Những người áo trắng

Họ là những người đã chọn cho mình màu áo ấy, bước vào nghề chữa bệnh cứu người với đinh ninh lời thề Hypocrat. Họ lựa chọn để bước vào một cuộc sống ở bên trong cánh cửa bệnh viện… Không náo nhiệt đông vui như ngoài kia, không gian trong này lắng lại bởi những nỗi đau, sự khẩn thiết. Một sự chậm trễ, thờ ơ cũng liên quan đến mạng sống con người; một làn dao, một mũi kim cũng không thể ngẫu hứng, tình cờ; không có sự lựa chọn hay chối từ người bệnh; một lời nói vô tình cũng dẫn đến niềm tuyệt vọng…

Nghề nào phải trải qua khoảng thời gian học tập dài nhất? Hẳn là nghề y. Nghề nào phải chịu đựng những áp lực quá lớn cả về thời gian và tính chất phức tạp của công việc? Chắc là nghề y. Nghề nào phải hàng giờ, hàng ngày đối diện với nỗi đau thân thể, nỗi đau tinh thần và cả những hoàn cảnh bi đát, thương tâm của con người? Hẳn là nghề y.

Hiểu thật rõ cái khó, cái khổ về nghề, nhưng bằng tình yêu, hơn 12.000 cán bộ, nhân viên y tế Nghệ An đã chung vai gánh vác vượt qua muôn vàn khó khăn, và những thách thức vô cùng lớn của hai năm chống chọi dịch bệnh Covid để không ngừng trưởng thành. Hệ thống cơ sở khám chữa bệnh ở Nghệ An đã phát triển nhanh chóng với 13 bệnh viện tuyến tỉnh, 7 bệnh viện đa khoa cấp huyện, 21 trung tâm y tế cấp huyện và 16 bệnh viện tư nhân. Ngành y Nghệ An cũng đã hoàn thành một số mục tiêu lớn: xây dựng trung tâm kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ tại thành phố Vinh; thực hiện thành công các kỹ thuật tiên tiến, phức tạp như can thiệp tim mạch, mổ tim hở, phẫu thuật mạch máu, thần kinh, cột sống, kỹ thuật ghép tủy…

Hạnh phúc biết bao khi hiểu được rằng, chỉ có người thầy thuốc mới có đủ sự tin cậy để người bệnh gọi dậy giữa đêm khuya, đủ tin cậy để sẻ chia những gì sâu kín nhất, mới đủ sức làm vơi đi nỗi sợ hãi, lo lắng khôn cùng…

Vì tính chất mang lại sự sống, nên nghề thầy thuốc là nghề “ được tặng thưởng nhiều nhất trên đời”. Những giây phút vinh quang của hoa và ngập tràn lời cảm tạ, song ngẫm ra cũng đầy hư ảo khi “niềm vui cứu người thường qua mau trong khi những tổn thất tinh thần từ sự ra đi của bệnh nhân lại thường đeo đẳng trong kí ức”. Đó không đơn thuần là sự day dứt khi bất lực, đầu hàng bệnh tật, mà sâu xa hơn là sự hụt hẫng của một con người đã sát cánh chiến đấu với một người khác qua nhiều tháng ngày, từ xa lạ đến thân thiết, và hôm này chỉ còn lại có mình…

Phải thế chăng, mà những ai đi cùng màu áo trắng, là đã đến với một tâm nguyện lớn lao để “chọn nghiệp” chứ không đơn giản là đầu tư hay kiếm tiền? Cũng vì thế chăng mà người thầy thuốc luôn phải day dứt, đắn đo trước từng ca bệnh, ám ảnh ăn năn qua nhiều tháng năm khi chỉ một phút lỡ lầm?

Tự hào biết bao, khi mà trong cuộc sống đang trôi chảy cùng bao nhiêu cám dỗ, thì những người áo trắng vẫn cần mẫn ngày đêm túc trực bên giường bệnh. Không hiếm người quên ăn, quên ngủ để tìm ra căn nguyên bệnh tật, đứng hàng ngày trời cho một ca mổ khó, sẵn lòng hiến cả dòng máu trong mình để cứu bệnh nhân, trực dịch hàng tháng trời trong môi trường lây nhiễm cao… Vất vả, gian khổ và hy sinh, nhưng sáng ngời tinh thần tự nguyện bởi mỗi thầy thuốc đều  hiểu rằng sinh mạng người bệnh đang ở trong tay mình. Hiểu rằng không chỉ những viên thuốc, những mũi tiêm…mà một cái nắm tay, một ánh mắt ấm áp, một lời nói ân cần sẽ ấm lên niềm hy vọng. Hiểu rằng, khi khoác lên tấm áo trắng, đã thiêng liêng khắc ghi lời thề trước tượng Hypocrate- Y tổ của Thế giới và Hải Thượng Lãn Ông- Y tổ của Việt Nam coi nghề thầy thuốc “ như một con đường cứu người và giúp đời”, và đinh ninh lời dặn dò của Bác Hồ kính yêu: Lương y như từ mẫu.

Tạp chí Sông Lam

Leave a Reply