Không phải con tắc kè hay những đám mây, lòng người mới là thứ dễ đổi thay nhất trên đời. T đã nói với tôi như vậy, trong buổi chiều chúng tôi đi qua chiếc cầu treo ọp ẹp, ngắm hoàng hôn khép lại sau dãy núi lam mờ phảng phất hơi sương, nghe tiếng con chim rạc giọng tìm đàn. T chụp cho tôi những bức ảnh kỉ niệm bằng chiếc điện thoại lỗi thời và kể những câu chuyện phá án cuốn hút hơn tất thảy những bộ phim truyền hình tôi từng xem hồi bé. Đó cũng là lần đầu tôi quan sát kỹ T, dù chúng tôi đã làm việc với nhau hơn hai năm ròng. Đôi mắt hí. Sống mũi cao. Khuôn miệng hình trái tim hơi mỏng. Và giọng nói như có đệm trong vùng cổ, vừa ấm, vừa êm, vừa tự nhiên, lại vừa trau chuốt. Tôi chợt nhớ đến cuốn tiểu thuyết viết dở của mình, vẫn đang nằm mốc meo trong laptop. Tôi đã mắc kẹt trong trí tưởng tượng quá lâu khi cố phác thảo ngoại hình và tính cách của nhân vật chính, không quá cao siêu nhưng cũng không được tầm thường, T+. Khi nhân vật T+ bế tắc thì nhân vật L+ cũng chưa thể định hình. Và tôi nhìn thấy nhân vật T+ trong T.

Dạo ấy là mùa đông. Không khí miền rẻo cao này như bị vón cục lại trong giá rét. Mùa đông là chất kích thích cho những câu chuyện tôi viết trở nên buồn thảm và cô độc. Tôi thích cảm giác cô độc, để ngắm tiếc quá khứ đã qua, thấy mình từng mạnh mẽ nhường nào, và sẽ biết cách sống tiếp ra sao trên hành trình đơn côi sắp tới. Cho đến một hôm T mời tôi về nhà anh ăn cơm. Mâm cơm nhỏ, chỉn chu và tỉa tót. Vợ T bảo, một tay T nấu. T chẳng mấy khi vào bếp, nhưng sẽ luôn tự giác đối với những dịp đặc biệt, những người đặc biệt. Và ấn tượng nhất là món canh tiết núng nính và mềm mịn như thạch sương sáo, theo lời anh, ăn vào cho may mắn. Mãi về sau này, tôi tin chắc T đã quên bữa cơm đầu tiên anh mời tôi. Nhưng tôi vẫn nhớ như in những món ăn T gói trọn sự tâm huyết mà chỉ bằng mắt thường có thể thấy rõ. Tự dưng, lồng ngực tôi nhói lên xúc động. Có phải vì tôi đã xa nhà quá lâu, thèm một bữa cơm gia đình đến thắt lòng mà không quán xá, nhà hàng nào có thể đáp ứng nổi? Hay vì tôi sung sướng khi gặp được nhân vật trong tiểu thuyết của mình thấp thoáng ngoài đời thực?

Có những khoảnh khắc gặp gỡ giản đơn như vậy mà trở nên sự gắn kết lâu bền. Tôi từng nghĩ T là một vai phụ mờ nhạt trong cơ quan. Nhưng anh đích thị là vai chính trong cuốn tiểu thuyết tôi đang viết dở. Sau này, thường xuyên lên nhà anh chơi, tôi mới chợt nhận ra cách bài trí tương đồng của ban công ngập đỏ hoa hồng nhà anh với ban công rợp tím sắc violet nhà mình, nơi tôi vẫn thường ngồi thơ thẩn ngắm vườn hoa, cánh đồng và rặng núi sam sam bên kia con sông, viết những câu chuyện tình u uất, rồi khóc thương cho nhân vật của mình.

Từ hồi còn học cấp hai, tôi đã khắc kỷ đặt ra một nguyên tắc, tuyệt đối không chơi thân với những người có nhiều bạn thân. T là một người như vậy. Dường như mỗi lần bước ra khỏi nhà là anh đều gặp người quen thân, khuôn miệng phải liên tục chuyển động xởi lởi cười cười và chào hỏi cho đến khi ngồi vào bàn làm việc. Tôi chẳng thể ngờ rằng, chúng tôi lại nhanh chóng thân nhau đến thế. Như thể hạt cỏ gặp vùng đất mỡ màu, đợi mưa xuống là tràn lên sắc xanh bất tận. Tôi đã phá vỡ nguyên tắc sống cố hữu của mình, để rồi sau này, khi ngồi lặng hàng giờ bên ô cửa sổ, tôi tự hỏi, nếu được chọn lại, tôi có chơi với T không? L+ là một nhân vật chính song hành cùng cuộc đời T+ trong tiểu thuyết. Nên tôi rất sợ phải làm một vai phụ của đời T. Ở đây, tôi không có họ hàng và cũng không có bạn, chỉ có những mối quan hệ đồng nghiệp xã giao. Tôi đã quen với sự cô độc, quen với việc sống trong thế giới của những cuốn sách, mặc kệ cuộc sống ngoài kia diễn biến thế nào. T thường kéo tôi ra khỏi đống chữ nhì nhằng ấy:

