Tri ân, ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ là đạo lý uống nước nhớ nguồn, nét văn hóa trùng hợp của hai dân tộc Lào – Việt Nam. Chính vì vậy, trên khắp đất nước, Đảng và Nhà nước Lào đã chủ trương xây dựng hàng loạt đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh trên các chiến trường Lào.

Đi đâu ta cũng gặp những tượng đài mang hình ảnh hai người chiến sĩ Lào và Việt Nam sát cánh bên nhau chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng đất nước, vì nền độc lập và tự do của hai dân tộc Việt Nam – Lào.

Nghĩa trang Liệt sĩ Việt – Lào tại huyện Anh Sơn, nơi yên nghỉ của gần 11.000 liệt sĩ được quy tập tại Lào

Hình ảnh ông Mai Xuân Mạnh, quê thành phố Hạ Long gục khóc nức nở bên bộ hài cốt bố mình là liệt sỹ Mai Xuân Tách, hy sinh tại chiến trường cánh đồng Chum Xiengkhuang cứ ám ảnh tôi mỗi lần đứng dưới chân tượng đài chiến sĩ liên quân Việt – Lào. Ông kể, năm 2009, có người mách bảo ghé Đội quy tập hài cốt thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, đóng tại tỉnh Xiengkhuang để nhờ tìm mộ bố. “Đã bốn mươi năm liên tục tôi đi tìm bố. Sang bên Lào tôi có cái khó là không biết đường, không biết tiếng, nhưng vì tình mẫu tử, tôi vẫn đi, tôi đi sang tới tỉnh Xiengkhuang, tôi nhờ người dân đưa đến Đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam, cung cấp thông tin nhờ họ tìm giúp và bây giờ tôi đã tìm được hài cốt của bố. Khi nhìn thấy bộ hài cốt, tôi linh cảm đích thị đó là bố tôi. Lúc đó tôi òa khóc như một đứa trẻ. Tôi vui vì hơn bốn mươi năm tôi đi tìm bố nay đã toại nguyện. Khi mẹ tôi còn sống, mẹ dặn bằng mọi giá con phải tìm được bố, cho dù đó chỉ là nắm xương. Nhưng tôi vô vọng vì không biết phải làm thế nào. Nay nhờ các chiến sĩ Đội quy tập đã tìm được bố tôi”. Ông Mạnh sụt sùi, chậm rãi nhả từng câu, kể.

Gia đình ông Mai Xuân Mạnh là một trong hàng vạn gia đình Việt Nam đã mất những người thân yêu hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, vì sự nghiệp giải phóng hai đất nước Lào và Việt Nam trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

Những địa danh cánh đồng Chum Xiengkhuang, Sepon, Muangphin, bản Đông, cao nguyên Bolaven, đường 9 Nam Lào… đã đi vào sử sách của hai dân tộc Việt Nam và Lào bởi cuộc chiến tàn khốc do đế quốc Mỹ gây ra. Chỉ tính riêng Nghĩa trang Việt – Lào trên địa bàn huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An, từ năm 1984 đến nay, Đội quy tập (trước đây là Đoàn quy tập) tỉnh Nghệ An đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập và đưa từ Lào về nước hơn 12.000 phần mộ liệt sĩ. Trong đó chỉ có gần 1.700 liệt sĩ xác định được đầy đủ họ tên và quê quán.

Ông Đoàn Minh Nguyệt, cựu chiến binh trú ở xóm 22, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, người từng được Bác Hồ gắn huy hiệu của Người lên ngực áo tại Đại hội điển hình lái xe miền Bắc năm 1968; vinh dự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT Nhân dân” khi đang chiến đấu tại chiến trường Nam Lào năm 1970 kể: “Mùa mưa 1965, đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn bị sạt lở, nhiều đoạn lầy lội, trơn trượt kéo dài hàng trăm cây số. Trên đầu thì máy bay Mỹ quần thảo, thỉnh thoảng chúng lại nhả đạn, thả bom vu vơ nhằm chặn các tuyến hành quân tiếp tế của ta. Có lần tôi cho xe chạy qua ngầm thuộc tỉnh Savannakhet thì xe bị trúng bom. Tôi bị thương, máu xối xả từ đầu xuống vai, ngực ướt đẫm nhưng bằng nghị lực và ý chí tuổi thanh xuân, tôi vẫn lái xe vượt đoạn đường hiểm trở để cứu hàng, cứu xe, sau đó mới ghé vào một binh trạm cấp cứu. Tôi ngất đi, tỉnh dậy, mới biết là xe và hàng vẫn còn. Tôi mừng quá, hàng còn xe còn chính là liều thuốc tiên làm tôi vượt qua thương tật”. Ông Đoàn Minh Nguyệt nhớ lại: “Trên cơ thể tôi do có nhiều mảnh bom găm vào nên tôi được chuyển về bệnh viện quân y điều trị, sau hơn một tháng, dù chưa hoàn toàn bình phục nhưng vì nhiệm vụ cao cả, tôi lại xin cấp trên ra viện và nhận xe tiếp tục chở hàng sang Lào”…

Những người lính thời ấy đã chiến đấu dũng cảm như thế. Cũng chính vì vậy, những đài tưởng niệm liên minh chiến đấu Lào – Việt đã mọc lên trên khắp nước Lào.

