Bỏ ngoài tai những lời răn dạy của cha, Kỳ học hành nhếu nháo, thi trượt, bỏ nhà đi làm phụ xe tải trên đường Hà Nội – Lạng Sơn, và lao vào cuộc kiếm tiền bất chính.

Phải cái y nhát gan nhưng lại to mồm và bốc đồng, hai phẩm chất tối kỵ của người buôn bán, nhất là buôn lậu. Nên y chẳng có vây cánh, dây dợ nào, đành chấp nhận thân phận cò con ăn mảnh. Từ khi làm quen rồi vội vàng cưới cô Bảy buôn chuyến tưởng chừng phất lên ngay, nhưng sống với nhau rồi mới biết Bảy cũng loại thùng rỗng như hắn, thành ra thân cò lặn lội ngược xuôi mà vẫn vào hạng nhì nhằng em út. Nhẵn mặt trên đường Lạng Sơn, y chuyển sang đường Hà Nội – Lào Cai. Hai người hơn một, dần dà họ cũng tích lũy được một số vốn liếng. Đang vào cầu thì Bảy sinh cho y một lần hai cô con gái. Bà nội khuất núi, bà ngoại bệnh tật chẳng có ai nương tựa đỡ đần, y xin thôi việc, mua ngôi nhà nhỏ gần ga tàu hỏa, dưới chân một quả đồi rộng, neo đậu cuộc đời ở cái thị trấn gần cửa khẩu này. Y buôn bán đủ thứ, ngoài các loại hàng lậu quen thuộc y còn buôn cả mận Bắc Hà, đào Sa Pa, quế Bảo Yên, chè Nghĩa Lộ… Rồi lại mở thêm hàng thịt chó. Từ đấy y có biệt danh “Kỳ chó”. Tính y hay rượu lại bốc rời, gặp ai vài lần bên bàn rượu là nhận ngay làm bạn. Vợ y bảo: “Cái bọn ấy là bè, bạn gì mà toàn ăn chịu”. Thỉnh thoảng cũng có anh ném cho xếp vải hay cái đầu CD, y vênh mặt: “Giàu vì bạn đấy, mày thấy chưa?” Bảy giở sổ ra tính, tiền bán những thứ ấy chưa bằng nửa số tiền ghi nợ của họ. Bảy kỳ kèo, y mắng: “Rõ đồ cơi đựng trầu, quan hệ làm ăn là phải lâu dài. Rồi mày khắc biết”. Sau hai tháng, tính sổ vợ chồng Kỳ bán được năm mươi bảy con chó, lãi ba triệu hai, nhưng toàn nằm trong sổ nợ. Vốn liếng cạn đến nơi. Hoảng quá, y quát tháo ầm ĩ: “Toàn bọn đểu. Dẹp, dẹp!” Bảy bĩu môi bĩu mỏ, chứa chan nước mắt, tiếc của tiếc công. Y động viên: “Thua keo này bày keo khác. Dù sao thì cũng được chén thoải mái, mình nhỉ!” Vợ y mếu máo cười. Họ mua một cái xe Minsk để chạy xe ôm, được đỏ nào chắc đỏ ấy, không sợ quỵt nợ. Khốn nỗi, một cái ga nhỏ mà đã có chín tay xe ôm lành nghề, liên kết chặt chẽ. Y đến sau, lép vế, mấy ngày đầu dắt xe về không. Nghĩ mãi rồi y cũng tìm được cách. Y đứng xa xa thấy người nào hơi quen quen là sán lại thì thào rồi nói to: “Em vừa nhận được điện là ra ngay”. Cánh xe ôm thừa hiểu y diễn kịch nhưng họ cũng thương hại lờ đi. Nhưng khổ cho y, đã nhận là người thân thì đâu dám chém mạnh! Vì thế “Kỳ ôm”, tên mới của y vẫn bí bách lắm. Y bàn với vợ: “Hay ta đến cụ bô xin tha tội và…” Thị gạt phăng: “Thôi thôi. Đừng có mà hy vọng hão. Ông ấy kẹt xỉn lắm và tao thấy sờ sợ thế nào ấy. Chắc gì ông ấy cho mà xin với xỏ. Khéo lại làm trò cười cho vợ chồng nhà Hợi”. Y thẫn thờ: “Chỉ tại mình cả. Nhưng thôi, cho qua. Tự lực cánh sinh là nhất”.

