới gọi ra tên, mình phàm trần biết sao được; thật chết trên thuốc cũng không biết thuốc. Đi dạo một lượt đã thấy xa, đã kiếm được vài cây thuốc, rồi chúng tôi trở về nghỉ. Quan sứ bảo tôi nói anh bếp làm một con lợn con độ 1p.50(3), làm rôti để mai ăn.

Thấy đàn lợn con lái buôn mới mua về, hỏi mua họ nói 3p.00 một con. Quan sứ nói đắt quá. Ở Vinh chỉ độ 1p.50. Hỏi ông Chân: “Sao nghe ở đây lợn rẻ mà sao lại nói đắt thế chả là không thật hay sao?” Ông Chân cũng lanh ý trả lời rằng: “Thật giá lợn họ cũng không hiểu sao là nhất định, họ chỉ hay đổi, ít hay bán, người hạ bạn lên, đem một thùng muối độ 2p.00 nói thành 4p.00 rồi xin đổi lấy một con lợn, người Mường bằng lòng đổi, thế là con lợn họ yên chí là 4p.00 chứ biết đâu là bị lừa chỉ giá có 2p.00 thôi”. Nhà buôn hạ bạn vì thế mới chịu lăn lộn chịu khó lên đây kiếm chút lời, bởi thế nay ta hỏi mua, họ cũng theo giá đổi trước mà định giá lợn sau.

Đến chỗ khác mua được con lợn nhỏ 1p.50.

18 giờ cơm xong mời quan sứ vào ăn, tối nay ngủ ở nhà người thường dân cũng rộng, nhưng đã nát hư, mái thủng trông thấy giời, đồ đạc chẳng có gì cả: bàn không, ghế cũng không, đến giường cũng không, chỉ trải chiếu lên sàn mà ngồi. Giữa căn ngoài có cái bếp vuông, mỗi bề độ 1m, giữa bếp có cái nồi nước để trên ba ông đồ rau đất, thường tối cứ ngồi xung quanh nói chuyện vãn rồi đi ngủ.

Đem rương của quan sứ ra làm cái bàn để đồ ăn lên, quan sứ ngồi xếp tròn một bên, hai chúng tôi một bên, vừa ăn vừa trông nhau, vừa cười, bữa cơm nay ngộ nghĩnh; đồ ăn bếp làm, bát này bát gì?

– Bát canh nấu khoai thịt.

– Đĩa gì?

– Đĩa thịt gà kho.

– Đĩa này nữa?

– Đĩa thịt gà rán.

– Gà rán làm sao lại chặt miếng nhỏ thế này, trông như xương cả?

Bếp không biết chặt, để mai tôi chặt cho mà ăn. Đây là chén nước mắm Phú Quốc chấm thịt ngon lắm, tôi thường ăn. Tuy vậy ăn cũng ngon.

