Bà Lô Thị Quyết (thứ 3, phải sang) cùng các điều dưỡng viên và bệnh nhân trong phòng.

Kỳ II. Mang đến niềm vui cho người bệnh

“Hôm nay bà được ra viện. Vui. Nhưng nhớ các con lắm”

“Cả đêm qua bà không ngủ được. Biết tin được ra viện, được về nhà mình, mừng lắm, nhưng cũng buồn lắm vì phải xa các con (bà thường gọi y, bác sỹ Khoa Ngoại IV, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là con), không được các con ngày ngày động viên, nhắc nhở, hỏi han: sáng nay phòng ta hết thảy mọi người đã uống nước ấm chưa, tập bài tập thể dục sau phẫu thuật đầy đủ chưa?”

Hành lang Khoa Ngoại IV

 Khi điều dưỡng trưởng Trần Thị Châu và điều dưỡng viên Nguyễn Thị Tâm bước vào phòng, bà Lô Thị Quyết, bản Kẻ Tăm, xã Châu Bình, Quỳ Châu ôm lấy hai bạn trẻ, rưng rưng bày tỏ những dòng cảm xúc trên. Trong đôi mắt tuổi 63 đang ánh niềm vui, tôi chợt thấy vẻ ngân ngấn  lệ. Nét mặt chân chất của người đàn bà dân tộc Thái biểu lộ một tình cảm chân tình, thân thiết với các y bác sỹ đáng bậc con cháu đã hàng tuần qua gần gũi, động viên bà vượt qua những buồn tủi và lo âu. Mấy ngày đầu mới mổ xong bà thấy đau lắm, tâm trí bà hoang mang vì đủ mọi nỗi lo, nỗi sợ. Bà không dám đưa cánh tay lên cao vì sợ lệch dẫn lưu, sợ đứt chỉ, sợ đau. Bà lo tay bị cứng, bị tụ dịch ở vết mổ rồi viêm nhiễm thì khổ sở, v.v…. Điều dưỡng Châu, điều dưỡng Tâm và những y, bác sỹ khác trong khoa Ngoại IV ngày nào cũng vào phòng nhắc nhở động viên các bệnh nhân, hướng dẫn tỉ mẩn bài tập thể dục sau mổ. Bà cứ đinh ninh câu nói của Tâm – người thực hiện nhiệm vụ truyền thông vào thứ Năm hàng tuần rằng “không phải họ giỏi mà vì mình chưa quyết tâm làm”. Vậy là bà cố. Bà nén đau. Bà không còn sợ điều này điều khác vì bà đã được tư vấn tỏ tường. Bà đã giơ được cánh tay một cách khá bình thường chỉ mấy ngày sau mổ. Bà vui. Không mừng, không vui răng được khi gần như ngày nào các cháu điều dưỡng viên cũng vào phòng hỏi: Cả phòng ta tối qua ngủ ngon chứ? Nhớ uống nước ấm không? Đã tập bài tập thể dục chưa? Không ai bỏ tập phải không? Cả phòng lại rào rào như con trẻ: ngủ ngon. Uống nước ấm, tập đầy đủ. Và khi cần biểu thị điều gì đó thì mọi cánh tay đều giơ cao hào hứng. Dù phòng bà có tới 12 bệnh nhân nhưng mọi thứ đều sạch sẽ quy củ. Bà không hiểu, bà tới khám ở nhiều bệnh viện, bước chân vào là ngửi rõ cái thứ mùi đặc trưng của các loại thuốc và các bệnh trộn nhau rất khó chịu, vậy mà nằm điều trị ở đây khá lâu bà chẳng hề nghe mùi mè gì, không gian phòng ốc và chung quanh đều sạch sẽ, bà thấy thoải mái lắm. Lại còn bầu cả trưởng phòng nữa. Cái chị trưởng phòng của bà, hai ngày đầu mới vào khóc suốt mà dăm ngày sau đã khác hẳn, tươi rói, lạc quan, dù vết mổ của chị khá sâu, rộng, khoét vào gần nách. Cả phòng thương nhau, hỗ trợ nhau trong mọi sinh hoạt. Nhờ chị em giúp nên bà có bắt người nhà ở lại phục vụ mình đâu. Bà nghe nói, vì thương bệnh nhân mà y bác sỹ ở đây đã trăn trở, tìm tòi xây dựng nên bài tập thể dục hữu hiệu này. Đầu tiên nó mới chỉ là bài tập viết bằng chữ, năm 2021 phát triển thành video tham gia cuộc thi Thiết kế video truyền thông giáo dục sức khỏe do Bệnh viện Ung bướu phát động nên bệnh nhân như bà làm theo rất dễ và phổ biến được rộng rãi, nhanh chóng. Có công nghệ thông tin có khác. Con trai bà nói vậy. Điều dưỡng trưởng Châu và các y sỹ ở đây nói rằng, từ khi có bài tập này, hiện tượng tụ dịch sau mổ gần nhưng không xảy ra và bệnh nhân không bị cứng khớp tay. Đúng là bà cứ lo bò trắng răng. Trước khi vào đây điều trị, quá lo lắng bà hỏi khắp nơi, người ta cảnh báo cẩn thẩn kẻo dễ bị tụ dịch, bị viêm nhiễm. Bà càng lo, sợ nữa. Bà gắng cùng cả phòng tập luyện chuyên cần, làm theo viddeo cũng thật dễ, mọi lo âu của bà đều tan biến. Sản phẩm này của Khoa Ngoại IV đã đạt giải Nhất cuộc thi Thiết kế video truyền thông giáo dục sức khỏe do Bệnh viện tổ chức. Thật là xứng đáng, vì nó thiết thực, hữu ích và hiệu quả vô cùng, nếu không chắc bà phải chịu đau đớn, phiền não lắm.

