Khi tôi ngồi vào bàn để viết bài này thì bản tin thời tiết vừa cảnh báo về một đợt không khí lạnh cực mạnh đang tràn xuống các tỉnh phía Bắc. Mùa Đông bao giờ cũng chở đầy những câu hỏi đầy tâm trạng về cả những gì đã đi qua và cả những gì đang phía trước. Càng gần đến tiết Xuân thì trời càng lạnh, âu đó cũng là cái quy luật tương sinh ngàn đời của trời đất. Năm cũ đang cạn dần. Cuối cùng thì những tờ lịch dai dẳng mang theo con số 2020 cũng đã bắt đầu được hạ xuống để kết thúc một quãng thời gian đầy sóng gió. Không còn sự lựa chọn nào khác, lịch sử nhân loại sẽ buộc phải ghi chép năm 2020 với tư cách như một niên độ sống vô cùng đặc biệt. Năm của những biến cố khôn lường. Năm của hàng loạt chỉ số âm trên bản đồ kinh tế và dày đặc những dấu trừ trước các thống kê xã hội. Năm mà nhân loại như bật thức sau khi bị dồn nén đến sát chân tường.
Cuộc sống sẽ chỉ còn là bản nhạc đơn điệu và không đáng để con người hoài công chinh phục nếu nó không còn chứa đừng những yếu tố bất ngờ. Có những thứ bất ngờ làm chúng ta hạnh phúc, có những thứ bất ngờ mang đến sự khổ đau, nhưng dù hạnh phúc hay khổ đau thì bổn phận của con người cũng không có quyền chối bỏ. Dịch bệnh và thiên tai là những thứ không hề xa lạ. Trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc nhân loại cũng đã từng vật vã với dịch hạch, dịch cúm, và cả đậu mùa. Thế giới cũng từng oằn mình chứng kiến siêu bão Katrina hay bàng hoàng đau xót trước đại họa sóng thần Fukushima. Tuy nhiên chỉ đến khi đại dịch Covid-19 xuất hiện thì sự càn quét khủng khiếp của nó mới có thể để lại một cảm giác chia tay năm cũ nhọc nhằn gai ốc như hôm nay. Mùa Đông năm ngoái, đúng vào thời điểm này cách đây tròn 12 tháng, chữ Covid-19 vẫn chưa hề nằm trong danh bạ y khoa thế giới. Khi những giai điệu khải hoàn sắp được cử hành trên khắp hành tinh để chào đón tân niên thì cái ngày định mệnh ấy rơi hi hữu đúng vào thời khắc cuối cùng, 31 tháng 12 năm 2019, ca nghi nhiễm Corona đầu tiên được chính thức báo cáo tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Chuỗi hung tin bắt đầu từ đây. Chỉ 10 ngày sau, căn bệnh lạ lùng và quái ác ấy đã gỡ khỏi cuộc sống tươi đẹp này những sinh mạng đầu tiên. Và 10 ngày kế tiếp, chính phủ Trung Quốc đã buộc đưa ra một quyết định chưa từng có là phong tỏa hoàn toàn thành phố Vũ Hán. Sự mường tượng về thảm họa cứ thế hiện hình dần, đến ngày 11 tháng 3 năm 2020, tổ chức y tế thế giới (WHO) đã buộc lòng phải đau đớn xác nhận với nhân loại đại dịch toàn cầu! Cả 5 châu bước vào một cuộc chiến tổng lực trong trạng thái bị động tứ phương.
Từ một vài chục người người con số lây nhiễm nhanh chóng vút lên một trăm người, rồi lập tức một ngàn người, mười ngàn người, một trăm ngàn người, một triệu người… Bây giờ, khi những dòng này chữ đến này với các bạn thì con số nhiễm bệnh được công bố đã là sút soát 80 triệu người, trong đó ít nhất 1,7 triệu sinh mệnh đã vĩnh viễn ra đi. Covid -19 làm kiệt quệ kinh tế toàn cầu, Covid – 19 cắt nát mọi kết nối, Covid – 19 phá sản mọi kế hoạch cũng như dự báo tăng trưởng trưởng đó. Và chỉ chưa đầy 12 tháng, người đàn ông được coi là an toàn nhất thế giới, tổng thống Hoa Kỳ, ngài Donald Trump cũng đã chính thức nhập viện bởi chính loại virus này. Loại virus mà trước đó chính ông cũng lầm tưởng khi tuyên bố rằng nó “sẽ tự biến mất một cách kỳ diệu”.