Hai gái đầu lòng cũng đã lớn. Cái Duyên bán hàng, cái Liên nấu cơm đun nước. Y tính phải có con trai cho có nếp có tẻ nên quyết sinh con lần nữa. “Mình có ở cơ quan đ. đâu mà lo. Tao đã đi xem rồi, những ba thầy, thầy nào cũng bảo lần này sẽ sinh trai quý tử, mình sẽ giàu lên ngay”. Những ngày vợ mang bầu y phởn lắm. Nhiều hôm được chuyến hàng đậm, lao cái Minsk vào sân, dúi vào tay vợ xấp tiền, y cúi xuống xoa tay vào cái bụng đã lùm lùm của thị, cười hí hí: “Cu ơi! Chóng lớn ra uống rượu với bố. Đáp lại, Bảy ưỡn cái bụng cho to thêm, ngúng nguẩy: “Nỡm ạ”. Rồi cười khích khích. Họa vô đơn chí, thị lại sinh đôi, toàn gái. Ở bệnh viện về, mặt tái nhợt, mắt long lên, y đạp tung cái lồng nhốt sẵn đôi gà. Hai chú trống choai vui mừng thoát nạn vỗ cánh reo lên quang quác. Y chửi: “Kêu cái khỉ mẹ mày à. Ông đập chết cha chúng mày bây giờ”. Thương mẹ, cái Duyên phụng phịu: “Bố ác thế. Mình mẹ đẻ được em à. Bố chả bảo mẹ sinh quý tử là gì!” Y hừ một tiếng, leo lên giường đắp chăn kín đầu, làu bàu: “Mẹ cái số con chó. Đ. mẹ cái lũ thầy bói, ông thì đái vào bát hương nhà chúng mày”.

Sau đó là những ngày cực nhọc và buồn bã. Trẻ con không biết uống rượu, ăn thịt chó nhưng sữa đường, bột bạt, tã lót, thuốc thang tốn kém ghê gớm. Chúng còn chiếm hết thời gian chợ búa của Bảy. Thuê người thì chẳng có tiền. Y bắt cái Duyên nghỉ học. Cái Duyên tị với cái Liên, bảo mãi chẳng được, y bắt cả hai cùng nghỉ “cho công bẳng”. Hai vợ chồng y chỉ còn da bọc xương, những con mắt trũng sâu, thâm quầng, những đứa trẻ như những cái dải khoai eo éo khóc. Thị trách y mê tín và ham hố cái chuyện kia quá đáng. Có lúc thị chửi con kèm luôn cả chồng. Không ít lần y đã phải dùng nắm đấm. Khốn nỗi đánh nhau cũng chẳng ra tiền, y phải bán cái Minsk đi làm bốc vác.

Giữa lúc đó ông Quang về hưu.

Mới ngang chiều y đã phóng cái phượng hoàng cọc cạch vào tận cửa, mặt hơn hớn: “Mình ơi! Có tin vui đây”. “Trúng xổ số chắc?”, thị mỉa mai. “Nghiêm chỉnh, nhé. Tao đã tìm hiểu kỹ rồi, nhé. Ông bô về hưu vác về một bó kha khá đấy. Phải rước cụ về mới được”. Thị cong môi: “Thủ trưởng thủ phó không, thanh tra tài vụ không, hải quan thuế vụ không. Cán bộ làng nhàng đủ ăn là khá. Bó giấy khen thì chắc là có, nhưng đếch bán được tiền. Đừng có tưởng bở mà rước về. Người thì như con mèo hen, lao là cái chắc. Tao đ. hầu được đâu, nhé”. Y trợn mắt: “Ngu như con lợn. Đ. biết thì đừng có nói càn. Này nhé, tiền ưu đãi kháng chiến lĩnh một lần, ba triệu sáu, nhé. Nhượng mười hai mét vuông nhà được cấp, lấy mười hai triệu, nhé. Bà Lan bán nhà vào Nam theo chồng, biếu cụ ba triệu dưỡng già, nhé. Huân chương hạng nhất được hỗ trợ mười triệu làm nhà, nhé. Mày nhẩm xem nào. Ấy là chưa kể chừng ấy năm công tác, chả phải nuôi ai, thế nào chả có sổ tiết kiệm”. Thị lẩm nhẩm rồi nhẩy quẫng lên: “Hai mươi tám triệu sáu trăm ngàn! Khá đấy. Nhưng sợ cụ vẫn giận. Phải đổi mới tư duy mạnh vào, kẻo lão cả Hợi nó moi hết thì mốc mồm. Mình ơi em khắc có cách”. Thị ghé vào tai chồng thì thầm. Cả hai cười phá lên, ôm chầm lấy nhau, líu ríu vào buồng… Cái Duyên đang quạt cho em ngủ ngấm nguýt lầm bầm: “Rõ dơ! Giữa ban ngày ban mặt. Cứ rửng mỡ đi, tòi ra đứa nữa thì ông quẳng bỏ”.