– Đi với anh!

Chẳng biết đi đâu, tôi vẫn nhanh nhảu nhảy lên xe, ngoan ngoãn và háo hức như một đứa trẻ. Thị trấn bé như bàn tay, lòng vòng chưa đầy chục phút đã đi xuyên mọi ngõ ngách. Chúng tôi tạt vào một quán cóc, tùm tụp uống cơ man nào là rượu, tưởng như có lúc sắp nuốt luôn cái chén vào cuống họng. Tại sao lúc tỉnh táo nhất, con người chẳng tâm sự với nhau mà phải mượn hơi men để giãi bày nỗi lòng kín đáo? Tôi chợt lo lắng với ý nghĩ, nếu một ngày thế gian này thiếu rượu. T rót cho tôi chén này sang chén khác. Ngoài trời, mưa lất phất rơi. Tiếng nước tí tách rỏ xuống tấm thau nhôm như muốn đong đo kí ức, mãi mà chẳng đầy lên được.

– Uống đi L. Có gì buồn, kể anh nghe!

Sao T biết tôi buồn? Mà đúng ra, tôi có bao giờ vui đâu? Vậy nên, tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu? Bố tôi ở quê vừa trải qua một đợt phẫu thuật. Tôi bị một người anh họ quỵt tiền. Nhân vật người mẹ trong truyện ngắn mới nhất của tôi đột ngột qua đời sau một vụ tai nạn. Chẳng nhẽ lại kể với T những chuyện đó? T thực sự muốn nghe hay miễn cưỡng tỏ ra chăm chú để an ủi tôi? Và tôi chọn cách giấu nhẹm ẩn ức sau vẻ mặt tỏ ra bình thản. Nỗi buồn của tôi, tôi là người rõ nhất. Tôi muốn nghe nỗi buồn của T. Anh sống có phần suồng sã, vô tư nên chẳng mấy khi buồn. Duy chỉ có chuyện T giận dỗi mẹ ruột anh gần mười năm nay khiến anh hối hận và trăn trở. T kể như trút lòng. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt ướt nước của anh, nói như một người rất từng trải:

– Bố anh mất sớm, anh chỉ còn mẹ. Vẫn còn cơ hội cho anh sửa sai. Mọi điều tốt anh làm với người khác đều trở nên vô nghĩa, nếu anh bất hiếu với mẹ.

T ngồi yên lặng, tôi không đọc được suy nghĩ của anh. Đầu tôi đang dung nạp các chi tiết để làm đầy cốt truyện. Anh chuyển chủ đề, nói về món gỏi gà, anh chê nó nhớt nhát và nhạt nhẽo. Tôi không phải người sành ăn, nên chẳng dám bàn luận gì nhiều. Trong khi đầu tôi lâng lâng nghĩ về câu chuyện T vừa kể, anh nói trong tâng tẩng men say:

– Hôm nào lên nhà anh, anh trổ tài làm món này cho L biết thế nào là gỏi gà hảo hạng. Đừng đùa với tay nghề của anh.

Tôi mỉm cười, không nói gì. Chợt nhớ câu nói của vợ anh, T luôn tự giác vào bếp đối với người đặc biệt và dịp đặc biệt. Tôi thì chẳng có gì đặc biệt ngoài danh xưng nhà văn tự phong mà chưa được ai công nhận. Tôi lắng nghe những hạt mưa nhảy tí tách trên mái tôn, những con chữ cũng đang nhảy nhót trong đầu. Không biết T có xem tôi là người bạn đặc biệt của anh hay không, nhưng anh thực sự đặc biệt với tôi, bởi mỗi lần nói chuyện với anh, dù cho câu chuyện tầm phào cỡ nào, đầu tôi cũng đều nảy lên những mầm ý tưởng. Có lẽ mọi thứ xuất phát từ vùng đệm cổ trong giọng nói của anh.

