Số 3

Con gái chửa hoang

Làng cũng bắt vạ chủ thổ về việc ấy một con lợn và năm lượng bạc. Làng bắt vạ bên trai một nén bạc. Lợn thì làng giết ăn, tiền thì để làm việc công. Con gái chửa hoang lần thứ hai phải vạ một con trâu, một nén bạc, một chum rượu trú. Nếu hai bên trai gái thuận lấy nhau thì trai chỉ phải nộp phạt làng một con lợn và cho mẹ đẻ người con gái 2$00. Nếu hai bên không lấy nhau thì chỉ nộp vạ mà thôi. Lần thứ ba cũng phạt như trên.

Gái háo (góa?) chửa hoang bị phạt một nén bạc, một con trâu, một chum rượu trú.

Ốm đau

Khi đau ốm có hai cách chữa:

  1. a) Có thầy thuốc lấy thuốc chữa
  2. b) Có thầy mo làm phép cúng cấp chữa

Chết

Nhà có cha chết phải đánh một hồi trống cụt thì cả làng cả xã tới cả, tắm rửa, mặc quần áo cho người chết. Các người đầu họ quản các việc khó, con cái không cần phải lo liệu. Đem một cái giường để giữa gian, trải một chiếc chiếu và một cái nệm dài, trải bốn lớp vải, để xác người lên nằm, ở trên đắp năm lần vải, một cái chăn phá, đội trên đầu một cái mũ thắt chín nút (họ Sầm), thắt bảy nút (họ Lang). Xong rồi con trai mỗi người một cái gươm dài đi vòng quanh cái giường ấy chín lần, liền khi đánh ba hồi trống, ba hồi chiêng các con đến bên bắt đầu mà lạy, xong rồi các con vác gươm ngồi đó mà canh giữ luôn. Làm một con gà trống luộc để cúng. Lễ ấy là lễ xôi gà đặt đầu; xong rồi hết cả xã đi chặt gỗ làm hòm, nhà nào không đi đông người phạt năm quan tiền, một vò rượu trú. Làm được hòm đem về nhập quan. Lễ ấy làm một con trâu. Xong rồi cả làng cắt nhau đến trực cả đêm cả ngày, cắt nhau đi mời tổng, xã, phủ, huyện bà con thân thích. Khách đến, dầu mấy trăm mấy ngàn dân phải tiếp đãi. Con cái trong nhà không biết gì hết, phí tổn bao nhiêu làng chịu tất cả.

Nhà Sầm phải làm một cây linh-tinh tùy giàu nghèo để lâu hay chóng.

Đưa đám

Có cờ, linh-tinh, một con trâu giết để làm cơm đưa đi, nhà tang bằng gỗ lợp tranh, độ 30 người khiêng, dân làng khiêng cả. Mấy người con trai phải sổ tóc vác gươm đi trước nhà tang, ra gần rú mồ, làm một tiệc, chỉ làm tinh rượu trú, hết cả các người đi đám uống. Nghỉ một lúc các con phải cúng rượu trú.

Đến huyệt đặt quan tài xuống lấp đất cho bằng, khiêng nhà táng đặt lên trên, ở trong đặt một mâm cơm và các đồ quần áo cũ của người chết. Đoạn con cái và các người đi đưa đám cúi lạy ba lạy rồi về. Hôm ấy khách về cả không ăn uống gì. Sáng mai làm một con trâu, anh em họ hàng bưng một mâm cơm đến nhà mồ cúng, ra về phải ra bến gội đầu, về đến nhà cắt tóc rồi mới mặc đồ tang (trước chỉ mặc áo trắng không chống gậy, ăn uống như thường). Đến ngày thứ ba con cái và họ hàng đem mâm cơm cá đến cúng nhà mồ. Ngày thứ tư đem cơm trứng đến cúng. Ngày thứ năm đem trầu rượu đến cúng rồi rước linh hồn vào giường thờ cúng một bát cơm, một đĩa mía, một đĩa muối. Hết tháng, nhà giàu làm một con bò cúng, nhà nghèo thì lợn, gà, gì cũng được. Thế là xong.