Quan sứ cứ quần áo đi đường, cứ ngồi xếp tròn vào ăn. Đồ ăn thì lấy đũa gắp, còn cơm nếp thì lấy tay nắm rồi ăn. Xem vẻ cũng ăn được, chớ không phải cố gắng mà ăn. Nghĩ cảnh ăn cơm hôm nay lại nghĩ lúc thuở nhỏ, vì ở tỉnh bệnh dịch, phải về quê ở, mấy hôm đầu còn khó chịu, mấy hôm sau cơm cũng ngô khoai, mâm để trên rơm đất, quây quần với trẻ quê vui vẻ lắm. Lúc ngủ bạ đâu nằm đó, có khi trong đống rơm cũng ngủ được. Mấy tháng lấy làm khoan khoái khỏe mạnh lắm muốn ở luôn. Nhưng ở tỉnh hết bệnh lại phải ra học, thế lại tiếc cảnh quê vô cùng. Cũng như bây giờ ở tỉnh chật vật làm ăn, mệt thân nhọc óc, nay ở giữa cảnh rừng, cây cao gió mát, chim kêu, vượn hót, không khí trong sạch mà được bữa cơm thanh đạm này, tuy khó nhọc cũng lấy làm thú. Mà thật, cũng là bữa cơm hiếm có, trên thì quan đầu tỉnh, giữa ông dân biểu, dưới một nhà buôn, ăn trong nhà thường dân, không phân giai cấp, không hẹn mà nên, ở tình liên lạc, chuyện chuyện trò trò, tiếng Tây pha tiếng Lào, tiếng Mường pha tiếng Nam. Ăn xong, quan sứ nói tiếp: “Bây giờ cơm no nê rồi, ai cũng vui, vô sự khỏe mạnh cả, tôi muốn đi săn, có chỗ nào có hươu nai thì ta đi bắn một chặp”. Dân làng thưa rằng: “Cũng có chỗ bắn nhưng 20 giờ mới đi được”. Trong khi đợi, thì quan sứ thắp nến, coi sách, còn ông nghị với tôi cũng ghé vào cây nến đem phong tục dân mường ra kể. Ông nghị thì kể, tôi thì ghi chép được lắm tục rất hay sau này sẽ kể tiếp. Một bên thì ham đọc sách, một bên thì ham câu chuyện lý thú, đồng hồ chạy chạy mau làm sao! 8 giờ rưỡi tối lúc nào không biết. Quan sứ vội vàng lấy súng đạn ra đi, ông nghị cũng đi mượn cái súng của người lính tập đi theo quan. Còn tôi ở nhà bảo lính lấy dây mắc màn trước.

Lúc vội, người lính không dặn ông nghị cách dùng súng, trong lòng sợ hãi, chỉ sợ ông xớn xa xớn xác, bắn không khéo vào quan sứ thì khốn, cứ bồn chồn lo sợ đi ra, lại đi vào. Sau tôi bảo anh nên tiếp theo thì hơn. Nghe lời tôi anh vội vàng ra đi, đi một lúc vẫn trở về ngơ ngác. Tôi hỏi đã tìm được chưa? Thì anh nói: “Giờ tối đen không biết đâu mà tìm cho được”. Chúng tôi từ đó ở nhà cứ bồn chồn lo sợ không biết ra sao. Tôi đợi mãi không được, mệt ngủ lúc nào không biết, đến hơn 23 giờ thấy sào sạt tiếng quan sứ tôi mừng trở dậy hỏi thăm. Quan rằng: “Có bắn được con nai, nhưng nó bị thương rồi chạy mất, trời tối không thể theo nổi. Lúc về bắn được con cầy hương cho người dân ở xóm đó, không đem về, vì tôi ghét cái mùi xạ của nó lắm. Khuya rồi tôi cũng không hỏi ông nghị Chân cách dùng súng của người lính sợ dài câu chuyện mất ngủ.

Ngày 29 Mars 1933 (23/3/1933).

Trời vẫn cứ mát, không nắng, không mưa. Tôi dậy từ lúc 6giờ, ra hiên vẽ mấy cây thuốc. Lúc bây giờ cảnh tượng khoan khoái vô cùng: Trên đầu thì đàn chim ríu rít kêu hót, cành nọ chuyền cành cây kia, gió lung lay lá; dưới sàn thì dân làng, chụm năm, chụm ba, quây quần quanh đống lửa, kẻ bát nước, người điếu thuốc, chuyện trò líu láu, tôi nghe không hiểu, nhưng mà vẫn thích nghe. Lại xa chút nữa, con gái đâm gạo giã gạo nổi một tiếng kêu: “công kênh, công kênh…” cũng vui tai. Văng vẳng xa tít thì vượn hót lanh lảnh sảng sốt tiếng dài tiếng ngân. Tuy ngồi vẽ mà tâm hồn phảng phất những đâu đâu?

Tình này cảnh ấy làm cho du khách trăm mối bên lòng.

