Khi tìm câu trả lời cho câu hỏi văn học viết Việt Nam ở Nghệ An có từ bao giờ, chúng tôi chưa thấy có tài liệu nào, công trình nào tường minh cho thỏa đáng. Tuy vậy, may sao, ở cuốn sách dày, in khổ lớn là Địa chí Nghi Lộc (Nxb Nghệ An, 2014) do PGS Ninh Viết Giao chủ biên, ở phần văn chương thành văn do GS Nguyễn Đình Chú biên soạn, chúng tôi cũng đọc được một ý: “Với khả năng tư liệu hiện có thì văn phẩm đầu tiên còn giữ được trên đất Nghi Lộc là của tướng quân Nguyễn Xí. Đó là bản Di huấn của Ngài viết năm 1463…” ( đúng ra là 1462 – tác giả).

  Đi theo sự gợi dẫn của GS Nguyễn Đình Chú và PGS Ninh Viết Giao, qua tìm hiểu, chúng tôi cho rằng nhận định của GS Nguyễn Đình Chú là hoàn toàn có cơ sở.
Mỗi thời đại thường có một quan niệm khác nhau về nội dung văn chương và cách thức sáng tác văn chương. Với thời trung đại, như ở Việt Nam (và Trung Quốc), trong một tác phẩm thơ hay truyện, đều chứa đựng các thành tố văn, sử và triết, nói theo cách các nhà nghiên cứu, thì đó là tình trạng văn, sử, triết bất phân. Nhớ lại các tác tác phẩm như Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo… và cả Truyện Kiều, chúng ta đều thấy có tình trạng văn, sử, triết bất phân. Về phương diện diễn đạt, việc sáng tác thơ văn theo các thể cách thật khác với thời nay. Trong đó, các yếu tố ngẫu tác, biền ngẫu, đăng đối, dùng nhiều tích điển… là cách thức phổ biến. Dẫu khác nhau về nội dung và cách thức biểu đạt riêng, nhưng mục đích của hàng trăm truyện kể, hàng vạn bài thơ của hơn ngàn năm phát triển văn chương cổ trung đại Việt Nam đều có chung một mục đích: văn dĩ tải đạo, thi ngôn chí.
Lâu nay, trong ý nghĩ của dân gian, và trong các văn bản nhà nước, trong các sách của những nhà nghiên cứu, người ta vẫn cho rằng Nguyễn Xí là một dũng tướng đảm lược, có “khí độ trầm hùng”, có công to lớn là phò tá các triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và dựng lên triều vua Lê Thánh Tông hiển hách bậc nhất thời phong kiến ở nước ta. Tôi cho rằng viết/nghĩ về vị thủy tổ của dòng họ Nguyễn Đình như vậy là đúng. Sự ngợi ca và khâm phục của chúng ta về người anh hùng khai quốc công thần như vậy chắc sẽ còn được tiếp tục. Tuy nhiên, tôi còn muốn nói thêm: Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí (sinh năm 1937 – mất năm 1465, vốn người làng Thượng Xá, nay là xã Nghi Hợp) còn là một tác giả văn học. Ngài là tác giả của một tác phẩm là văn bản Di huấn, và biết đâu, người ta còn có thể tìm thêm được các trang văn khác nữa của Ngài?