Từ chủ quan đến bàng hoàng, từ bấn loạn chuyển qua trấn tĩnh, người ta vừa tỏ ra ngơ ngác hỏi nhau lại vừa cố gắng tỉnh táo trả lời. Điều gì đang xảy ra, dịch bệnh từ đâu đến, Covid-19 là cái giá phải trả cho sự bất cẩn của con người hay hình phạt ác ý đến từ đấng tối cao? Có lẽ nhân loại sẽ phải tốn thời gian và giấy bút để bàn về nó ở thì tương lai. Trong lúc dịch bệnh càn quét, hình như có ai đó đang ngồi lục lại và phân tích “sấm truyền” của những nhà tiên tri nổi tiếng thế giới. Âu đó cũng là một cách để người ta trấn an tinh thần, cũng là một cách để người ta tự huyễn hoặc cuộc sống. Cha ông có câu “Biết được sự trời thì mười đời sung sướng”. Tôi không có ý định báng bổ những năng lực siêu nhiên kỳ diệu của con người, nhưng quả thực với Covid -19 thì đúng là không ai có thể “biết được sự trời” cả. Chúng ta đã phải trá giá quá đắt cho một bài học, một bài học mà cả 7 tỷ “học viên” đều là nạn nhân.

Chỉ trong vòng 12 tháng mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã có 2 bản báo cáo với 2 cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Đầu năm 2020, người đứng đầu Liên hợp quốc dõng dạc tuyên bố về 4 mục tiêu lớn giải quyết trong năm 2020 là tìm kiếm giải pháp cho những căng thẳng chính trị; đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững; và tăng cường sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và các thể chế đa phương khác. Nhưng rồi chưa đầy 12 tháng sau, chính người đàn ông quyền lực ấy đã phải ngậm ngùi thừa nhận thế giới có thêm khoảng 100 triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo và đây cũng là lần đầu tiên chỉ số nghèo đói trên toàn cầu “dương tính” kể từ năm 1998. Vậy là 4 mục tiêu lớn trở thành món nợ không xác định thời hạn. Chả một lĩnh vực sản xuất hay kinh doanh nào nằm ngoài ảnh hưởng, chỉ riêng số lượng khách hàng không giảm 65,9 % cũng đã đủ nói lên sự khốc liệt của vấn đề. Giới chuyên gia kinh tế của Viện Tài chính quốc tế (IIF) mới đây đưa ra dự báo đáng lo ngại: Tỷ lệ nợ/GDP sẽ tăng tới 365% trong những tháng tới, kèm theo bình luận đây sẽ là đợt “sóng thần nợ càn quét thế giới”. Cho tới cuối năm 2020, theo IIF, tổng nợ toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục là 277.000 tỷ USD. Con số mà cách đây 12 tháng nếu ai đọc ra chắc sẽ bị coi là thông tin “ác mộng”.
Covid-19, cộng với những thảm họa kép như cháy rừng ở Australia, nổ kho hóa chất ở Lebanon, lũ lụt ở Trung Quốc, Philippines hay sạt lở đất ở Việt Nam… sẽ là những di chứng nặng nề để lại không chỉ một năm mà chắc còn nhiều năm nữa. Tuy nhiên, nhắc đến năm 2020, thì hình ảnh chiếc khẩu trang và cụm từ khóa “giãn cách xã hội” sẽ vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất mọi thời đại.
