LTS: Trong suốt hơn 50 năm qua, từ năm 1967, năm thành lập Chi hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà có nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tài năng thuộc nhiều lĩnh vực. Họ đã cống hiến một đời cho VHNT và để lại nhiều tác phẩm giá trị.
Có thể nói, gia đình là chỗ dựa vững chắc cho văn nghệ sĩ sau những thác ghềnh trên con đường nghệ thuật. Hạnh phúc biết bao khi nhiều văn nghệ sĩ có con cũng theo đuổi niềm đam mê cùng cha, mẹ, cùng tiếp bước mẹ, cha theo đuổi nghệ thuật, như những mầm cây được nuôi dưỡng bằng nguồn nhựa sống đam mê. Chung một con đường nghệ thuật – nơi đó vừa có chông gai thử thách, nhưng cũng xiết bao hạnh phúc.
Cha, mẹ và con cùng tắm mình trên dòng sông nghệ thuật. Cha, mẹ dìu dắt con, con noi theo tấm gương của cha, mẹ mà dần vững vàng mà tự bơi ra biển lớn. Ấy là hạnh phúc, là hồng phúc không của chỉ của gia đình mà còn là của cả một nền văn nghệ địa phương.
Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt là kế thừa những giá trị của cha ông. Thế hệ con cháu luôn trân trọng cống hiến của những người đi trước, đặc biệt là của chính gia đình mình. Với người Việt, truyền thống gia đình là giá trị vĩnh hằng mà tất thảy chúng ta ai cũng khát khao gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, nếu trong các lĩnh vực khác, việc tiếp nối truyền thống cha ông không quá khó, thì trong lĩnh vực nghệ thuật không đơn giản chút nào bởi nó đòi hỏi những tố chất đặc biệt, niềm đam mê đặc biệt mới có thể theo đuổi cái nghiệp của cha ông.
Thật may mắn khi nền văn nghệ Nghệ An có những cặp cha – con, mẹ – con cùng nhau tiếp bước trên con đường nghệ thuật. Họ đem đến cho khu vườn văn nghệ tỉnh nhà thêm nhiều hương sắc, mỗi người mỗi vẻ. Điều đáng mừng là nhiều văn nghệ sĩ thuộc thế hệ sau đã thoát khỏi cái bóng của cha, mẹ mà khẳng định tên tuổi của mình.
Để tri ân những bậc cha, mẹ đã dìu dắt con trên con đường nghệ thuật, ghi nhận những nỗ lực của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay, Tạp chí Sông Lam xây dựng chuyên đề “Những gia đình văn nghệ ‘Cha truyền con nối’ với mong muốn gửi tới quý độc giả những câu chuyện hay, xúc động của những cặp cha – con, mẹ – con nghệ sĩ trên mảnh đất Nghệ An suốt hàng chục năm qua.
BÀI 2: CÙNG YÊU CÁI ĐẸP TỪ NHỮNG MẢNG MÀU
Quê gốc ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) nhưng họa sỹ Hoàng Hải Thọ lại trải qua tuổi thơ lăn lộn kiếm sống trên từng góc phố của thị xã Vinh, từ một anh công nhân cơ khí ô tô đam mê cháy bỏng với hội họa đã vượt lên mọi gian khó, thử thách và trở thành một họa sỹ có nhiều thành tựu trong nền mỹ thuật Nghệ An. Trong dòng chảy cuộc đời và hoạt động nghệ thuật ấy, họa sĩ Hoàng Hải Thọ đã gieo nhiều cảm hứng và truyền lan niềm đam mê hội họa, tình yêu văn chương cho con trong gia đình.
Vẽ về cái “cảm thấy” chứ không chỉ “nhìn thấy”
Tâm sự về con đường tới hội họa, họa sỹ Hoàng Hải Thọ chia sẻ: “Niềm đam mê hội họa của tôi có lẽ đã chịu nhiều ảnh hưởng từ ở bố mình. Ông cụ vốn là một kiến trúc sư được đào tạo từ thời Pháp và sau này đã có nhiều đóng góp cho công cuộc tái thiết, quy hoạch, xây dựng thành phố Vinh sau chiến tranh”.
