Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/ 2020) ông Lê Doãn Hợp – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội đã dành cho Tạp chí Sông Lam có cuộc  trao đổi về những tình cảm của Bác Hồ với quê nhà và câu chuyện làm thế nào để Nghệ An mau trở thành một tỉnh khá  như lời dặn của Người.  Ông Lê Doãn Hợp chia sẻ:

Bác Hồ luôn dặn: làm bất cứ điều gì cũng phải làm vẻ vang cho quê hương
Những ngày tháng Năm này, quê hương lại bồi hồi nhớ Bác, đặc biệt là 2 lần Bác về thăm quê. Bác về Nghệ An 2 lần với 2 ý nghĩa rất rành rọt. Bác về lần thứ nhất năm 1957, là Bác về thăm quê. Nhưng năm 1961 Bác về làm việc với tư cách Chủ tịch nước. Cả 2 lần về quê nhà, Bác đều để lại biết bao nhiêu kỷ niệm. Bác nói: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An –  ông Võ Thúc Đồng khi còn sống đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện của 2 lần Bác về thăm quê,  thấy đường làng ngõ phố sạch đẹp, các bức tường được quét vôi trắng tinh, Bác hỏi: “Hình như các chú mới làm?”. Ông Đồng trả lời: “Bác về chúng cháu chỉnh trang thêm để đón Bác”. Bác bảo: “Có lẽ Bác về nhiều thì các chú sẽ làm được nhiều việc tốt cho dân, Bác chỉ mong dù Bác không về các chú cũng làm tốt như khi Bác về”.
Bác về thăm quê thời gian ngắn nhưng gặp đủ các tầng lớp nhân dân. Bác trò chuyện thân tình, không một lần nào cầm giấy đọc. Bây giờ, một số cán bộ hay cầm giấy đọc. Tôi nghĩ: “Mitting, lễ hội thì phải đọc, nhưng khi làm việc với dân mong cấp trên nói, để dân dễ biết quan điểm của cấp trên. Còn đọc thì dân không biết của ai. Nếu cán bộ làm việc mà đọc nhiều thì rất có thể là miệng cấp trên nhưng lời của cấp dưới”. Việc này cần phải học Bác Hồ.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã viết thư gửi Nghệ An. Đặc biệt, bức thư cuối cùng Bác gửi Đảng bộ tỉnh nhà ngày 21/7/1969, trước khi Người vĩnh biệt chúng ta 42 ngày, được xem là di chúc Bác dành riêng cho quê hương. Người căn dặn: “Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa; Khôi phục và phát triển kinh tế; Hết sức chăm lo đời sống nhân dân”. Cuối thư, Người mong muốn: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.
Mỗi lần lãnh đạo tỉnh nhà ra Hà Nội đến thăm Bác, Bác đón tiếp và dặn dò chu đáo, trò chuyện như người thân trong nhà. Ông Hồ Viết Thắng chia sẻ: “Gặp Bác lần nào là có bài học lần đó”. Bác hỏi ông Hồ Viết Thắng: “Khi báo cáo tình hình cải cách ruộng đất cho trung ương, chú có xào xáo gì thêm không?” Ông Hồ Viết Thắng trả lời: “Thưa Bác, cháu trung thực tổng hợp tình hình các địa phương rồi báo cáo chứ không thêm bớt gì cả”.  Bác im lặng một lúc, rồi nói: “Bác cũng tin là như vậy, nhưng chú thấy không, quan liêu không những hỏng việc mà còn đổ máu”. Bác nói nhẹ nhàng mà sâu lắng. Với người quê nhà, bao giờ Bác cũng nói với tinh thần gần gũi, chỉ bảo chứ không phải chỉ thị, mệnh lệnh. Tôi hỏi nhiều cụ già ở Nghệ An có may mắn được gặp Bác, họ kể Bác bao giờ cũng dặn: Làm bất kì điều gì cũng làm vẻ vang cho quê hương chứ không phải lấy cái vẻ vang của quê hương mà bôi trát vào cho mình. Phải lấy thành tích của mình làm cho quê hương rạng danh hơn.
