“Văn học chính là nguồn dưỡng khí nuôi tâm hồn hướng thiện, lành mạnh, vị tha, giàu lòng nhân ái; đồng thời hun đúc ý chí, nghị lực vươn lên của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Những gì chứa đựng trong tâm hồn của trẻ em Việt Nam hôm nay chính là bản thiết kế quan trọng cho chân dung những công dân Việt Nam trong tương lai”.

các em học sinh vùng miền núi Nghệ An đọc sách. Ảnh: Kiều Nga

Đó là lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi diễn ra tại Hà Nội vào ngày 09/01/2022. Phát biểu đó cho thấy sự quan tâm của người đứng đầu nhà nước đối với đời sống văn học trong nước, nhất là văn học dành cho thiếu nhi.

Khoảng những thập niên từ 50 đến 80 của thế kỷ XX, chúng ta đã từng có một nền văn học dành cho thiếu nhi phát triển khá rực rỡ với những tác phẩm gối đầu giường cho nhiều thế hệ người Việt yêu thích văn học, trong đó không ít tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài như: “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi), “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa), “Búp sen xanh” (Sơn Tùng),… Tuy nhiên, trong gần 20 năm đầu tiên của thế kỷ XXI, chúng ta ít có tác phẩm văn học thiếu nhi gây tiếng vang với đời sống văn học. Mảng đề tài văn học thiếu nhi xuất hiện khá khiêm tốn bên cạnh những đề tài khác. Các đầu sách văn học thiếu nhi của các tác giả trẻ cũng không nhiều, ngoại trừ số ít cây bút quen thuộc như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh…

Để khuyến khích việc đọc sách, trong đó có sách văn học, hàng năm ngành Giáo dục và ngành Văn hóa Nghệ An đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi về đọc sách. Ảnh Kiều Nga

Khá nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.

Những tác giả nổi tiếng, tâm huyết với văn học thiếu nhi tuổi ngày càng cao, hơn nữa, nếu sáng tác thì ít nhiều không phù hợp với tư duy lứa tuổi hiện nay. Thực tiễn sáng tác cho thấy văn học đương đại nước ta chưa hình thành được đội ngũ nhà văn chuyên về văn học thiếu nhi. Sự thiếu vắng tác giả, tác phẩm văn học trong nước tất yếu dẫn đến tình trạng “mất mùa” của văn học thiếu nhi và dẫn đến sự lấn sân của truyện tranh ngoại nhập cũng như sự thống lĩnh của tác phẩm văn học dịch trên thị trường sách cho trẻ em.

Số nhà xuất bản chuyên làm sách cho thiếu nhi lại quá ít so với nhu cầu của độc giả nhỏ tuổi. Theo thống kê,  cả nước ta  hiện có 59 nhà xuất bản với gần 300 đơn vị tham gia vào hoạt động liên kết xuất bản nhưng chỉ có hai đơn vị là Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ là chuyên làm sách thiếu nhi. Để tồn tại, các nhà xuất bản phải đa dạng hóa đầu sách, khiến cho mảng sách dành cho thiếu nhi gần như bị lép vế trên thị trường sách nói chung. Sách văn học thiếu nhi trong nước xuất bản mỗi năm chỉ chiếm mức khiêm tốn là khoảng 20% số lượng sách thiếu nhi nói chung. Điều đó dẫn đến hệ quả là tại các nhà sách, quầy sách trong cả nước, tác phẩm văn học thiếu nhi, ngoài những tựa sách cũ của các nhà văn thuộc thế hệ vàng viết cho thiếu nhi, thị trường sách văn học thiếu nhi vô cùng ít tác phẩm mới, thỉnh thoảng có một số tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi của những cây bút trẻ nhưng xuất hiện khá thưa vắng, thiếu sự lôi cuốn đối với độc giả nhỏ tuổi.

Ngày hội Sách tại một trường tiểu học ở Nghệ An. Ảnh: Kiều Nga

Nội dung của các tác phẩm văn học mới viết cho thiếu nhi thiếu tính hấp dẫn, chưa bắt kịp với tâm lý lứa tuổi của các em, một số tác giả lại quá đề cao tính giáo dục nên tác phẩm văn học trở nên cứng nhắc, giáo điều không thu hút được độc giả nhỏ tuổi.

Sáng tác văn học cho thiếu nhi còn mang tính thời vụ, phần lớn là theo phát động phong trào vào dịp chào mừng các ngày lễ tết thiếu nhi, tháng hành động vì trẻ em… Điều đó cũng là dễ hiểu khi các ấn phẩm, tạp chí văn nghệ thường chỉ in các sáng tác dành cho thiếu nhi vào những dịp này…

Thực trạng trên vừa là khoảng trống của văn học trong nước, vừa là sự thiệt thòi của độc giả nhí khi không được tiếp cận với văn học dành cho lứa tuổi mình, ở thời đại mình. Nói như độc giả Vũ Quỳnh Trang (Hà Nội): “Một nền văn học thiếu vắng các tác giả, tác phẩm viết cho thiếu nhi là một nền văn học phát triển thiếu cân bằng, chưa hài hòa, là thiệt thòi rất lớn cho bạn đọc nhỏ tuổi, những người sẽ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước”. Để văn học thiếu nhi khẳng định được chỗ đứng và tầm quan trọng của nó như lời phát biểu của người đứng đầu nhà nước, cần phải có sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan, ban, ngành: văn hóa, giáo dục, truyền thông, xuất bản, Hội Nhà văn,…

