(Đọc Ngôi nhà buông neo của Hồ Mậu Thanh)
Một người cầm bút đang trên đường. Anh mạnh mẽ đi tới phương trời xa nhưng rồi nặng lòng quay lại nhìn…
Không hiểu sao, khi đọc Ngôi nhà buông neo, NXB Nghệ An, 1999, của Hồ Mậu Thanh, tôi cứ nhớ đến lời những bài hát cũ năm nào: “Rồi một mùa thu qua, những cơn gió heo may đã về trong lòng buồn bao người xa nhà…”; “về đây khi mái tóc còn xanh xanh, về đây với màu gió ngày lang thang, về đây với ngói nâu, với tường vàng”… Và những ý nghĩ ngược xuôi lập tức choán chỗ, rõ ràng, trên mỗi bước đi khi dấn thân vào cuộc đời mới chứa đầy nỗi nhớ. Nỗi nhớ như sợi dây vô hình xuyên suốt cuộc hành trình, đã hòa nhập, đã níu kéo tâm lý trở về và tâm lý đó không ngừng ám ảnh. Trở về với cột mốc xuất phát những dặm đường xa, trở về quê hương, nơi có ngôi nhà nhỏ hun hút gió bốn mùa. Ngôi nhà nhỏ, ngôi nhà tĩnh – động đã bao ngày cùng anh trôi nổi nhưng lại là gốc gác, là bến đậu bình an neo giữ nhiều kỷ niệm buồn vui, thu hút tháng năm mọi sự trở về.

Nỗi nhớ trở về đầu tiên đầy day dứt khi phong cảnh quê hương luôn luôn được cảm nhận hòa quyện với con người. Một làng quê ven biển có ngàn năm tồn tại:
“Câu hát ru quê mình bãi dọc
Con thuyền trôi sấp ngửa bãi ngang”
(Làng)
Có núi:
Chông chênh vách đá lèn thông
Một thời than củi chiều đông giữa rừng
(Quê hương ơi)
Có sông:
“Mỗi khúc nông sâu
Xanh màu khôn dại”
(Kỷ niệm sông Mơ)
Màu xanh muôn đời trùm lên quê hương. Xanh biển. Xanh sông. Nhưng xanh núi, xanh rừng thì mất còn theo cuộc sống. Khu Đông Hồi một dạo con người ra tay chặt phá: “Vắng canh gà xao xác heo may”/ “Chập chùng đồi núi vắng cây”. Rồi con người lại “Trả rừng về với thâm u – Thả mầm nhựa sống mọc từ cát lên” để giờ đây nhìn thấy màu xanh thành trì vững chắc:
“Cát vàng chẳng dọi nắng tây
Gió khơi chẳng lọt lũy dày rừng dương”
(Đông Hồi II)
Những mảng màu lớn thay đổi kéo theo nỗi nhớ người thơ trở về trước biển rộng, núi cao. Còn ngôi trường cũ lại kéo nỗi nhớ trở về với một thời…
“Ký ức ngày xanh
Dòng sông cuộn chảy
Mái trường xưa phượng cháy”
(Trả không là hết)
Trở về “Nơi từ ấy nên người”, nơi trưởng thành và nâng niu bao tình cảm thiêng liêng không bao giờ quên được:
“Gom ngày tháng lại để giờ thêm năm
Vẹn nguyên như thể trăng rằm”
(Lục bát lối về)
Nỗi nhớ trở về day dứt nhất trong tập thơ là những gam màu phiêu lãng nắng mưa, xám ngắt và xanh rờn nhân thế: Trở về trước thiên chức cao quý con người, trở về trong ý thức trách nhiệm xã hội. Còn gì bi thảm hơn khi tuổi trẻ bị đầu độc bởi những “lạc thú chua cay dưới đáy tháng ngày”. Cần phải làm gì đây cho những người thân trước tình cảnh chảy máu cuộc đời, khi con em sa ngã mà có thể tự kêu cứu thì điều đó lại là tốt nhất:
“Trả cho tôi
Cái tôi cần tôi đợi
Hãy trả ngay
Khi trong tôi còn rực cháy
Mặt trời không quên
Gõ cửa từng ngày”
(Trả cho tôi)
Và đang còn hy vọng “Tôi phải trở về tôi/ Trong chói chang bình minh/ Trong âm vang ngày mới”…