Càng ngày, T càng thân thiết với tôi hơn. Tôi chỉ cần nhặt những nét tính cách, thái độ, biểu hiện, hành động của T để thổi hồn vào nhân vật T+. Nhưng ở cơ quan, chúng tôi vẫn tỏ ra lạnh nhạt để tránh bị đồng nghiệp phán xét việc chơi riêng cục bộ. Hóa ra, ngoài yêu bí mật, trên đời này còn tồn tại một kiểu làm bạn bí mật, thật thú vị. T lo lắng cho tôi từng bữa sáng cho đến sốt sắng chăm nom những lúc trái gió trở trời, tôi lên cơn đau ốm. Có một đêm khuya, tôi nhắn tin cho T, em nghe thấy một tiếng chuông điện thoại ngoài cửa sổ, nhưng chạy ra nhìn xung quanh chẳng thấy ai, hơi rờn rợn. Đã xem và không trả lời. Sự hoang mang đầy lên trong tôi, chiếc cọc cuối cùng cứu vớt nỗi sợ này đã mục ruỗng. Ba phút sau, T xuất hiện, gõ cửa phòng, mở cửa, hiệp sĩ bắt ma đây! Tôi đính chính lại rằng, tôi không sợ ma, tôi chỉ đang tường thuật một điều tôi vừa lờ mờ nghe thấy hoặc cảm thấy. Sợ hay không sợ thì cũng có anh đây rồi, câu nói gần như trùng khớp với lời thoại của nhân vật T+ trong chương 13 cuốn tiểu thuyết. T như bước ra từ trang viết của tôi, trùng hợp đến kỳ lạ.

Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ cho tôi trân trọng và quý mến T biết nhường nào. Tôi thương T như người anh ruột của mình. Bởi trong cuốn tiểu thuyết đang viết đến chương 13, L+, một chàng trai hai mươi sáu mắc bệnh thiểu năng là em ruột của T+. Tôi đã mượn điểm nhìn của L+ để kể câu chuyện đó bằng ngôi xưng thứ ba. Biết T khó khăn, tôi luôn chủ động chuyển khoản cho anh vay đóng tiền học hay trang trải chi tiêu những dịp quan trọng, dù anh chẳng mấy khi dám mở lời vay mượn. Tôi chỉ cần nhìn ánh mắt T là đoán biết được lúc nào anh thiếu thốn. T nói, anh cứ nghĩ mình có nhiều bạn. Nhưng đến khi rơi vào hoạn nạn, mới nhận ra chỉ có L thật tâm bên cạnh. Tôi dường như xúc động hơn anh khi nghe anh nói như vậy. T lạnh lùng và cứng cỏi cũng có lúc nói ra được những câu sến rện chừng này.

Sến rện đó rồi lại lạnh lùng ngay. Có lúc T mải mê với những người bạn thân khác của mình, mải mê với những cuộc vui cuối tuần quên giờ giấc, tôi lại lầm lũi trở về với việc đọc sách, viết lách và cô độc. Nhiều lần nổi cơn ấm ức, tôi chặn liên lạc với T. Một lần say rượu, T đến phòng tôi, nói gay gắt:

– Em thôi sưng cái mặt lên được không? Có thể em nghĩ anh giả tạo, ba phải. Nhưng anh chỉ nói với em một lần này, anh có nhiều bạn, thằng Đ, thằng Q, thằng D, thằng G… kể đến mai không hết. Nhưng anh xem L như em ruột, duy nhất L. Em tin hay không thì tùy. Em là nhà văn mà không cảm nhận được điều đó sao?

– Người quý mình thì nhiều, người thương mình thì có mấy ai? – Tôi khẳng định. – Trên đời này, chỉ có hai người không cùng huyết thống thương anh chân thành, một người là vợ anh, người còn lại là ai, chắc anh hiểu nhất.

Minh họa: Bá Siếu

Vợ T gọi cho tôi, bảo, T giảng hòa với mẹ rồi, nhẹ nhàng và êm ấm. Sự kết nối sau gần mười năm đứt đoạn. Tính T gia trưởng, ngang bướng và bảo thủ lắm. Bao năm qua, chị và họ hàng khuyên nhủ thế nào cũng chẳng lay chuyển được, may sao T nghe lời L. Nhiều khi, chị còn chẳng nói chuyện được với T quá ba câu. Bọn chị khắc tính, hay bất đồng quan điểm, dễ cãi nhau. Em chịu khó tương tác, lựa lời với T. T có nhiều bạn thân, nhưng chỉ tụ tập rượu bia bù khú, nói chuyện tầm phào thôi. Em là người duy nhất mà T muốn mở lòng tâm sự những vướng mắc riêng tư. T quý em hơn bất cứ ai. Đến cả chị từ lúc cưới đến nay chưa một lần được T mua cho đồ ăn sáng hay một cốc trà sữa gọi là. Chị lấy dẫn chứng để em biết T đối xử với em tốt thế nào chứ không có ý tị nạnh, so đo. Hai anh em chơi hợp nhau và T ngoan ngoãn, đến tháng đưa lương cho chị đều đặn là chị vui rồi. Tôi bật cười, trong cách diễn đạt của vợ T thì T chẳng khác nào một đứa trẻ.