Đây là đám ma nhà giàu, còn nhà nghèo tùy mà thay đổi.

Kho thóc – Hình minh họa của tác giả Phó Đức Thành.

Để tang

Cha mẹ, anh em, vợ chồng, họ hàng: một năm. Anh em họ ngoại ba đời để năm tháng. Lễ hết tang, nhà giàu mời hết anh em, họ hàng, các dân làng đến làm lễ một con trâu, nhà nghèo thì thế nào cũng được.

Không được hát xướng trong khi có tang, còn lấy vợ, lấy chồng thì không cấm.

Tìm đất chôn

Người con trai trưởng đem đi hai đồng tiền xin âm dương, đem một cái trứng tụng niệm, rồi đập trứng vào một chỗ đất, nếu vỡ thì chôn được, nếu không vỡ thì phải tìm chỗ đất khác. Đã chôn rồi thì không đắp nấm như ta, đánh phẳng, bốn bề chôn bốn hòn đá, thế rồi thôi, sau không bốc gì nữa. Có một cái rú riêng của làng làm nghĩa địa, không được chôn người ngoài. Nếu cùng quá cố nài xin chủ thổ đất có cho mới được chôn.

Tìm đất làm nhà

Kiếm được miếng đất rồi đào một cái lỗ, bỏ hai hột thóc vào, đặt cái bát lấp đất, làm lễ khấn. Đến mai mở bát ra, thấy hai hột thóc nở giáp nhau thì đất ấy không ở được, nếu hai hột xa nhau thì ở được. Làm cái nền lên chỗ ấy, nhưng chưa được làm nhà, phải làm tạm cái nhà nhỏ ở tạm bên cạnh đợi một tháng mới được làm nhà.

Chỉ được đem thịt sống đến thẳng chỗ bếp mà thôi, cấm đem đến gần giường để cho khách nằm, chỗ này kiêng.

Làm nhà

Muốn làm nhà hay sửa lại nhà thì phải có con lợn độ 8 đồng và một chum rượu. Lợn nấu với cả cây chuối rừng một nồi, rồi mời làng tới ai nấy múc ăn, rồi ra làm giúp cho cả.

Tùy theo giàu nghèo, hai bên tương trợ nhau.

Nhà sàn ở Phủ Quỳ những năm 1920.

Tết

Trong tháng tết ai muốn Tết ngày nào cũng được. Như mồng Mười làm được lễ thì làm một con heo, một vò rượu, nhiều gói cá, bánh chưng, bánh xáo, trước cúng cha mẹ, sau mời bà con, anh em, bạn hữu. Trước ăn sau mừng nhau trong mấy ngày ấy. Các câu chúc đến lạy bàn thờ, chúc ở bàn thờ rằng: Năm mới bình an mạnh khỏe. Các nhà đại chủ thổ ăn tết phải làm trâu bò thêm vào. Dân của chủ thổ tới hết cả, vợ chồng con cái, trước lạy bàn thờ năm lạy, sau lạy chủ thổ bốn lạy, rồi chúc mừng nhau năm mới mạnh khỏe, sau uống rượu trú là về.

Lúa gạo

Cơm gạo trên này rắn lắm. Không có cối xay, cối giã, họ lấy một cái cây to, chia đôi lấy một nửa, chia ba lấy hai phần đục lỗ vuông nhỏ. Chỗ lỗ vuông lớn thì đâm thóc rời rơm ra, lại đâm một lần nữa cho hết trấu. Hết trấu lại bỏ sang cái lỗ nhỏ, đâm cho kỹ mới dùng được. Họ chỉ đâm đủ dùng trong hai ngày thôi. Có thóc sợ cháy làm riêng một cái nhà ở một nơi, khóa kín lại, thế là được, không sợ trộm cắp.

