LTS: Trong tháng 11, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An đã chứng kiến những mất mát lớn, đó là sự ra đi của 2 hội viên “gạo cội”, là những người có rất nhiều đóng góp xây dựng Hội cũng như văn hóa quê hương. Đó là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Quang Liễn và nhà nhiếp ảnh Trần Quốc Tuấn.

     Tạp chí Sông Lam xin trân trọng chuyển tới bạn đọc bài viết này, như là nén tâm hương để tưởng nhớ, tri ân và cũng thay lời muốn nói của những hội viên Hội LH VHNT Nghệ An về những nhớ thương trong lòng người ở lại…

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Quang Liễn dịch văn bia cổ. Ảnh tư liệu.

Nói đến nhà nhiên cứu văn hóa dân gian Đặng Quang Liễn là nói đến một trí thức Hán văn uyên thâm, một người hiểu biết về văn hóa dân gian xứ Nghệ sâu sắc, một nhà giáo đức độ, khả kính. Đặng Quang Liễn để lại nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa dân gian, và có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa cổ truyền ở Nghệ An. Đặng Quang Liễn sinh năm 1936 tại làng Nho Lâm (nay là xã Diễn Thọ, và một phần xã Diễn Phú, Diễn Lộc) huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Nho Lâm là mảnh đất có bề dày truyền thống khoa cử không chỉ ở Diễn Châu mà còn là một trong những địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, khoa cử của xứ Nghệ.ói đến nhà nhiên cứu văn hóa dân gian Đặng Quang Liễn là nói đến một trí thức Hán văn uyên thâm, một người hiểu biết về văn hóa dân gian xứ Nghệ sâu sắc, một nhà giáo đức độ, khả kính. Đặng Quang Liễn để lại nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa dân gian, và có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa cổ truyền ở Nghệ An.

Đặng Quang Liễn có dáng người mảnh khảnh, đôi mắt sáng, gương mặt hiền lành, thanh tú, nhưng ít cười. Ông luôn nói năng nhỏ nhẹ, bước đi chậm rãi, dễ nhận ra ông là một con người nghiêm túc và trầm lắng. Đặng Quang Liễn luôn làm việc vì đam mê, vì tận hiến, ông xem những giá trị văn hóa cao hơn bất cứ thứ lợi ích vật chất gì. Chính vì vậy, lúc về già, vợ chồng nhà giáo Đặng Quang Liễn vẫn sinh sống trong một ngôi nhà cấp bốn nhỏ bé, cũ kĩ. Trong nhà, sách báo chiếm hầu hết không gian. Những bức thư pháp chữ Nho viết trên những tờ giấy cũ được treo ở những vị trí trang trọng gợi cái hàn vi kẻ sĩ, gợi cái an bần lạc đạo thanh tao.

Thầy Đặng Quang Liễn với thế hệ trẻ quê nhà. Ảnh tư liệu.

Xuất thân là một nhà giáo dạy Văn, bắt đầu dạy học từ năm 1958, cuộc đời Đặng Quang Liễn đã có hơn 60 năm gắn bó với nghiệp trồng người. Người làng vẫn yêu mến gọi ông bằng cái tên trìu mến “ông đồ Nho Lâm” có lẽ xuất phát từ phong thái, tính cách ông mang “huyết thống” của một ông đồ xứ Nghệ: thẳng thắn, hơi gàn, trí tuệ và đôn hậu…

Đặng Quang Liễn đến với nghiệp viết ban đầu qua con đường thơ phú, viết câu đối. Ông là một trong những hội viên sáng lập của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, những người tham dự đại hội lần thứ nhất năm 1967.

Thời còn trẻ, Đặng Quang Liễn tự mày mò học chữ Hán và sau này đạt đến độ thượng thừa, ông có thể dịch mọi văn bản, thư tịch cổ một cách thuần thục. Trong cuốn “Diễn Châu, 1380 năm Lịch sử – Văn hóa – Nhân vật” do Giáo sư Ninh Viết Giao chủ biên, NXB Nghệ An ấn hành tháng 8 năm 2007, phần các văn bia trong huyện đều do Đặng Quang Liễn và Thái Doãn Chất phiên âm, dịch nghĩa. Để giúp Giáo sư Ninh Viết Giao hoàn thành cuốn sách trên, hai ông Đặng Quang Liễn và Thái Doãn Chất đã lọ mọ đạp xe đi khắp nơi trong huyện, ăn nhờ, ở độ nhà dân để để sưu tầm, khảo cứu và dịch hàng trăm văn bia tại nhà thờ họ Cao ở Diễn Bình, họ Nguyễn ở Diễn Nguyên, họ Hoàng ở Diễn Cát, bia mộ họ Lê ở Diễn Hồng, họ Vũ ở Diễn Thọ, họ Phan ở Diễn Quảng… Hai ông còn dịch văn tự trên các loại bia đá khác, có bia khắc bài thơ Thiết Cảng của vua Thiệu Trị, có bia ghi việc nhà vua ngự giá xem thành Phủ Diễn, có bia ghi bài Cảo tại nhà thờ họ Đàm… Mỗi văn bia thường có độ dài trên, dưới 300 từ. Thông qua các văn bia, Đặng Quang Liễn và Thái Doãn Chất đã giúp thế hệ sau hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa, các nhân vật, sự kiện đã ghi dấu ở Diễn Châu.