Quan sứ dậy lúc nào mà đã đứng cạnh tôi lên tiếng: “Cảnh buổi sáng ở rừng chim kêu vượn hót như thế ông có lấy làm thích không?” Tôi trả lời: “Bẩm quan, tâm thần tôi vì đó sinh khẳng khái, phấn chấn dễ chịu lắm, còn gì thích bằng. Nhưng những cảnh hiếm có thời cũng phải ít khi có, vì ít khi có cho nên mới biết cái thú. Nếu cứ ở đây luôn thì lâu cũng lấy làm nhàm. Chúng tôi được ngoạn cái phong cảnh này, ấy cũng nhờ tấm lòng quý hóa của quan”. Quan cười.

Sáng nào cũng thế, chúng tôi chỉ lót dạ một cốc cà phê mà thôi, nên không có dềnh dàng, được đi sớm. 7 giờ 20 đã bắt đầu đi, 11 giờ rưỡi thì đến làng Tri Lễ(4), nghỉ tại nhà ông Phó tổng.

Nhà ông Phó tổng ở làng Tri Lễ. Hình minh họa của tác giả.

Hôm nay đến đây nghỉ sớm là vì từ Tri Lễ đến Tà Lầm(5) không còn có làng quán nào, khúc đường lại khó nhọc nhất, sợ đi đến tối, không có quán làng nghỉ, nghỉ giữa rừng thì nguy hiểm. Khúc đường từ Bàn Na- tỳ đến Tri Lễ cũng khó nhọc làm sao, khúc lên, khúc xuống, lúc đi men rìa núi, lúc lách rừng xanh, con đường vừa nhỏ, lại vừa lổn nhổn đá to đá nhỏ, khí trời ẩm rêu ướt đi trơn, người đi không, còn khó đi, khó trèo, ngựa không cưỡi được lại phải dắt, dắt cũng khó nhọc vô cùng, vì ngựa cứ ngả lên ngả xuống, thấy cũng tội, chỉ sợ ngựa què, nhiều chỗ khó quá, mấy người khiêng cáng xin tôi đi bộ, lên nhọc quá, không thì không nổi. Tôi thấy họ xin như thế, tôi thất kinh, mình chân đang đau mà phải đi bộ khúc đường này thì đi sao được, đến ôm chân ngồi đó, tôi mới lấy lời ngon ngọt an ủi họ cố cáng tôi qua khỏi lúc này, tôi đội ơn vô cùng, sẽ trả hậu, cố đi! Từ đó họ mới ra sức cố khiêng, mà khó thật, con đường vừa nhỏ, vừa dốc, lại vừa cong queo, đi men rìa núi đá lổm chổm, lại dưới xa thẳm thì suối nước chảy cuồn cuộn tiếng ầm ầm, lại lắm lúc lội qua suối nước trong, rất nhiều giống sâu (mè tạc(6)), cùng một giống đỉa. Thỉnh thoảng cu li dừng lại để bắt vắt nó bám vào lúc nào không biết; nó cắn không đau, đến lúc nó no bụng thì thấy ngứa.

Tuy đi cáng mà cũng còn đi chậm, không theo kịp quan sứ. Ngài đi rất khỏe và rất mau, hai người lính cũng không theo kịp, cũng kêu nhọc quá. Đến một quãng đường quang rộng, quan sứ ngồi đợi chúng tôi, đợi đến 15 phút thấy chúng tôi tới, quan liền kêu: “Có nhọc không?”. Tôi thưa: “Nhọc lắm, nếu không có cáng thì nguy”. Quan lại tiếp: “Đường này cũng còn chưa khó, đường ngày mai mới khó nữa, khó gấp mười”. Tôi nghe nói thất kinh.