Tôi thân với cả gia đình T, thường xuyên lên ăn cơm và nô đùa cùng lũ trẻ. Những chi tiết ấy, tôi đều khéo léo quan sát, chọn lọc và xếp vào cuốn tiểu thuyết của mình. Sự xuất hiện của T và gia đình anh đã đẩy cuốn tiểu thuyết đến những lối đi mới, đầy gợi mở. Càng ngày, tôi càng nhận ra, T thực sự hội tụ đầy đủ những cặp phạm trù tính cách đặc sắc của một nhân vật ấn tượng, đơn giản và phức tạp, mong manh và cứng cỏi, bất kham và nhã nhặn, tự trọng và xuề xòa, hòa đồng và kiêu hãnh, nhạy cảm và vô cảm… Không hẳn T đa nhân cách nhưng T linh hoạt tính cách

“Em đang viết à?”

“Không viết thì làm gì giờ?”

“Đang viết gì đấy, bật mí cho anh được không?”

T thường như vậy, nhắn tin ra vẻ tò mò về những gì tôi viết dù tôi biết anh rất lười đọc sách. Nhưng không sao, những tin nhắn của anh luôn luôn có giá trị đối với tôi, như một dịp hiếm hoi giúp tôi phân tích tâm lý nhân vật T+. Tôi có thể căn cứ vào tốc độ, độ dài của tin nhắn để đoán biết trạng thái cảm xúc của anh. Bởi vậy, tôi rất ghét cách trả lời vắn tắt bằng nút like có sẵn. Tôi nói với anh, hãy học cách tôn trọng người khác, từ những điều nhỏ nhất. Một cái tin nhắn tử tế, anh còn chưa làm được thì còn mong chờ gì vào những lời hứa lớn lao? Và nữa, “đã xem” mà không trả lời các tin nhắn quan trọng hoặc cấp bách là một trong những biểu hiện tàn nhẫn nhất trên đời.

Tôi muốn ở lại thị trấn này, không có ý định chuyển đi đâu nữa, dù trên Sở nhiều lần ngỏ lời mời hấp dẫn. Nơi này, gia đình T xem tôi như ruột thịt, hoặc tự tôi thấy thế. Và cuốn tiểu thuyết của tôi thì vẫn còn loay hoay ở chương 13. Hạnh phúc là được quây quần bên mâm cơm nhỏ, nói xấu người này, soi mói người kia. Tất nhiên, họ sẽ là những nhân vật phản diện, xuất hiện trong tác phẩm, bằng cách này hay cách khác, dù chờn vờn cũng đủ sự sống động và làm nổi bật nhân vật chính. T tự hào giới thiệu với bạn bè rằng anh có thằng em làm nhà văn. Hóa ra, danh xưng nhà văn có giá đến vậy. Anh lừ mắt:

– Vớ vẩn. Anh đã đọc Xác đá, Mùa đông ở Sính Phình, Pảng Cò Moong, Giấc mơ con gái…

– Thật ư?

– Đọc rồi mới biết em quá ác, toàn để cho nhân vật phải chết thôi.

Câu nói đùa của T khiến tôi giật mình. Tôi luôn để tang những nhân vật xấu số trong tác phẩm của mình. Tôi mong các nhân vật ấy dẫu thiệt phận trong trang viết thì vẫn sống trong lòng bạn đọc. T vẫn thường góp ý với tôi, theo anh nên thế này, theo anh nên thế kia. Toàn những cái kết ngọt ngào, tươi sáng. Chưa lần nào tôi nghe theo góp ý của anh. Nhưng tôi thích kể anh nghe những chuyện hậu trường văn chương. Tôi không biết anh quan tâm hay giả vờ quan tâm. Chỉ biết rằng, anh luôn lắng nghe, chia sẻ và dặn tôi cân bằng cảm xúc. Thi thoảng, anh đóng vai shipper mang đến phòng tôi cốc trà sữa và túi hoa quả, bánh ngọt tiếp tế:

– Tiếp sức mùa văn!

