Xứ Nghệ thời tiết khắc nghiệt, mùa đông rét thấu xương, mùa hè nóng cháy da cháy thịt. Lại thêm “đặc sản” gió Lào thổi rạc bờ tre. năm nay, mới đầu mùa hè mà Nghệ An đã nắng nóng gay gắt trên 40 độ, ai nấy mệt mỏi, ngó trời trông một cơn dông. Như “cầu được ước thấy”, chiều tối đã nghe tiếng sấm ì ùng, gió rít, rồi mưa ào ạt. Cả ngày nắng như đổ lửa, tối đến, mây mưa sầm sập kéo về. Vào mạng lướt qua facebook, zalo và các báo thấy lúa, ngô ngã rạt dưới mưa. Sốt ruột, tôi gọi điện về nhà, bố mẹ bảo “mưa gió to lắm con ạ”! Thật nẫu hết ruột gan. Xuất thân là con nhà nông nên tôi thấu hiểu nỗi lòng của người nông dân khi ngày thu hoạch đã cận kề mà mưa to gió lớn.

Mới sáng hôm qua, Phương – bạn học tôi, còn quay cảnh đội nắng chang chang đi thăm lúa, nhìn ruộng lúa đang cúi xanh mà lòng đầy phấn khởi. Ai trông thấy cũng tấm tắc, lúa năm nay chắc hẳn được mùa. Tôi hỏi thăm, Phương chia sẻ “lúa tốt nhưng còn nhờ trời có cho ăn hay không bạn ạ”! Đúng thật, ngay chiều tối, mưa gió, dông lốc kéo về mù trời. Tôi càng hiểu hơn về cái sự “nhờ trời” mà cô bạn chia sẻ hôm qua. Lúa đang vào thì chắc xanh giờ nằm xếp chồng lớp lớp. Rồi sẽ hạt chắc hạt lép, năng suất thấp. Với người nông dân, bát cơm đến miệng còn bị thiên tai cướp mất không phải hiếm. Xưa nay, nghề nông “được mất nhờ trời” là vậy! Giờ này ở quê, mẹ tôi cũng như bao người nông dân khác đang thấp thỏm theo tiếng mưa, giấu nỗi lo âu sau tiếng thở dài.

Những cánh đồng lúa xanh bát ngát khi mưa thuận gió hòa. Ảnh: Võ Thành Vinh

Nơi thành Vinh, tiếng mưa lộp độp kéo tôi về kí ức, về với làng quê. Quê tôi được xem là một trong những vựa lúa của xứ Nghệ. Dân gian truyền khẩu câu ca “Yên Thành là mẹ là cha/ Đói cơm rách áo thì ra Yên Thành”. Yên Thành, đó là nơi tôi sinh ra và trưởng thành, nơi có những cánh đồng lúa thẳng cánh có bay. Chính vì vậy, đây từng là nơi cưu mang rất nhiều người tứ xứ. Tôi sinh ra trong một gia đình có cha là giáo viên, mẹ là nông dân. Dù không phải lăn lộn nhiều như các bạn cùng trang lứa nhưng cái vất vả “một nắng hai sương” của nông dân tôi cũng đã từng trải và thấu hiểu.

Trước đây, quê tôi chỉ thuần nông, người ta sống dựa vào củ sắn củ khoai, hạt gạo là chủ yếu. Một năm người ta trồng hai vụ lúa là vụ đông xuân (vụ chiêm), và hè thu (vụ mùa), xen giữa hai vụ đó có vụ đông trồng hoa màu như ngô, khoai nhưng ngày nay kinh tế khấm khá hơn, người ta bỏ vụ này. Làm nông chỉ mong mưa thuận gió hòa. Mưa nắng thuận lợi, ít sâu bệnh thì cho mùa màng bội thu. Có những vụ, gần đến ngày thu hoạch, lụt nước băng băng, nhấn chìm tất cả, lúa ngập, nằm rạt dưới mặt nước. Xót xa! Vụ đông xuân hay gặp lụt Tiểu mãn vào tháng Tư âm lịch. “Xanh nhà hơn già đồng” là kinh nghiệm được người nông dân đúc rút từ những lần mất ăn như thế.

