LTS: Rất nhiều người, khi nhận về kết luận “Ung thư” trong hồ sơ bệnh án của mình, là đã xem như mình bị tuyên án tử. Nhưng cũng từ thực tế chữa trị, nhiều bệnh nhân đã hiểu và tư duy khác về căn bệnh mình mang. Họ đã sống vui hơn, khỏe hơn, đẩy lùi bệnh tật, hay ít nhất là họ đã bình thản đối mặt để nâng cao thể trạng và tinh thần của mình, để những ngày được sống thực sự là những ngày đầy ý nghĩa.

Làm nên những đổi thay ấy, một lần nữa, lại chính là nhờ những thầy thuốc- những người đồng hành với buồn vui, lo lắng, mệt nhọc ấy của bệnh nhân mà đến với họ, khi đã gần như sụp đổ về tinh thần. Và chính các y bác sỹ đã trở thành những người không chỉ chữa bệnh đơn thuần trên cơ thể người bệnh, mà còn cả trong tinh thần của họ.

Bệnh viện Ung bướu Nghệ An những năm qua đã có nhiều đổi mới, không chỉ ở chuyên nâng cao trình độ, ở tinh thần thái độ, mà còn chính ở những sáng kiến trong cả quá trình đồng hành, chia sẻ với từng người bệnh, từng ca bệnh. Trong bệnh viện đã phát động nhiều cuộc thi: sáng kiến cải tiến chất lượng,… Rất nhiều trong số đó đã được áp dụng thiết thực, tạo nên những đổi thay lớn về bộ mặt của bệnh viện cũng như đổi thay tư tưởng, suy nghĩ của bệnh nhân. Và ung thư, không còn là bản án tử hình nữa, khi mà đồng hành cùng bệnh nhân, bên cạnh trình độ y thuật cao còn  luôn có những tấm lòng thầy thuốc…

Tạp chí Sông Lam xin trân trọng gửi tới bạn đọc chuyên đề 2 kỳ về những sáng kiến hướng tới mục tiêu vì người bệnh của Bệnh viện Ung bướu – nơi mà hàng ngàn bệnh nhân trên địa bàn mỗi năm đang phải đối mặt với căn bệnh nan y- gửi gắm niềm tin của mình.

Kỳ I:  Giúp người bệnh trở thành “người bệnh thông thái”

“Đến lúc này thì tôi thực sự hài lòng với quyết định của mình: không tiếp tục ra Hà Nội nữa mà điều trị ngay tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An”.

Câu chuyện của chị Đậu Thị Hà, nguyên giáo viên trường THPT Nghi Lộc III với chúng tôi được bắt đầu như vậy. Chị bị K trung thất đã điều trị ở Hà Nội cách đây 12 năm, năm 2019 tái phát, lại ra Hà Nội điều trị tiếp. Quyết định vào Bệnh viện Ung bướu Nghệ An điều trị được chị đưa ra vào một ngày đầu năm 2022. Chị nhớ, hôm đó chị đã mạnh dạn gặp bác sỹ Nguyễn Viết Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu, Trưởng khoa Nội I bày tỏ về tình trạng bệnh, bác sỹ xem hồ sơ bệnh án rất kỹ, trao đổi lại cặn kẽ về căn bệnh của chị, hướng chữa trị. Nghe những lời tư vấn tận tình ấy, chị đột nhiên thấy muốn ở lại quê nhà chữa trị, không còn muốn ra Hà Nội như ý tưởng ban đầu. Cuối buổi chuyện trò, bác sỹ nhỏ nhẹ nói: “Chị cứ an tâm ở lại viện, chúng tôi sẽ có phác đồ điều trị tốt cho chị”. Chỉ một câu nói giản dị ấy, mà chị Hà đã có một niềm tin mãnh liệt: ở đây, mình sẽ được điều trị tốt. Và không có thêm một chút do dự nào, chị đã nhập viện Ung bướu Nghệ An. Sau đó chị được biết, bác sỹ Bình đã hội chẩn với bác sỹ ở Hà Nội để đưa ra hướng điều trị cho chị. Thế mà cũng đã một năm chị gắn bó với Khoa Nội I này trong sự an tâm và rất thoải mái, dường như với chị đây cũng đã là đại gia đình.

