Phạm Văn Phi – ông tổ nghề vận tải ô tô ở Vinh

Sau khi chiếm Thành Nghệ An, năm 1885, Nhà nước bảo hộ và các nhà đầu tư Pháp đã đầu tư khá mạnh vào Vinh, Bến Thủy. Một trong những lĩnh vực đầu tiên là giao thông vận tải, bao gồm cả vận tải bộ, thủy và hàng không. Riêng về vận tải bằng đường bộ, hệ thống đường từ Vinh đi các nơi được xây dựng, đặc biệt là từ Vinh đi Lào, qua đường 7 và đường 8. Bên cạnh đó, để giành thế độc quyền trong ngành này, người Pháp cũng nhanh chóng mở ngay một công ty vận tải khách bằng ô tô từ Vinh đi các nơi, đó là Công ty Vận tải ô tô Bắc Trung Kỳ và Lào (SAMANAL) để chiếm lĩnh thị trường vận tải trên các tuyến đi các tỉnh Trung Kỳ và sang Lào. Trụ sở và bến xe của Samanal đóng ngay ở khu vực chợ Vinh hiện nay.

Vào thời điểm đầu thế kỷ 20 đó, chàng trai người Hải Phòng, tên là Phạm Văn Phi vào Vinh lập nghiệp. “Phạm Văn Phi là tên chính thức, khi mở hãng xe ở Vinh, Nghệ An chỉ dùng hai chữ Phạm Phi để đặt tên hãng. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở làng Lâm Động, huyện Thủy Nguyên tỉnh Kiến An, nay là xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Thuở nhỏ có được học ít chữ Hán, biết chữ Quốc ngữ.

Lâm Động vốn là làng đất chật, người đông lại ở thế gần các khu công nghiệp tập trung như Hải Phòng, Hồng Gai, Uông Bí, Cẩm Phả… nên nhiều thanh thiếu niên làng này thường rủ nhau rời quê đi kiếm việc làm ở nơi khác. Từ tuổi thiếu thời, Phạm Văn Phi đã sang Hải Phòng học việc trong các xưởng thợ để kiếm sống. Vốn có chí tự lập lại từng sống trong cảnh bần hàn nên người thiếu niên nghèo, chăm chỉ, chịu khó học tập này được các bác thợ già yêu thương, giúp đỡ rèn cặp. Do đó, Phạm Văn Phi dần dà trở thành thợ giỏi, có óc sáng tạo.

Có lần, Cảng Hải Phòng có một cần cẩu lớn, hiện đại gọi là cần cẩu vàng bị hỏng hóc không hoạt động được, thợ của Cảng bó tay, trong khi nhu cầu bốc dỡ hàng đang cần gấp. Giám đốc Cảng sốt ruột bèn hứa ai chữa được cần cẩu sẽ được thưởng. Thợ Phi nhận xin sửa thử, kết quả sau khi cặm cụi mày mò, cần cẩu vàng hoạt động trở lại trước sự ngạc nhiên của chủ và các bác thợ già. Một lần, chủ nhất mỏ than Hồng Gai có chiếc két sắt (caise) đựng tiền bị hóc khóa không thể nào mở được. Loại khóa két bạc vốn rất phức tạp, ít thợ sửa được, Phạm Văn Phi cũng nhận sửa và thành công. Hai lần sửa chữa cơ khí phức tạp thành công, Phạm Văn Phi không chỉ nổi tiếng khéo tay, giỏi nghề mà còn được trả công và khoản tiền thưởng hậu.”[1]

Vào Vinh, Phạm Văn Phi khởi đầu bằng việc lập cơ sở chuyên sửa chữa ô tô cho Công ty vận tải ô tô Bắc Trung Kỳ và Lào (Samanan). Khi vốn liếng và tay nghề đã khá, năm 1912, ông đã thành lập công ty riêng của mình với số vốn là 15.000 phơrăng. Lúc này, ngoài việc tiếp tục sửa chữa, công ty của ông đã bắt đầu mua một số ô tô, tuyển dụng thêm công nhân để vận tải hàng hóa, hành khách ở một vài tuyến từ Vinh đi các tỉnh ở Trung Kỳ. Đó là công ty vận tải hành khách bằng ô tô đầu tiên của người Việt ở Vinh và cũng là một trong những công ty đầu tiên của người Việt ở Trung Kỳ kinh doanh trên lĩnh vực này. Về sau, ở Vinh có thêm các công ty ô tô khách khác của người Việt, như Minh Tâm, Tạ Quang Châu, Nguyễn Văn Ngạch… nhưng về quy mô vẫn thua kém Phạm Văn Phi.

Quảng cáo của cty Phạm Văn Phi trên báo Tương lai Bắc Kỳ, ngày 10/12/1927

Qua quá trình làm ăn, cơ sở của ông tích lũy được số vốn lên gần 60 ngàn phơrăng và học tập được kinh nghiệm vận tải của người Pháp trong những năm sửa chữa cho hãng vận tải ô tô Bắc Trung Kỳ và Lào (SAMANAL). Đến năm 1915, ông bỏ vốn mua một số xe, mở được 2 tuyến vận tải hàng hóa, hành khách: Vinh – Đông Hà và Vinh – Đà Nẵng.