Sự quan tâm của T đúng như những chi tiết nhân vật T+ vẫn làm cho cậu em L+ mắc bệnh thiểu năng nhẹ. Cũng như L+, tôi đón nhận tấm lòng của T rất đỗi hồn nhiên. Sau này, khi bị mắc chứng hay quên hậu Covid, tôi vẫn nhớ những tiểu tiết ấy, nhớ anh đã từng quan tâm tôi thế nào, thương tôi ra sao và thổn thức trước câu hỏi tưởng chừng như cộc lốc, muốn ăn gì? Để hiểu tại sao, tôi có thể cân đo với người ngoài từng nghìn đồng một, nhưng chưa bao giờ tính toán với T. Khi gia đình T gặp sự cố, tôi chia nửa số nhuận bút tích góp trong hai năm, bảo anh, cầm lấy. T lưỡng lự, em còn phải lo cho gia đình mình nữa chứ. Tôi khẽ nói, em khắc có cách cân bằng. Tôi muốn cùng T vượt qua, cũng một phần muốn chứng minh tôi thực lòng xem T như anh ruột chứ không phải lời nói suông giả tạo. T bộc bạch, cảm ơn em, em tốt với anh quá. Anh chẳng làm gì được cho em. T nghĩ anh không làm gì được cho tôi. Nhưng anh đâu biết rằng, anh đã tiếp lửa cho cuốn tiểu thuyết dang dở và những tác phẩm khác của tôi. Và anh cũng không biết rằng đôi khi, tôi chỉ cần được nghe anh hỏi, mải viết văn nên có vẻ bơ nhau nhỉ, với tôi cũng là một hướng mở. Các nhân vật ở ngay trong anh, ngay trong tôi.

Tôi không phủ nhận, vì tôi, T đã thay đổi nhiều, giảm phần vô cảm, tăng phần nhạy cảm. Những lần tôi về quê, T đều lo cho tôi từ chiếc vé xe cho đến những chặng đường dài phía trước. Tôi của đời thực không như L+, nhưng cũng chẳng phải nhanh nhẹn, thông minh. Cứ cách vài tiếng, T lại hỏi, đến đâu rồi, say xe không? Trong tiểu thuyết viết dở, T+ đã khóc khô nước mắt khi để lạc mất cậu em L+ tại ga tàu vào một đêm ầm ào mưa gió. Rồi T+ tìm thấy L+ tại một bãi rác đen đặc ruồi nhặng, với đôi chân vấy máu. T+ cõng L+ về, hai anh em cùng lặng lẽ khóc. Đến lượt tôi hóa thành đứa trẻ trong sự bao bọc và chiều chuộng hết mực của T. T bảo, có mỗi thằng em mà không thương nó thì thương ai? Những lời T nói, tôi luôn ghi nhận, cảm động và đưa vào tác phẩm. Tôi muốn T hoàn hảo ngay từ những tiểu tiết mà đôi khi quên rằng anh cũng chỉ là người trần mắt thịt. Tôi đang áp đặt anh hòa nhập vào nhân vật tiểu thuyết của tôi.

Một lần, T đi hát karaoke về muộn, tôi nhắn tin chửi anh như tát nước, đường đường có gia đình đề huề rồi còn đi đú đởn với bọn trẻ, hỏi sao con sợ nhưng không nể, vợ phục tùng nhưng không tôn trọng. Soi gương nhìn lại mình đi, đầu hai thứ tóc rồi chứ ít gì? Não anh cấu tạo từ củ chuối à? Tôi chửi T như lên đồng. Hình tượng T trong tôi bị trầy xước. Nhân vật T+ trong tiểu thuyết của tôi, đến chương 14 tiếp theo, phải đạo mạo và mẫu mực. T nhất định phải là T+. Và bỗng nhiên, chửi anh xong, tôi thấy mình quá đáng vô cùng.

“Anh đã từng hay đang xem em như em ruột của anh không?”

“Có”.

“Đã hay đang?”.

“Trước thế nào giờ vẫn luôn vậy”.

“Anh có lờ mờ nhận ra chúng ta vẫn đối xử tốt với nhau về mặt hình thức nhưng trong sâu thẳm đã có những rạn nứt mơ hồ”.

“Em nói vậy thì chắc ít nhiều có rồi. Tại sao em hỏi như vậy”.

“Tự dưng muốn hỏi vu vơ vậy thôi, chắc rảnh quá”.

T có phải là người bạn đối xử tốt với tôi nhất trên đời?

Tôi không biết nữa.