Vậy thì Covid-19 liệu có phải là sự lâm chung của những ước mơ dở dang và tận thế của những cơ hội chưa kịp hoàn thành? Covid-19 có phải là dấu chấm hết cho mọi hy vọng? Không, tôi không nghĩ thế! Mất rất nhiều không có nghĩa là mất tất cả. Ít nhất thì mỗi chúng ta ngồi đây cũng cũng đã và đang trải qua một cuộc tổng diễn tập ứng phó thảm họa với quy mô toàn cầu. Covid-19 có thể đã làm cho bức tranh toàn cảnh thế giới năm qua trở nên xám xịt, nhưng ẩn sau những gam màu u ám đó là sự trưởng thành toàn diện của xã hội. Chúng ta đã tìm được đáp án trả lời cho câu hỏi hóc búa nhất về sự rắn rỏi. Nhân loại đã tìm được thứ ngôn ngữ không phân biệt giàu nghèo chủng tộc hay màu da. Hàng loạt những giá trị nội sinh được kích hoạt. Sự phân rã trong các chuỗi kết nối đã không thể triệt tiêu được nỗ lực gắn kết của con người. Những cú sốc suy thoái kinh tế đã không chùn được những bước tiến thần kỳ của khoa học. Những phương thức làm việc mới được hình thành. Thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến bùng nổ. Từ trong sự bấn loạn và thoi thóp của không ít tập đoàn kinh tế thì thị trường chứng khoán lại hồi sinh ngược dòng để lập đỉnh lịch sử. Rõ ràng Covid – 19 đã gián tiếp ép đẩy những ứng dụng tuyệt vời của công nghệ số để nó tiến nhanh hơn, xa hơn, thiết thực hơn.
Ở “chốn quan trường” thì Covid-19 trở thành một trong những bộ hồ sơ quan trọng bậc nhất để các chính trị gia bộc lộ quan điểm, trách nhiệm cũng như năng lực. Chính nó đã len vào rồi ngự trị ngay trong những cuộc đua tranh đình đám. Năm 2020, thế giới đã được tận mắt chứng kiến một trong những cuộc bầu cử sôi động nhất toàn cầu. Với những khác biệt từ cách ứng xử với dịch bệnh, đương kim tổng thống Hoa Kỳ, ngài Donald Trump đã chính thức ghi tên mình vào cái danh sách ít ỏi của những vị tổng thống tại vị 1 nhiệm kỳ. Lý thuyết “Nước Mỹ trên hết” của ngài đã không đủ truyền cảm hứng cho cử tri Mỹ khi hàng loạt trật tự thế giới bị đảo lộn. Có thể chính sự quyết liệt nhưng thất thường đã đẩy ngài Donald Trump ra khỏi sự lựa chọn của những lá phiếu coi trọng yếu tố an toàn. Kết thúc 4 năm, trò chơi cảm giác mạnh là thứ mà phần đông người dân Mỹ không muốn kéo dài. Ông đã kết thúc nhiệm kỳ của mình vô cùng ấn tượng và tràn đầy cảm xúc. Âu đó cũng là cái kết không quá bất ngờ cho một chính trị gia hàng đầu thế giới mà trước đó thậm chí chưa 1 ngày làm chức “trưởng thôn”. Năm 2020 cũng là năm mà người ta chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh thương mại với những cú đòn ăn miếng trả miếng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu ở “trận chung kết”. Thế giới khép lại năm 2020 với ngổn ngang những câu chuyện. Chưa hết, chưa thể hết!
Từ Việt Nam nhìn ra thế giới thấy muôn vàn trở trăn, từ thế giới chiếu về Việt Nam bỗng thấy mình may mắn. Một chút tự tin, một chút tự hào, một chút tự trọng nhưng quả là rất nhiều cảm xúc. Cuộc chiến chống Covi-19 ở Việt Nam cứ như là một kỳ tích. Mỗi lần dịch bệnh xuất hiện cũng là một lần dịch bệnh bị đẩy lùi. Đúng là kỳ tích, cả thế giới đổ gục trước đại dịch, Việt Nam trở thành biểu tượng mẫu mực cho cuộc chiến đầy cam go này. Hành động! Đó là mệnh lệnh tối cao của sinh tồn. Đó là sức mạnh Việt Nam, một thứ sức mạnh hình thành từ ngàn năm dựng nước và giữ nước. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi tập thể là một pháo đài. Cuộc sống và sinh hoạt đảo lộn lại được chính từng người dân tự ngăn nắp hóa theo một trật tự khác biệt, một công thức chưa từng được biết đến trước đó. Trên dưới, ngang dọc tất thảy đều chung một “chiến hào” chống dịch. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, trách nhiệm của Chính phủ và sự đồng tình của người dân đang gặp nhau ở một điểm. Chính sự hội tụ vuông vắn ấy đã tạo nên sức mạnh và năng lực thích ứng diệu kỳ của chúng ta. Những giá trị căn bản nhất ngủ quên lâu ngày đã được gọi tên, sống động hơn, mạnh mẽ hơn và chắc chắn sẽ bền bỉ hơn. Đó là động lực để hồi sinh, đó là động lực để phát triển, đó là động lực để chúng ta bước vào một giai đoạn mới, một trạng thái mới, đưa chúng tiếp tục vượt qua những thử thách trong tương lai kể cả khi phép thử của dịch bệnh đã lùi vào dĩ vãng.

