24.4 C
Vinh
Thứ tư, 16 Tháng mười, 2024

Nỗi niềm mùa lũ

Cứ tháng Bảy, tháng Tám về là tôi lại thấp thỏm lo âu. Tôi nhớ những ngày xưa ấy. Miền Trung bào lũ dồn dập. Có những năm chỉ trong mươi ngày có đến 3 trận bão, mưa lũ kéo về. Người dân quê lại tất bật ngược xuôi. Bão quăng quật, nước lũ dâng cuồn cuộn nhưng cũng trong những ngày ấy tôi thấy được tình người chân thành và cảm dộng mỗi khi mùa lũ tràn qua xóm nhỏ.

Tôi ghét nhất mùa mưa lũ ở miền Trung

Nỗi niềm mùa lũ
Cánh đồng quê. Ảnh: Nguyễn Đạo.

Đến tận bây giờ tôi còn nguyên nỗi sợ. Tôi sợ cái cảm giác đạp xe trên con đường đất ngoằn ngoèo lại lắm ổ gà vào làng, không thể biết chỗ nào nước nông sâu. Hai bên đường nước mênh mông như sông, như biển, chỉ trắng một màu. Lại có chỗ nước tràn chày xiết. Có lần, trên đường đi dạy về, tôi chạy xe máy mà vẫn bị nước cuốn trôi. Hú hồn. Đận ấy tôi vùng vẫy mà bò được lên bờ. Còn chiếc xe máy nằm sâu dưới ruộng. Nước vẫn mênh mông nước.

Tôi còn nhớ như in ngày tháng Tám của những năm tháng ấu thơ. Tiếng người chạy rậm rịch. Tiếng gọi nhau ơi ới. Tiếng trâu bò ậm ọ. Những khuôn mặt hốt hoảng. “ Đê sắp vỡ rồi… Đê sắp vỡ rồi…”. Người này truyền người khác… Không khí thật căng thẳng. Nghe tin đê sắp vỡ ai cũng dáo dác tìm đường chạy nhanh về nhà. Vậy mà cậu út nhà tôi vẫn chưa thấy đâu. Cha hỏi mẹ. Mẹ hỏi tôi. Tôi hỏi em gái. Lo sợ. Cuống quýt… Chúng tôi mỗi người một ngả chạy đi tìm. Mà khó nhất là tìm người.  Trong những đám  người ồ ạt chạy về vẫn không thấy bóng dáng tròn tròn, thâm thấp của cu cậu đâu. Lúc này chị em tôi thực sự lo. Vẫn là những người làng … Và rồi, trong lúc tim tôi đập loạn xạ vì lo lắng tột độ còn còn em gái tôi mặt đỏ bừng, mồ hôi rịn ra ướt đầm lưng áo, chúng tôi nhìn nhau không nói nhưng hẳn cùng chung ý nghĩ thì đúng lúc ấy, cậu Cường (con chú họ tôi) nói to: Hai chị đi tìm anh chứ gì. Đây rồi, ba chị em về nhanh nhé! Thì ra, mải chơi xa… May có cậu ấy chở em về. Lần ấy con đê may mắn vẫn bình an bởi những vết nứt đã được bà con gia cố kịp thời.

Mùa lũ, bông lúa cũng lấm lem bùn đất. Tôi nhớ như in hình ảnh người mẹ tảo tần, lam lũ của tôi đang cố gắng ngụp lặn để vớt vát từng cọng lúa. Vẫn biết mùa này “xanh nhà hơn già đồng”, mẹ tôi mong ngày thu hoạch. Vậy mà, lúa vừa sậm hột thì mưa như trút. Nhìn mưa mù trời mù đất, cha mẹ lại thở dài. Vậy là ruộng lúa nhà mình đã ngập rồi. Cha mẹ không thể để những bông lúa sẽ nảy mầm nay mai. Cha mẹ quàng áo mưa, tay cầm liềm  và quảy gánh ra đồng. Phải vớt vát được tí nào hay tí đó con ạ – mẹ nói với tôi. Nhìn bóng người lầm lũi trong mưa, tôi thắt cả ruột gan!

Mùa mưa lũ- còn đó những yêu thương! 

Mùa lũ gieo bao âu lo, phiền toái nhưng tôi cũng cảm thấy ấm lòng bởi tình người đọng lại.  Có những khi trong cuộc đời, trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất lại tỏa sáng với bao ấm áp, thương yêu của những tấm lòng nhân hậu. Tình người trong mưa lũ mãi vẹn nguyên.

