LTS: Trong suốt hơn 50 năm qua, từ năm 1967, năm thành lập Chi hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà có nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tài năng thuộc nhiều lĩnh vực. Họ đã cống hiến một đời cho VHNT và để lại nhiều tác phẩm giá trị.

Có thể nói, gia đình là chỗ dựa vững chắc cho văn nghệ sĩ sau những thác ghềnh trên con đường nghệ thuật. Hạnh phúc biết bao khi nhiều văn nghệ sĩ có con cũng theo đuổi niềm đam mê cùng cha, mẹ, cùng tiếp bước mẹ, cha theo đuổi nghệ thuật, như những mầm cây được nuôi dưỡng bằng nguồn nhựa sống đam mê. Chung một con đường nghệ thuật – nơi đó vừa có chông gai thử thách, nhưng cũng xiết bao hạnh phúc.

Cha, mẹ và con cùng tắm mình trên dòng sông nghệ thuật. Cha, mẹ dìu dắt con, con noi theo tấm gương của cha, mẹ mà dần vững vàng mà tự bơi ra biển lớn. Ấy là hạnh phúc, là hồng phúc không của chỉ của gia đình mà còn là của cả một nền văn nghệ địa phương.

Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt là kế thừa những giá trị của cha ông. Thế hệ con cháu luôn trân trọng cống hiến của những người đi trước, đặc biệt là của chính gia đình mình. Với người Việt, truyền thống gia đình là giá trị vĩnh hằng mà tất thảy chúng ta ai cũng khát khao gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, nếu trong các lĩnh vực khác, việc tiếp nối truyền thống cha ông không quá khó, thì trong lĩnh vực nghệ thuật không đơn giản chút nào bởi nó đòi hỏi những tố chất đặc biệt, niềm đam mê đặc biệt mới có thể theo đuổi cái nghiệp của cha ông.

Thật may mắn khi nền văn nghệ Nghệ An có những cặp cha – con, mẹ – con cùng nhau tiếp bước trên con đường nghệ thuật. Họ đem đến cho khu vườn văn nghệ tỉnh nhà thêm nhiều hương sắc, mỗi người mỗi vẻ. Điều đáng mừng là nhiều văn nghệ sĩ thuộc thế hệ sau đã thoát khỏi cái bóng của cha, mẹ mà khẳng định tên tuổi của mình.

Để tri ân những bậc cha, mẹ đã dìu dắt con trên con đường nghệ thuật, ghi nhận những nỗ lực của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay, Tạp chí Sông Lam xây dựng chuyên đề “Những gia đình văn nghệ ‘Cha truyền con nối’ với mong muốn gửi tới quý độc giả những câu chuyện hay, xúc động của những cặp cha – con, mẹ – con nghệ sĩ trên mảnh đất Nghệ An suốt hàng chục năm qua.

BÀI 1: NHẠC SĨ LÊ HÀM VÀ CẬU CON TRAI “NGỦ DƯỚI GẦM SÂN KHẤU”

Năm nay nhạc sĩ Lê Hàm đã bước sang tuổi 90, thế nhưng ông vẫn còn giữ được sự mẫn tiệp, sáng suốt khi nói chuyện, nhất là nói về âm nhạc. Thực sự, ông là một kho tài liệu sống về dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Chân chồn, gối mỏi, bước đi chậm chạm nhưng đôi mắt của nhạc sĩ Lê Hàm vẫn đầy thần thái. Niềm vui của ông là có một gia đình êm ấm, một người vợ (nữ nghệ sĩ múa Minh Khiêm) đã đồng cam cộng khổ cùng ông suốt 50 năm nay, có người con trai đã được ông dìu dắt và bước theo nghiệp bố trên con đường âm nhạc – nhạc sĩ Lê Hồng Kỳ.

Nhạc sĩ Lê Hàm (bên phải) và con trai Lê Hồng Kỳ. Ảnh: Hữu Vinh.

Nhạc sỹ của nhiều ca khúc nổi tiếng

Nhạc sĩ Lê Hàm sinh năm 1934, quê xã Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An. Ông tốt nghiệp Khoa Sáng tác, Nhạc viện Âm nhạc Hà Nội; nguyên là Phó Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An.