Đồng bào Việt kiều viếng các liệt sĩ tại khu tưởng niệm liệt sĩ Việt – Lào Bankon

Tại Ban Kon (Bản Cơn), huyện Phone Hong, tỉnh Vientiane, ít ai biết đây là địa điểm giặc Pháp đã chôn tập thể 26 chiến sĩ liên quân Việt – Lào năm 1946. Nơi đây đã được Trung ương Hội Cựu chiến binh Lào phối hợp với Tổng Hội người Việt Nam tại Lào và chính quyền tỉnh Vientiane xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ Ban Kon trong một khuôn viên rộng hơn 3.000m2. Tâm điểm của khu tưởng niệm là đài cao 11m, rộng 9m, có ba bậc lên xuống. Bên trong có bia đá ghi tên mười một liệt sĩ gồm hai liệt sĩ Lào, tám liệt sĩ Việt Nam và một tình nguyện viên người Nhật. Khu tưởng niệm liệt sĩ Việt – Lào tại Ban Kon được xây dựng giao thoa kiến trúc Việt – Lào, vừa có hình rồng thếp vàng bốn phía, mái ngói che trên bốn cột. Chính giữa là bia đá đen khắc tên các liệt sĩ bằng chữ màu vàng theo danh bia truyền thống Việt Nam cùng hai lá cờ Tổ quốc hai nước Việt – Lào. Đài tháp nằm gọn dưới tán cây cổ thụ uy nghiêm như một chiếc lọng khổng lồ chở che cho các liệt sĩ. Bên cạnh đài tưởng niệm cách khoảng hai mươi mét là cái giếng mà kẻ địch đã ném xác liệt sĩ vùi chung thành ngôi mộ tập thể. Tại miệng giếng, nay được xây bao quanh và có bia đá đen khắc chữ Việt và Lào màu vàng: “Tổ quốc ghi công”.

Theo tài liệu được lưu giữ ở nhà trưng bày thì khu tưởng niệm này còn ghi nhớ trận chiến thắng Ban Kon ngày 01/01/1946 của Liên quân Lào – Việt đã làm thay đổi cục diện quân sự của giặc Pháp lúc bấy giờ trên chiến trường Lào, nhất là tại tỉnh Vientiane và thủ đô Vientiane.

Ông Trần Hanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đồng hương Xiengkhuang tại thủ đô Vientiane cho biết, mỗi năm, cứ đến ngày 27/7, ngày Thương binh Liệt sĩ Việt Nam là bà con Việt kiều tại Lào lại hành hương về đây thắp nén tâm nhang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nguyện cùng nhau hướng về Tổ quốc, giáo dục con cháu giữ gìn thành quả cách mạng mà các anh hùng liệt sĩ đem lại, giúp nhau trong cuộc sống, chấp hành tốt chủ trương chính sách và pháp luật nước sở tại.

Giữa trung tâm thị xã Phonsavanh, một thị xã đã thay da đổi thịt từng ngày theo sự phát triển và đổi mới của tỉnh Xiengkhuang, đứng nơi đâu tôi cũng nhìn thấy tượng đài chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam sừng sững vì được xây dựng trên đồi cao. Tượng đài rực rỡ thếp vàng càng rực sáng khi nắng lên, điểm tô thêm vẻ đẹp cho thị xã cao nguyên này và gợi nhớ cho du khách về một thời oanh liệt.

Đài tưởng niệm Liệt sĩ Việt – Lào tại tỉnh Xiêngkhuang

Ông Maikham, nguyên là Giám đốc Sở Lao động và Phúc lợi tỉnh Xiengkhuang cho biết: mỗi khi có các đoàn công tác Việt Nam hoặc ngày Quốc khánh nước CHDCND Lào thì lãnh đạo chính quyền tỉnh Xiengkhuang và các địa phương trong tỉnh đều đến đây dâng hương, hoa dưới chân tượng đài. Đặc biệt, mỗi năm hai lần, khi tỉnh Xiengkhuang tổ chức bàn giao, tiễn đưa hàng trăm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các cuộc kháng chiến trước đây, về với đất mẹ thì dưới chân tượng đài này là lễ dâng hương, hoa với những nghi thức trang trọng nhất theo phong tục Lào”.