Trong thiên du ký « Đi chơi ngoài Bắc Kỳ, Huế và bên Tàu », tháng 10 năm 1917, đức cha X. đã viết về hãng xe khách Phạm Văn Phi: « Ngày 28/11 mướn xe hơi [2]đi Huế. Ở tại Vinh có hàng xe hơi An Nam của hội Phạm Văn Phi cũng là hẳn hoi. Ở đâu đâu trong Bắc Kỳ, Trung Kỳ cũng có người thay mặt. Hãng này có xe đi nhiều nơi, nên hoặc muốn thuê xe thô bộ hành hay là mướn xe riêng cũng được. Đường đất ở Trung Kỳ, Bắc kỳ dài xa lắm, nên có xe sẵn như vậy cũng là tiện cho người đi đường như chúng tôi. Bởi đó nên khi chúng tôi tới Vinh thì lo mướn xe đi về Huế. Người thay mặt cho hãng tại Vinh cũng là tử tế đãi đáp, ngày trước khi chúng tôi đi Bến Thủy chơi, thì có đi theo mà cắt nghĩa chỉ đàng, ấy cũng là một điều biết chiêu hiền đãi sĩ »[3]

Năm 1922, doanh thu tăng lên gấp 6 lần số vốn ban đầu là 90.000 phơrăng. Năm 1923, số vốn là 155.000 phơrăng và năm 1924 tăng lên đến 200.000 phơrăng.

Gara Phạm Văn Phi trên đường Maréchal Foch (Ảnh Trần Đình Quán)

Hãng xe Phạm Văn Phi có cơ sở đặt ở nhiều nơi. Ở Lào, ngày 31/3/1925 và ngày 2/10/1925 công ty Phạm Văn Phi được chính quyền cấp hai mảnh đất ở Nape thuộc tỉnh Căm Muộn, để xây dựng cơ sở, trong đó văn bản ngày 2/10/1925 ghi tên ông Vương Đình Châu là người thay mặt công ty Phạm Văn Phi để nhận quyền sử dụng đất[4].

Từ cơ sở sửa chữa ban đầu, Phạm Văn Phi đã mở rộng nhà xưởng, mua ô tô, tuyển dụng công nhân để vận tải hàng hóa, hành khách từ Vinh – Bến Thủy đi các tỉnh ở Trung Kỳ và sang Lào. Cơ sở này có 3 đốc công, 150 công nhân và người học việc. Lương trả cho công nhân của Phạm Văn Phi cũng cao hơn các cơ sở khác và theo vị trí làm việc. Cụ thể, lương công nhân phục vụ từ 4,5 đến 10 đồng/tháng, còn lương của lái xe thì từ 10 đến 12 đồng/tháng.

 Với số vốn lớn, phương tiện vận tải lên đến 43 chiếc ô tô các loại, Phạm Văn Phi cạnh tranh quyết liệt với Công ty vận tải ô tô Bắc Trung Kỳ và Lào (SAMANAL) trên các tuyến Vinh – Đông Hà, Vinh – Đà Nẵng và các tuyến đi Trấn Ninh, Xavanakhẹt, Napê, Viên Chăn. Đây là cơ sở kinh doanh vận tải ô tô lớn nhất của tư sản người Việt ở Trung Kỳ thời bấy giờ. Tạp chí Kinh tế Đông Dương thức tỉnh số 406, ra ngày 22-3-1925 đã đánh giá về hoạt động và quy mô kinh doanh của Phạm Văn Phi trên tuyến Vinh – Thà khẹc như sau:

« Riêng một mình xí nghiệp Phạm Văn Phi đã có 14 ô tô chở hàng và các loại ô tô chở khách. Từ trước tới nay xí nghiệp này của người An Nam tỏ ra tiến bộ, nên người ta chắc chắn rằng xí nghiệp sẽ dùng máy chạy bằng hơi đốt khí có thể mua được loại than tốt giữa các tuyến đường xe chạy ».

Ngay một quan chức cao cấp là cựu Toàn quyền Đông Dương Mahé, khi nghỉ hưu cũng đã thuê xe của hãng Phạm Văn Phi để đi du lịch sang Lào. « Từ ngày 8/4/1928 đến ngày 17/4/1928 ông Mahe cùng ba cộng sự người Âu, mang theo 1500 kg hành lý, đã bỏ ra 1020 đồng để thuê ba chiếc ô tô kiểu Renault của hãng Phạm Văn Phi thực hiện chuyến du lịch từ Vinh- Bến Thủy đi Luông Prabang »[5]

Để quản lý và vận hành công ty, cùng với Phạm Văn Phi còn có ông Đàm Xuân Cung chuyên lo về kĩ thuật và ông Vương Đình Châu chuyên trực tiếp điều hành sản xuất, kinh doanh. Cả hãng có ba đốc công và 150 người làm công. Đây là cơ sở kinh doanh vận tải lớn nhất ở Trung Kỳ đương thời.