Từ ngày về quê, ông Quang vẫn giữ thói quen dậy tập thể dục vào lúc năm giờ sáng. Ông đang gập chăn màn bỗng nghe lào thào ngoài cửa. Vợ chồng cả Hợi vẫn chưa dậy. “Ai nhỉ?”, ông nhẹ nhàng ra mở cửa. Ông giật mình lùi lại, có mấy người quỳ gối cúi đầu. Thấy ông, họ đồng loạt ngẩng lên. Vợ chồng Kỳ và bốn đứa trẻ, đồng thanh: “Chúng con lạy ông ạ”. “Kìa các con lạy ông đi”. “Chúng cháu lạy ông ạ!” Ông còn ngơ ngác, Bảy đã khóc hu hu, miệng thị méo xệch, mắt ráo hoảnh: “Vợ chồng con là đứa bất hiếu hu hu… Bố về mấy hôm rồi, nay chúng con, hu hu… mới được biết, hức hức… chúng con đến lạy bố và hu hu… xin bố tha thứ, hức hức”… Kỳ cố rặn ra: “Trăm tội tại con cả, hu hu… Ông mắng chửi, ông đánh con đi, hi hi… Chỉ xin ông thương lấy lũ cháu nhỏ dại này hu hu…” Y bảo nhỏ các con: “Lạy ông đi chúng mày!” Hai đứa trẻ lớn lại làm như hai cái máy. Bảy cấu vào mông đứa con ngủ trên tay, chúng khóc ré lên giãy đạp rối rít. Ông Quang bối rối, giọng run run: “Các con đứng cả lên, vào nhà đi”. Ông cầm tay hai đứa trẻ, những bàn tay khô ráp, khẳng khiu, lem luốc. Ông kín đáo ngoảnh đi lau nước mắt. Cử chỉ ấy không qua được mắt Bảy, thị liếc xéo về phía chồng, bốn mắt dạn dĩ giao nhau loé lên chia sẻ nỗi vui mừng. Họ vào nhà nhưng lại quỳ mọp xuống đất. Cả Hợi bảo: “Chú thím lên giường mà ngồi, có việc gì thưa với ông, bận gì phải làm thế”.

Ông Quang là một viên chức cần mẫn trong công việc, nghiêm túc trong sinh hoạt, khéo léo cư xử, từ khi đi làm cho tới lúc về hưu chỉ một nghề, một cơ quan. Vợ ông mất khi Kỳ mới mười tuổi. Ông ở vậy nuôi con, những mong chúng thành công dân lương thiện như mình. Anh Hợi, chị Lan làm ông hài lòng, Kỳ thì ngược lại. Cả nhà hết lời khuyên răn, y bỏ ngoài tai không coi ai ra gì. Cả Hợi bảo: “Nói mãi không nghe bố cứ cho nó một trận đòn cật lực vào. Già đòn non lý sự, may ra nó mới tỉnh”. Ông bảo: “Con chó còn dạy được thành khôn huống chi con người. Sớm hay muộn rồi nó cũng sẽ hiểu”. Ngược lại lòng mong muốn của ông, càng ngày y càng sa đà vào những chuyện bất chính. Ông phản đối cuộc hôn nhân vội vã, y tuyên bố: “Bố không nên can thiệp sâu vào tự do cá nhân của con. Con lớn rồi, là công dân độc lập rồi”. Y tự cưới vợ và quên luôn bổn phận làm con. Bảy đang lúc vui cũng coi ông như người dưng nước lã. Có tới bốn mặt con mà chưa một lần thị đến thăm bố chồng.