Tại tỉnh Oudomxay, một tỉnh Bắc Lào, giáp tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, cách thủ đô Vientiane gần 700 cây số, ngay giữa trung tâm thị xã Muangxay, bạn cũng sẽ nhìn thấy uy nghi tượng đài chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đồi cao. Nếu muốn quan sát toàn bộ thị xã đang trên đà phát triển của miền Bắc Lào, thì bạn hãy đứng bên chân tượng đài.

Tướng Chansamone Chanyalath, khi đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào mời tôi về nhà một ngày thứ Bảy. Ông nói, khách quốc tế ở Lào rất nhiều nhưng chỉ khách Việt Nam là tôi mời đến nhà, cùng lên trang trại ăn cơm, đàm đạo. “Người thân ba năm không đến nhà thành người xa lạ, người dưng chăm đến nhau sẽ thành anh em ruột thịt”. Tướng Chansamone nói rồi mời tôi cùng ngắm trang trại. Khi đã là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, mỗi lần tiếp xúc, hay các cuộc giao lưu Lào – Việt ông đều nhấn mạnh: “Ở tất cả mỗi ngọn núi, cánh rừng, các con sông, con suối đều có dấu chân, mồ hôi và sự hy sinh xương máu của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Sự hy sinh của các đồng chí quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam là sự hy sinh cao cả, thiêng liêng không gì có thể sánh được. Họ đã dành cho đất nước và Nhân dân Lào cũng như đất nước và Nhân dân Việt Nam anh em có cuộc sống hòa bình ấm no hạnh phúc hôm nay. Nhân dân các dân tộc Lào luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ quý giá không có gì có thể so sánh được sự hy sinh mồ hôi xương máu, vật chất và tinh thần trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc vì độc lập, tự do cho Nhân dân Lào trước đây, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay”.

Tại tỉnh Xaysomboun, một tỉnh lọt giữa tỉnh Vientiane, Xiengkhuang và Bolikhamxay, nơi được biết đến là thủ phủ của phỉ Vàng Pao trước đây cũng vừa khánh thành đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Lào – Việt Nam. Đài tưởng niệm nằm giữa trung tâm thị xã Anuvong, có quy mô 4.300 m2, gồm khu trung tâm tượng đài diện tích 2.600 m2, bãi đỗ xe, nhà điều hành diện tích 1.700 m2 và các công trình phụ trợ chiếu sáng, cấp thoát nước khác. Trung tâm tượng đài gồm nhiều hạng mục như: tượng chính cao 11 m; tượng hai chiến sĩ cao 3,2 m; hai bức phù điêu đặt ở hai cánh gà.

Còn ở huyện Paksong, tỉnh Champasak, thuộc miền Nam Lào trên cao nguyên Bolaven nổi tiếng nhiều chiến dịch Nam Lào trước đây, Chính phủ Lào cũng vừa xây dựng đài tưởng niệm chiến sĩ Lào – Việt Nam trên diện tích hơn 4 hecta, bao gồm 13 hạng mục, gồm hai trụ tháp cao 11m đường kính 13m, một cụm phù điêu cao 4,5m, rộng 9m, một nhà điều hành, một nhà trưng bày, cùng nhiều hạng mục sân vườn, hệ thống điện nước…

Đến nay, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Việt Nam – Lào đã được xây dựng ở hầu khắp các tỉnh của Lào, những nơi trước đây từng là mặt trận ác liệt trong thời kỳ hai nước chung chiến hào đánh kẻ thù chung, mà nổi bật là tại các tỉnh Udomxay, Huaphanh, Vientiane, XiengKhuang, Xaysomboun, Savannakhet, Sekong, Khammuan, Bolikhamxay, Champasak và Attapeu.

Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith ghi sổ vàng từng viết: “Chúng ta xây dựng các tượng đài chiến sĩ Lào và Việt Nam tại trung tâm các tỉnh lỵ nhằm thường xuyên tuyên truyền giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp Nhân dân các dân tộc Lào, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn nhận thức sâu sắc hơn nữa về truyền thống của mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào – Việt Nam. Đảng, Nhà nước và Nhân dân các dân tộc Lào nguyện sẽ tiếp tục bảo vệ gìn giữ, nâng niu, vun đắp, làm cho mối quan hệ đặc biệt đó mãi mãi trường tồn và được truyền tiếp cho các thế hệ muôn đời sau. Truyền thống liên minh chiến đấu, quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, là di sản lịch sử quý báu, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân hai nước trong những năm tháng kháng chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Souphanouvong, Chủ tịch Caysone Phomvihane đã đặt nền móng xây dựng và các thế hệ hai nước luôn gìn giữ và phát huy”.

Lang Quốc Khánh

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 25, tháng 7/2022)