Trước hết, bên cạnh việc khuyến khích các nhà văn có thành tựu tiếp tục quan tâm đến mảng đề tài viết cho trẻ em, chúng ta cần xây dựng một đội ngũ nhà văn chuyên viết đề tài thiếu nhi, biết phát huy tối đa trí tưởng tượng, sự am hiểu đời sống, tâm tư, tình cảm của trẻ, có những trang viết phù hợp với thế hệ mới nhưng không làm mất đi tính nhân văn truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc.

Ngoài việc chăm chút để có một lực lượng người viết đủ mạnh tham gia, cần thiết hơn là phát hiện, bồi dưỡng những em nhỏ ngồi trên ghế nhà trường có khả năng sáng tác. Bởi các em chính là những người sẽ viết hay nhất về thế hệ mình.

Quang cảnh ngày hội Sách ở trường học. Ảnh: Kiều Nga

Song song với giải pháp đó, nhà quản lý cũng cần tạo cơ chế để phát triển tài năng mảng văn học thiếu nhi: có chính sách khuyến khích người viết bằng các giải thưởng và sự đãi ngộ tương xứng; có những hỗ trợ thích đáng, kịp thời để tác phẩm có chất lượng đến được với bạn đọc; mở các lớp bồi dưỡng hay trại sáng tác cho nhà văn quan tâm đến đề tài thiếu nhi là những cách làm quan trọng để thay đổi suy nghĩ của chính người cầm bút.

Bên cạnh đó, để vực dậy văn học thiếu nhi trong nước thì chính các nhà văn cũng cần sự nỗ lực vượt bậc để sáng tác những tác phẩm hay, hấp dẫn bạn đọc vì chất lượng chính là yếu tố quyết định sự tồn tại của tác phẩm văn học. Thực tế thời gian qua đã có các tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi phù hợp với nhịp sống thời đại như sáng tác của nhà văn Nguyên Hương viết lại truyện cổ tích quen thuộc bằng tư duy mới, có thể thấy qua các tác phẩm “Voi chúa và hoàng tử nhỏ”, “Đứng một chân và há mỏ ra”, “Nắng vàng, sáng trăng và mặt trời”; hay nhà văn Quế Hương với những sáng tác mang tâm tư của người trẻ hiện đại được dư luận đánh giá cao như “Gặp lại ấu thơ”, “Quán búp bê”…

Văn học thiếu nhi muốn phát huy vai trò của nó, nhất thiết không thể thiếu sự vào cuộc của ngành Giáo dục: đưa các tác phẩm mới, nhất là những tác phẩm đạt giải thưởng văn học, có giá trị về nội dung và nghệ thuật vào chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với từng cấp học.  Ở khía cạnh này, giáo viên ngữ văn sẽ là người đưa tác phẩm đến gần, tạo niềm hứng thú, sự say mê với văn học thiếu nhi nước nhà cho các em. Và tất yếu, trong định hướng văn hóa đọc, phụ huynh có một vai trò không nhỏ khi hướng dẫn lựa chọn các tác phẩm nhân văn từ văn học thiếu nhi cho con em mình. Cuối cùng, cần có sự bắt tay giữa nhà xuất bản và các trung tâm phát hành sách để mở rộng thị trường sách văn học cho thiếu nhi.

Trong thời công nghệ số, văn học đang phải nhường chỗ cho nhiều loại hình giải trí khác. Để văn học thiếu nhi có được chỗ đứng trong lòng độc giả, đòi hỏi phải có một cuộc thay đổi từ chính những người làm công tác chuyên môn và từ sự nỗ lực của đội ngũ nhà văn hiện nay. Từ trong bối cảnh đó, Hội Nhà văn đã có nhiều động thái vào cuộc để văn học thiếu nhi giành lại vị thế của nó. Hội đã xác định phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới là: “Phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là con người Việt Nam” như phát biểu của Thường trực Ban Bí thư  Võ Văn Thưởng tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X. Cùng với đó năm 2021, tại Giải thưởng Sách quốc gia, sách thiếu nhi dự giải và đạt giải cao (trong số 24 giải, sách dành cho thiếu nhi đạt 01 giải  A, 04 giải B, 02 giải C). Đáng chú ý, riêng sách văn học thiếu nhi đã “bội thu” khi giành các giải thưởng lớn nhất với các tác phẩm: “Chang hoang dã – Gấu” (Trang Nguyễn) giải A, “Lướt cùng Tí địa lý” (Xuân Đài, Uyên Trương) và “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” (Nguyễn Quang Thiều) giải B, cho chúng ta hi vọng một ngày không xa sẽ có một nền văn học phong phú cho trẻ em từ truyện đọc đến truyện tranh, sách điện tử…

Nguyễn Thị Quỳnh Phương

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam bản in số 22, tháng 4/2022)