Lúa đang nặng bông gặp mưa gió đánh tả tơi, ngã rạp dưới nước. Ảnh: Quốc Đàn

Tôi từng chứng kiến nhiều vụ mất mùa, lúa gặp lụt ngã tứ tung xẹp dưới mặt đất, thu hoạch vô cùng vất vả, máy móc chịu bó tay, phải dùng liềm, mò mẫm lội nước gặt từng bông. Hạt lúa sau bao ngày ngâm nước bị thối, mọc mầm như ủ giống. Mẹ tôi xót của, loay hoay cố phơi phong vớt vát nhưng rồi cũng chỉ dùng được cho gà, heo… Ngày nay, để tránh lụt, nông dân thường chọn những loại giống ngắn ngày, thường thì ba tháng sau khi gieo cấy là thu hoạch được. Nhắc tới thiên tai, lại nhớ bài thơ Hạt gạo làng ta của nhà thơ Trần Đăng Khoa mà tôi được biết từ khi mới học lớp ba: “Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng Bảy/ Có mưa tháng Ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng Sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy…” Đúng là để có hạt gạo trắng ngần phải trải qua bao “ngọt bùi đắng cay”.

Nhớ có năm mất mùa, cả sào ruộng nhà tôi chỉ bòn lại được một bó lúa. Mẹ tôi thở dài “không biết lấy gì mà ăn cho hết ngày, hết tháng!” Cha tôi dạy học, đồng lương tuy ít ỏi nhưng còn có để trang trải, không phải đi vay; nhiều gia đình đông con, gặp năm mất mùa, phải ăn đong từng bữa. Mà đâu phải vay là có, phải đi hết nhà nọ nhà kia, tỉ tê đủ kiểu mới vay được cân gạo, cân thóc. Những ai đã qua thời kì đói khổ đều biết món cơm độn khoai, mà khoai nhiều hơn cơm. Buổi sáng ăn khoai thay cơm, rồi bữa trưa, tối lại ăn cơm độn. Sau này, củ khoai củ sắn còn đắt đỏ hơn lúa gạo. Vậy mà hai anh trai tôi đều không thích ăn, trái hẳn với sở thích của các chị, các bà. Có lần tôi hỏi lí do, các anh cười tếu táo “khi xưa ăn khoai nhiều quá, giờ sợ rồi”! Dẫu biết là lời nói vui nhưng nó đủ gợi lại bao kí ức về một thời thiếu thốn.

Sau những cơn mưa to gió lớn, bà con lặn lội dựng lúa đứng dậy vì chưa đến lúc thu hoạch. Ảnh: Quốc Đàn

Người nông dân quần quật quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chỉ mong chờ vào vài ba vụ lúa. Chăm sóc từ khi hạt lúa nẩy mầm cho đến khi cây lúa cho hạt. Trải qua bao công đoạn như lấy nước, làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, trừ chuột bọ phá hoại… Thế mà có khi gần được ăn còn bị “cướp” khỏi tay. Trước kia khó khăn, nhà tôi làm nhiều ruộng hơn, làm thêm cả ruộng khoán lên tới năm, sáu sào. Cái thời vất vả là thế mà chẳng thấy mẹ tôi than vãn bao giờ. Có lẽ với mẹ, sự cực nhọc của nghề nông như đã thành quen. Hồi đó, làm nông không như bây giờ, tất cả đều qua tay con người từ cày, bừa, gieo cấy, cho tới chăm sóc như làm cỏ, bỏ phân, thu hái… Vậy mà những người nông dân quanh năm lam lũ vẫn bám ruộng vườn. Nông dân muôn đời vẫn vậy, luôn giữ phẩm chất cần cù, chịu khó.

Ngày nay có máy cày, máy cấy, máy gặt… nông dân đỡ vất vả hơn nhiều. Lao động chân tay chỉ còn nằm ở khâu phơi phong, cất trữ. Ngoài làm ruộng, người nông dân còn có thêm nhiều nghề khác. Người thì đi xuất khẩu lao động nước ngoài, người thì làm trong nhà máy, công xưởng… Thế nhưng ruộng đồng vẫn được canh tác hết, nhà nào đi làm ăn xa thì sẽ có nhà khác làm thay. Gần đây, do khủng hoảng kinh tế, công việc khó khăn, nhiều người quay về với ruộng đồng, bám cây lúa mà sống. Dẫu biết làm nông “được mất nhờ trời” nhưng người nông dân chưa bao giờ hết hy vọng vào những vụ mùa bội thu!

Mộc Hương