Đền thờ Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Ảnh: Internet

Nếu ta phân tích tác phẩm Di huấn theo cái nhìn của văn học trung đại, và có thể là cả cái nhìn của quan niệm, quan điểm hôm nay về văn chương, ta sẽ thấy:
Chất văn chương trong bản Di huấn được bắt đầu từ chính cốt cách và tâm hồn của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí. Lâu nay ta đọc Di huấn và bao nhiêu lời viết về tác giả của nó, ta say mê với hình tượng Nguyễn Xí – một vị tướng oai phong mà đã bỏ qua, bỏ quên một ý của Hoàng đế minh quân – nhà tư tưởng, nhà văn hóa kiệt xuất của thời đại phong kiến là Lê Tư Thành – Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông từng viết rằng: “Xét (Nguyễn Xí) đây: Khí độ trầm hùng, tính người cương đại. Giúp Cao Hoàng khi mở nước, trăm trận gian nan. Phò Tiên Khảo lúc thủ thành, hết lòng giúp rập. Ra vào hết chức phận tướng văn võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều tưởng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh…” (Trích từ bài Chế lúc Lê Thánh Tông mới lên ngôi, sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, bản dịch của Ngô Thế Long). Viết về bề tôi của mình với những lời ngợi ca như thế, Lê Thánh Tông đã khẳng định: Nguyễn Xí không chỉ là võ tướng lừng danh uy vũ, mà Ngài còn là một người có cốt cách văn nhân đích thực. Giờ đây ta có thể nghĩ thêm: Văn nhân chân chính muôn đời nay đều thế cả – họ là người tài năng, có trách nhiệm cao với dân với nước, họ sống rất khiêm dung.
Di huấn của Nguyễn Xí là một áng văn nghị luận. Cái văn dĩ tải đạo ở Hịch tướng sĩ của thống soái Hưng Đạo vương là đạo của người làm tướng, còn đạo mà Di huấn nêu ra, là đạo làm con cháu. Tưởng là nhỏ bé hơn, nhưng ngẫm kĩ, sẽ thấy, đó cũng là cái gốc của mỗi gia đình, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Nguyễn Xí trong áng văn này đã căn dặn con cháu: “Nay các người có nhà đẹp ruộng tốt, thì phải nghĩ đến công lao chặt gai phá bụi của ta xưa. Trông thấy cảnh ca nhi múa hát vui vẻ thì phải nhớ đến ngày trước ta đã phải nằm tuyết gối đòng… Đời Tống (ở Trung Quốc) có bậc lương tướng là Tào Bân có hai con là Xán và Vĩ đều bước lên đàn tướng lĩnh. Các ngươi phải làm sao để sánh được với họ. Con cháu các ngươi phải biết cẩn thận giữ gìn gia pháp, lấy đạo hiếu để lập công. Ấy là con hiền, cháu hiếu của ta. Hoặc giả, nếu có kẻ trái đạo, gây chuyện giành nhau thì các ngươi phải làm biểu tâu lên triều đình để xử tội bất hiếu. Các ngươi hãy cùng nhau ghi nhớ lời ta, không được quên”. Nguyễn Xí ở đoạn văn này một lần nữa, đã cất lên tiếng nói của một văn nhân “hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi”, tiếng nói ấy trầm hùng, ai ai đọc lại, hẳn cũng đều nhận ra: Ngài không chỉ nói riêng với con cháu, mà còn khuyến dụ khuyến cáo bao nhiêu đấng bậc khác nữa. Rồi tôi và bạn, còn đọc lại áng văn này, mà thấm thía: cái đạo mà Di huấn này nêu cao là ý chí làm người trong gian khó và cả khi đủ ăn đủ mặc, là phải vươn lên vượt lên… là luôn luôn một lòng trung nghĩa, hiếu thuận từ trong nhà, đến họ tộc, và quốc gia.
Tôi chưa được biết trong hàng tướng lĩnh Việt Nam ta còn có ai viết ra những lời văn dĩ tải đạo thống thiết sự đời, nỗi đời thật dễ đọc, dễ hiểu mà có ý nghĩa sâu sắc, dài lâu như thế.
Như ta biết, Nguyễn Xí viết bản Di huấn này vào ngày 12 tháng 5 năm Quang Thuận thứ 3 (tức 1462), khi Ngài đã công thành danh toại như người ta nói. Lúc này người anh hùng đã là trí sĩ. Bản Di huấn được dâng lên hoàng đế, Lê Thánh Tông đã xét duyệt, đóng dấu cho lưu hành. Đây cũng là một sự đặc biệt của lịch sử văn chương – văn hóa và quản trị quốc gia. Hẳn là vị minh quân anh hùng đã nhận ra giá trị lâu dài của Di huấn nên mới bút phê như vậy.
