Trong các nhà thơ lớp kháng Pháp – chống Mỹ, người mà tôi vẫn giữ được mối quan hệ mật thiết cho đến tận bây giờ là nhà thơ Phan Xuân Hạt. Có thể anh là người biên tập kỳ cựu ở Nhà xuất bản Thanh Niên, được mệnh danh là “bà đỡ mát tay”. Có thể do tính cởi mở chan hòa của anh mà xóa đi được khoảng cách giữa các thế hệ. Có thể anh là một “kho” tư liệu văn học một thời mà lứa chúng tôi rất cần biết để thừa hưởng, để lựa chọn con đường văn chương đầy gian nan và không có gì bảo đảm cả. Nào là “Khi gió sớm thu về rờn rợn nước sông” – người vợ mới cưới của nhà thơ Hữu Loan trong bài Màu tím hoa sim bị chết đuối – anh đã giảng cho nhà thơ Võ Văn Trực hồi 1959 khi ở một trường huyện (Nghệ An) và được xác nhận khi hỏi lại Hữu Loan, đó là cô Ninh. Và “Đêm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên chiếc áo trên cành cây sen”, Phan Xuân Hạt giải thích: “Có hai loại cây sen – thảo và mộc. Đây là loại cây sen mộc bằng gỗ cứng thì mới vắt được chiếc áo đẫm mồ hôi của anh chàng nông dân si tình kia!”. Rồi hai chữ “tài bộ” do nhà văn Nguyên Hồng dùng trong một văn cảnh nhất định mà biên tập viên nhà xuất bản cứ cãi là không có với nhà văn là từ câu “Nếu biết phù sinh đời có thế/Thông minh tài bộ thế gia chi!” của J.Leiba. Phan Xuân Hạt kỹ càng trong chi tiết, anh đã “tìm” và “soi” trong hàng nghìn bài thơ, truyện… những hạt sạn, những lỗi tác giả sơ ý mắc phải, tránh được những khiếm khuyết không đáng có, kể cả những nhà văn đă nổi tiếng, thành danh.

Nhà thơ Phan Xuân Hạt

Phan Xuân Hạt là người lận đận trong văn chương. Khi tôi nhắc lại kỷ niệm lúc đọc bài Hạnh phúc khôn tròn của anh in ở tập thơ Tình yêu (Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành 1963), trong đó có câu tôi rất thích khi còn là một chàng trai mới lớn ở cái thị xã ven sông Cầu yên tĩnh: “Cái hôn hôn dở nửa chừng/Hạnh phúc, em ơi/Khôn trọn đấu đầy thưng!” Anh nói: “Hồi đó tôi bị quy kết là hữu khuynh đấy trong khi đưa in bài thơ này. Có điều an ủi nhà phê bình văn học Lê Đình Kỵ đã động viên tôi nhiều khi dư luận nhiều chiều thời đó áp đảo. Thật ra, tôi quan niệm hạnh phúc chẳng bao giờ viên mãn cả. “Viên mãn đồng nghĩa với cái chết” (kể cả trong lĩnh vực tinh thần). Hơn hai mươi năm sau, bài thơ này mới được trả về đúng với giá trị của nó…”. Có lúc, nhìn lại đời thơ của mình, Phan Xuân Hạt tâm sự: “Âm hưởng chủ đạo của thơ tôi hòa nhập vào những vui buồn của tôi, của xã hội, của đất nước trước những năm tháng lịch sử đầy biến động…”. Ông từng dạy trung học ở Liên khu 4 thời kỳ chống Pháp, công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 4, nhận giải thưởng thơ (1952) của Ty Văn hóa Nghệ An. Thơ Phan Xuân Hạt thường thông qua hiện thực mà gửi gắm những triết lý suy ngẫm về con người, cuộc đời. Thủ thỉ, tâm tình, dung dị, dễ hiểu mà nâng cao là “tạng” thơ của anh. Phan Xuân Hạt kể lại cuộc gặp với nhà văn Nguyễn Tuân và anh tâm niệm:

“Ông vẫn viết đều ấy chứ?
Dạ, thưa vâng, tằm hãy còn tơ
Nghệ sĩ của từ, nghề của chữ
Chớ bao giờ quên, trước hết: Thơ…”.
(Gặp Nguyễn Tuân)

Nguyên văn Nguyễn Tuân nói bằng tiếng Pháp: “L’artiste de mot, le metier des mots, ne jamais les oubliez, avant tout: La poésie!”.