Có một may mắn nữa là rất nhiều người Nghệ An được Bác huấn luyện, đào tạo như các thế hệ tiền bối: Phan Đăng Lưu, Lê Hồng Phong, Lê Thiết Hùng, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Tùng Mậu… đều là những học trò xuất sắc, có những đóng góp lớn cho cách mạng. Có thời điểm Bộ Chính trị có 11 người thì Nghệ An có tới 4 người,  nhưng không ai nói Bác cục bộ vì Bác chọn những người có đức đủ tài, có lợi cho dân cho nước.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An

Nghệ An cần một cuộc cách mạng về tư duy
Theo ông,  trong giai đoạn hiện nay, làm thế nào để “Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất” như lời dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh?
Nghệ An phát triển khá nhưng so tiềm năng thì vẫn còn khiêm tốn. Trong giai đoạn hiện nay, Nghệ An nên tập trung vào 3 nội dung chính: Một là cơ cấu cán bộ lãnh đạo hợp lý; Hai là chuyển đổi nhận thức nhanh; Ba là tổ chức hành động quyết liệt hơn.
Nghệ An vẫn còn nhiều thế mạnh bị lãng quên. Nhìn kỹ miền núi Nghệ An sẽ thấy rất rõ dân đông, trẻ khỏe, đất nhiều nhưng nghèo lâu. Có nhiều loại nghèo. Nghèo do thiếu tiền, thì cần hỗ trợ vốn; Nghèo do dân trí thì bồi dưỡng kiến thức khuyến nông; Nghèo do ốm đau bệnh tật thì phải có chính sách tài trợ; Nghèo do lười nhác thì phải giáo dục. Không thể đưa tất cả mọi cái nghèo vào một ô chung.
Nghệ An cần một cuộc cách mạng về tư duy. Trong đó, có 3 tư duy mở đường rất quan trọng. Một là: Thay đổi tư duy tự so mình với chính mình, lấy ngày hôm nay so với ngày hôm qua, thấy khá lên một chút, nhích lên một tý là tự vui, tự hào, tự sướng để thay thế bằng tư duy mới là dũng cảm so mình với các địa phương, so với cả nước, so với thế giới xem mình đang ở đâu và mình phải làm gì để trở thành một tỉnh khá như mong muốn của  Bác Hồ. Nếu so sánh, phải lấy bình quân đầu người để tính. Lấy số liệu tuyệt đối thì Nghệ An rất dễ ru ngủ vì là tỉnh lớn nên số tuyệt đối sẽ cao, nhưng chia bình quân đầu người thì vẫn thấp.
Hai là, phải chuyển đổi tư duy từ dễ quản lý sang dễ làm giàu. Bởi vì, nếu muốn dễ quản thì sẽ khó phát triển. Phải làm cho kinh tế bứt phá nhanh hơn nhất là kinh tế hộ, kinh tế tư nhân, kinh tế doanh nghiệp. Phải nhất quán, cái gì nhà nước không cấm thì mở toang cửa cho nhân dân tự quyết, tự chủ, tự làm. Phát sinh doanh thu thì nộp thuế cho nhà nước, làm sai thì xử nghiêm theo pháp luật hiện hành. Tránh thực trạng xin và cho chờ đợi nản lòng, nhụt chí thêm chi phí, mất thời cơ phát triển.
Ba là: Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa mà trọng tâm là công dân toàn cầu, nhân lực toàn cầu, thị trường toàn cầu. Phải tự tin vươn lên làm giàu cho bản thân, cho quê hương, cho quốc gia trên bình diện toàn cầu.
Tôi nghĩ nếu người Nghệ An trong tỉnh đoàn kết, biết gắn kết với các bộ ngành Trung ương, biết khai thác chất xám vốn liếng, kinh nghiệm của con em Nghệ An ngoài tỉnh thì Nghệ An đi lên bền vững muôn đời. Nếu Nghệ An chưa giàu là vì Nghệ An chưa khai thác hết chất xám của người Nghệ An ngoài tỉnh, hoặc người Nghệ An ngoài tỉnh chưa hết mình với quê hương.