Tôi có những người bạn sẵn sàng nhắn tin hỏi số tài khoản tôi khi tôi đăng hình Facebook than vãn đang tạm lót dạ bằng một gói mì tôm, sẵn sàng tặng tôi chiếc áo mới vừa mua nếu tôi buột mồm khen đẹp, sẵn sàng gửi cho tôi cả thùng đồ ăn đủ loại khi biết tôi thích ăn vặt, hay sẵn sàng gọi điện bảo tôi sắp sinh nhật, muốn tặng quà gì đắt đắt không nào. Tất thảy những điều đó không khiến tôi cảm động bằng những bọc xôi xéo hay chiếc bánh mì nhỏ nhắn mỗi sáng T mua. Tôi luôn cảm nhận được mối kết nối tương giao ấm áp của T trong từng cử chỉ. T chiều tôi theo cách của một người anh thực thụ, chu đáo, ân cần, như sự chăm sóc tận tâm nhân vật người anh T+ dành cho cậu em trai L+. Và nữa, tôi không có nhu cầu kết thân nhiều bạn, nên không để mình bị lẫn lộn trong những thứ cảm xúc so sánh T với người này, người kia. T khác họ, T đặc biệt hơn họ, T là nguyên mẫu trong cuốn tiểu thuyết nhiều tâm huyết của tôi.

Nhưng những đặc tính ấy dần phai màu khó hiểu. T thay đổi hay tôi quá nhạy cảm? Tôi vẫn thơm thảo với gia đình T, chưa bao giờ quên mua những món quà biếu họ những lúc đi xa về. Nhưng chừng ấy không là chất xúc tác cho những mối tương tác, tưởng như tôi là vị khách xa lạ nhưng bấy lâu nay ngộ nhận là một thành viên trong gia đình ấy. Đã rất lâu rồi, chúng tôi không tụ tập với nhau trong ngôi nhà hoa hồng của T. Giá trị của một bữa cơm không nằm trên mâm mà quan trọng là cái tâm, là được ăn với ai và thứ nữa là để tôi có cơ hội được kết nối với các nguyên mẫu nhân vật của mình. Tôi hụt hẫng, không phải vì thèm muốn một bữa ăn mà vì tôi thấy bản thân không còn là thành viên trong gia đình T, không hiểu vì lý do gì? Tôi nhớ những đứa nhỏ, thầm mường tượng cảnh chúng sẽ tíu tít ôm vai bá cổ tôi mỗi lần tôi ghé thăm. Nhưng có lẽ trí tưởng tượng của tôi phong phú quá rồi. Nửa năm không gặp, hẳn chúng đã quên tôi. Tôi không biết mình đã làm gì khiến họ phật lòng mà chưa tiện nói ra chăng? Và điều tôi sốt sắng, cuốn tiểu thuyết đang đi vào bế tắc. Tôi trở nên nóng tính và bẳn gắt.

Một lần, say rượu, tôi nói với T, em không tiếc anh gì cả, trong phạm vi những gì em có, tiền, em cho anh vay không giấy ghi nợ, không lãi suất, không thời hạn, những món đồ, em mua tặng anh loại chính hãng trong khi em mặc áo mua vội bên vỉa hè, đi giày fake canh sale, nhưng anh lại tiếc em một bữa cơm, điều đó khiến em chạnh lòng và tổn thương. Chợt nhớ T từng nói, mời cơm em một tháng liên tục, anh cũng không hề tiếc. Tôi đã nhìn thấy gương mặt hí hửng của T khi không phải mất tiền mời cơm nhóm bạn thân nơi xa đến thị trấn này chơi. Tôi biết chuyện T nhận được món thưởng lớn nhưng giấu nhẹm vì sợ phải chiêu đãi. Những điều nhỏ, tôi vẫn âm thầm quan sát và lưu lại. Tôi chạnh lòng nghĩ, mai này, khi rời xa rồi quay lại thị trấn này, tôi có dám gọi T. T có tiết kiệm với tôi từng bữa cơm như thế? Không còn nữa những câu hỏi, sáng mai ăn gì hay những cốc trà sữa, nước ngọt tiếp tế khi đêm đêm tôi miệt mài vắt kiệt sức mình cho trang viết. Tôi dư sức mua được cho mình những thứ đó. Nhưng tôi muốn quan sát diễn biến tâm lý của T, muốn biết tại sao T thay đổi. Sống lâu với T, tôi tin mình có thể đọc được gần như chính xác suy nghĩ của anh.