Người Mường không buôn bán gì, làm buổi sáng nghỉ buổi chiều, làm mùa này nghỉ mùa sau. Lỡ mất mùa hoặc lên rừng kiếm đồ ăn hoặc làng này được mùa làng đói sang nhờ ăn, xin từng thúng chứ không từng lon, nhà giàu phải cấp cho dân ăn.

Cả vùng phủ Quỳ còn tiêu nhiều bạc đồng, trước không tiêu bạc giấy, nay đã biết dùng.

Người dưới mình hay đem đồ lên đổi thường hay nói giá cao quá, như mang một cái áo the độ 3 đồng nói 6 đồng thì lại đổi được con lợn đáng giá 6 đồng, cho nên bây giờ nếu hỏi mua con lợn, họ cũng nói 6 đồng ví với lợn dưới ta thì đắt chỉ độ 4 đồng mà thôi. Nhà giàu lắm mới có đầy tớ, làng nào cũng có một hai chủ thổ, chủ thổ phải trông nom dân, có lỗi cứ trách ở chủ thổ. Dân làng nọ sang làng kia ăn trộm bị bắt thì làng bị mất trộm bắt lỗi chủ thổ có người ăn trộm. Hai chủ thổ phải thu xếp với nhau, nếu không xong thì đem lên phủ.

Trong làng không có chùa đình, khi có việc bàn thì họp bàn tại nhà lý trưởng hay nhà chủ thổ.

Họ sợ không uống thuốc Bắc, thuốc Tây còn dám dùng, khi quan sứ đi La Sam dân làng lên xin thuốc, nào đau bụng, nào đau mắt, sốt rét…

Họ kiêng không kê giường giữa nhà mà nằm, không được nằm đầu xoay ra lối đi vào nghĩa là theo chiều dọc, phải nằm theo chiều ngang. Người bạn đẻ con trai hay con gái mặc, chỉ đem mừng hai quả trứng gà và một bát gạo mà thôi. Người đẻ con không ăn mừng. Việc hiếu hỉ chỉ mừng phúng bằng bạc thật hay rượu, trâu, bò, gà lợn tùy đó. Có khách xa đến nhà, trước chỉ hỏi ăn cơm đã, nếu chưa ăn thì làm cơm mời ăn, sau đem rượu ra mời uống. Trong khi uống phải hỏi chuyện xa gần, vợ con mới ra chào. Nếu ăn cơm rồi thì chỉ đem rượu trú ra mời mà thôi.

Ruộng cũng có thể cấy lúa tẻ, nhưng họ không muốn vì không bán được, mà ăn lại mất nhiều đồ ăn, ít chất bổ, cơm nếp chỉ chấm muối cũng xong. Đem đồ cối xay, cối giã dạy họ, họ không muốn. Ý nghĩ có lẽ trên này không có việc nên phải làm thế cho họ có việc tiêu khiển.

Tái hôn

Gái trước lấy ông huyện sau góa chỉ được lấy người hơn chồng mình hay bằng quá lắm thì chánh tổng mà thôi. Nếu lấy người kém thì bị phạt một con trâu, một nén bạc, một chum rượu trú, 100 ống gạo. Người thường góa mà đi lấy chồng phải nộp cho nhà trai cũ một con trâu, một nén bạc, một con lợn, một vò rượu trú để cúng chồng cải giá. Bọn hạ lưu chỉ có một con lợn, một nén bạc, một vò rượu trú cúng chồng.

Trai muốn bỏ vợ chỉ cần trình làng là bỏ được, không cần chứng cớ gì cả. Gái bỏ chồng thì phải trả hết các của khi cưới.

Con gái chưa chồng thì hay đội cái mũ làm bằng nứa, lấy hết cật, còn ruột trắng, khổ độ 6,7 tấc tây, kết làm thành vòng tròn. Coi đó như còn con gái, như mất con gái, con trai cũng không hiểu được. Họ không để ý đến việc này, họ chỉ tin vào cái mũ đó thôi. Con gái lười không biết thêu thùa, dệt vải thì không ai lấy.