Cộng hưởng đời thơ Phan Xuân Hạt là cộng hưởng với đời thơ khác. Thơ là em, cũng là ngôi chùa để anh chiêm ngưỡng trong tất cả vẻ thánh thiện: “Anh đến hành hương dù có muộn/Vẫn chùa em ngân vọng tiếng chuông riêng” (Ngôi chùa thiêng liêng). Anh tìm mình trong sức cỏ, trong sức sống nguyên sơ mà bền vững, trong mỏng manh mà tốt tươi:

Trọn đời cỏ không tiếc
Sức non tơ, mỡ màu
Sống hết mình, xanh biếc
Dẫu thế nào, nơi đâu!”
(Sức cỏ)

Phan Xuân Hạt không quay lưng lại cuộc đời, anh nhận ra triết lý chỉ có thể nhận biết trong đời sống và thiên nhiên vô cùng:

“Không nhắm lại, mắt mở ra giông bão
Lắng sâu hơn là bao nỗi đơn côi
Còn niềm vui, vượt ra ngoài khuôn sáo
Đêm, muôn loài trong thầm lặng sinh sôi…”
(Đêm)

Dẫu thế nào đi chăng nữa Phan Xuân Hạt vẫn tin vào đời sống nhân quần, tin vào quy luật muôn thuở:

“Làm một cơn mưa, ban trưa nắng cháy
Cho đất này dịu mát mãi trời xuân
Mái chèo nào đẩy thuyền qua vực xoáy
Buồm nhân dân căng sẵn gió thiên thần”.
(Tháng ngày đang sống)

Vốn tiếng Hán, tiếng Pháp là lợi thế khi anh thâm nhập vào các nền văn hóa phương Đông – phương Tây nhưng nhà thơ Phan Xuân Hạt lại thấm dân ca ví giặm xứ Nghệ quê anh, được tiếp nhận và chuyển hóa trong thơ. Khi tiếp xúc, tôi thấy anh nhớ nhiều, biết kỹ và tường tận. Thơ Phan Xuân Hạt không chói sáng mà len lách, thấm đầm – như một thứ “duyên thầm”, không quá thô mộc mà lắng đọng, bền lâu. Anh không nệ câu, nệ chữ mà chú tâm đến cái tứ toàn bài, hướng đến ý tưởng mà anh dày công chiêm nghiệm:

“Soi thẳng vào thơ bóng mình chân thật
Hoa cho đời phải riêng sắc riêng hương
Xin mừng bạn xoay trần đánh vật
Cày nên thơ về lại với đời thường…”
(Thơ tặng bạn)

Sự linh động của chủ thể – khách thể được anh diễn đạt trong quá trình sáng tạo mới thấu suốt làm sao:

“Tâm hồn thơ là dây đàn căng thẳng
Cảnh và người là ngọn gió thổi qua
Gió bật dây đàn ngân lên thành tiếng
Nốt bổng trầm, ấy thi tứ bay ra…”.
(Dây đàn và ngọn gió)

Cũng phải nhận thấy rằng, trước đây thơ Phan Xụân Hạt còn nặng về mô tả đời sống hiện thực bề nổi (như bất cứ nhà thơ nào của giai đoạn này). Nhưng Phan Xuân Hạt đã bỏ qua lối viết hời hợt mà đằm sâu vào những trải nghiệm như anh tự nhủ mình:

“Nếu không nói điều thật
Tôi sẽ ngồi lặng yên
Bởi nói điều trái ngược
Là tự đánh đắm thuyền.
Nếu không viết điều thật
Tôi sẽ nghỉ làm thơ
Bởi viết điều trái ngược
Bạn đọc sẽ thờ ơ…”
(Nói và viết)

Phải nói nhà thơ Phan Xuân Hạt chân thành trong đời sống và trong thi ca. Lắm lúc tôi ngắm anh và thầm nghĩ: ẩn dưới mái tóc bạc kia là sự hồn nhiên tươi trẻ. Bởi anh phát hiện sự vật luôn mới mẻ bên cạnh cái nhìn lão thực của một người từng trải. Đôi lúc tôi nghĩ vơ vẩn, nếu anh không đi theo nghiệp văn chương với bề dày công tác chắc anh sẽ có một vị thế nào đó trong xã hội. Được làm cái mình thích (và hơn cả là đam mê) thì dù có trăm cay nghìn đắng, dù có lận đận gian nan bao nhiêu thì cũng cứ lấy cái vui làm trọng, lòng yêu làm điểm tựa mà sống với đời, sống với thơ, sống với bạn… Với Phan Xuân Hạt lại càng như thế:

“Vinh hoa cái bả phỉnh phờ
Hất lên ném xuống lửng lơ ghế ngồi.
Bây giờ còn cái thân tôi
Được thua… con mắt. Cả đôi nào mờ!
Hình hài làm thiệt mộng mơ
Đa mang nghiệp chướng ơi thơ một thời.
Tuổi nay đã ngoại bảy mươi
Thơ còn viết tiếp tạ người thế gian…”
(Tạ người thế gian – Trích thơ dài)

Nhà giáo, nhà thơ Phan Xuân Hạt sinh năm 1931, quê ở làng Đông (xã Hoa Thành), huyện Yên Thành (Nghệ An); định cư tại Trương Định, Hà Nội và mất năm 2015. Ông sớm tham gia hoạt động văn nghệ và sáng tác văn thơ. Cuộc đời ông gắn bó với thơ văn như hình và bóng. Khi đang công tác, ông là Chuyên viên cao cấp của Nhà Xuất bản Thanh niên; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông rất thạo tiếng Pháp, chữ Hán. Đã xuất bản 10 tập thơ như Trăng rằm, Khoảng xanh êm còn lại, v.v… Một số bài thơ được dịch ra và in tại Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản… Ông giành được nhiều giải thưởng về thơ.

Nguyễn Thanh Kim

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 30, tháng 1+2/2023)