Tiếp đến chuyện vắt quan kể rằng: “Ông có bị vắt cắn không? Có lẽ ông ngồi cáng không bị. Giống này mới cắn mình không biết, đến khi nó cắn lâu, nó đẻ trứng vào thì sau thành vết lở thối lâu khỏi. Lấy que gẩy nó ra cũng khó, chỉ lấy điếu thuốc còn cháy dí vào nó tức khắc nhả ra. Có một cô gái tơ đi đường rừng không biết đi mỏi mệt làm sao, bị vắt nó bò đến đùi, rồi đến chỗ kín mới biết, biết cũng quá rồi, luống cuống dứt nó ra, nó cứ bám mãi, nó cứ chui vào mãi. Sau cùng phải nhờ bạn đi đường lấy giúp khỏi nguy. Thật được một trận kinh hồn; may đàn ông mình dẫu mấy cũng không sợ”. Quan nói xong cả đoàn cười ồ, lấy câu chuyện ấy làm vui. Một tiếng cười ồ làm cho cả đoàn đỡ mệt. Quan lại tiếp: “Ở đây dân không biết giờ, có hỏi họ đi từ quãng này đến quãng kia hết mấy giờ thì họ không hiểu gì cả, họ chỉ biết đi hết mấy điếu thuốc, hoặc 3 điếu, hoặc 4 điếu, là vì lúc đi đường họ hay ngậm cái điếu dài, họ ngậm họ không thở, cứ một quãng thì thở một hơi, cái hơi cũng điều độ, nên họ lấy hơi thuốc làm chừng.

Nghỉ một lúc lại đi, đi riết cho đến 11giờ rưỡi mới tới Tri Lễ. Ai nấy trông vẻ cũng mệt nhọc, nhưng cũng khá, nghỉ một lúc, rửa mặt, rửa chân tay, uống chén nước nóng lại khỏe lại ngay chỉ có chân còn mỏi mà thôi.

Nhà ông Phó tổng này cũng rộng lớn, xem kiểu cách nhà ông làm vững lắm, làm toàn bằng gỗ, tre, nứa, mây mà thôi, không dùng qua chút sắt, chút đinh nào cả, nhiều chỗ kỳ dị quá.

Then cửa nhà ông Phó tổng. Hình minh họa trong báo của tác giả

Tôi ra ngoài hiên, thấy treo đến 20 cái sọ hoặc dê hoặc nai, tôi hỏi ông Chân: “Treo như thế để làm gì?” thì ông kể như sau: “Ông Phó tổng đây là trưởng tộc, vậy ai người trong họ đi săn bắn được vật gì cũng phải đem cái thủ lại biếu tộc trưởng để ông làm mâm cúng tổ. Treo các sọ như thế để tỏ lòng thành kính tổ tiên của người trong họ”.

Cơm xong nghỉ một lúc, quan sứ lại đi quanh vùng mong bắn lấy con hươu, nai hoặc gà rừng mới thỏa thích; còn ông Chân và tôi thì đi kiếm cây thuốc, nhưng ít lắm: chỉ được một vài cây mà thôi. Sau rủ nhau ra một chỗ có mỏ đá nam châm tức là sinh tử thạch, chỉ lộ lên mặt đất một tảng tròn bằng hai cái đầu người, chúng tôi lấy đá đập vào cứng quá, chỉ đá vỡ chứ nó không vỡ, chỉ bong các vẩy nhỏ mà thôi, lấy con dao để gần vào thì nó bắt các vẩy lên cả, không lấy được về mảnh nào, cũng chẳng lấy làm tiếc. Dân làng có xin phép quan sứ mổ một con dê đực lớn, trước mừng ngài tới được mạnh khỏe, sau cho anh em uống rượu ăn mừng. Quan sứ khuyên rằng: “Dân nghèo cực không nên hao phí, tôi không muốn vì tôi mà làng tốn kém, làng mừng tôi tới thì tôi rất cám ơn, nhưng đừng giết dê làm gì”. Dân làng vì tấm lòng thành kính gọi là, xin quan vui lòng nhận cho. Sau quan cũng nể lòng mà nhận. Lúc bấy giờ dân làng nghe được tiếng “ừ” của quan tỏ vẻ vui mừng lắm, hớn hở chạy ra bắt dê. Nhưng đến bữa cơm thì quan sứ không ăn thịt dê vì ít thích. Ăn uống xong lại có rượu trú ra mừng. Quan sứ uống với bà Phó tổng, tôi uống với ông Phó tổng, ông nghị với ông Phó lý. Quan Sứ với bà Phó tổng uống được hơn một sừng không bị phạt, ông Phó tổng và tôi uống kém quá, không nổi một sừng vì bụng tôi nghĩ: Chắc ông Phó tổng uống được nhiều nên tôi uống ít, thành ra uống không hết một sừng, lại bị phạt thêm sừng nữa. Rõ thật một sừng không muốn lại muốn hai, nghĩ cũng dại; biết thế sao cũng không tránh khỏi, thà lần đầu cố gắng cho hết một sừng thì sau khỏi uống sừng nữa. Từ đó mới biết khôn thì sự đã gần rồi.