Trong ba người con, có Hoàng Minh Phương đã tiếp nối con đường hội họa của ông. Họa sĩ Hoàng Minh Phương tâm sự: “Bố tôi không dạy con phải vẽ thế này, vẽ thế kia. Ông dạy con bằng sự cần mẫn, xúc cảm sáng tạo của bản thân mình, đồng thời dạy cho các con yêu cái đẹp từ chính mảng màu của hội họa”.
Hoàng Hải Thọ sinh năm 1945, quê ở làng Châu Trinh, xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội năm 1984, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Hơn 30 năm công tác tại ngành văn hóa Nghệ An, là quãng thời gian ông cống hiến không mệt mỏi cho lĩnh vực thông tin cổ động với nhiều tác phẩm giá trị về tranh cổ động, tranh sơn dầu, tranh khắc gỗ và mảng phù điêu, tượng đài…
Tranh của Hoàng Hải Thọ giản dị và tiềm ẩn sự đa diện, sâu sắc và tính hiện thực được khái quát cao. Ông vẽ nhiều chủ đề khác nhau, nhưng sở trường vẫn là những đề tài truyền thống về quê hương, con người và thiên nhiên. Tranh của ông thấm đẫm chất dân gian, gần gũi với đời thường như Vinh quy, Đi nhủi, Về đi voi ơi, Bắt cá đêm trăng, Ký ức mùa lũ, Nắng công viên… đều được sáng tạo trên nền sơn dầu, giấy dó, khắc gỗ… Họa sỹ Hoàng Hải Thọ tâm đắc: “Tôi rất ưa thích mảng tranh sơn dầu theo quan niệm tạo hình truyền thống phương Ðông, sử dụng cả hai thủ pháp gợi và tả, không vẽ trên cái thấy thường tình, mà vẽ theo cái thuộc, cái cảm. Phong cách ấy cũng ảnh hưởng đến con là vẽ về cái cảm thấy chứ không phải theo cái nhìn thấy”.
Ở mảng tranh khắc gỗ, họa sỹ Hoàng Hải Thọ đã tiếp thu nét tinh hoa của nghệ thuật khắc gỗ truyền thống bằng hệ thống nét đen, không gian ước lệ kết hợp hài hòa với hình thức tạo hình hiện đại trong xử lý bố cục, không gian, diễn hình, diễn màu để làm nên những bức tranh vừa mộc mạc chân quê vừa tinh tế và hiện đại. Ðiều đó tác động trực tiếp đến thị giác và cảm xúc trong sâu thẳm tâm hồn của người xem. Phong cách của ông cũng giúp họa sỹ Hoàng Minh Phương sau này có cách biểu đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật riêng mình.
Họa sỹ Hoàng Hải Thọ đã giành được nhiều giải thưởng ở nhiều thể loại: Giải C Triển lãm 10 năm mỹ thuật Nghệ An (1985-1995), Giải Nhất tranh cổ động Nghệ An 1996; Giải thưởng của Quỹ phát triển Văn hóa Việt Nam – Thủy Điển (SIDA) năm 2000, Giải khu vực Bắc miền Trung do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức năm 1996, 1997, 1998, 1999, 2006, 2012, 2018; Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương năm 1995, 2002, 2005, 2010, 2016, 2022; 5 lần tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc, nhiều tranh trưng bày tại các triển lãm mỹ thuật quốc tế ở Bungari, Trung Quốc và Rumani.
Hoàng Hải Thọ được biết đến là tác giả và đồng tác giả của nhiều tác phẩm điêu khắc tiêu biểu ở Nghệ An như: tượng đài khởi nghĩa Đô Lương, Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh ở Tân Kỳ, tượng đài Kênh Nhà Lê, Đài tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng hi sinh ở Nhà lao Vinh, các mảng phù điêu và trưng bày ở Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong…. Ông còn là tác giả của các logo như Lễ hội Làng Sen, Lễ hội Hang Bua, biểu trưng Cửa Lò, Lễ hội đền Vua Mai, biểu trưng Lễ hội Uống nước nhớ nguồn ở Anh Sơn…. Ngoài ra, ông có nhiều tác phẩm minh họa trên tạp chí Sông Lam.