Y, bác sỹ Khoa Nội I trong lễ trao giải cuộc thi sáng kiến cải tiến chất lượng năm 2022.

Làm gì để bệnh nhân thấy an tâm, thấy thoải mái khi điều trị tại viện, góp phần nâng cao chất lượng điều trị đó là câu hỏi mà các y bác sỹ Bệnh viện Ung bướu nói chung, Khoa Nội I nói riêng luôn đặt lên hàng đầu. Bài giải không chỉ nằm ở việc phải nâng cao chuyên môn, đầu tư trang thiết bị, mà còn ở một khâu không kém phần quan trọng, là trong cả một quá trình dài đằng đẵng và mệt mỏi vì điều trị bệnh, các bệnh nhân vẫn có được một tinh thần tốt. Bài thuốc tinh thần xưa nay vẫn như là một phép màu trong mọi tình huống hiểm nghèo đối với con người, không ngoại trừ khi bạo bệnh. Thật mừng bài toán đã có câu trả lời.

Những năm gần đây, thuật ngữ “người bệnh thông thái” hay “bệnh nhân thông thái” đã được sử dụng và biết tới nhiều hơn tại các cơ sở y tế. “Bệnh nhân thông thái” là dự án cộng đồng của Trung tâm Nghiên cứu Cải tiến Y tế CHIR, ra đời với mong muốn cung cấp những kiến thức thiết yếu giúp người dân Việt Nam sử dụng dịch vụ Y tế hiệu quả và an toàn hơn.  Khoa Nội 1 – Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã có những sáng kiến thiết thực để giúp bệnh nhân được điều trị tốt nhất và được hài lòng nhất về thời gian sống, chữa trị tại Viện.

Một vài lần vào đây thăm người nhà, tôi có phần ngạc nhiên bởi tại Khoa Nội I lúc nào cũng sạch đẹp từ hành lang cho tới từng phòng bệnh. Tôi tếu táo với người thân: đi điều trị mà như ở khách sạn. Bà Nguyễn Thị Hòe (sinh năm 1965) ở xã Văn Thành, Yên Thành, bị K vòm họng từ năm 2019 nay di căn gan, nằm giường kế bên bật dậy, nói sang sảng: “Ừ, tui nằm điều trị ở đây phòng ốc sạch sẽ, tinh thần thoải mái nỏ lo chi, bệnh tình thì mình đã rõ, có bác sỹ chạy chữa hàng ngày rồi, tui chỉ lo ở nhà, ông nhà tui phải một mình xoay xở với lợn gà, vườn ruộng thôi.” Bà Hòe cũng là bệnh nhân điều trị lâu dài tại khoa Nội I, bà rất tỏ tường: “Trước đây cứ nghĩ đến bệnh viện là chật chội, chen chúc, hơi người, hơi bệnh, hơi thuốc… đủ thứ hổ lốn. Nhưng quả thực tui đã thấy một không khí khác khi vào đây. Không gian thoáng sạch. Toàn bộ tư trang thì được cất vào một ô trong dãy tủ đặt ngăn nắp dọc hành lang. Có cả tủ sách. Tui lầm lụi làm nông xưa nay không để ý sách vở, nhưng thấy các bệnh nhân vẫn hay mượn về đọc cho khuây khỏa, tui cũng vui lòng, vui mắt. Dọc hành lang có trồng nhiều cây xanh trông đẹp, vừa tạo cho bệnh nhân, người nhà đến thăm hỏi không thấy cảm giác nặng nề vì không khí bệnh viện”. Vẫn cái giọng oang oang bà tiếp, làm cả phòng cũng phải cười rộ: “Ở đây còn sạch hơn ở nhà tui. Mà tui thích nhất là y, bác sỹ đều rất ân cần, rứa nên có điều chi chưa rõ, hay còn lo lắng là dám hỏi cặn kẽ. Hỏi rồi thì mới thấy an tâm. Trước đây ở một số bệnh viện, tui cứ lo lo về bệnh tình mà hỏi thì ngại, sợ. Tui về nhà ăn Tết gần hai tháng, hôm vô, gặp lại các y bác sỹ đều hỏi: bác về nhà có đau không? Có điều chi bất trắc không? Tui nghĩ, đúng là “lương y như từ mẫu”, không sai mô!”