Ông thi sỹ Nguyễn Khắc Hiếu, báo Phong Hóa tặng ông cái tên là “Hũ rượu” vì chê ông uống rượu luôn, chai lọ xếp ngổn ngang quanh mình. Ai cũng yên trí người uống nhiều rượu là người hư, thế thì ông Hiếu cũng là người hư chăng?

Ôi lầm to! Ba bảy đường uống rượu: Có người uống tan cửa nát nhà; có người uống đánh vợ đập con; có người uống ăn bậy nói bạ; có người uống từng chai một lúc. Nhưng ông Hiếu uống quả thực tôi thấy, cả ngày cả đêm có uống thật, uống hết độ bao? Chẳng qua hai ba hào rượu. Ví với những kẻ uống từng chai, không đồ nhắm thì kẻ kia lại không mang tiếng. Ông uống thì kề cà, mỗi lúc uống một tí, uống xong lại nhắm, hoặc nem, hoặc lạc rang, hoặc giò lụa với bánh tây, rượu cũng xong, hoặc bát phở nóng cũng xong, thật rất giản tiện mà không tốn kém như ai những bát vây, bát yến, đĩa bit tết, đĩa gà quay. Vì sao mà uống lâu như vậy? Ông cũng vì câu phú, câu thơ, rút ruột tằm đôi đoạn tơ vò. Cứ để ông thong thả uống thì cứ cả ngày ông ngồi được mãi với tờ giấy trắng, cây viết đen, ông ngồi được yên tịnh ngần nào, thơ ông càng trau chuốt, hay ngần ấy. Uống rượu như ông, tỉnh như ông, vui như ông, chín như ông, được việc như ông, nghĩ cũng hiếm có. Ôi! Ông uống rượu làm thơ, có khác gì người ta hút thuốc lá làm văn, có khi một ngày cũng hết vài gói, cái đó thì không ai nói đến! Thuốc cũng hại mà rượu cũng hại, sao nhà thi sĩ chỉ dùng cái đó để trợ sức làm văn, cái hại đó từ cổ chí kim không sao bỏ được. Các ngài cũng biết thế nhưng không sao tránh khỏi đó thôi; cũng chẳng nói làm gì cho phiền lòng.

Có lẽ cách uống rượu trú này, hợp cảnh ông Hiếu lắm. Ông ngồi bàn giấy, hũ rượu bên cạnh, miệng ông ngậm cần, tay ông cứ việc thảo văn, không còn mất thì giờ nâng chén lên để chén xuống, cầm hũ rượu rót ít rót nhiều, mà cái rượu trú xem ra không độc, có thể uống như nước chè hay rượu bia được. Hay ông lên quách trên này mà làm thơ. Sách vở, báo chí đừng xuất bản vội, có lẽ người Mường thật thà tiếp đãi ông lại rất hậu cũng nên, còn người đồng nghề với ông họ ghen, họ ghét, kiếm kế chê bai thời mặc họ, họ nói họ nghe. Sách ông cứ soạn, thơ ông cứ làm, làm rồi để đó, ai tri kỷ sẽ tri kỷ. Khi ông quy tiên rồi đây lớp sau sẽ đem vở ông ra tán tụng mà thương tiếc không được sinh cùng thời với ông mà giúp ông để ông mặc sức giăng giăng, gió gió, rượu rượu, chè chè, cũng như người đời nay ca tụng cụ Yên Đổ, ông Tú Xương, bà Thị Điểm, bà Huyện Khanh(7). Người ta chỉ có vài bài thơ hay, còn được ca tụng ngần ấy, tôi chắc ông lấy văn chương làm thú, nên ông vui ham, chứ nào có vì câu ca tụng của người đời mà đêm khuya một bóng một đèn(8).