Còn nữa, có gì quý hơn tình thương đối với những cảnh đời lang thang cơ nhỡ: “Mong đời – lá chắn chở che/ Góp thơm thảo – giúp em về quê hương”. Sự dìu dắt bao giờ cũng ưa tâm tình, nhỏ nhẹ và rất cần đến những tấm gương soi…
Các anh chị là chiến binh một thời giờ lại bước vào trận tuyến mới, lại có vinh quang mới. Khi vết thương cũ chưa lành lại phải sẵn sàng chấp nhận cuộc sống ngày thường giờ đây không ít thắng thua:
“Lại vẫn ngọt ngào và cay đắng
Nhiều vết thương không mảnh đạn mà đau”
(Ngày thường)
Nỗi nhớ trở về đáng kính trong cái tâm, trong niềm tin con người dám băng qua và vượt lên. Mẹ Vẹn là một bài thơ cảm động. Bà cụ giáo dân 80 tuổi, bà trở thành vợ liệt sĩ khi tóc hãy còn xanh. Bao năm bà ngồi bên thềm lạnh, sống bằng nỗi nhớ chồng:
“Mẹ Vẹn giờ yếu quá
Yêu người năng lại qua”
(Mẹ Vẹn)
Đến lúc bà muốn mọi người nhớ đến bà: “Có tiếng gọi nỗi nhớ trở về”. Chỉ có nỗi nhớ trở về của các thế hệ tiếp theo mới bắt được tín hiệu đó, để nối tiếp theo thời gian, để trở thành truyền thống.
Mọi nỗi nhớ trở về đẹp đẽ với quê hương vây quanh nỗi nhớ trở về nơi nương vườn của mẹ:
“Hình bóng mẹ còng lưng chờ đợi
Ngày con về có nải chuối đầu tiên”
(Hoa chuối)
Ngôi nhà của anh, nơi “Mây ngũ sắc tràn về/ Mặc một trời mưa nắng”. Ngôi nhà có “Tiếng ru ấm niềm vui” nhưng không phải không có lúc “Quạnh hiu – sâu thẳm”. Có sự chờ đợi nỗi nhớ trở về ngay trong ngôi nhà, đó cũng là điều dễ hiểu để lắng nghe, để chờ đợi:
“Ngày nào em gõ cửa
Ngày nào trong gió mưa
Ướt đẫm tiếng chân về…”
(Ngôi nhà buông neo)
Biết làm sao được, cái dễ vỡ cần được nâng niu vì đó là cái quý giá. Trong tập thơ, đây đó còn một vài cách trình bày suy nghĩ già trước tuổi, một ít mù sương của con người, của cuộc sống, ví như “Lời thương sao mong manh/ Giận hờn không vô cớ/ Nỗi đợi giờ bỏ ngỏ/ Riêng tư lời gió bay”… Bên cạnh trục chính tập thơ vững chãi với những nỗi nhớ trở về. Nỗi nhớ trở về ngôi nhà của cuộc đời anh không thu hẹp lại những bộn bề nỗi nhớ. Ngược lại, nó càng mở tung chủ ý cốt lõi, bộc lộ những gì lắng đọng nhất, cần được tỏa rạng trong ý thức con người. Đó là cái “Tâm hướng thiện – tiền tài trong nhân nghĩa”, đó là cảnh đau:
“Thấy người đầy thừa thãi
Thấy ai chẳng có gì
(Đọc thơ)
Những chủ ý cốt lõi đó bao hàm trong ý nghĩ của mọi nỗi nhớ trở về phơi bày bao nhiêu là khó khăn. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh cây lúa được khép lại tập thơ. Rồi đây, bên cây lúa bé nhỏ, nhiều nhà máy sẽ mọc lên cao vút. Nó làm được những điều: “Như gặp lại dáng mình trong cây lúa”, “Ta lớn khôn qua mùa hương lúa”, “Ta thấy gì trong dáng lúa uốn cong?”… Quả không dễ dàng khi chiêm nghiệm lịch sử, khi nhìn vào tương lai, khi trăn trở nỗi nhớ trở về với những gì cũ xưa, quen thuộc của cộng đồng, những gì không thể thiếu thường gọi là bản sắc, là cội nguồn, được cất cánh từ những ngôi nhà….
Hồ Phi Phục