Hành lang các dãy nhà trong Khoa Nội I được bố trí nhiều cây xanh và các tủ đựng đồ của bệnh nhân được dựng sát tường rất gọn gàng, đẹp mắt.

Chị Nguyễn Thị Phương, là mẹ đơn thân, hộ nghèo ở Diễn Thái, Diễn Châu, chị bị K xoang giai đoạn 4, từng xạ trị, nay tiếp tục xạ trị 33 mũi, cũng góp vào câu chuyện: Đến đây, được tư vấn nhiều, dần dần tôi được mở mang hiểu biết trở thành “người bệnh thông thái”, tự tin hơn khi giao tiếp với y bác sỹ, với mọi người xung quanh. Việc vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân của tôi cũng như các bệnh nhân và người nhà ở đây cũng được nâng lên nhiều vì mình hiểu rõ tầm quan trọng của nó đối với quá trình điều trị và sự phòng bệnh. Cảm thông hoàn cảnh của tôi, nên Khoa và Bệnh viện cũng rất quan tâm ưu ái cho tôi được hưởng nhiều quyền lợi từ các chương trình, các hoạt động từ thiện, v.v…

Bệnh nhân và người nhà tham khảo các tệp hướng dẫn “người bệnh thông thái” được bố trí tại hành lang Khoa Nội I

Áp dụng đồng thời nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng điều trị, đó là phương châm mà Khoa Nội I rất chú trọng. Cùng với việc xây dựng một môi trường thân thiện (mối quan hệ giữa y bác sỹ với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, giữa bệnh nhân với nhau), môi trường sống xanh, sạch đẹp trong bệnh viện, tạo nhiều sân chơi giải trí cho bệnh nhân và người nhà như đọc sách, chơi bóng chuyền, cầu lông, thì năm 2022, Khoa chú trọng thực hiện hai đề án: Nâng cao kiến thức của người bệnh về quy trình khám bệnh, điều trị nội trú hướng tới xây dựng mô hình “người bệnh thông thái”; và Nâng cao nhận thức và thái độ thực hành vệ sinh tay của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV).

Tủ sách phục vụ bệnh nhân và nhân viên y tế trong Khoa

Trên thực tế, do người bệnh đến từ nhiều khu vực địa lý, trình độ học vấn khác nhau, nên kiến thức của người bệnh và người nhà người bệnh về quy trình khám chữa bệnh, điều trị nội trú còn có sự chênh lệch rất lớn gây ra những trở ngại và cả những lo lắng không cần thiết. Là đối tượng trực tiếp trong sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, để được hiệu quả – an toàn – hài lòng hơn thì ngoài vai trò của nhân viên y tế, mỗi người bệnh phải là những người bệnh thông thái – nghĩa là họ ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình, chủ động tham gia vào quá trình chăm sóc sức khỏe cho chính mình và gia đình. Qua một năm triển khai đã cho thấy hiệu quả rất rõ ràng: kiến thức của người bệnh, người nhà trước khi nhập viện đã tăng 70% lên 95%; tỉ lệ người bệnh có hồ sơ sức khỏe cá nhân 70% tăng lên 90%; kiến thức của người bệnh về thủ tục khám bảo hiểm y tế trước và sau khi được tư vấn cũng tăng từ 64% lên 100%; Kiến thức người bệnh về quá trình điều trị cũng thay đổi tích cực (người bệnh tìm hiểu về chi phí điều trị tăng từ 85 lên-97%; người bệnh tìm hiểu về tình trạng bệnh: 84% tăng lên 95%), v.v… Biết cách tự trang bị kiến thức cần thiết đã giúp các bệnh nhân và người nhà tự tin và chủ động hơn rất nhiều khi quyết định vào điều trị tại Khoa, Viện.