Từ đây trở lên là địa hạt phủ Quỳ.

Nguyên phủ Quỳ Châu trước là hai huyện: huyện Quế Phong và huyện Thúy Vân hợp thành phủ Quỳ. Xung quanh bao bọc nhiều rừng núi, chỉ có một con đường về tỉnh Vinh mà thôi, cũng có thể đi sang được Thanh Hóa, nhưng khó đi lắm.

Thổ sản thì phần nhiều là chè, quế, nâu, lụi. Có hai họ lớn: họ Sầm và họ Lang. Họ Sầm to hơn, vì đất của họ Sầm mà họ Lang đến nhập tịch sau; họ Sầm có công lớn về việc dẹp giặc Xá và giặc Tàu, hai giống giặc này ngày xưa hay sang tàn phá cướp bóc luôn. Họ Sầm nguyên trước kêu là Lo kim, người Lào gọi là Lo kăm, sau rồi lấy tên chữ nho mà thành đặt lại là Sầm.

Còn họ Lang là gồm có nhiều họ như họ Lương, họ Vi…

Hiện họ Sầm bây giờ chia ra hai chi: chi ông Sầm Văn Phòng và chi ông Sầm Văn Hiên. Lại so hai chi thì chi ông Sầm Văn Phòng to hơn, giàu hơn, có thế mạnh hơn.

Cũng có nhiều làng, mỗi làng ở cách xa nhau độ 15 nhà, làng nhỏ ba bốn cái mà thôi. Chỗ nào cũng không có chợ, không có đình chùa thờ Thánh thờ Phật, ở nhà chỉ có một cái bàn thờ bày ở góc nhà chỗ cầu thang lên. Bàn thờ chỉ có cái phên đan, hay tấm ván, không có bát hương cây nến ống hương gì cả. Giỗ chạp không cúng, chỉ khi nào trong nhà không yên, hay ốm đau mới cúng.

Lúc cúng cũng chỉ mâm cơm thật cúng, không có vàng nến gì cả. Rất giản tiện, một năm đỡ tốn về vàng nến biết bao.

Con trưởng làm sao một lần phải làm lễ rất to cúng ông nội ba đời. Nếu chưa cúng được thời phải làm tạm một cái lễ nhỏ có từng này đồ: một gói cau, một gói trầu, một lọ cá chua, một lọ rượu trú; bỏ tất cả vào ba cái giỏ đi lên sàn nhà.

Quế Quỳ: Ngày xưa lấy quế làm thuế thân, cả hai huyện chỉ có 4 cân quế. Từ năm một Thành Thái thứ 12, lễ ấy cho nộp bằng bạc.

Ở đây chủ thổ (cũng như chủ đồn điền có đất cho dân ở) thường cho dân vào rừng kiếm quế; nếu được thì về báo, chủ thổ cho đi lột. Cứ bình thường mỗi cây lột được 100 phiến bán buôn mỗi phiến được độ một lạng hay kém độ 8$00, bán lẻ độ 12$00, 13$00, 15$00. Lớp quế bóc năm 1928 rất tốt, vừa dày vừa nhiều dầu, hiện bây giờ những nhà còn được ít nhiều bán mỗi lạng đến 30$00 hay 35$00. Một thanh thường nặng hơn 3 lạng thành giá hơn 100$00. Thứ quế này nhiều người mắt kém uống sáng rõ và trị được nhiều bệnh.