Tôi cho rằng, Nghệ An cũng như cả nước phải tập trung làm tốt 3 lĩnh vực đang là nút thắt của nền kinh tế, đó là thể chế, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.  Đổi mới thể chế theo hướng cải tạo môi trường cho phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Ví như ao nước tù sẽ sinh ra con cá màu đen, chúng ta quyết tâm bắt hết cá màu đen thay thế bằng cá màu trắng thì sau vài 3 tháng cá màu trắng lại chuyển thành cá màu đen. Vấn đề chính là khử màu lọc nước thì ngay cá màu đen cũng sẽ trắng dần ra.
Nghệ An phải đi đầu trong ứng dụng các thành quả của khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống và quản lý; Coi đây là thành quả vĩ đại của nhân loại ban tặng. Bởi con người chỉ tự giác đến mức hoàn hảo khi hội đủ 3 điều kiện: luật pháp đồng bộ, đạo đức công vụ được nâng cấp và công cụ kỹ thuật hỗ trợ để giám sát và quản lý chính xác, minh bạch, kịp thời. Không cần kêu gọi nhiều, cứ ứng dụng các thành quả của khoa học công nghệ vào quản lý sẽ giúp con người tự giác làm việc hiệu quả cao nhất, loại bỏ tiêu cực nhanh nhất.
Bên cạnh đó, Nghệ An cần đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày xưa học để có bằng, để dễ xin việc, bây giờ học để có kiến thức để tự tạo ra việc làm. Ngày xưa học để làm quan, bây giờ học để làm giàu chân chính thì sẽ làm quan tốt hơn. Ngày xưa học vâng lời, bây giờ học phản biện. Ngày xưa học để trang điểm cho sơ yếu lý lịch thật “sang”, bây giờ học để tự cải tạo và tôn vinh chính mình.
Khi bố trí từng cán bộ không nên đặt ra tiêu chuẩn toàn diện, nhưng một tập thể lãnh đạo thì dứt khoát phải đủ kiến thức đồng bộ để trở thành một tập thể toàn diện đủ kiến thức bao lót cho nhau hoàn thành nhiệm vụ tiến bộ và trưởng thành.
Tôi nhận thấy hiện nay có hai đối tượng cán bộ bị “lãng quên”. Đó là doanh nhân thành đạt từ các doanh nghiệp tư nhân và Việt kiều, “Nghệ kiều” yêu nước. Nếu Nghệ An khai thác được các tiềm năng này thì quê Bác sẽ phát triển kinh tế rất nhanh.
Phát huy mặt ưu điểm để hạn chế mặt nhược điểm
Ông nghĩ gì về  truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng  của Nghệ An và làm thế nào để phát huy truyền thống đó trong một xã hội đang đua tranh làm giàu, phát triển kinh tế?
Nghệ An có truyền thống hiếu học, người Nghệ An ở bất cứ nơi đâu cũng ham học và học giỏi. Đó là một truyền thống rất quý báu. Thời đại kinh tế tri thức bây giờ, nếu không học, sẽ không thể phát triển bền vững. Nghệ An có bề dày văn hóa, điển hình là dân ca ví giặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nghệ An có truyền thống Xô Viết anh hùng, là vùng đất nhiều danh nhân tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực và xuyên mọi thời đại. Nghệ An còn là tỉnh có nhiều “Nghệ kiều”. Tỉnh nhà phát triển nhanh cũng nhờ một phần vào người Nghệ An ra đi đã bắt đầu trở về. Người Nghệ An có đặc điểm: nghèo thì đi, giàu mới về. Giàu về để làm rạng danh quê hương, đất nước, về để giúp quê hương giàu mạnh nhanh hơn.