Điều dưỡng viên hưỡng dẫn bệnh nhân tập bài thể dục sau mổ K vú do Khoa tìm tòi xây dựng, thiết kế và phổ biến rộng rái qua video.

 Bệnh viện Ung bướu vẫn thường phát động các cuộc thi sáng tạo, sáng kiến trong cán bộ nhân viên y tế. Bà nghĩ điều đó thật tốt, vì nó khuyến khích, thúc dục các y bác sỹ có cơ hội và thêm quyết tâm biến những trăn trở thường ngày thành những sáng kiến, sản phẩm thực tế. Trí tuệ tập thể nó lớn mạnh là vậy. Những bộ quần áo, gối, chiếu bà được nhận – trả lại tuần 3 lần cũng là sáng kiến của Khoa Ngoại IV, đạt giải 3 cuộc thi “Sản phẩm sáng kiến cải tiến chất lượng năm 2022” của Bệnh viện. Bà thấy thoải mái khi nhận và sử dụng đồ vì bà không phải chờ đợi lâu như trước đây bởi đồ đã được đóng gói trong một cái túi zip theo đúng cỡ người của bà. Bà hài lòng nhất khi dùng chiếu. Từ sáng kiến của Khoa, tủ đựng chiếu đã được thiết kế lại để lấy theo cách rút dưới bù trên rất khoa học, xóa hẳn tình trạng một số chiếu được sử dụng thường xuyên, trong khi số khác nằm ở phía trong bị để lâu ẩm mốc.

Chiếu được sử dụng theo cách lấy dưới bù trên tránh tình trạng ẩm mốc.