Con gái có chồng thời hay búi ngược tóc về bên cái đầu rất lớn, cài cái trâm bằng bạc cũng thiệt to bằng ngón tay cái, dài đến hai tấc. Ăn mặc thì toàn đồ tự dệt lấy, không phải mua.

Chuyện cổ tích đi kén vợ

Ngày xưa có một người con giai tên là Sầm Văn Mương, con cụ Sầm Bính ở về vùng Tào Khê, phủ Quỳ Châu, trong nhà nuôi nhiều giống chim, thứ nào dạy cũng nói được cả.

Năm ấy ông đã đến tuổi phải có người vợ giúp việc. Nghe nói ở tổng Tình Vãn, châu Thường Xuân có một cô Lào tên là Nàng Nòng xuân đôi tám, nhan sắc tuyệt vời, kim chi sắc sảo, ông muốn lấy làm vợ. Song chỉ nghe nói chứ chưa thấy mặt, chẳng nhẽ sang ngay mà coi, còn mượn ai cũng khó vì đường sá nguy hiểm. Ông mới nghĩ chỉ có loài chim có cánh bay đi mới tiện, ông liền ra hỏi các giống chim, xem giống nào đi được thì cho đi. Không ngờ giống nào cũng từ chối. Con thì chối rằng mắc nuôi con, ấp trứng, con thì nói đang mùa hoa quả xin để kiếm ăn, không thể lìa bầy được. Ông nghe thế nản lòng quá mà than rằng: Ai ngờ mình tốn kém bao nhiêu thóc gạo, nuôi cho nó béo, có đàn, có lũ, quyến luyến cùng nhau, lại học ăn học nói được mà không giúp được gì chẳng phải uổng lắm sao? Đem vật chết cả cho rồi, gan ruột gì chúng nó bạc như thế. Bà mẹ nghe can con rằng: “Con chớ vội nóng giận thả lời dữ tợn, bên kia họ nghe được, cho con là người độc ác mà từ chối chăng? Nhưng con đã hỏi hết các giống chim chưa? Hình như con còn quên không hỏi đôi yểng. Mẹ xem giống ấy khôn hơn cả”.

Người con sực nhớ liền đổi giận làm vui, chạy lại đôi yểng tỏ hết công chuyện đi coi mặt nàng thì đôi yểng xin vui lòng cố sức đi cho được việc, không dám từ nan.

Ông mới sửa soạn nào đồ ăn cho yểng: ớt, thịt và có đính một bức hoa tiêu vào đuôi.

Sáng mai đôi yểng tạ từ chủ rồi bay đi. Lúc bay đến gần nhà cô Nàng, đôi yểng đậu lại một nơi để nghĩ mưu kế cho lọt vào nơi cô Nàng ở.

Chồng rằng: “Vợ phải đi trước thì hơn vì đàn bà đi đến đâu cũng dễ lọt hơn”. Vợ lại rằng: “Đã đi thì đi cả đôi, lỡ họ bắn tôi thì ai cứu kịp, vậy phải đi đôi, nhưng còn vào thì nghĩ cách gì?”. Chồng nhanh trí nói rằng: “Nhà ấy có nuôi nhiều chim bồ câu, vả lại chim bồ câu thường sáng hay bay dạo một lúc, ta nhân lúc ấy nhập bọn mà bay xuống”.

Mưu kế đã định, sáng hôm sau quả nhiên có kết quả hay.