T có thể xấu tính, kẹt xỉ, vô tâm lúc nào cũng được, nhưng đừng là lúc này, khi cuốn tiểu thuyết của tôi mới bước sang chương 14, đang đến đoạn cậu em L+ ốm nặng. T đối xử với tôi ra sao, tôi đều chịu đựng được. Còn L+ sẽ sống ra sao nếu biết người anh T+ thần tượng tính toán với nó từng gói xôi, cốc nước? Làm ơn hãy thương L+, nhân vật hẩm hiu nhất trong các tác phẩm của tôi. Tôi vẫn luôn cố gắng đối xử tốt với T, vẫn luôn chủ động hỏi anh thiếu gì thì bảo, cái gì giúp được thì em giúp. T cười bí hiểm và sắc lạnh. T gần như không nói chuyện với tôi dù chúng tôi ngồi cùng dãy bàn làm việc tám tiếng mỗi ngày, trong khi anh vẫn hài hước trêu chọc và cà khịa những đồng nghiệp khác. Tôi đã nhập tâm quá sâu vào nhân vật L+, chưa dứt ra được, để rồi nhói đau khi biết sự thật con người T, không đồng nhất với T+. Tôi không còn khả năng đoán định tâm lý của T nữa rồi. T đó, với tôi, sao xa lạ, dửng dưng quá chừng. T có phải nguyên mẫu nhân vật chính trong tiểu thuyết của tôi? Tôi chao chát nghĩ về văn chương và đời thực, về sự chung thủy và đổi thay. Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ T như vậy. Tôi có còn được T xem như một người em ruột?

Sự chấm dứt của tình yêu gọi là chia tay, sự chấm dứt của tình bạn, tôi tạm gọi là giải tán, mối quan hệ nào cũng cần rõ ràng, rành mạch. Những sai lầm lớn đôi khi lại dễ giải quyết hơn những rạn nứt nhỏ. Tôi nói với T, một là hãy đối xử với nhau tốt hơn hôm qua, hai là bản lĩnh nói lời giải tán. Em đã không chịu đựng được sự rời rạc này, không chịu đựng được nhân vật T+ trong cuốn tiểu thuyết đầy tham vọng của em lại tủn mủn và tầm thường đến thế? T không nói gì, anh vẫn tưng tửng. T gồng mình tỏ ra lạnh lùng, kiệm lời với tôi. T có biết sự lạnh lùng vô ngôn có tính sát thương ghê gớm hơn cả chửi mắng, lăng mạ, đánh đập? Tôi cứ để những ẩn ức trong tôi dồn nén, rồi mọi thứ sẽ bung ra. T nói tôi và T là hai mảng màu đối lập, T vô cảm còn tôi thì quá nhạy cảm? Có phải hai mảng màu ấy sinh ra để bù đắp cho nhau? Tôi không biết nữa. Tôi không muốn nghĩ nữa. Sao đến bây giờ, T mới hiện nguyên hình khi cuốn tiểu thuyết đến đoạn cao trào nhất?

Đâu rồi T của tôi? Đâu rồi nhân vật T+ của tôi? Tôi chịu đựng được T hiện tại bằng cách neo vào kí ức về T của ngày hôm qua. T hôm qua của tôi khác, chất phác và tin cẩn, chỉn chu và hào phóng. T bây giờ luôn kiếm cớ cho rằng tôi mắc bệnh nhạy cảm để lấp liếm sự vô cảm đang hiện hữu trong mình. Tôi không muốn đôi co với T. Chúng tôi mấy tháng nay, chưa hề nói được với nhau quá vài câu. Và những tin nhắn tôi gửi đến, T đều lấy cớ đang ăn cơm, chuẩn bị đi tắm hoặc điện thoại hết pin. Thế đấy, chúng tôi đã chơi thân với nhau vì một lý do đơn giản và cũng rạn nứt vì những lý do rất đỗi mơ hồ, chẳng thể nào gọi tên được. Tôi chợt nhớ những lần T gọi tôi khi anh say rượu. Lúc đó, anh không thuộc về vai diễn cán bộ giờ hành chính, càng không phải nhân vật trong tiểu thuyết của tôi, T trở nên gần gũi và thuần mộc đến lạ.

Tôi dần phải học cách quen với sự thật, T chỉ là người trần mắt thịt. T cũng có những khuyết điểm, những sai lầm và cả những bản năng tầm thường hết sức. Anh không phải là một cục đất nặn để tôi ép vào khuôn tạo ra muôn hình thù theo ý muốn. Bởi ngay cả bản thân tôi, dù được sống trong rất nhiều cuộc đời – trang viết, cũng đâu thể hoàn hảo? Sự khuyết thiếu để biết vẫn còn có thể tròn đầy. Tôi bất lực khi cuốn tiểu thuyết đi vào ngõ cụt. Và con người ta rất lạ, luôn có xu hướng nghĩ những sai lầm người khác gây ra cho mình là lớn và điều mình gây ra cho người khác là nhỏ. Sự ích kỷ vây lấn khiến tôi muốn T phải luôn chỉn chu, hoàn mỹ. Là T thay đổi hay tôi thay đổi, điều quan trọng là chúng tôi có thể đi tiếp được với nhau hay không? Tôi thất bại.