Mỗi một nỗ lực lớn nhỏ của y bác sỹ vì những người bệnh làm bà thấy ấm lòng, thấy được an ủi thật nhiều. Những cơn đau thân xác, những nỗi lo vì mang bệnh hiểm nghèo, vì những diễn biến bệnh phức tạp, bất trắc có thể diễn ra ngày ngày, rồi những muộn phiền, lo âu về gia đình và phải sống xa con cháu,… Giữa trập trùng nỗi lo, nỗi buồn ấy, sự quan tâm ngày ngày của y bác sỹ khiến bà thấy quý, thấy xúc động. Họ đã phải nỗ lực rất nhiều. Bởi bà biết 6 bác sỹ, 14 điều dưỡng viên của Khoa đã phải điều trị chăm sóc cho 40-60 bệnh nhân, công việc nặng nhọc lắm. Trong khi yêu cầu nâng cao về chuyên môn khiến họ phải học tập thường xuyên. Cũng đôi vai ấy thôi, việc nhà việc nước, làm ngày trực đêm, nếu không nỗ lực, không làm bằng cái tâm chắc là không làm tốt được. Bệnh nhân đông là vậy mà “các con, các cháu” tỏ tường hầu như các hoàn cảnh gia đình. Tỉ tê trò chuyện mỗi lần thay băng, tiêm thuốc để người bệnh đỡ đau. Không quát nạt, gắt gỏng bệnh nhân dù công việc căng thẳng. Vì được gần gũi, cởi mở nên bà biết được tâm tư của Điều dưỡng Trưởng Châu “nhờ thực hành công việc, giao tiếp thường xuyên với nhiều bệnh nhân nên bản thân đã “lớn” hẳn trong giao tiếp, trong ứng xử”. Còn điều dưỡng viên Tâm thì cảm thấy “rất vui khi mỗi lần bước vào phòng là được nghe các bà, các chị ồ lên: em Tâm, em Thủy, em Châu… đến rồi”, hay tự dặn mình “làm việc gì cũng phải luôn luôn có một tinh thần vững chắc, một niềm tin”. Tinh thần, nghị lực ấy đã được truyền sang bà. Bà càng cảm động khi biết, trước lúc bà vào viện không lâu có một chị hoàn cảnh neo đơn và nghèo lắm, chính các y bác sỹ trong Khoa đã quyên góp mỗi người một ít lo cơm nước cho chị cả đợt điều trị. Những việc làm nho nhỏ thắm tình thương, tình người ấy cho bà thêm niềm tin, vơi phai những lo toan, phiền muộn.

Cả phòng bệnh nhân thường hào hứng giơ tay trong mỗi buổi truyền thông của điều dưỡng Tâm

Bà nằm điều trị ở đây nhưng cũng học thêm được nhiều điều thú vị từ y bác sỹ. Họ đa phần đang rất trẻ, hấu hết độ tuổi 8X, vậy mà trưởng thành lắm. Ví như bà và các bệnh nhân cứ theo lời dặn ấm áp của các cháu: Hãy làm từ thiện ngay chính trong phòng mình. Đúng thật, cả phòng như một đại gia đình, chị em cởi mở, trò chuyện tâm tình và hỗ trợ nhau cái công, chút của. Bà ở xa, cũng cậy nhờ bệnh nhân trong phòng nhiều, ngược lại khi khỏe bà sẵn sàng giúp mọi người. Như chị Trần Thị Lan ở Bắc Thành, Yên Thành, con út mới 5 tuổi, chồng lo chăm con, rồi lợn gà không vào chăm vợ được. Sau mổ, dù chưa thể đi lại nhưng chị em trong phòng đã giúp chị Lan lo cơm nước, sinh hoạt hàng ngày. Trước khi ra viện, chị Lan nói “ở đây cũng vui lắm”. Nghe thật khó tin, vì làm gì ở viện mà vui được, nhưng là người trong cuộc bà hiểu đó là tình cảm chân thật của chị Lan và của bà nữa. Vui vì mình được y bác sỹ quan tâm, chữa trị tân tình, nhiều Chủ nhật cũng đến thăm khám hỏi han người bệnh, vui vì có chị em bệnh nhân cùng chia sẻ, lại được ở trong một môi trường sạch sẽ, được mở mang nhiều điều, biết nỗ lực vươn lên, biết xây dựng lối sống lạc quan.

Hôm nay là ngày bà tạm biệt những người bệnh – người bạn trong phòng điều trị của bà, tạm biệt các y bác sỹ Khoa Ngoại IV, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Có một việc bà nhắc nhớ mình cần làm và cảm thấy hạnh phúc là sau khi về nhà bà sẽ gửi rau má, rau dún xuống cho “các con, các cháu” y bác sỹ của Khoa. Bà đã hứa vậy khi chia tay.

Đôi tay già nắm lấy những đôi bàn tay trẻ. Đôi mắt bà rươm rướm những quyến luyến và cả những niềm vui!

Kỳ I: Những tấm lòng vì người bệnh

Lê Nhung – Thúy Hoa (thực hiện)
(Ảnh: Lê Nhung và Khoa Ngoại IV cung cấp)