Vào được sân thì người nhà đi khỏi cả. Cô Nàng cũng ra đồng coi lúa, để con hầu nhỏ ở nhà trông nom; đôi yểng hỏi rằng: “Cô ả chị đi đâu? Tôi có việc cần muốn thưa”. Con hầu đáp: “Cô tao còn đi ra đồng, đến trưa mới về, chúng bay có đợi được không?’’. Yểng rằng: “Tôi xin cố đợi, nhưng cô phải bảo người nhà chớ hại chúng tôi vì chúng tôi là đầy tớ ông Mương cho sang có việc cần chứ không phải là chim lạc bầy’’. Đến trưa cô Nàng về, ăn uống xong lại vào phòng thêu dệt. Yểng lại bay đến đậu khung cửi gần cô mà thỏ thẻ thưa rằng: “Ông tôi là Sầm Văn Mương nghe cô nữ hạnh, nữ công trọn vẹn nên muốn xe tơ kết tóc cùng cô xin cô vui lòng chiếu cố cho chủ tôi, thì chủ tôi thật có phúc”. Cô ả nghe yểng nói vậy thì lấy làm lạ quá, duyên nợ đâu có duyên nợ như thế, cho là việc gở liền đem ra thưa với song thân.

Ông bà đẻ ra cô nghe cũng lấy làm lạ, cho người dò hỏi tin tức thì quả ở vùng Tào Khê có ông Sầm Văn Mương con cụ Sầm Bính, con nhà đại gia, tiếng tăm lừng lẫy vùng ấy, mới tin lời yểng là thật, bảo yểng về nói với ông Mương tìm mối lái sang sẽ hay.

Đôi yểng bay về trình lại sự việc cho chủ nghe. Chủ hỏi nhan sắc ra sao thì yểng rằng: “Thật là một người quốc sắc khuynh thành sánh cùng chủ thật là xứng đôi đẹp lứa”.

Hình minh họa của tác giả Phó Đức Thành.

Được lời như cởi tấm lòng, chủ liền tìm mối đi theo cùng mình, nào ngựa nào voi, ngọc ngà châu báu, không thiếu thứ gì. Đến nơi cho người mối sang dò hỏi ý tứ và xin cho coi mặt Nàng. Còn bên cô Nàng liền cho các thị tỳ đi coi mặt ông Mương; chúng nó thêu dệt những sự không hay: nào là mặt đen như sắt, tay chân lông lá, xấu xa vô cùng. Cô nghe nói buồn rầu không muốn ra nữa. Bên trai cố đợi thêm ba tháng cũng không coi được mặt liền xin cáo về. Bên nhà gái làm một con trâu để làm việc tiễn; ai ngờ trâu đã thui chín rồi, còn bật vùng dậy chạy đi mất. Bên nhà trai cho là điềm quái gở liền cáo từ đi ngay. Cô Nàng thấy chuyện trâu lạ lùng đứng ở nhà lầu ngó ra, ai ngờ ngó thấy ông Mương mà sửng sốt, vì thấy ông Mương là người trai trẻ hùng tráng tốt tươi, không như lời của mấy đứa thị tỳ thêu dệt. Cô tức quá liền thưa với cha mẹ cho người đi mời ở lại thêm mấy ngày nữa để trình bày công chuyện. Ông Mương thấy việc không hay, lại chờ đợi ba tháng mà không coi được mặt nhất định không quay trở lại nữa. Cô ả tức tối giận dữ, bao nhiêu đồ trang điểm trong mình quăng vất đi cả, vội vã theo cho kịp ông Mương, để giãi tỏ tình oan.

Nào ngờ đi xa quá theo không kịp, bị chết giữa đường, rồi từ đó hồn rất linh thiêng, hiện có đền thờ ở Thường Xuân.

Ông Mương sau kén vợ ở dưới Hạ Bạn.

Vì cô Nàng chết đi có oán thù. Sau ông Mương mỗi ngày một suy, nhà cửa, của cải mất hết.

Ngày 30 Mars 1933

Trời vẫn không mưa không nắng mát mẻ như cảnh buổi chiều. Nghe nói khúc đường từ Tri Lễ đến Tà Lầm là khúc đường nguy hiểm nên có phần e sợ ngại ngùng, nhưng lo sợ ngại ngùng cũng không thể ở lại được. Thôi cứ cố đi, chỉ có khúc này nữa là tới chỗ dễ, thảnh thơi, sung sướng biết bao. Nghe câu ấy ai nấy lại phấn chấn, tỏ ra vẻ mặt vui mừng, vội vàng sắm sửa đồ cần dùng rồi đi.