Cách phân biệt quế: Quế cứ bảo phân biệt bằng vỏ hay bằng dầu cũng khó lắm, vì trong rừng rậm, có một cây quế, còn biết bao nhiêu cây khác bao bọc rườm rà ánh mặt trời chiếu sao thấu tới được. Chỉ có cách lấy nước mà phân biệt ra được 4 hạng:

  1. Pha nước thấy toàn ngọt
  2. Pha nước thấy ngọt nhiều đắng ít
  3. Vừa ngọt vừa đắng
  4. Thử vào uống xông ngay lên rồi hạ liền

Cách để quế: Quế ta thường lấy vải quần áo cũ quấn lại cất đi, hai đầu bọc sáp, ít thì làm thế được, nhiều thì nên làm một cái rương bằng kẽm, trong làm hai ngăn, ngăn dưới để mật ong, trên để cái phên rồi hãy xếp quế; đậy kín thì để đến bao giờ cũng tốt.

Cái cối, cái chày bằng gỗ. Hình minh họa trong báo của tác giả.

Ở trên này thường uống từng bát nước quế không can gì mà dưới ta thì chỉ uống được một ít mà thôi.

Cách nấu rượu: Bỏ vào vò hai phần trấu, một phần gạo (hạng tốt giã cho sạch, gạo đem ngâm một đêm, rồi sáng lấy trấu và gạo đem ra xong trộn cho đều, đem về hông cho chín, rải ra cho nguội; đâm 6, 7 cái men to bằng cái đĩa, trải vào cơm trộn cho đều men, làm thành một đống, lấy lá đậy kín cho lên meo; khi nào thấy lên meo thì lại rải ra cho nguội, rồi nhận vào vò cho chặt, chặt chừng nào, tốt chừng ấy. Cho đầy đến cổ, lấy do quét cho mịn, trét cho kín hơi, vò nhỏ độ mười ngày uống được, vò lớn phải lâu hơn càng tốt. Khi nào uống chỉ cần đổ nước lạnh vào là có rượu uống.

Cách làm men rượu: Đem ngâm nếp, đâm ra bột lấy nước lạnh trộn vào để vắt, vắt xong nắm từng cái, mỗi cái bằng cái đĩa độ 12cm. Rồi đem bỏ vào cái nong, xếp từng lượt rồi lấy rơm phủ lên để cho nó mốc ra lông trắng lông đen. Đoạn bỏ lên trên giàn bếp, xếp xung quanh rồi cứ xếp dần vào giữa cho thật khô thì được.

Lễ cưới: Lần thứ nhất nhà trai phải đem một gói trầu, hai mươi quả cau để cả chùm đến nhà gái, dầu được, dầu không nhà gái phải nhận đã.

Lần thứ hai cách một tháng nhà trai đi tìm mối đến nói hộ, đem 4 gói trầu, 80 quả cau, nhà gái bằng lòng thì nhận, không bằng lòng thì trả.

Lần thứ ba: Bên nhà gái đã bằng lòng, nhà trai phải sắm 6 gói trầu,120 quả cau.

Lễ hỏi là lần thứ tư: nhà giàu phải sắm 8 gói trầu, 160 quả cau, 1 vò rượu trú

Lần thứ năm:10 gói trầu, 200 quả cau, 1 vò rượu trú.

Lần thứ 6: 12 gói trầu, 220 quả cau, 1 vò rượu trú, một con trâu hay một nén bạc, 120 ống cá chua, 120 ống nếp làm 120 cái bánh chưng nhỏ bằng chén uống nước.

Mấy lần ấy phải cách nhau một tháng. Sau chọn ngày lễ cưới. Lúc cưới, chọn ngày rước dâu; nhà trai đem 2 vò rượu, 12 nén bạc, 1 cây lụa cho nhà gái để xin đón dâu về.

Dâu về nhà, cha mẹ đem các các đồ nữ- trang cho dâu: 2 cái áo, 2 cái khăn, 2 cái quần, 2 đôi khuyên, 4 cái trâm, 1 bó tóc- mượn và 2 nén bạc. Khi ấy cô dâu đem ít đồ chăn nệm ra lạy cha mẹ chồng.