Quảng cáo của công ty Phạm Văn Phi trên báo Pháp

 Không chỉ trả lương cao, đối đãi tốt với người làm công, Phạm Văn Phi còn là một doanh nhân có trách nhiệm xã hội. Năm 1924, khi đã phát triển khá, ông đã chủ động xin chính quyền bỏ tiền xây dựng lại trường Tiểu học Pháp- Việt, cơ sở giáo dục tân học đầu tiên của vùng Bắc Trung bộ. Được Tòa Khâm sứ Trung Kỳ và Công sứ Nghệ An phê duyệt dự án, công trình đã khởi công ngày 21 tháng 7 năm 1924 và được nghiệm thu ngày 13/12/1924. Tổng kinh phí xây dựng trường là 10.005 đồng. Đây là một số tiền rất lớn.

Công ty vận tải ô tô của Phạm Văn Phi được xem là lớn nhất khu vực Trung Kỳ, có lúc cạnh tranh thành công với công ty vận tải của tư sản Pháp. Tuy nhiên, từ năm 1928 trở về sau, trước sức cạnh tranh và chèn ép từ SAMANAN (Công ty vận tải ô tô Bắc Trung Kỳ và Lào (của tư sản Pháp), Phạm Văn Phi đã gặp vô vàn khó khăn. Một số tài liệu nói công ty Phạm Văn Phi đã phải phá sản khi cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 mới bùng nổ. Sau khi công ty phá sản, ông buồn bực quá rồi qua đời. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tìm thấy trên công báo Đông Dương một văn bản pháp lý cho thấy, ngày 11/4/1935, công ty Phạm Văn Phi còn được chuyển nhượng một khu đồn điền rộng tới 254,57 ha ở Nghĩa Đàn[6]. Có thể lúc này Phạm Văn Phi đã qua đời, nhưng công ty mang tên ông vẫn tồn tại. Năm 1932, trong Điều lệ của Hội Tập Phúc, có ghi tên ông Đàm Xuân Cung, nguyên phụ trách kỹ thuật của công ty Phạm Văn Phi là « Chủ công ty Phạm Văn Phi ở Vinh ».

Năm 1959, trong cải tạo công thương nghiệp, công ty Phạm Văn Phi được chuyển thành  xí nghiệp công tư hợp doanh vận tải ô tô Nghệ An. Đây chính là tiền thân của Công ty vận tải ô tô Nghệ An. Cuối năm 1973, Công ty vận tải ô tô Nghệ An tách thành 2 công ty: Công ty xe khách và Công ty vận tải (gọi tắt là Đoàn A).

Trên bản đồ Vinh- Bến Thủy năm 1936 có một con đường mang tên Phạm Văn Phi. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đó không phải là cách người ta tôn vinh ông, mà đơn giản chỉ vì con đường này chạy qua trước nơi công ty của ông đóng. Tương tự như đường Samanan gần đường Phạm Văn Phi là nơi đóng công ty Samanan, gọi đường Le Jeune vì có công ty của ông Le Jeune rất lớn ở đây, tương tự ngã ba Bến Thủy được gọi là quảng trường Mange, vì đây là nơi đế chế SIFA của ông Mange ngự trị… Nhưng việc đặt tên cũng là một chỉ báo quan trọng, để biết rằng công ty của Phạm Văn Phi rất lớn.

Ngày nay, rất ít người ở Vinh còn biết Phạm Văn Phi. Mặc dù vậy, ông cũng là cái tên may mắn, khi là người duy nhất trong các doanh nhân ở Vinh được nhắc đến trong sách giáo khoa lịch sử. Sách giáo khoa lịch sử lớp 11 trang 147 giành một dòng cho ông: “Phạm Văn Phi (Vinh) trong những năm chiến tranh lập ra công ti xe hơi, tới năm 1918 đã có xe hơi chạy khắp Bắc Kì, Trung Kỳ”.

 Phạm Xuân Cần

[1]Phạm Văn Phi http://haiphonginfo.vn/Default.aspx?sname=vPortal&sid=4&pageid=51&catid=438&id=893&catname=Doanh-nhan–chinh-khach—tuong-linh&title=Pham-Van-Phi-

[2] Theo tài liệu lưu trữ tại Trung tâm LTQG4 Đà Lạt

[3] Dẫn theo Nguyễn Hữu Sơn, “Du ký Nghệ An trăm năm trước”, báo Nghệ An, số Tết 2022.

[4] Bulletin administratif du Commissariat de la République française au Laos]. 1925-12

[5] Nguyễn Quang Hồng, Thành phố Vinh quá trình hình thành và phát triển (1804-1945), NXB Nghệ An, 2003

[6] Bulletin administratif de l’Annam. 1935-05-30