Bắt đầu 7 giờ ra đi, đi được 15 phút thì quan Sứ lên ngựa, ông Nghị lên ngựa, tôi lên cáng để phòng sức mà trèo đèo lội suối không như mọi ngày còn đi bộ dạo đến 2 giờ có mỏi mới lên ngựa lên cáng. Đường mới đi thì bằng phẳng rộng rãi, cứ thế mà đi thì còn nói gì?! Được non 2 giờ như thế, rồi cứ dần dần càng lên càng khó; hai bên rậm rạp cây lớn, cây nhỏ, đường đi cứ nhỏ dần, đã bé còn gồ ghề, lổm chổm đá hòn tròn hòn méo, hòn trơn hòn sắc cạnh, đất ẩm rêu mọc, mỗi bước một trơn, bước lên lại trụt xuống. Không cưỡi được ngựa, dắt nó càng cực thêm, ngựa cũng cứ muốn trụt xuống; cáng cũng đành bỏ không thể nằm được, mà cũng không thể khiêng được; tôi phải gắng trèo, hai người vực hai bên mà trèo cũng không vững, mỗi bước lại mỗi dừng. Rồi đến nịt, bít tất đứt lúc nào cũng không biết, bít tất tụt xuống cả giày vải trắng để nhựa ướt đầm. Cùng quá phải lấy dây cây leo mà chằng chịt quần và bít tất lại cao gọn. Cứ lên lên mãi, càng lên càng dốc ngược, đầu gối rã rời hình như người què, thở hồng hộc, thở ra lỗ tai, thở ra lỗ mũi, bảo hết hơi trần cũng có lẽ. Càng lên càng thấy lạnh, càng ẩm ướt lại càng trơn, không khéo trượt thì ngã chết. Trèo như thế đến hơn một giờ đồng hồ. Đến được đỉnh núi, bụng hơi mừng đã thấy quan Sứ cười mà hỏi rằng: “Mệt chưa? Có què không?”. Tôi cũng cười gượng mà trả lời: “Không bước đường nào cực bằng! Không biết còn cực hơn hay không nữa”. Quan đùa tôi, nói còn nữa! Tôi thở dài: “Chết, còn nữa, còn nữa nhưng khó hay dễ hơn? Cực hơn nữa. Chết! Thế thì biết làm sao?”. Quan bảo cứ cố, sẽ thấy bĩ cực có tuần thái lai. Quan thấy tôi quần áo lướt thướt, bảo phải cởi hết áo dài, chỉ có áo nịt cho vào trong quần, thắt lưng ra ngoài, để cho gọn, và kẻo vắt nó bám vào người. Nghe quan tôi nai nịt hết người; rồi mỗi người một cái gậy, đầu nhọn chống xuống. Lúc này mới thấy bộ quần áo An Nam là thất thế.

Các dân họ đã đi quen nên không dáng mệt lắm, họ ngồi hút thuốc phì phào, ra vẻ đắc chí với mình. Họ có chế ra được một thứ bùi nhùi, bằng chuối mà dai xốp, dễ bén lửa mà cũng tiện dụng lắm.