Ở luôn một tháng hay 15 ngày. Lúc về tới nơi thì làm lễ tơ hồng ngay: có 2 quả trứng, một vò rượu trú, 2 đĩa xôi, cho người Mo cúng, rồi đặt tên cho cả hai vợ chồng.

Lễ tơ hồng xong thì cả hai vợ chồng ăn mâm lễ đó. Ăn xong mới lạy cha mẹ. Tùy giàu nghèo mà định ngày lễ cưới, hoặc một tháng, hoặc 15 ngày. Bên nhà trai phải đem 2 con lợn, 1 con trâu, hai vò rượu trú đến nhà gái làm lễ khi đến trước cổng, các con cái họ nhà gái giăng dây ngăn đường trước cổng (dây hoặc bằng vải, hoặc bằng lụa) thì bên trai phải nộp 50 quan tiền cho các trai gái ấy, rồi trai gái nhà gái đi múc nước, để dội mấy người nhà trai, gọi là tiền kêu nước, phải 20 quan nữa, có đủ lệ ấy thì lấy ống nước văng một cái làm phép thế thôi chứ không phải dội lên đầu cho ướt.

Đủ lễ mới được vào. Nhà trai phải nộp một con trâu cho nhà gái, bên nhà gái lại làm thêm một con lợn, hai họ làm lễ ở nhà gái; xong ăn uống luôn hai ngày.

Người làm mối: nhà giàu trả ơn người làm mối 2 nén hoặc 1 nén bạc, nhà nghèo không có gì cũng được. Lễ cưới trên là lễ cưới của nhà giàu, còn nhà nghèo thì tùy tiện. Nhà chủ thổ cưới con thì phải mời hết dân ở chỗ đất mình đến nhận lễ cưới.

Đẻ con: đàn bà lúc mới đẻ xong thì phải lấy cây lụi, rồi nấu trong ống nứa, lấy một bát uống xong rồi tắm liền bằng nước lã nóng, tắm cả đứa con mới sinh. Được hai ngày thì uống một chén thuốc độ 20 vị. Uống xong thuốc là dậy đi làm ăn được. Dầu nắng dầu mưa cũng phải đội nón (mà không việc gì cả)

Cơm đàn bà để ăn: lấy ống tre cho gạo nếp vào, thổi cho ăn, mỗi ngày hai ống. Đứa trẻ được 10 ngày khỏe mạnh thì bao nhiêu ống tre cho người mẹ ăn đem đập ra rồi treo lên cây.

Cắt rốn con: Nếu là con trai thì lấy nứa ở mé nhà đầu giường, nếu là con gái thì lấy nứa ở mé nhà chân giường. Trong khi trong nhà có đàn bà đẻ, trong bảy ngày cấm người ngoài vào, chỗ nào cũng có dấu hiệu.

(Còn nữa)

Phó Đức Thành

Phạm Xuân Cần (sưu tầm, xác minh và giới thiệu)

 —————-

Kẻ Muông: nay là bản Muồng, xã Châu Kim, Quế Phong.

Bàn Natỳ: chưa xác định, theo mô tả thì thuộc đất xã Châu Kim.

P: piastre: đồng tiền Đông Dương

Tri Lễ: Tri-lễ: xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, nằm cách thị trấn Châu Kim 29 km.

Tà Lầm (Kim Khuông, đây có lẽ là xã Hữu Khuông của Tương Dương ngày nay): từ Tri Lễ đến Tà Lầm hết già một buổi đường đi bộ, tức là cũng khoảng 30 km

Mè tạc: vắt núi

Tác giả nhắc đến là các nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Đoàn Thị Điểm, bà huyện Thanh Quan

Tác giả là bạn bè thân thiết của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Tản Đà đã từng ở trong nhà của tác giả ở Vinh ba tháng trời, nhờ tác giả giúp đỡ in An Nam tạp chí tại Vinh.

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 27, tháng 10/2022)