Đặng Quang Liễn là người thâm trầm, lấy nhân cách làm gốc, lấy tác phẩm làm trọng, gặp người có tài năng, đức độ ông rất quý, gặp người khoe mẽ ông xem thường. Ông không bao giờ thể hiện mình hay tỏ ra xem thường kẻ khác ra mặt mà bao giờ cũng vừa bộc trực, vừa điềm đạm.

Nhà thơ Cao Xuân Thưởng kể: Có lần ra Hà Nội dự Hội thảo về văn nghệ dân gian, hầu hết các đại biểu đều đã biết tên Đặng Quang Liễn qua những bài viết công phu, trí tuệ của ông nhưng vẫn còn chưa biết mặt. Khi Ban tổ chức mời ông lên tham luận, ai nấy đều nghĩ đây là một trí thức sang trọng, thì một người đàn ông gầy gò, dáng lòng khòng, khắc khổ bước lên. Cuối buổi có người nói với ông: “Chúng tôi cứ nghĩ bác là một trí thức sang trọng lắm, ai ngờ trông bác như một ông nông dân vậy”. Ông Liễn vui vẻ đáp: “Tôi là một nông dân thật chứ như mô nựa”. Nhà thơ Cao Xuân Thưởng nói tiếp: “Cụ Liễn là một người yêu, ghét rõ ràng. Có lần đến nghe một nhân vật từ xa về huyện nói chuyện về Bác Hồ, ông này vừa kể chuyện vừa giảng giải chữ Hán thì cụ Liễn đứng dậy ra về. Tôi hỏi “sao thầy về”, cụ bảo: “Thằng nớ hắn nói nhăng rứa, tưởng không ai biết chứ hắn có biết chi mô”.

Đặng Quang Liễn cũng rất biết mình biết người, ông hiểu giới hạn của bản thân đến đâu. Ông để lại một tập bản thảo thơ chép tay mà cho đến lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng vẫn chưa kịp in vì một phần không có thời gian, một phần không thích thể hiện. Ông sáng tác thơ ca trước hết là để cho mình. Khi nhà thơ Cao Xuân Thưởng đọc cho ông nghe một bài thơ chữ Hán nhờ ông góp ý, Đặng Quang Liễn tấm tắc khen và thú nhận: “Tôi không ngờ anh cũng giỏi chữ Hán và thơ chữ Hán đến thế, thú thực bản thân tôi có thể đọc và dịch chữ Hán nhưng làm thơ chữ Hán thì khó lắm”.

Trong sự nghiệp của mình, Đặng Quang Liễn để lại những nghiên cứu, sưu tầm khá lớn. Có thể kể đến cuốn “Văn hóa Nho Lâm” – Đặng Quang Liễn đã dựng lại không gian văn hóa – lịch sử – địa lý của làng Nho Lâm quê ông, cuốn “Truyện kể dưới gốc đa làng” (tập hợp 107 truyện ông sưu tầm tại làng Nho). Ngoài ra còn có một số tác phẩm như: “Văn bia xứ Nghệ” (viết chung), “Diễn Châu địa chí” (viết chung); “Văn hóa làng xã”; “Kho tàng vè xứ Nghệ”; “Văn hóa ẩm thực xứ Nghệ”; “Trò chơi dân gian xứ Nghệ” và hàng trăm bài đăng trên các báo và tạp chí chuyên ngành.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Quang Liễn đã vinh dự được nhận những giải thưởng cao quý như: giải A của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; giải B Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An; Tặng thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam…

Có thể nói, Đặng Quang Liễn là một trí thức đáng kính cả về tài năng và nhân cách, là niềm tự hào của văn học, nghệ thuật Nghệ An. Ông đã góp phần giới thiệu văn hóa xứ Nghệ – một vùng địa linh nhân kiệt, giàu bản sắc cho bạn bè cả nước. Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống lớn đối với sự nghiệp nghiên cứu văn hóa dân gian Nghệ An.

TRẦN HỮU VINH

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19, tháng 11+12/2021)