Điều dưỡng viên hướng dẫn bệnh nhân thực hiện vệ sinh tay

Câu chuyện nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) cũng là một vấn đề thách thức hàng đầu tại Việt Nam cũng như thế giới hiện nay. Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định vệ sinh tay là biện pháp quan trọng, đơn giản, hiệu quả nhất nhằm giảm tỉ lệ NKBV không chỉ ở đối tượng nhân viên y tế. Trong khi đó, kiến thức vệ sinh tay (VST) của bệnh nhân và người nhà điều trị nội trú ở các bệnh viện nói chung còn khá thấp, đặc biệt trong việc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Để khắc phục thực trạng này nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng điều trị, Khoa Nội I đã triển khai đề án “Nâng cao nhận thức và thái độ thực hành vệ sinh tay của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV)”. Đây là một công việc được thực hành bền bỉ và thường xuyên bằng việc các nhân viên y tế của Khoa bám sát tư vấn, hướng dẫn để 100% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Khoa đều được truyền thông và thực hành đúng quy trình. Nhờ đó, hiện tại, việc vệ sinh tay đã trở thành một nền nếp trong Khoa. Nói về câu chuyện  này, bà Nguyễn Thị Hòe lại hồ hởi: Nói chơ, lúc ở nhà mình mần chi có ý thức về vệ sinh tay. Vô đây nghe giảng hiểu rõ, rồi làm hàng ngày thành quen, thành nếp. Cứ đi mô về phòng hay động chạm đến cấy chi không sạch sẽ là rửa tay xà phòng, sát khuẩn ngay. Nói rồi, bà cười thật thà vẻ như nhận lỗi: “cũng có một vài lần quên vì xạ trị về mệt lê lết”.

Bác sỹ Thái Đình Hiếu, Khoa Nội I cho biết: Các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đều là bệnh nhân K – nghĩa là họ hầu như mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, thời gian điều trị tại viện cũng khá dài, bởi vậy dễ gây ra tâm lý lo lắng, buồn phiền, thậm chí bi quan. Cần tạo cho bệnh nhân và người nhà một môi trường sống – điều trị tại viện thật sự thoải mái, thân thiện, tạo cho họ một niềm tin, một tâm thế chủ động cùng nhân viên y tế điều trị bệnh thì việc chữa trị mới hiệu quả, có chất lượng cao. Vì mục tiêu này mà chúng tôi không ngừng thực hiện những biện pháp thiết thực và cần thiết, từ những việc nhỏ như tạo sự gọn gàng, ngăn nắp trong từng giường bệnh, từng phòng bệnh, đến việc tạo nên toàn bộ cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, ý thức nền nếp về vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân, rồi xây dựng “người bệnh thông thái”, v.v… Mỗi việc nhỏ hay lớn ấy đều cần thiết và tác động rất tích cực đến quá trình điều trị.

Cả năm trời gần như có mặt thường xuyên tại Khoa Nội I, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, chị Đậu Thị Hà là người thấu rõ nhất sự vất vả và cả sự tận tâm của đội ngũ 35 y, bác sỹ trong Khoa. 35 con người, hàng ngày chăm sóc, điều trị cho 130 bệnh nhân, lúc cao điểm lên đến gần 190 người với đủ các bệnh lý: ung thư vùng đầu, mặt cổ, ung thư thực quản, ung thư phần mềm, và thực hiện nhiều phương pháp: điều trị hóa xạ trị đồng thời, điều trị hóa trị giảm nhẹ triệu chứng, điều trị đích, điều trị miễn dịch… Một khối lượng công việc cực lớn. Chị hiểu rõ những áp lực lớn nhường nào đối với y, bác sỹ. Bởi vậy, chị càng thấy quý, trân trọng và biết ơn những tình cảm, những sự chăm sóc, động viên của y bác sỹ nơi đây, để đến giờ phút này chị vẫn thấy mình là người sáng suốt khi quyết định vào đây điều trị “Thương lắm. Đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên ở đây phải làm việc quần quật suốt ngày đêm. Phải xử lý đủ mọi tình huống. Công việc của họ căng thẳng quá. Nếu được chọn lại chắc chị không chọn nghề y mô.” Gỡ mái tóc giả, chị khoe để chúng tôi được “ngắm’ cái đầu trọc lóc vì xạ trị, mắt vẫn ánh nụ cười được che sau chiếc khẩu trang trắng, giọng chị đầy lạc quan: Tớ vẫn như ngày nào, sáng mai thể dục, chiều lại xuống sân chơi mấy ván bóng chuyền. Đời vẫn vui vì ta đã có y bác sỹ chăm sóc rồi!

Kỳ II. Mang đến niềm vui cho người bệnh

 Thúy Hoa – Thùy Vinh

(Ảnh: Võ Khánh và Khoa nội I cung cấp)