Phan Danh Hiếu sinh ra và lớn lên ở Thịnh Thành, một xã nghèo khó phía tây huyện lúa Yên Thành, Nghệ An. Quê gốc của Hiếu thuộc dòng họ Phan Danh danh giá ở Hà Tĩnh. Tôi quen biết Hiếu vì cả hai cùng tuổi, học cùng khóa cấp ba – khóa chuyên ban cuối cùng của Trường THPT Phan Đăng Lưu. Vào đại học chúng tôi học cùng lớp nên cả hai trở nên thân thiết nhau hơn. Tâm hồn nghệ sỹ của những cậu học trò nông thôn chúng tôi lúc bấy giờ được nuôi dưỡng bởi mảnh đất cố đô thơ mộng, hiền hòa. Hơn nữa, chúng tôi đều ngưỡng mộ các thầy cô trong khoa Ngữ văn, đặc biệt thần tượng các thầy là nhà thơ đã nổi tiếng trên văn đàn lúc bấy giờ như thầy Lãm Thắng, cô Mỹ Ý đang trực tiếp dạy mình. Có thể nói, Hiếu thành nhà thơ là nhờ những ngày tháng được học ở Huế, thành thầy giáo nổi tiếng là nhờ mảnh đất phương Nam nắng gió và ăm ắp phù sa nghĩa tình.
Cứ mỗi mùa thi đến gần, cái tên Phan Danh Hiếu chắc hẳn sẽ trở nên quên thuộc với các sĩ tử bởi Hiếu là thầy của nhiều thế hệ học trò khắp ba miền đất nước nhờ những trang luyện thi đại học môn ngữ văn trực tuyến trên mạng. Từ năm 2014, Phan Danh Hiếu cho ra đời 3 cuốn sách do nhà xuất bản Đại họ Quốc gia Hà Nội ấn hành là: “Cẩm nang luyện thi ĐH – CĐ môn Ngữ văn”, “Những điều cần biết luyện thi Quốc gia môn Ngữ văn 2015” và “Bồi dưỡng Ngữ văn 9 lên 10”. Trong đó cuốn “Cẩm nang luyện thi ĐH – CĐ môn Ngữ văn” được tái bản đến 4 lần vì nhu cầu mua của học sinh và giáo viên rất lớn. Cuốn “Những điều cần biết luyện thi Quốc gia môn Ngữ văn 2015” được tái bản hai lần. Ngoài ra, thầy Hiếu còn quản lý một fanpage mang tên “Hội những người luyện thi Đại học môn Ngữ văn khối D.C.H” với trên 80.000 thành viên, cùng một số trang web với gần hàng triệu lượt truy cập. Vào google gõ cái tên Phan Danh Hiếu sẽ hiển thị rất nhiều kết quả trong vài giây. Điều đó chứng tỏ sức hút rất lớn của “người thầy quốc dân” như cách nói của tuổi teen hiện nay.
Theo dõi tin tức về Hiếu, tôi mừng cho bạn có nhiều thành công trên con đường sự nghiệp trồng người. Mừng cho bạn “trên dặm đường hành hương xa ngái” đã dấn thân và có được thành công nơi đất khách quê người.
Hiếu mộc mạc, giản dị, tình nghĩa với họ hàng, thầy cô và bạn bè bởi tâm hồn luôn đau đáu hướng về mảnh đất “gừng cay muối mặn”.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa nhưng kỷ niệm về những tháng ngày đại học luôn tươi rói trong tim chúng tôi – thời gian khó mà đẹp đẽ ấy thật khó phai mờ. Hiếu có một tâm hồn thi sĩ hơn tất thảy những sinh viên cùng khoá ngữ văn lúc bấy giờ. Có phải vì Hiếu nhìn đời qua cặp kính 2 đi ốp nên thấy cái gì cũng lãng mạn. Hiếu làm thơ rất nhanh khi cảm xúc đến và không thể chê vào đâu được dù với thể loại hay đề tài nào. Cứ vài hôm Hiếu lại rối rít khoe với tôi bài thơ mới nhất vừa được đăng báo này hay tạp chí nọ. Kì lạ là không có tòa soạn nào chê thơ Hiếu cả. Hồi ấy, ban ngày bận lên giảng đường hoặc đi thư viện thì thôi, chiều tối là Hiếu lại đi làm thêm đủ thứ việc để bớt gánh nặng lo toan cho gia đình. Dù thế, máu nghệ sỹ của Hiếu vẫn không vơi đi chút nào. Hiếu có thể ngủ ngoài công viên suốt đêm sau khi ngà ngà say chỉ để biết tiếng đêm của Huế như thế nào. Hiếu cũng có thể đi dưới trời mưa mà lẩm bẩm đọc “Trời xứ này sao mà giống tính em/ Mưa trút xuống giận hờn không hẹn trước”. Có lúc nó lại theo chị chủ nhà đi bán hột vịt lộn ở một ngã tư hắt hiu ánh điện vàng trong kinh thành…