Nghỉ một lúc lại đi, lúc này là xuống dốc. Xuống được một quãng cũng dễ chịu; bụng bảo dạ, nếu được cứ thế này thì cũng khỏe lắm. Đi được một quãng còn nghe quan Sứ gọi: “M. Thành! chết chưa? Sao không nghe tiếng nữa”. Mà đường đi từ đó cứ dốc dần mãi xuống. Ở trên trông thật thăm thẳm dốc, dốc quá mà ngợp, lỡ chân sa xuống, thật xuống âm ty, không ai nhìn thấy nữa. Thấy mà sợ. Ấy là đã có hai người kèm hai bên rồi, nếu không có thì chịu không xuống được rồi. Càng xuống, càng không thấy chân núi. Sau mệt quá đành không theo kịp, ngồi ỳ một chút cho đỡ mệt. Mấy người dân đi theo cũng ngồi nghỉ, họ đem cơm nếp ra ăn. Tôi vì buổi sáng chỉ uống một chén cà phê, bụng có đói, thấy họ ăn, thèm, cũng xin họ một nắm, ăn cho có sức lại lấy làm ngon lắm. Hai người lính cùng đi với tôi cũng không theo kịp quan Sứ được, họ nói rằng: “Từ khi đi lính chưa từng đi quãng đường nào khó khăn như vậy, thật là hết sức khó rồi”. Mỗi người uống một ít nước lại đi. Sau cùng chia người đi kèm tôi cũng lấy làm khó, thời một người dừng lại bảo tôi: “Thôi để tôi cõng ông đi còn dễ hơn hơn”. Lúc bấy giờ chân tôi như chân giả vậy, chẳng còn biết cử động nữa, tôi cũng bằng lòng cho họ cõng. Họ cõng tôi như họ cõng em bé của họ vậy. Đi lên đi xuống nghe cũng dễ chịu lắm, họ khỏe tôi cũng khỏe, nhất là lúc lội mấy cái suối. Các người đi theo sau cứ tủm tỉm cười. Nhưng than ôi, ở đời sung sướng không phải cách thì không bền, coi cũng tạm thời mà thôi. Cõng thì mới đầu cũng khỏe, sau cũng mỏi, hai chân bị bó lại cũng đau, lâu lâu cũng nặng cho người cõng, cứ trụt xuống dần, trụt quá họ lại bó thắt lấy hai đùi tôi mà xốc lên; mỗi lúc xốc lại lấy làm khó chịu. Đến lúc đã gần xuống hết dốc, tôi phải cố tụt xuống để đi bộ, kẻo hai người cũng cực. “Thế nào, đã đến đất bằng chưa? Gần đến! Gần đến mãi, từ lúc nãy tới giờ biết mấy cái gần, các bác cứ lừa tôi mãi. Có thế ông mới cố đi: bằng nói còn lâu, còn dài sợ ông chán lại càng mệt lắm”. Đây đã đến chỗ dễ đi rồi, đi một quãng nữa đã thấy quan Sứ ngồi đợi tôi từ bao giờ. Quan thấy tôi vừa cười vừa hỏi rằng: “Tôi tưởng ông chết rồi. Mấy lần tôi gọi không thấy tiếng thưa; tôi đợi đây có hơn một giờ, vậy có đau mệt lắm không? Bẩm không, đã đỡ. Thế thì tôi mừng cho ông. Ấy cái núi mà mình vừa trèo, người ta gọi là đường lên trời đó”.

Tôi ngó lại thì quả thật núi ấy chót vớt trời xanh, có mây trắng bao phủ luôn; nghĩ cuộc trèo mới qua tôi lấy làm mừng quá.

Nhà thi sĩ được đến chỗ này thì có vô số tài liệu làm thơ thiết thực, không còn viển vông, không còn tả mờ nói bóng. Nghỉ một lúc lại đi. Đi đường cũng ung dung, thong thả, cùng nhau được chuyện trò vui vẻ, không như lúc nãy kẻ trước người sau, ai lo phận nấy, mong cho sớm kết thúc hiểm nguy.

Hình minh họa của tác giả.

Xa xa đã có làng, trong bụng mừng xiết bao! Hỏi làng gì thì dân đều nói làng Tà Lầm (Kim Khuông) là chỗ nghỉ chân. Đến nơi vừa 12 giờ 15 phút, nghỉ ở nhà ông Phó tổng. Dân làng chầu chực đã lâu, thấy chúng tôi đến vô sự tỏ vẻ vui mừng ra chào. Quan Sứ vào ngồi ngay cái ghế làm bằng mây, cái ghế kê ngay cái bếp giữa nhà, giữa bếp đang đun nồi nước, lửa bốc lên ngùn ngụt. Dân làng đứng xung quanh bếp. Ngắm cảnh lúc bấy giờ không khác cảnh cha đi đâu về, con cái đứng chực hỏi thăm và đòi quà bánh.

