Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Những người đàn bà xuống gánh nước sông
Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt
Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi
Bàn tay kia bấu vào mây trắng
Sông gục mặt vào bờ đất lần đi
Những đàn ông mang cần câu và cơn mưa biển ra khỏi nhà lặng lẽ
Những con cá thiêng quay mặt khóc
Những chiếc phao ngô chết nổi
Những người đàn ông giận dữ, buồn bã và bỏ đi
Đã năm năm, mười năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Sau những người đàn bà gánh nước sông và lũ trẻ cởi truồng
Chạy theo mẹ và lớn lên
Con gái lại đặt đòn gánh lên vai và xuống bến
Con trai lại vác cần câu và cơn mưa biển ra khỏi nhà lặng lẽ
Và cá thiêng lại quay mặt khóc
Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi.
(Nguyễn Quang Thiều)
Tôi nghe nói đây là một bài thơ được viết theo bút pháp siêu thực!
Còn tôi, tôi chỉ đọc thấy từ văn bản một câu chuyện đời buồn. Là câu chuyện thì đương nhiên phải có nhân vật và hình hài, tâm trạng, có sự việc và diễn tiến sự việc… Nhân vật chính của “bài thơ – câu chuyện đời buồn” này đã hiện hữu trong trọn vẹn nhan đề, đó là “những người đàn bà gánh nước sông”! Họ được khắc họa ngay từ câu thơ đầu tiên, với “Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái”! Cô Kiều xưa được Nguyễn Du khắc họa duy nhất với “Làn thu thủy, nét xuân sơn”, một vẻ đẹp mềm mại, ngọt sắc, tươi mát, trong lành, kiều mị… khiến mê đắm lòng người suốt mấy trăm năm! Những người đàn bà gánh nước sông cũng chỉ được khắc họa đậm nhất trong một nét ngoại hình, có ai nỡ khen đó là vẻ đẹp nữ tính hay không? Tôi thì chỉ muốn khóc khi hình dung những trầy trật, vẹo xiêu, nghiêng ngả, bầm dập đã tạo thành nét “ngoại hình nhìn từ chân” này – tôi nhớ tới người đàn bà hàng chài thô kệch, bạc phếch, rách rưới của Nguyễn Minh Châu, người đàn bà có “bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn vào đám đông” lầm lụi – họ, những người đàn bà ấy không mong manh như hoa khói để được chiều chuộng, nâng niu; họ sinh ra để gánh vác, chống chọi, chịu đựng – những bàn chân gót hồng xinh nhỏ không giúp gì được cho đời họ, thật ra là cho chồng con họ – bàn chân phải “tõe ra như móng chân gà mái” để đứng cho vững, để bước cho nhanh, để kịp làm những việc vẫn làm suốt cuộc đời, mà chẳng biết sao lúc nào cũng vội!
Sau nét vẽ ngoại hình về bàn chân là một chi tiết khá ấn tượng về “Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt”. Phụ nữ ở làng ngày xưa hay búi tóc, những búi tóc tròn, dầy, đầy đặn, hoặc cao gọn, hoặc trễ nải sau gáy, tạo nét duyên thấp thoáng nõn nà phía sau. Với những người đàn bà gánh nước sông, đường trơn, chân bấm móng, gánh nặng vẹo xiêu, búi tóc xổ vỡ, nắm dài nắm ngắn, kết dính sũng nước, hay mồ hôi, rơi như nước xối trên “lưng áo mềm và ướt”, hình ảnh gợi xót nhiều hơn gợi cảm…
Khiến nghĩ ngợi day dứt nhất lại là cử chỉ của bàn tay: “Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi/Bàn tay kia bấu vào mây trắng”! Để giữ thăng bằng cho hai thùng nước đầy sóng sánh trên con đường bờ sông trơn trượt, những người đàn bà phải bám chặt một tay vào đầu đòn gánh – cái đòn gánh dẻo thắt, lẳn chai bờ vai, trong một góc nhìn nào đó, in bóng trên nền trời mênh mông, rợn ngợp – góc tạo hình ngẫu nhiên mà như tạo hóa sắp đặt, khác hằn những thân phận bé nhỏ nhọc nhằn cùng cái mệt mỏi buồn bã khi chỉ gồng gánh thôi mà rồi cũng hết cuộc đời. Nhưng bàn tay kia mới thật xót lòng khi “bấu vào mây trắng” – khi người đàn bà gánh nặng, một tay bám chắc đầu đòn gánh, tay kia không bám được vào đâu nên phải vung với theo nhịp bước đi, trong một góc nhìn nào đó, bàn tay họ như chạm, như bấu vào mây trắng! Có lời bình cho rằng bàn tay “bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi” là hiện thực, còn bàn tay “bấu vào mây trắng” thì bay bổng lãng mạn – tôi lại chỉ thấy một hiện thực tội nghiệp. Tự bao giờ người đàn bà mặc định là phái yếu, mặc định cần một bờ vai để dựa, một cánh tay để víu – nhưng trong thực tế, họ víu vịn vào đâu, “vào mây trắng” sao? Đó đâu phải cái đẹp, đó là cái rỗng không, bồng bềnh, hư ảo, hữu hình mà vô thể, ảo thể, nhìn tưởng có đấy mà hóa ra lại không! (Tự nhiên nảy ra một câu hỏi có thể tạo niềm phẫn nộ chính đáng cho nửa thế giới còn lại: có ai trong các anh tự thấy mình là “ông chồng mây trắng”? Hình như có ông Tú nói ra điều đó trong một câu thơ làm điệu, dùng chút vốn tự trào để thu lãi ròng cao thượng!)