Còn nhớ, vào đầu năm thứ 2 đại học, Hiếu rủ tôi và 5 anh em nữa cùng quê Nghệ An cùng khoá liều in một tập thơ văn hỗn hợp mang tên “Khúc tha hương” của ông đồ xứ Nghệ. Thực ra chỉ là thuê người đánh máy rồi đóng thành quyển để làm kỉ niệm và cho vơi đi nỗi nhớ những ngày tháng xa quê. Trong lời tựa, Hiếu viết: “Quê có biết không? Dặm đường hành hương giờ đây xa ngái, con biết tìm mô khúc ví dân ca. Con chỉ biết thả hồn mình, thả nỗi nhớ quê hương giăng lên trời mưa buồn xứ Huế… Xa quê, con thấu hiểu những trăn trở mẹ cha ngày cuối tháng – cái chắt chiu đến còm cõi của mẹ, của tiếng ho cha húng hắng gió giao mùa… Tất cả đều chảy vào lòng con như mạch nguồn sự sống, tiếng khóc bật thành thơ – cảm xúc chân tình thăng hoa như đưa con về dòng Lam quê mình bên bồi bên lở.”. Dù chỉ lưu hành nội bộ nhưng tập thơ có nhiều bạn nữ cùng khoá và khoá sau say mê. Yêu thơ rồi yêu người, Hiếu đã hạnh phúc khi lấy được người vợ hiện tại là cô bé khoá sau mê thơ và cùng quê xứ Nghệ. Ra trường, cả hai dắt díu nhau vào phương Nam nắng ấm tìm việc và xây dựng hạnh phúc gia đình. Đến nay, khi cả công việc và gia đình đều đã trọn vẹn, Hiếu chỉ còn một nỗi đau đáu về quê hương xứ Nghệ. Mỗi dịp hè, dịp tết, Hiếu lại về quê, dẫu nơi ấy chỉ còn những người họ hàng và kỉ niệm. Về trong thương nhớ. Lúc đi rồi mới tiếc nuối. Tiếc khoảng thời gian ngắn ngủi và bình yên với quê nhà. Hiếu từng tâm sự: “Mỗi lần nhớ quê cứ buồn rười rượi. Nhớ mọi người biết bao. Mỗi chuyến về thăm lại căn nhà nhỏ năm xưa lại nhớ – nơi tuổi 20 dám cõng giấc mơ rằng ngày có tiền sẽ về xây lại cho cha mẹ căn nhà mới. Giờ giấc mơ đó đã thành hiện thực nhưng không phải là ở đây mà là ở nơi khác”…
Tâm hồn đa sầu, đa cảm nên thơ Hiếu cũng ăm ắp niềm thương. Còn nhớ, năm 2003, khi báo Tuổi trẻ tổ chức cuộc thi thơ “Bút hoa” dành cho những cây viết trẻ với đề tài “Đất nước và lục bát”, tôi và Hiếu đều tham gia và may mắn cùng đoạt giải khuyến khích. Tôi với bài thơ “Dân ca” còn Hiếu là bài thơ “Chợ làng” đều đong đầy kỉ niệm với quê hương. Hiếu còn được tặng thưởng thơ báo Mực Tím năm 2003; tặng thưởng của báo Du Lịch Thành phố Hồ Chí Minh về Tùy bút năm 2010. Hiếu từng là trưởng ban đại diện Báo Áo Trắng (báo Tuổi Trẻ) tại Biên Hòa, là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai. Hiện tại Hiếu đang công tác tại Trường THPT Trấn Biên, Đồng Nai và là giáo viên chính phụ trách môn Ngữ văn của nhiều Trung tâm luyện thi đại học.
“Vì những điều chôn giấu bấy lâu nay đã chật chội, cần phải để cho tâm hồn nghỉ ngơi nên không còn cách nào khác là nói ra cho nhẹ lòng” – Hiếu từng tâm sự. Nói của anh cũng như là viết. Mà viết thì sao gọi là nghỉ ngơi? Nó còn mệt hơn cả những gì “chật chội” (Thái Hà). Dù bận rộn với công việc giảng dạy nhưng Hiếu vẫn sáng tác đều đặn. Anh đã cho ra đời tập truyện ngắn “Chờ đợi những mùa thi” (NXB Văn học, 2015). Đây là tập truyện ngắn đầu tay của Phan Danh Hiếu. Xem lời tựa và trang trí bìa đã thấy sách dành cho tuổi học đường. Sách gồm 13 truyện ngắn với lối kể nhẹ nhàng, không trau chuốt ngôn từ, không cầu kì khoa trương, người đọc dễ tiếp thu. “Chờ đợi những mùa thi” là tác phẩm đa sắc màu, nhiều góc độ cảm xúc: buồn, vui, bất hạnh, tình cảm, mong chờ, lòng biết ơn… khiến người đọc phải suy ngẫm chứ không làm người ta cười muốn chết như khi đọc truyện “Ung thư pháp” trước đó của anh. Hiện tại, Phan Danh Hiếu đang ấp ủ dự định xuất bản một tập thơ tuyển chọn trong số hơn 400 bài thơ đăng báo từ 2001 đến 2024 của mình.
Hi vọng giữa cuộc sống và công việc vất vả, bận rộn Phan Danh Hiếu vẫn giữ được niềm đam mê với văn chương, dành tình yêu với quê hương và như ngày ấy chúng ta từng tâm sự: “Mỗi bài thơ như một lời nhắn nhủ: tìm về xứ Nghệ mình thương”.
Đinh Hạ