Quan Sứ nghỉ một lúc rồi đứng dậy hỏi han dân tình, một lúc quan lại ngồi xuống rửa tay, rửa mặt. Ông Phó tổng đem cơi trầu ra mời. Quan cũng vui lòng nhận lấy ăn, ăn có vẻ ngon lắm. Tôi lấy làm thèm nhưng lại thẹn vì lúc bấy giờ có mời tôi ăn mà lại chối không ăn được. Theo cách lịch sự thì phải cầm lấy cho vui lòng chủ, nhưng tính tôi thật, cái gì không biết thì nói không biết ngay, không có kiểu cách, vả tôi nghĩ cái gì mình đã không biết, mình có nể mà làm làm cũng vụng sai, người cũng cười, chi bằng cứ thực được bền lâu. Sau người ta biết mình quả thực như thế, người ta cũng chẳng giận gì. Ấy cũng vì lòng thực mà lúc xử thế có chỗ không thiệp, cũng đành vậy.

Tưởng quan Sứ có đem phòng nhiều thuốc, người này đến xin thuốc đau mắt, người kia xin thuốc đau bụng, người thuốc cảm sốt; nhưng chỉ có đem một vài thứ mà thôi. Thuốc đau mắt không có, quan hứa đến Cửa Rào sẽ lấy đưa cho Chánh tổng đem về. Nhưng quan có dạy trước cách nhỏ thuốc: Quan ngồi cái ghế thấp, quan bảo người dân đau mắt, ăn mặc rất lem luốc, quan không nề hà, bảo ngồi xiết vào lòng quan, để đầu lên đùi, ngửa mặt lên rồi vạch mắt mà làm cách nhỏ thuốc vào, dặn dò rất chu đáo.

Dân làng thấy tính vui vẻ âu yếm của quan như thế, tỏ vẻ hâm mộ lắm. Đồ ăn mang đi sẵn nên bác bếp chóng dọn xong, mời quan vào xơi cơm. Không có bàn ghế mâm cơm để lên trên giường. Quan Sứ để nguyên quần áo ngồi vào ăn, ngồi giường không được, quan kéo cái rương của quan ra sát gần giường mà ngồi ăn. Còn ông Nghị với tôi quan cứ bảo ngồi lên giường ăn cho tiện, chúng tôi mạn phép cũng ngồi lên ăn. Ai đột ngột mà vào lúc chúng tôi đang ăn thì đã cho là bạn bè thân thiết, chứ đâu biết ông chúa tỉnh với người thường dân.

Coi chỗ xử trí đó cũng biết là quan trên rộng lượng, không chấp nhặt, không phân biệt giai cấp, vì đó mà dân có câu ca tụng rằng: “Cụ lớn cũng oai vị thật, từ ngày cụ lớn bắt đầu ra đi, thì trời mát mẻ luôn, không nắng không mưa, dân làng chúng tôi đi phục dịch hầu hạ khỏe mạnh, không mệt nhọc, thật là phúc tinh”.

Quan Sứ nghe được câu ấy, quan cười.

Ăn xong dân làng lại đem hai hũ rượu trú ra mừng, quan uống, chúng tôi uống, dân làng uống, ngồi vòng hai vò rượu, chuyện trò vui vẻ, coi mặt ai cũng không đỏ, chỉ mặt tôi đỏ như gấc, quan cười. Hôm nay có vội đi sớm nên uống không được lâu như mọi ngày.

Từ đây cuộc trèo đèo lội suối hết, lại đến cuộc lên thác xuống ghềnh, cảnh trí sẽ bày trước mắt ra sao?

Phó Đức Thành

(Còn nữa)

Phạm Xuân Cần
(sưu tầm, xác minh và giới thiệu)