Nằm trong những sự kiện kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu (05/5/1902 – 05/5/2022), chiều 25/4, tại thành phố Vinh đã diễn ra Hội thảo khoa học “Đồng Chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”.

Ban chủ trì hội thảo

Đây là hội thảo khoa học lớn, thu hút hàng chục nhà khoa học tại nhiều cơ quan nghiên cứu trong cả nước tham gia. Hội thảo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức dưới sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo

Phan Đăng Lưu sinh ra trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước tại thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành), tỉnh Nghệ An. Là người giác ngộ cách mạng từ sớm, năm 1925, ông được kết nạp vào Hội Phục Việt sau chuyển thành Hội Hưng Nam. Tại Đại hội thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng (tháng 7/1928), ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Tổng bộ và được giao nhiệm vụ quan trọng là sang Trung Quốc bàn thảo về việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, khi chuẩn bị sang Trung Quốc lần thứ hai thì ông bị Thực dân Pháp bắt ở Hải Phòng rồi chuyển về Nhà lao Vinh giam giữ, sau đó chuyển vào giam tại Nhà tù Buôn Ma Thuật. Trong tù ông vẫn liên hệ với các đồng chí hoạt động cách mạng và tham gia Ban lãnh đạo Đảng ở trong tù. Năm 1936, ông ra tù và tham gia tiếp vào các tổ chức của Đảng tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Năm 1939, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phan Đăng Lưu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào Nam Kỳ hoạt động. Tháng 11/1940, ông ra Bắc để tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và qua Hội nghị này đã ra quyết định hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ. Sau Hội nghị, trên đường về Nam để thực hiện những thay đổi vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua cũng như để lãnh đạo việc hoãn khởi nghĩa chờ thời cơ chín muồi thì Phan Đăng Lưu bị bắt và bị kết án tử hình. Dù hi sinh khi tuổi đời còn trẻ, sự nghiệp cách mạng còn đang đang dở, Phan Đăng Lưu cũng để lại những dấu ấn lớn trong các hoạt động cách mạng. Ông cũng là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần kiên trung, trí tuệ và tấm lòng yêu nước của một người cách mạng thuộc thế hệ đầu.

TS Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu chào mừng hội thảo

Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đã nhấn mạnh: “Đồng chí Phan Đăng Lưu là một vị lãnh đạo tiền bối của cách mạng Việt Nam và là một danh nhân của quê hương Nghệ An. Đồng chí là hiện thân cho tinh thần và trí tuệ của thế hệ lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn đầu; cũng là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng của những con người quê hương Nghệ An qua các thế hệ khác nhau. Vậy nên, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu không chỉ để hiểu về một giai đoạn lịch sử, về sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam, mà còn để đúc rút ra những bài học cho sự nghiệp cách mạng hôm nay,  qua đó tôn vinh con người và văn hóa xứ Nghệ”

Hội thảo khoa học về Phan Đăng Lưu đã thu hút được hàng chục nhà nghiên cứu tham gia với nhiều bài tham luận chất lượng. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào 4 nội dung chính là “Đồng chí Phan Đăng Lưu – một trí thức yêu nước nhiệt thành”; “Đồng chí Phan Đăng Lưu – người lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”; “Đồng chí Phan Đăng Lưu – người cộng sản kiên trung, bất khuất”; “Đồng chí Phan Đăng Lưu – người con ưu tú của quê hương Nghệ An”. Ngoài những khẳng định về vai trò của Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam, tại hội thảo, một số tài liệu mới, nhận định mới cũng được đưa ra.

Một số tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của vị tiền bối cách mạng Phan Đăng Lưu và các hoạt động kỷ niệm của Đảng và Nhà nước tổ chức được trưng bày tại hội thảo

Cùng với các hoạt động thảo luận khoa học, tại hội thảo cũng trưng bày hình ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Phan Đăng Lưu cũng như các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền liên quan đến vị lãnh đạo tiền bối này do Đảng và Nhà nước tổ chức trong những năm qua. Dù có những thảo luận khác nhau nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu, các vị lãnh đạo tham gia hội thảo đều thống nhất quan điểm như TS Thái Thanh Quý đã phát biểu: “Đồng chí Phan Đăng Lưu là nhà tiền bối cách mạng xuất sắc, là tấm gương sáng của phong trào cách mạng Việt Nam. Đồng chí cũng là một người con Nghệ An lỗi lạc với những đóng góp to lớn cho cách mạng, cho quê hương. Thế nên phát huy tinh thần cách mạng, tấm lòng yêu nước của đồng chí Phan Đăng Lưu vào sự nghiệp xây dựng quê hương hiện nay có vai trò quan trọng, và cũng là trách nhiệm của những người đi sau như chúng ta”.

Bùi Hào