Có một câu thơ khiến tôi nghĩ mãi, và sợ nữa, đó là “Sông gục mặt vào bờ đất lần đi”. Nhà thơ muốn nói điều gì đây, trong hình hài siêu thực này? Tôi không thấy “sông”, chỉ thấy những người đàn bà gánh nước sông, năm này qua năm khác, suốt cả cuộc đời, đưa những nhánh sông nhọc nhằn chảy về nhà về bếp họ, mà đâu có chảy như một sự dễ dàng, những nhánh sông xiêu vẹo, trầy trật nghiêng ngả, gục mặt vào bờ đất mà lần từng bước về nhà trên “Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái”. Và từ đó, tôi thấy mẹ tôi, thấy tôi, con gái tôi, những người đàn bà chúng tôi, gục mặt vào cái bất trắc, gập ghềnh, ngang ngửa của đời, lần bước đi trong trơn trượt; cái gục mặt không lý trí trong cõi vô thức mông lung, mù mịt, cứ lần bước đi như một thói quen, một ràng buộc… Dù, gia đình tôi không ai biết gánh nước, không sống ở làng quê, bên một dòng sông, và cũng không ai có ngón chân “xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái”!
Chồng con của những người đàn bà gánh nước sông cũng được khắc họa trong những điệp khúc ám ảnh, trước hết là “Những đàn ông mang cần câu và cơn mưa biển ra khỏi nhà lặng lẽ”. Họ hiện ra trong hình hài của sự thất bại cay đắng giữa một vòng tròn mưu sinh lần hồi với quy luật nghiệt ngã khi hạnh phúc/ miếng ăn là cái chăn hẹp, người này co thì người kia đói, rét. Có điều, trong vòng tròn mưu sinh này, cả người câu và đối tượng câu đều đau khổ vì sự thất bại. Người để lưỡi câu lộ mồi, cá đói, nhìn thấy mồi mà không thể ăn; người đói vì khờ dại, cá đói vì khôn ngoan, và cả khờ dại lẫn khôn ngoan đều không lại với trời/ với đời.
Đặc biệt day dứt là đàn con của họ: “lũ trẻ cởi truồng/Chạy theo mẹ và lớn lên”. Chúng bất hạnh một cách hồn nhiên, trụi trần, thơ dại; những mầm cây cha mẹ chỉ gieo hạt, rồi chúng tự lớn lên, tự mặc dần áo quần, giữa gió và nước sông. Để rồi, như thân phận những hài nhi trong “cái lò gạch cũ” của làng Vũ Đại, chúng lại sống tiếp cuộc đời buồn của cha mẹ: “Con gái lại đặt đòn gánh lên vai và xuống bến/ Con trai lại vác cần câu và cơn mưa biển ra khỏi nhà lặng lẽ/ Và cá thiêng lại quay mặt khóc/ Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi”!
Có thể tìm thấy dấu hiệu của thơ siêu thực từ rất nhiều những bất ngờ, sai biệt và phi lý trong các hình ảnh được sinh ra “từ sự xích lại gần nhau của hai hiện thực ít nhiều xa nhau” (Reverdy), từ hình ảnh bàn tay “bấu vào mây trắng” của những người đàn bà, hình ảnh “Những đàn ông mang cần câu và cơn mưa biển ra khỏi nhà lặng lẽ/ Những con cá thiêng quay mặt khóc” hay hình ảnh “Sông gục mặt vào bờ đất lần đi”… Nhưng khi lọc qua những phi lý của hình tượng ngôn từ, sao tôi vẫn chỉ đọc ra sự hợp lý, đọc ra cái thực còn thực hơn cả hiện thực của đời. Đó là cái thực chưng cất từ rất nhiều cuộc đời, nước mắt, mồ hôi, nắng gió…, nén chặt trong 18 câu thơ và bung tỏa thành ngàn vạn mảnh nước mắt – thủy tinh khi chạm cứa vào lòng người đọc. Nhất là những người đàn bà!
Trịnh Thu Tuyết