Con đê làng ngăn dòng nước lũ dòng Lam oằn mình mà không tài nào chống chọi được nước thượng nguôn ào ào tuôn như thác. Mùa lụt năm ấy đến bất ngờ. Mưa, vẫn mưa dai dẳng, bãi dâu ngập trong nước, bà con xóm Thuần Hậu đã sơ tán cả lên Đông Bích làng tôi và xóm Rú. Ngay người làng tôi cũng phải gánh gồng đi tránh lụt. Những người lớn lo nghĩ thế nào chúng tôi không biết hết, lũ trẻ chúng tôi chỉ thấy vui vì làng xóm đông hơn. Xóm tôi là xóm Rú Bưởi – nhà tôi lại gần giữa đỉnh đồi, lụt không bao giờ đến được, cùng lắm nước chỉ đến cổng nhà. Mùa lụt nhà tôi nhộn nhịp, mấy gia đình ở xóm dưới sơ tán lên. Nhà cái Thanh nước ngập nền nhà, thóc lúa đã kịp thời khiêng lên chạn, con trâu mộng buộc vào gốc tre trước cổng nhà tôi. Cái Hoài nhà ở vùng trũng nên vất vả hơn, trâu, lợn, gà … đều phải mang đi sơ tán. Nó ôm con mèo lông vàng, chị Hoa xách chiếc lồng có cả gà mẹ lẫn gà con, Mự Huê lại đội một thúng gạo đầy… Mỗi người mỗi nhiệm vụ. Trưa ấy, bữa cơm nhà tôi đông vui lắm, cứ râm ran râm ran. Ăn cơm xong, chúng tôi lại cùng nhau hát nghêu ngoao. Bài hát mà cái Thanh thuộc nhất là bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, nó cất cao tiếng hát, đến đoạn “Ba mươi năm chu chủ Cộng hòa kháng chiến đã thành công” chúng tôi cười ngặt nghẽo, bảo nó hát sai rồi. Đúng ra là “Ba mươi năm dân chủ Cộng hòa kháng chiến đã thành công” nhưng nó mồm năm miệng mười, cãi lấy cãi để, nó cho rằng nó hát như thế mới đúng. Chúng tôi không cãi lại được với nó nên cứ vỗ tay theo nhịp hát và cười rũ rượi. Mấy đứa trẻ cúa vô tư, cứ hồn nhiên như thế. Lũ chúng tôi đâu  biết rằng mẹ cha đang lo đến thắt lòng.

Ngày hôm sau nhà tôi lại có thêm mấy người lớn của hai gia đình nữa ở nhờ.  Chả là hôm qua, những người làng còn đôn đáo giúp nhà cậu Sơn, nhà bác Nam  cất đặt thêm một số thứ lên chạn cao nhất nên nay mới đến. Người mang theo buồng chuối xanh, người mang rổ trám đen, rồi măng, rồi nếp… Sợ nhà tôi thiếu thức ăn mặn, bác tôi còn mang cho chục trứng vịt và mấy cân lạc nhân để làm thức ăn. Người lớn thấp thỏm lo âu, mẹ tôi và các mự cầu cho chóng qua cơn bão lũ. Ai cũng mong cho lũ qua nhanh. Chỉ chúng tôi vẫn nguyên vẹn niềm vui.

Nhớ lần nước lũ lên nhanh, nhà dì tôi ở tận xóm Giếng Nẩy- xóm này trũng nhất, nên mưa lũ bao giờ cũng ngập đầu tiên. Hôm ấy nhà dì có giỗ, giỗ xong cũng là lúc nước ồ ạt tràn vào. Nước lên nhanh quá không kịp chuẩn bị gì nhiều. Một số người đã  kịp về, còn gia đình dì tôi và vài người nữa mắc kẹt. Anh Hà tôi dùng chiếc thuyền thúng đưa dì sang nhà ngoại. Ngoại tôi và mấy người  nữa chặt cây chuối kết bè chèo sang để đưa mọi người đi tránh lũ an toàn. Tôi thấy mọi người làm việc thật nhanh, dứt khoát, đúng là chẳng thể chậm trễ một phút giây nào. Mưa vẫn xối xả, gió lạnh tạt vào người nhưng tình người  nồng ấm, hong khô mọi nỗi niềm âu lo mùa bão lũ!

Tháng tám về. Bao kỉ niệm về theo. Mong quê nhà bình yên trong mùa mưa lũ và tình người sẽ mãi mãi vẹn  nguyên. Những san sẻ, yêu thương, quan tâm… còn mãi. Bão lũ qua đi, phù sa đọng lại. Hứa hẹn những vụ mùa vàng óng sẽ hồi sinh!

Vương Xoan

VIDEO