Mọi việc làm của vợ chồng Kỳ và cả màn kịch vừa diễn không qua được mắt ông Quang. Nhân đây ông bắt đầu thực hiện ý định cứu đứa con bất trị. Đó cũng là một trong nhiều lý do thúc đẩy ông về hưu trước tuổi. Nắm ngay cái giả vờ của y, ông hướng nó vào mục đích của mình. Ông bảo: “Có mặt cả nhà, bố tha thứ cho các con. Bố sẽ hết lòng trợ giúp, chỉ yêu cầu các con biết nghe lẽ phải. Chỗ nào chưa bằng lòng có thể bàn cãi. Bố không ép. Bố mong việc làm của vợ chồng Kỳ vừa rồi là thật lòng”. Bảy liếc chồng dò xét. Kỳ bối rối ấp úng. Ông tiếp: “Trước mắt bố cấp vốn cho làm ăn, nhưng phải theo kế hoạch của bố”. Không còn cách nào khác, vợ chồng y miễn cưỡng vâng lời.

Nửa ngày ô tô, một giờ xe ôm, cha con ông Quang đến nhà ông Hiền. Ngôi nhà năm gian hiên trùm máng thượng còn sáng nước vôi cùng dãy nhà ngang khang trang không kém, nằm trong khu vườn chừng hai ngàn mét vuông trồng toàn cây cảnh. Vườn cây nhiều tầng nhiều lớp sum suê, xanh mát mắt, làm dịu đi cái vất vả đường trường. Phòng khách rất sang, đủ tiện nghi đắt tiền đẹp mắt. Sau tuần trà, ông Quang nói: “Như đã trao đổi với ông, hôm nay cha con tôi đến tình nguyện làm người giúp việc không lấy công. Đây là Kỳ, thằng út nhà tôi”. Ông Hiền cười: “Công sá tính sau. Ông thì tôi đã hiểu. Còn anh Kỳ? Công việc không nặng nhọc nhưng phải cần mẫn, kiên trì, toàn tâm toàn ý, anh có làm được không?” Kỳ lý nhí: “Được ạ!” Thầy trò ông nghỉ vài ngày thăm thú làm quen đã. Ông Quang: “Ngày mai ông cho làm việc luôn đi, vừa làm vừa thăm có sao đâu”.

Những ngày đầu, mờ sáng đã phải dậy, ăn uống qua quýt rồi ra vườn. Ăn nghỉ trưa hai tiếng rồi lại ra vườn. Xẩm tối mới nghỉ. Vốn quen thói tự do không giờ giấc, thích làm chán bỏ, dễ làm khó quăng, nếu không có cha kèm Kỳ đã bỏ về. Vì suốt ngày chỉ có việc tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu, tỉa lá, vun gốc, bón phân. Việc gì phải học. Dần dần, ông Hiền hướng dẫn cách chiết ghép, uốn cành, tạo thế. Y tiếp thu nhanh nhưng làm ẩu. Ông Hiền nghiêm khắc bắt làm lại. Ông Quang động viên, y cáu: “Làm gì mà như chăm trẻ con vậy. Nhiều cây thế này ai mua cho hết. Ông ấy giàu có mới làm để chơi. Còn mình thì cần tiền. Con thấy nó thế nào ấy”. “Cố mà làm rồi khắc biết”. Tối tối, bên bàn trà hai ông già thường bàn luận về chuyện đông tây kim cổ. Có chuyện họ nói với nhau như để cho Kỳ nghe. Đại loại chuyện mài sắt nên kim, tam thập nhi lập. Một lần bàn về trồng cây, ông Quang nói: “Người ta bảo dưỡng mộc như dưỡng tử (nuôi cây như nuôi con) quả là chí lý. Có khi còn hơn cả nuôi con ấy chứ”. Ông Hiền đáp: “Cái ý chăm sóc dùng chữ như là đúng. Còn hiệu quả thì còn tùy. Trẻ cậy cha già cậy con, mà gặp đứa con vô tích sự, hư hỏng thì kém cây là hiển nhiên. Như hai cây si lớn đầu nhà kia, tôi trồng mới có mười chín năm mà có người đặt giá cả trăm triệu, số tiền ấy đảm bảo chắc chắn cho mình khi về già. Đấy chỉ là khía cạnh vật chất. Còn tình cảm thì đứa con hư, vô trách nhiệm chưa chắc bằng người giúp việc tận tụy, trung thành. Phải không ông?”. Câu hỏi đặt ra cho ông Quang nhưng ánh mắt ông lại hướng về Kỳ. Y cúi mặt. Được độ hai tuần, cơm tối xong ông bảo: “Cả nhà đi nghỉ sớm để mai lấy sức làm việc. Anh Kỳ chuẩn bị tinh thần chiến đấu nhé.”