Đến nay, nhạc sĩ Lê Hàm đã sưu tầm, nghiên cứu, góp phần bảo tồn khoảng 200 làn điệu dân ca, bao gồm: hò, vè, ví, giặm… Bằng vốn hiểu biết sâu rộng, ông đã tìm ra nguồn gốc, đặc trưng âm nhạc của các làn điệu âm nhạc dân gian. Những nghiên cứu này được tập hợp trong cuốn Âm nhạc dân gian xứ Nghệ (NXB Nghệ An, năm 2000) cùng 2 tác giả Hoàng Thọ và Thanh Lưu do nhạc sĩ Lê Hàm làm chủ biên. Ngoài ra, ông còn là tác giả của bộ sách 3 tập, Dân ca Nghệ Tĩnh (Sở VHTT, Hội Văn nghệ Hà Tĩnh xuất bản, 1970).

Nhạc sĩ Lê Hàm là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng: “Tiếng hát đêm trăng” (1956); “Gái sông La”; “Vinh thành phố bình minh” (1979); “Người mẹ làng Sen” (1990)… được nhiều người yêu thích. Ông từng đạt giải A, giải thưởng VHNT Nguyễn Du cho tác phẩm Vinh thành phố bình minh; Giải VHNT Hồ Xuân Hương cho tác phẩm Người mẹ làng Sen; giải nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; giải khuyến khích Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam…

Vì những cống hiến to lớn ấy, năm 2022, nhạc sĩ Lê Hàm vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT với chùm 3 tác phẩm âm nhạc: Người mẹ Làng Sen, Gái sông La, Việt Nam trong trái tim ta.

Cha con nhạc sĩ Lê Hàm, Lê Hồng Kỳ tại lễ trao giải thưởng Nhà nước về VHNT, tổ chức năm 2023.

Từ cậu bé theo cha đi diễn

Nhạc sĩ Lê Hồng Kỳ đỡ bố ngồi xuống rồi cùng nói về những kỷ niệm xa xưa. Những năm tháng gia đình ở Diễn Châu cho đến thời kỳ vào Hà Tĩnh sinh sống rồi về Vinh, được hồi tưởng qua dòng ký ức của hai cha con. Đó là những năm tháng khó khăn vất vả của gia đình và cũng là của toàn dân tộc vì phải gồng mình phục vụ cho cuộc kháng chiến cứu quốc. Nhạc sĩ Lê Hàm và nghệ sĩ Minh Khiêm kết hôn năm 1964, lúc ấy cả hai vợ chồng cùng công tác ở Đoàn Văn công Hà Tĩnh, đến 1968 thì sinh Lê Hồng Kỳ. Ngày cậu bé Kỳ còn nhỏ, cậu đã phải theo bố mẹ đi diễn ở những trận địa pháo phục vụ bộ đội, những đêm diễn xa nhà hàng chục cây số trong cái thời bom lửa chiến tranh. Nhạc sĩ Lê Hàm kể lại: có những đêm Kỳ theo bố mẹ đi diễn, đêm khuya, nó phải nằm dưới chân bố, dưới sàn sân khấu. Hết năm này qua năm khác, Lê Hồng Kỳ lớn lên cùng những lời ca, khúc hát, điệu múa, tiếng đàn của cha mẹ, của các cô, các chú mà trưởng thành. Có lẽ những năm tháng được tắm mình trong môi trường văn nghệ ấy đã hun đúc ở cậu bé Kỳ tình yêu âm nhạc và khát khao trở thành nhạc sĩ sau này.

Nhạc sĩ Lê Hồng Kỳ, Trưởng Đoàn Văn công Quân khu IV. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Nhạc sĩ Lê Hàm hồi tưởng: khi Kỳ còn nhỏ, tôi được tặng một chiếc đài National, đêm nào cũng mở nhạc cho con nghe những làn điệu dân ca ví, giặm, nhạc truyền thống, những ca khúc cách mạng… những bài hát ấy đã lôi cuốn cậu bé.

Lê Hồng Kỳ sớm bộc lộ niềm đam mê và năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, những năm học cấp hai, Lê Hồng Kỳ rất mê ghi ta, anh được bố truyền dạy cho những gam nhạc đầu tiên để chơi và biểu diễn trong nhà trường những dịp lễ hội. Mỗi ngày một chút, như một cây non được chăm bẵm trong một môi trường thuận lợi, tình yêu dành cho âm nhạc dần lớn trong cậu bé Kỳ để rồi sau này anh quyết tâm đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp, con đường mà ở đó đã có dấu chân của người bố thân yêu, người thầy đầu tiên, tạo cảm hứng, niềm tin yêu để anh yên tâm tiếp bước. Năm 1983 Lê Hồng Kỳ theo học bồi dưỡng ở Trường Nghệ thuật Quân đội, đến năm 1987 anh dự thi và trúng tuyển, chính thức là học viên của trường. Ra trường, Lê Hồng Kỳ về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu IV, từ năm 1999 đến năm 2004, anh học Nhạc viện Quốc gia Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia).