Đêm nay, trời vũ vần nổi giông lốc. Căn phòng tập thể như lên cơn rung lắc dữ dội. Tôi ngồi một mình, viết trong tiếng mưa quăng quờ, tiếng sấm đì đùng và những rạch chớp sắc rợn. Tôi muốn ghi nhanh những kí ức về T, sợ nó sẽ tan ra cùng những bóng mưa. Hoặc sợ sau này, khi chúng tôi giải tán, những ghi chép của tôi về T sẽ không còn được vẹn nguyên, lành lặn. Ngày trước, trong hoàn cảnh thời tiết thất thường này, dù muộn đến mấy, T cũng sẽ nhắn tin hỏi tôi một câu: “Tình hình dưới ấy thế nào em?”. Nhưng từ lâu T đã bỏ thói quen ấy, như cách anh cố tình lãng quên thói quen mua đồ ăn sáng cho tôi vào cuối tuần, rất hợp thức. T có thể nghỉ chơi với tôi. Nhưng nhân vật của tôi thì không thể rời bỏ tôi được. Tôi đã hết lòng với T, với nhân vật của mình. Còn T đang tìm cách dồn ép cảm xúc tiêu cực trong tôi để chính tôi phải nói lời giải tán. Giải tán là giải thoát? T hiểu tính tôi cũng như tôi đọc được rành rành từng nếp nghĩ của anh. T đã qua giai đoạn khó khăn về kinh tế, đang khấm khá lên rồi, thay lòng đổi dạ âu cũng là quy luật? Chẳng phải T đã cảnh báo với tôi trước lúc anh em chơi thân với nhau rồi? Tại vì tôi cố chấp, muốn T và T+ là một thực thể.

Chơi với T là sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi, nhưng đó là sai lầm hoàn hảo và đẹp đẽ, là phần kí ức tuổi trẻ ấn tượng nhất mà tôi từng đi qua. Chỉ tiếc một điều, giờ tôi phải học cách làm quen với sự cô độc, làm quen với những cơn đau bụng bất chợt đến, quại quằn nhưng không dám làm phiền một ai. Những điều tưởng đã thuộc lòng giờ phải học lại. Nhất là sự cô độc, để ngắm nhớ về những điều đã qua và chuẩn bị cho hành trình sắp sửa. Tôi đặt tay vào ô chat messenger, giải tán đi T, chần chừ mãi chưa dám gửi. Cuốn tiểu thuyết, tôi đang lết dần đến những chương cuối cùng. L+ đáng thương của tôi đã chết vì trúng gió trong đêm giông tố quăng quờ, khi mà T+ đang vật vã trong nhà nghỉ với một cô gái gọi. T+ đột ngột biến mất cùng những khoảng trống cho độc giả tự điền vào cái kết. Bởi tôi biết, đôi khi dở dang cũng là đích đến của nghệ thuật…

T ơi, tôi vẫn nhớ lời anh nói trong buổi chiều trên chiếc cầu treo ọp ẹp, không phải con tắc kè hay những đám mây, lòng người mới là thứ dễ đổi thay nhất trên đời. Đôi khi, cụm từ đã từng thân còn đau đớn hơn rất nhiều so với cụm từ đã từng yêu. Tôi nhận sai vì phá vỡ nguyên tắc sống của mình. Thời gian trôi đi, T thay đổi thì cũng đến lúc tôi phải thay đổi. Nhưng một điều chắc chắn, dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, suốt cuộc đời này, tôi vẫn hằng nhớ món canh tiết mịn màng và núng nính như thạch sương sáo của anh, trong bữa cơm chiều ấm áp ấy, vào một dịp bình thường đặc biệt, cho một người bình thường đặc biệt. Còn lại, những điều khác có ý nghĩa gì đâu khi L+ đã tắt thở, T+ mất tích, những bức ảnh kỉ niệm nằm trong sọt rác và kí ức của tôi về anh cũng vừa chết, ngay lúc này. Đúng vậy, T ạ, giải tán là giải thoát!

Phan Đức Lộc

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 23, tháng 5/2022)