Sáng sớm, một chiếc xe tải cỡ nhỏ chở đến chừng ngàn cây si con, thân bằng cái tăm, mỗi cây riêng một bầu. Kỳ đang phân vân không biết số cây sẽ trồng vào đâu, vì vườn đã kín cây, thì ông Hiền bảo: “Bây giờ ta đào hết năm luống si ngoài cùng kia rồi xếp lên xe. Nhớ là không được để vỡ bầu.” Đúng là một ngày vất vả. Xẩm tối mới xong việc. Người khách và ông Hiền tính toán và trao tiền. Ông Quang nháy bạn. Ông Hiền đưa bó tiền cho Kỳ: “Anh tinh mắt đếm giúp bác”. Y nhanh nhảu tanh tách đếm, lát sau thưa: “Mười một triệu tròn ạ!” Người khách bảo ông Hiền: “Xe còn rộng ông bớt cho tôi hai cây lộc vừng, được không ạ?” Ông Hiền có vẻ chần chừ, ông Quang lại nháy bạn. Ông Hiền hỏi khách: “Ông có thể trả đến bao nhiêu?” Người khách cười: “Chỗ thân tình xin gửi ông năm triệu”. Kỳ trố mắt, hai cây ấy thân chỉ bằng bọng chân, cao quá đầu người một chút mà những năm triệu bạc. Lại đào bới, khuân vác bở hơi tai. Xe đi rồi, Kỳ phấn chấn hiểu ra, trong đầu y lóe lên ý định mới, sáng sủa, tràn đầy hi vọng. Ngày hôm sau lại bận rộn, làm đất, bỏ phân rồi trồng hết số cây mới mua ngay trên những luống vừa đào đi. Mệt rã rời. Kỳ thấy vui vui. Y hỏi ông Hiền: “Lớp cây này bao nhiêu lâu nữa mới lớn bằng những cây vừa bán ạ?” Đã đến lúc nói được với Kỳ về lợi nhuận, như đã thống nhất với bạn, ông Hiền ân cần: “Hai năm. Nhưng tôi trồng nhiều lớp như anh đang thấy, năm nào tôi cũng có cây bán một hoặc hai lần. Còn lộc vừng thì lâu hơn.” “Họ mua đem đi đâu mà nhiều vậy?” “Tôi có mối hàng xuất khẩu. Anh thấy nuôi cây cũng được đấy chứ?” “Cả vườn cây của bác có đến vài trăm triệu chứ chẳng ít, bác nhỉ?” “Anh giúp tôi đếm thử xem”. Y hăng hái vào cuộc, đếm một luống rồi nhân với số luống, báo số cây, ông Hiền nói giá tiền, bảo: “Anh tính thử xem” loáng cái, Kỳ ồ lên: “Chưa kể những cây to, riêng si bé và nhỡ đã có gần hai trăm triệu bác ạ.” Ông Quang góp chuyện: “Cách đây chục năm ông Hiền mới có mấy cây si to, còn cả vườn chỉ trồng dây khoai lang nuôi lợn. Và vẫn ở nhà lợp lá cọ vách trát toóc -xi đấy”. Kỳ thốt lên: “Vườn nhà mình nhất định cũng làm được bố ạ”. Hai ông già cười vui vẻ.

Mấy hôm sau, cha con ông ra về với những địa chỉ cần thiết, và dăm cuốn sách hướng dẫn trồng cây. Kỳ trách bố: “Biết vậy mà bây giờ ông mới cho con biết”. Ông Quang trầm giọng: “Bố cũng mới biết dăm năm nay thôi. Mà giá lúc ấy bố bảo chắc gì anh đã nghe.”

Như con ngựa hoang mới được thuần hóa, lại được cha cấp vốn và luôn ở cạnh khích lệ, vợ chồng Kỳ lăn vào cuộc đổi đời.

Nguyễn Văn Lạc

(Truyện ngắn đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 20, tháng 1+2/2022)