trên tôi có nói trong văn học trung đại có sử. Vâng, khi đọc Di huấn của Nguyễn Xí ở đoạn vừa rồi, mọi người chắc đã thấy có hào khí và tấm lòng, cách lập ý và hành văn của Hưng Đạo đại vương ở tác phẩm Hịch tướng sĩ rồi. Nếu chúng ta đọc các đoạn khác của Di huấn như ở trích dẫn tiếp đây, rồi sẽ nhận ra lối văn kí sử chiến trận sôi nổi của Di huấn, khiến chúng ta nhớ đến chất sử hào hùng của tác phẩm Bình Ngô đại cáo bất hủ do thi hào Nguyễn Trãi viết: “… ngày 9, giặc đã cất quân bức vua ta, nhà vua bèn lui quân về đóng ở Lạc Thủy. Ngày 13, giặc tiến đánh, vua tung quân ta ra, giết hơn 3000 tên và thu hàng nghìn binh khí. Ngày 16, kẻ phản nghịch là Đại Ái dẫn đường cho giặc tập kích, bắt được gia quyến của vua, chỉ có ta cùng Bân Quốc công, Khuông Quốc công, Đoan Nghị hầu hộ giá vua về Chí Linh tạm lánh, hết lương thực đến 3 tháng…
Năm Bính Ngọ (1426), tháng 8 ngày 20, tướng giặc là Sơn Thành hầu Vương
Thông, tham tướng là Mã Anh nhận lệnh đưa 5 vạn quân và 5 nghìn ngựa chia đường tiến đánh. Ta cùng Bân Quốc công phục binh ở Thanh Đàm, rồi cùng Kỳ Quận công, Khuông Quốc công chia nhau đánh địch ở Tụy Động, Chúc Động, Ninh Kiều, giết tướng giặc là Lý Lượng… Người Minh lại sai Liễu Thăng mang 10 vạn quân theo đường Khâu Ôn tiến sang, Mộc Thạnh lại dẫn 10 vạn quân theo đường Vân Nam mà đến. Vua ta nghe tin, liền triệu các tướng đến nghị bàn. Rồi sai Trung Quận công đem quân phục kích ở Chi Lăng. Liễu Thăng vừa dẫn quân đến thì bị quân ta chém chết cùng Lý Khánh và hơn vạn tên khác. Ta cũng đưa đại quân đến tiếp, bắt sống được Thôi Tụ, Hoàng Phúc và giết hơn 3 vạn quân, thu được khí giới không kể xiết…”. Đoạn kí sự chiến trận người thật việc thật này quả nhiên đã trở thành một trong những tài liệu lịch sử quý hiếm để người đời sau nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược hồi đầu thế kỉ XV ở nước ta.
Vào thời trung đại ở nước ta, trong số hàng chục văn thi gia lừng danh với đương thời và hậu thế, thì có lẽ chỉ Nguyễn Trãi (1380-1442), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) và Nguyễn Du (1766-1820) là đã sáng tạo ra được những tác phẩm thơ văn giàu chất triết lí hơn cả. Bình sinh, Nguyễn Xí là một chàng trai trẻ rồi trải qua chiến trận mà thành một võ tướng lập nhiều chiến công hiển hách, kế đó, lại trở thành một viên quan đầu triều sáng suốt và đảm lược. Hiển nhiên, ông chưa phải là một cây bút nổi tiếng về văn chương, học thuật. Nhưng qua bản Di huấn, chúng ta có thể thấy ở đó những tư tưởng lớn về ý chí, bổn phận làm người. Đó là làm con, cháu thì phải nhớ đến sự gian khổ của cha ông mà cố gắng vươn lên, phải luôn hiếu nghĩa hiếu thuận và giữ gìn đạo nhà, gia pháp; Làm tướng lĩnh (nhiều con trai của Nguyễn Xí từng là tướng lĩnh) thì phải trung nghĩa, phải không ngừng rèn luyện binh pháp và tuyệt đối tránh xa lối sống xa hoa, hưởng lạc; Làm dân thì phải theo phép nước, thấy ai lỗi phép thì tâu lên triều đình để xử tội. Răn dạy con cháu như thế, tức là Thái sư Cương quốc Công Nguyễn Xí đã thấy rõ các mối quan hệ rường cột trong xã hội trong một cái nhìn thực tế. Ông là một ví dụ tiêu biểu cho nhận định rằng: Thời trung đại ở nước ta đã sản sinh ra nhiều triết gia thực hành hơn là những triết gia học thuật.
  Như chúng ta từng biết, Nguyễn Xí không có ý định làm văn chương. Nhưng từ trải nghiệm cuộc đời, với tư tưởng sâu sắc, tình cảm nồng nàn, bản Di huấn nhằm dặn dò khuyến dụ con cháu cũng có thể xem là áng văn xuôi viết bằng chữ Hán đầu tiên của một anh hùng dân tộc người Nghi Lộc, Nghệ An sáng tác.

­­­­­­­Nguyên An

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam Số 6/Bộ mới/2020)