Tháng 10 năm 2020, bão lũ cuồn cuộn dìm miền Trung trong biển nước. Bão chồng bão, lũ chồng lũ, tai họa chồng tai họa. Nhà trôi, ruộng vườn ngập trắng, những vụ lở đất kinh hoàng…và đau đơn hơn là hàng chục mạng người vĩnh viễn không trở về… Đất nước thêm một lần khổ đau, cả dân tộc lại nhất tề đứng dậy. Những chiếc bánh chưng gói vội, những vỉ thuốc, những thùng mì tôm, những bộ quần áo chứa chan tình người lại theo hành trình thiện nguyện lên đường. Trên quốc lộ 1 A từng đoàn xe nối đuôi nhau “hướng về miền Trung”. Chỉ nghĩ đến thôi cũng đã đủ mặn mòi nước mắt. Tại cuộc họp Quốc hội ngày 9 tháng 11 năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nghẹn ngào bày tỏ “Có đất nước nào trong thiên tai mà người dân thương nhau đến vậy?”. Vâng, có đất nước nào như nước Việt mình không? Tấc áo mặc chung, bát cơm sẻ nửa. Nhà nhà làm từ thiện, người người làm từ thiện, làng làng làm từ thiện… Và trong những ngày khốc liệt, đẫm nước mắt nhưng cũng đầy tình yêu thương đó nổi lên những tấm gương đẹp đẽ được cộng đồng tôn vinh ghi nhận. Lịch sử chứng minh rằng, chính đoàn kết chứ không phải thứ gì khác đã tạo nên sức mạnh quật cường của mảnh đất hình chữ S này. Câu hỏi hóc búa (với người nước ngoài) rằng “tại sao Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé lại có thể chiến thắng mọi kẻ thù, trong đó có những kẻ thù lớn hơn gấp nhiều lần” đã được giải mã mộc cách rõ ràng và mạch lạc, đó chính là sức mạnh đại đoàn kết. Đoàn kết của dân tộc Việt Nam là thứ đoàn kết được tôi rèn, được thử thách, được kiểm chứng. Thứ đoàn kết ấy được nén chặt từ trong lòng lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó là thành quả, đó cũng là báu vật.
Trở lại với chủ đề Covid-19, tôi cứ ấn tượng mãi câu chuyện tháng 3 năm 2020, khi bệnh nhân số 17 xuất hiện. Do lịch trình và đặc thù công tác công tác, không may một số lãnh đạo tỉnh trở thành đối tượng F2. Trên trang cá nhân một đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi nhìn thấy hỉnh ảnh anh đang tự cách ly ở nhà. Anh đứng bên của số và nhìn về phía trước cùng dòng trạng thái nhiều ẩn ý “Phía trước là bầu trời”. Đó hình như là tên của một bộ phim, đó hình như cũng là gửi gắm của một thông điệp. Rồi anh an toàn, rồi anh lại nhanh chóng hòa vào bộn bề công việc. Nhưng có thể nhận ra cách anh thắng Covid cũng như hàng triệu người Việt Nam chiến thắng Covid – Bình tĩnh, kỷ luật và lạc quan.
Năm 2020 đã đi qua, điều kỳ diệu là những liều vaccine Covid-19 đầu tiên đã đến với cộng đồng. Vũ khí tiêu diệt đại dịch đã chính thức được “khai hỏa”. Nhân loại đã bắt đầu đặt bước chân đầu tiên của mình sang năm mới. Hãy lạc quan, tin tưởng cùng nỗ lực. Khi hy vọng không tắt thì mọi thứ sẽ được thắp lên. Xin được mượn lại ý tứ của đồng chí lãnh đạo tỉnh viết dạo nọ để kết thúc bài viết này, quả thực, khi biết mở tầm mắt thì dù đứng ở đâu phía trước cũng là bầu trời.
Nguyễn Khắc An
(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam số 9/ Chào Năm mới 2021)