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Lê Hồng Kỳ luôn lấy bố làm hình mẫu để phấn đấu, đặc biệt là tình yêu, niềm đam mê âm nhạc của nhạc sĩ Lê Hàm đã trở thành cảm hứng, thổi vào anh một sức nóng, một khát khao. Về nghệ thuật, Lê Hồng Kỳ cũng chịu ảnh hưởng của âm nhạc dân gian. Dòng nhạc mà anh theo đuổi là dân gian – thính phòng cũng có cảm hứng từ người cha của mình. Nhạc sĩ Lê Hàm vẫn thường nhắc con câu nói của nhạc sĩ Liên Xô Be-la-rut-xep, người thầy dạy nhạc của ông: “các nhạc sĩ luôn luôn phải học tập trong âm nhạc dân gian, mỗi người nên thuộc ít nhất 5 đến 10 bài dân ca”.

Trong suốt gần 30 năm miệt mài sáng tác, nhạc sĩ Lê Hồng Kỳ đã có nhiều tác phẩm, trong đó những tác phẩm được anh phối khí, dàn dựng được huy chương vàng, bạc, tại các hội diễn, như: huy chương Vàng Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2003 tại Quân khu IV; giải C, nhạc múa, Hội thi Múa tài năng trẻ Hà Nội, năm 2008; hợp xướng soạn từ ca khúc Người là niềm tin tất thắng của nhạc sỹ Huy Du được giải Bạc tại Liên hoan Ca múa nhạc Tiếng hát đường 9 xanh, năm 2005; giải C, giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ IV (năm 2010); Huy chương Bạc về các ca khúc tại hội diễn đường 9 xanh, Quảng Trị, năm 2010; ca khúc Mẹ Tổ quốc được trao giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Phụ nữ Quân đội do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trao tặng năm 2023.

Hiện nay nhạc sĩ Lê Hồng Kỳ đã mang quân hàm Đại tá, Trưởng Đoàn Văn công Quân khu IV. Anh nhớ mãi đêm nhạc Lê Hàm do Đài PT-TH Nghệ An, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tháng 1/2018 mà anh là người phối khí, dàn dựng và tổ chức cho những tác phẩm của cha mình. Đó là đêm nhạc tôn vinh một cây đại thụ của âm nhạc Nghệ An đương đại đang sống và làm việc trên quê hương. Suốt một đời phục vụ công chúng, đây là lần đầu tiên nhạc sĩ Lê Hồng Kỳ được phục vụ cha mình, hai cha con cùng chung một đêm diễn, cả gia đình cùng thưởng thức những tiết mục của cha, ông, trong một thính phòng trang trọng, không còn bom rơi đạn nổ hay tiếng còi báo động; không còn sự thấp thỏm lo âu khi cha chỉ huy dàn nhạc, con phải nằm dười gầm sân khấu như những năm xưa. Một cảm xúc đặc biệt khiến nhạc sĩ Lê Hồng Kỳ rưng rưng xúc động.

Nói về con trai mình, nhạc sĩ Lê Hàm vui vẻ chia sẻ: tôi biết rằng theo đuổi con đường nghệ thuật thì khó có thể giàu có, nhưng tôi tôn trọng quyết định và niềm đam mê của con. Tôi phát hiện tài năng và bồi dưỡng cho con nhưng để con tự quyết định cuộc đời mình. Tôi không ép buộc con theo con đường nghệ thuật nhưng nếu hữu xạ tự nhiên hương thì cũng thật đáng quý.

Con đường nghệ thuật là con đường không có lối đi ưu ái theo cách cha truyền con nối bởi lẽ nếu không có tài năng, không có niềm đam mê thì không thể trụ với nghề. Nhạc sĩ Lê Hồng Kỳ đã tiếp nhận từ cha mẹ tình yêu, niềm đam mê và năng khiếu nghệ thuật, anh đã đứng bằng đôi chân của chính mình trên con đường âm nhạc nhưng nhạc sĩ Lê Hàm mãi là người thầy lớn, là người đồng nghiệp lớn của anh.

Trần Hữu Vinh