Cả cuộc đời dường như Hoàng Hải Thọ luôn dành đam mê cho hội họa, kể cả sau này bị tai biến tới hai lần, đi lại khó khăn, sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn kiên trì tập luyện, phục hồi để tiếp tục cầm cọ cống hiến những tác phẩm mỹ thuật cho đời.
“Thừa hưởng giá trị từ tâm hồn của bố”
Thừa hưởng không chỉ cái gene và tình yêu hội họa từ bố, họa sĩ Hoàng Minh Phương cho rằng, bố mình đã gieo tình yêu sách vở, hội họa cho con khi ông đã xây dựng được một thư viện nhỏ ngay trong gia đình. Trong thư viện đó là hàng trăm tác phẩm văn học kinh điển, từ đông tây kim cổ mà ông đã dành cả đời để sưu tập: “Chúng tôi không chỉ tự hào về dòng họ, truyền thống gia đình, mà còn được thừa hưởng giá trị từ chính tâm hồn bố tôi. Chính là tâm hồn ông đã ngân lên giai điệu về tình yêu với cái đẹp. Tôi nghĩ giá trị của cái đẹp chính là khi người nghệ sĩ “nói” bằng tác phẩm, và người khác nhận về xúc cảm. Bố tôi đã truyền cho chúng tôi và thế hệ sau nữa những điều đó”.
Họa sĩ Hoàng Minh Phương đã chọn cách sống, làm việc không khoa trương, và xây dựng cho mình một phong cách riêng, tạo nên gương mặt hội họa, làm đa dạng phong cách của một gia đình nghệ thuật.
Họa sỹ Hoàng Minh Phương sinh năm 1971, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội chuyên ngành đồ họa, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Vừa trên cương vị làm quản lý (hiện anh là Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa – Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An) nhưng anh vẫn dành nhiều tâm huyết với hội họa. Họa sỹ Minh Phương được nhắc đến với “thương hiệu” tranh cổ động, logo và biểu trưng. Sáng tạo ở mảng này đòi hỏi sự tỉ mỉ, mà người thiết kế phải tìm được hình tượng vừa dễ hiểu, dễ truyền đạt, gần gũi với số đông công chúng mà lại phải mang tính khái quát cao.
Hoàng Minh Phương đã đạt được rất nhiều giải thưởng ở cuộc thi trong nước. Các sáng tác của anh được nhiều người biết như Giải Nhất toàn quốc cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng Đại hội Đảng XI năm 2010, Giải Nhất toàn quốc cuộc thi sáng tác tranh cổ động về đề tài xây dựng nông thôn mới năm 2012, Giải Nhất cuộc thi sáng tác biểu trưng thị xã Hồng Lĩnh năm 2017, Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương… Ngoài ra anh có nhiều tác phẩm đạt giải tại các cuộc Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung như Chùm minh họa Truyện Kiều, Hát ví phường vải, Đường vào chiến dịch (khắc gỗ)….
Dù đạt nhiều thành công nhưng họa sĩ Hoàng Minh Phương cho rằng: “Xét đến cùng, sáng tạo logo, biểu trưng, tranh cổ động cũng phải xuất phát từ niềm yêu thích, đam mê. Cũng là sáng tạo cái đẹp, công việc ấy đòi hỏi phải mang tính khái quát cao, có sự nhạy cảm”. Họa sĩ Hoàng Minh Phương nhấn mạnh: “Lúc nào tôi cũng nhớ lời bố nhắc nhở và học hỏi từ bố tôi,rằng, nếu chỉ có khiếu hội họa thôi chưa đủ, cần phải có nguồn tri thức dồi dào và một trái tim nhạy cảm”.
Hà Anh