Trong thời đại ngày nay, làm sao phát huy được những truyền thống văn hóa của Nghệ An? Theo tôi, Nghệ An cũng như cả nước, cần tập trung vào ba trụ cột văn hóa cơ bản: văn hóa gia đình (nền tảng xã hội), văn hóa doanh nghiệp (nền tảng kinh tế) và văn hóa công sở và đạo đức công vụ (nền tảng chính trị). Tôi nghĩ, văn hóa và đạo đức phải được chăm lo từ: con người, gia đình, dòng họ, quê hương. Trong đó văn hóa gia đình là gốc. Bởi gia đình là đơn vị kinh tế cơ sở, gia đình là đơn vị an ninh cơ cở, gia đình là đơn vị văn hóa cơ cở. Mọi sự tốt đẹp hoặc đau buồn của quốc gia, dân tộc, thậm chí là của nhân loại đều luôn bắt đầu từ gia đình. Bác Hồ đã dạy: Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Gia đình không yên thì xã hội không vui.
Đầu năm 2007, khi còn làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin tôi sang thăm và làm việc tại Nhật Bản. Khi hội đàm với Bộ trưởng đồng nhiệm của Nhật Bản, tôi đặt vấn đề: Ngài có thể khái quát bằng mấy chữ nói lên đặc trưng văn hóa của người Nhật Bản là gì? Ngài Bộ trưởng Nhật Bản trao đổi: Văn hóa rộng lớn lắm mà khái quát thành mấy chữ là rất khó, nhưng tôi tạm chọn mấy chữ trả lời ngài trước, sau này có dịp gặp lại nhau tôi sẽ bổ sung thêm. Có thể khái quát đến mức ngắn nhất văn hóa của người Nhật là “không làm phiền người khác”. Tôi nhận ra ngay, đây chính là văn hóa Hồ Chí Minh. Bác Hồ của chúng ta không bao giờ làm phiền cấp dưới…
Tự hào về truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của Nghệ An, nhưng ông có nhận thấy trong truyền thống đó, dường như vẫn có những mặt kìm hãm, cản trở  sự phát triển?
Quê hương cách mạng bao giờ cũng là tấm huân chương hai mặt, bởi vì nơi có công thường hay kể công, chờ đợi và đòi hưởng thụ. Tôi nhận thấy, người Nghệ An có một số đặc điểm như dũng cảm có lúc liều lĩnh, tiết kiệm đến mức hà tiện. Khắt khe đến mức thô bạo, thẳng thắn đến mức gàn. Khi còn là đại biểu Quốc hội, đi tiếp xúc cử tri ở Nghệ An và Hưng Yên tôi nhận thấy người quê mình nói bốp chát hơn, nói cái gì cũng “khẳng định”, như quan tòa. Bác Hồ từng dặn cán bộ Nghệ An: “Các chú phải bớt cái gàn đi”.
Một đặc điểm nữa là người Nghệ An đoàn kết nhưng đừng cục bộ, quan tâm nhưng đừng can thiệp, yêu quý nhưng không áp đặt…
Tựu trung lại, tính cách của người Nghệ An là trung thực. Những tính cách cương trực, thẳng thắn giàu tố chất xây dựng như các ông Lê Văn Cương, Trương Đình Tuyển, Nguyễn Đình Hương, Nguyễn Quốc Thước… là một ví dụ. Người Nghệ An làm gì cũng quyết liệt, làm đến cùng nhưng rất nghĩa tình, thủy chung.
Tôi có cảm nhận trong chiến tranh Nghệ An xuất hiện rất nhiều lãnh đạo có đức tài, vì có nhiều tố chất phù hợp như kiên cường dũng cảm, xả thân quyết liệt, nhưng thời bình, trong làm kinh tế phải có phương pháp tốt hơn. Có lần tôi nói vui: Người Miền Nam nói khó nghe nhưng dễ hiểu. Người Miền Trung nói vừa khó nghe vừa khó hiểu. Người Miền Bắc nói dễ nghe nhưng khó hiểu. Vì vậy cái thẳng thắn có lúc thẳng băng của Nghệ An cũng nên gói ghém bằng những ngôn từ mềm dẻo hơn, dễ thuyết phục hơn. Giống như ngày xưa cho trẻ uống kháng sinh rất đắng phải bóp miệng, cạy răng bắt trẻ uống bằng được. Bây giờ thuốc kháng sinh được bọc đường dễ uống, ngấm sâu, khỏi bệnh rất nhanh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phùng Nguyên (Thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 5/Bộ Mới/2020)